Chất tương phản

Chất tương phản là gì và tác dụng của chất tương phản?

Chất tương phản được dùng để cải thiện các hình ảnh bên trong cơ thể được tạo ra nhờ tia X, cắt lớp điện toán (CT), cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm. Thông thường, chất tương phản sẽ giúp bác sĩ phân biệt được tình trạng bình thường và bất thường của cơ thể.

Chất tương phản không phải là chất nhuộm làm đổi màu vĩnh viễn các cơ quan nội tạng. Đây chỉ là chất làm thay đổi tạm thời cách tương tác tia X hoặc các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác với cơ thể. Ngay trước khảo sát, chất tương phản khi được đưa vào trong cơ thể sẽ làm cho một số cấu trúc hay mô trong cơ thể hiển thị khác biệt trên hình ảnh so với lúc chưa có chất tương phản. Chất tương phản giúp phân biệt hoặc “làm tăng độ tương phản” cho những vùng được lựa chọn trong cơ thể với các mô xung quanh. Bằng cách cải thiện hình ảnh hiển thị của các cơ quan, mạch máu hoặc mô, chất tương phản sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Chất tương phản được đưa vào cơ thể bằng một trong bốn phương pháp sau, bao gồm:

–       Đường uống (qua đường miệng)

–       Bơm thụt (qua trực tràng)

–       Tiêm vào mạch máu (qua tĩnh mạch hoặc động mạch)

–       Tiêm vào khoang cơ thể (tử cung, khớp, bên trong đĩa đệm hoặc khoang dịch của cột sống, v.v)

Sau khi hoàn tất khảo sát hình ảnh có dùng chất tương phản, cơ thể sẽ hấp thu hoặc đào thải chất này qua đường tiết niệu hoặc đường tiêu hóa.

Có nhiều loại chất tương phản:

• Hợp chất gốc i-ốt và bari-sulfat được dùng trong chụp X-quang và chụp cắt lớp điện toán

  • Chất tương phản có thể là một cấu trúc hóa học chứa i-ốt, là một nguyên tố hóa học tự nhiên. Các chất tương phản này có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc động mạch, bên trong đĩa đệm, khoang dịch của cột sống, và các khoang khác của cơ thể.
  • Bari-sulfat là chất tương phản phổ biến nhất được dùng qua đường uống. Nó cũng có thể dùng qua đường trực tràng và có sẵn dưới nhiều dạng, như dịch lỏng hoặc bột nhão.
  • Khi chất tương phản gốc i-ốt và bari-sulfat đến vùng cơ thể cần khảo sát, chất này sẽ ngăn chặn hoặc làm hạn chế khả năng xuyên thấu của tia X. Kết quả là, các mạch máu, cơ quan và mô khác của cơ thể đang nhuộm các hợp chất gốc i-ốt hoặc bari tạm thời sẽ thay đổi cách hiển thị trên hình ảnh X-quang hoặc CT.

• Gadolinium là thành phần quan trọng của chất tương phản thường được dùng trong chụp cộng hưởng từ (MRI). Khi chất này đi vào cơ thể, nó sẽ làm thay đổi tính chất từ ​​của các phân tử nước lân cận, giúp làm tăng chất lượng của hình ảnh MRI.

• Dung dịch muối đẳng trương (nước muối), nước, keo gốc nước, CO2 và không khí cũng được dùng như chất tương phản trong một số khảo sát hình ảnh.

Các khảo sát chẩn đoán hình ảnh nào cần sử dụng chất tương phản?

Chất tương phản đường uống

Chất tương phản bari-sulfat thì được nuốt hoặc uống để làm tăng độ tương phản hình ảnh chụp X-quang và CT của đường tiêu hóa như hầu họng, thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già (đại tràng).

Chất tương phản đường trực tràng

Chất tương phản bari-sulfat dạng bơm thụt (đường trực tràng) được dùng để tăng độ tương phản hình ảnh chụp X-quang và CT của đường tiêu hóa dưới (đại tràng và trực tràng).

Trong một số trường hợp, chất tương phản gốc i-ốt được dùng thay thế cho chất tương phản bari-sulfat để dùng qua đường miệng và trực tràng.

Chất tương phản gốc i-ốt và gadolinium đường tĩnh mạch/động mạch

Chất tương phản gốc i-ốt tiêm đường tĩnh mạch hoặc động mạch được dùng để tăng độ tương phản hình ảnh chụp X-quang và CT. Còn gadolinium tiêm tĩnh mạch được dùng để tăng độ tương phản của hình ảnh chụp CHT. Thông thường, hai chất tương phản này được dùng để tăng độ tương phản của các cơ quan nội tạng, đường tiêu hóa, động mạch, tĩnh mạch, mô mềm của cơ thể, não và vú.

Chất tương phản an toàn như thế nào?

Chất tương phản là một loại thuốc an toàn; các tác dụng không mong muốn từ nhẹ đến nặng có thể xảy ra nhưng tác dụng nặng rất hiếm gặp. Mặc dù các dị ứng hoặc phản ứng nặng với chất tương phản rất hiếm gặp, bác sĩ vẫn luôn sẵn sàng để hỗ trợ kịp thời. Bệnh viện FV có trang thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn để hỗ trợ ngay tức thì trong trường hợp khẩn cấp.

Bệnh nhân cần chuẩn bị gì cho khảo sát chẩn đoán hình ảnh có dùng chất tương phản?

Do chất tương phản có một vài nguy cơ gây dị ứng hoặc tác dụng không mong muốn, nên bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết về:

–       Các dị ứng với chất tương phản, thực phẩm, thuốc, chất nhuộm, chất bảo quản hoặc động vật;

–       Các loại thuốc đang dùng, kể cả thực phẩm chức năng;

–       Bệnh lý, phẫu thuật, hoặc tình trạng sức khỏe khác gần đây;

–       Tiền sử hen suyễn và sốt;

–       Tiền sử bệnh tim, bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh tuyến giáp hoặc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.

Bệnh nhân sẽ được cung cấp các hướng dẫn cụ thể về cách chuẩn bị trước khi khảo sát.

Tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn và dị ứng gồm những gì?

Chất tương phản bari-sulfat

Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ biết khi các tác dụng phụ do chất tương phản bari-sulfat ở mức độ nhẹ trở nên nghiêm trọng hoặc không khỏi:

–       Co thắt dạ dày

–       Tiêu chảy

–       Buồn nôn

–       Nôn ói

–       Táo bón

Hãy thông báo ngay cho bác sĩ khi có bất cứ triệu chứng nào dưới đây:

–       Nổi mề đay

–       Ngứa

–       Da mẩn đỏ

–       Sưng cổ họng

–       Khó thở hoặc khó nuốt

–       Khàn tiếng

–       Lo âu

–       Lơ mơ

–       Nhịp tim nhanh

–       Da xanh xao

Nguy cơ có tác dụng không mong muốn với chất tương phản bari-sulfat sẽ cao hơn nếu bệnh nhân có:

–       Tiền sử hen suyễn, sốt hoặc các dị ứng khác mà có thể làm tăng nguy cơ dị ứng với các chất phụ gia trong chất tương phản bari-sulfat;

–       Bệnh xơ nang, có thể làm tăng nguy cơ tắc ruột non;

–       Mất nước nghiêm trọng, có thể gây táo bón nặng;

–       Tắc hoặc thủng ruột, có thể trở nên nặng hơn do bari-sulfat.

Chất tương phản gốc i-ốt

Các phản ứng nhẹ bao gồm:

–       Buồn nôn và nôn ói

–       Đau đầu

–       Ngứa

–       Nóng bừng

–       Da nổi mẩn hoặc mề đay nhẹ

Các phản ứng trung bình bao gồm:

–       Da nổi mẩn hoặc mề đay nặng

–       Khò khè

–       Nhịp tim bất thường

–       Hạ hoặc tăng huyết áp

–       Khó thở

Các phản ứng nặng bao gồm:

–       Khó thở

–       Ngừng tim

–       Sưng cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể

–       Co giật

–       Hạ huyết áp nghiêm trọng

Số bệnh nhân bị tình trạng dị ứng phát ban kéo dài từ vài giờ đến vài ngày sau khi khảo sát chẩn đoán hình ảnh có dùng chất tương phản gốc i-ốt chiếm tỷ lệ rất thấp. Hầu hết các trường hợp đều nhẹ, nhưng với tình trạng phát ban nặng thì có thể phải dùng thuốc do bác sĩ kê toa.

Bệnh thận do chất tương phản

Bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận phải được xem xét đặc biệt trước khi tiêm chất tương phản gốc i-ốt đường tĩnh mạch hoặc động mạch. Những bệnh nhân này có nguy cơ bị bệnh thận do chất tương phản, trường hợp đã tổn thương thận trước đó thì tình trạng có thể sẽ nặng hơn.

Bệnh nhân có nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng hoặc tác dụng không mong muốn với chất tương phản gốc i-ốt bao gồm:

–       Tác dụng không mong muốn với chất tương phản gốc i-ốt trước đây

–       Tiền sử hen suyễn

–       Tiền sử dị ứng

–       Bệnh tim

–       Mất nước

–       Thiếu máu hồng cầu hình liềm, đa hồng cầu và u tủy

–       Bệnh thận

–    Sử dụng các loại thuốc như thuốc chẹn beta (beta blockers), thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), interleukin 2

–       Đã tiêm một lượng lớn chất tương phản trong vòng 24 giờ trước đó.

Việc tăng nguy cơ dị ứng hoặc tác dụng không mong muốn với chất tương phản không có nghĩa là bệnh nhân không thể thực hiện khảo sát hình ảnh với chất tương phản. Đôi khi các bệnh nhân nhạy cảm sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc nhằm giảm bớt nguy cơ dị ứng trước khi sử dụng chất tương phản.

CHT- gadolinium

Chất tương phản được dùng trong chụp MRI (gọi là gadolinium) thường ít gây dị ứng hơn các chất tương phản gốc i-ốt dùng trong chụp X-quang và CT. Trường hợp bệnh nhân dị ứng với chất tương phản gốc gadolinium, bị nổi mề đay và ngứa mắt rất hiếm gặp. Các phản ứng thường nhẹ và dễ dàng điều trị bằng thuốc. Phản ứng nặng rất hiếm xảy ra.

Xơ hoá toàn thân do thận (NSF) là tình trạng dày lên ở da, các cơ quan và mô khác, đây là một biến chứng rất hiếm gặp ở bệnh nhân suy thận sau khi chụp CHT có dùng chất tương phản. Chất tương phản gốc gadolinium có thể tồn dư trong cơ thể của một số bệnh nhân bị bệnh thận nặng.

Bệnh nhân sẽ có trải nghiệm gì trước và sau khi dùng chất tương phản?

Chất tương phản gốc bari-sunfat đường uống hoặc đường trực tràng

Bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn vài giờ trước khi bắt đầu thực hiện khảo sát với chất tương phản gốc bari-sulfat (đường uống hoặc trực tràng). Nếu dùng chất tương phản đường trực tràng, bệnh nhân có thể được yêu cầu làm sạch đại tràng bằng thuốc và chế độ ăn đặc biệt (có thể bao gồm cả việc bơm thụt) trước khi khảo sát.

Nếu dùng chất tương phản qua đường uống, bạn có thể cảm thấy mùi vị hơi khó chịu; tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều có thể dung nạp dễ dàng.

Nếu dùng chất tương phản đường bơm thụt, bệnh nhân sẽ có cảm giác đầy bụng và muốn tống xuất chất lỏng ra ngoài. Tuy nhiên, tình trạng hơi khó chịu này sẽ không kéo dài.

Chất tương phản gốc bari-sulfat sẽ theo phân ra ngoài cơ thể. Phân có thể có màu trắng trong một vài ngày. Một số bệnh nhân có thể nhận thấy việc thay đổi thói quen đi đại tiện của mình trong vòng 12 đến 24 giờ đầu tiên.

Chất tương phản gốc i-ốt

Khi chất tương phản gốc i-ốt được tiêm vào cơ thể, bệnh nhân sẽ có cảm giác âm ấm toàn thân và vị kim loại trong miệng kéo dài trong một vài phút.

Bệnh nhân có thể cảm thấy hơi khó chịu khi kim đâm vào da. Sau khi rút kim, vị trí này có thể bị thâm tím.

Chất tương phản gốc gadolinium

Khi tiêm chất tương phản gốc gadolinium, bệnh nhân thường cảm thấy mát lạnh tại vị trí đâm kim trong một hoặc hai phút.

Bệnh nhân có thể cảm thấy hơi khó chịu khi kim đâm vào da. Sau khi rút kim, vị trí này có thể bị thâm tím.

Trường hợp dùng tất cả các chất tương phản nói trên (gốc bari-sulfat, i-ốt và gadolinium): Nếu không dùng thuốc an thần, bệnh nhân không cần thời gian hồi phục. Bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động thường ngày và chế độ ăn uống bình thường ngay sau khi khảo sát chẩn đoán hình ảnh.

Điều quan trọng là bệnh nhân cần uống nhiều chất lỏng sau khi khảo sát chẩn đoán hình ảnh có dùng chất tương phản nhằm đào thải chất này ra khỏi cơ thể.

Thai kỳ và chất tương phản

Trước bất kỳ một khảo sát hình ảnh nào, bệnh nhân nữ cần thông báo cho nhân viên chăm sóc y tế nếu mình đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai. Cần tránh thực hiện các khảo sát hình ảnh và dùng chất tương phản trong thời kỳ mang thai để giảm thiểu nguy cơ cho thai nhi.

Đối với bệnh nhân nữ đang mang thai cần chụp CT có dùng chất tương phản gốc i-ốt, bệnh nhân phải trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ về các nguy cơ tiềm ẩn và lợi ích của việc chụp cắt lớp có dùng chất tương phản.

Đối với bệnh nhân nữ đang mang thai cần chụp MRI, thông thường cần tránh sử dụng chất tương phản gốc gadolinium do chưa xác định được nguy cơ cho thai nhi nhưng trong trường hợp dùng chất tương phản gốc gadolinium là phương pháp duy nhất để cung cấp thông tin có tính chất quyết định thì vẫn có thể sử dụng.

Chất tương phản đường tĩnh mạch (gốc i-ốt và gadolinium) và việc nuôi con bằng sữa mẹ: các nhà sản xuất chất tương phản đường tĩnh mạch khuyến cáo các bà mẹ không nên cho con bú trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi dùng chất tương phản. Tuy nhiên, Hiệp hội X-quang Hoa Kỳ và Hiệp hội X-quang Niệu-Dục Châu Âu lưu ý rằng các dữ liệu hiện có cho thấy việc tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ sau khi dùng chất tương phản là an toàn.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
KHOA CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH
Bệnh viện FV, Tầng trệt, Tòa nhà F
ĐT: (028) 54 11 34 00
Zalo