Chương trình theo dõi thai kỳ tại bệnh viện FV

CHÚC MỪNG BẠN VÀ THIÊN THẦN NHỎ SẮP CHÀO ĐỜI!

Chúc mừng bạn và thiên thần nhỏ sắp chào đời! Cảm ơn bạn đã lựa chọn Bệnh viện FV là nơi chăm sóc sức khỏe cho thai kỳ!

Mang thai là một hành trình hạnh phúc nhưng cũng đầy thử thách trong cuộc đời người phụ nữ. Để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn, cũng như mang đến một khởi đầu tốt nhất cho thiên thần của bạn, các bà mẹ tương lai cần phải khám theo dõi thường xuyên trong suốt thai kỳ để phòng ngừa và xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra. Xuất phát từ suy nghĩ này, Bệnh viện FV đã xây dựng một chương trình theo dõi thai kỳ toàn diện nhằm chăm sóc sức khỏe cho thai phụ và thai nhi trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ.

Khoa Sản Phụ khoa của Bệnh viện FV được trang bị đầy đủ các thiết bị tiên tiến và hiện đại nhất nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc thai kỳ với chất lượng quốc tế cho thai phụ trong môi trường thoải mái và thân thiện. Đội ngũ các bác sĩ sản khoa, nữ hộ sinh và bác sĩ gây mê của chúng tôi luôn tận tâm chăm sóc sức khỏe cho thai phụ cũng như đảm bảo phát hiện và xử lý tất cả các vấn đề có thể xảy ra với thai phụ hoặc thai nhi trong thời gian sớm nhất.

Mặc dù mỗi bà mẹ đều nên khám bác sĩ từ khi bắt đầu mang thai nhưng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu chương trình theo dõi thai kỳ. Thậm chí, nếu thai kỳ đã lớn mà thai phụ vẫn chưa đi khám bác sĩ hoặc nếu thai phụ đã chăm sóc thai kỳ ở bệnh viện khác nhưng muốn tiếp tục chương trình theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện FV, chúng tôi đảm bảo thai phụ sẽ được chăm sóc tốt nhất có thể và được thực hiện tất cả những xét nghiệm sàng lọc cần thiết.

Chương trình theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện FV bao gồm: 

  • Khám tư vấn với bác sĩ sản khoa, gặp gỡ nữ hộ sinh và khám tiền mê với bác sĩ gây mê
  • Khám sàng lọc tiền sản
  • Sàng lọc bằng siêu âm 3D/4D
  • Sàng lọc các bệnh truyền nhiễm, xét nghiệm máu và nước tiểu thường quy
  • Theo dõi cơn gò tử cung và nhịp tim thai.

LẦN KHÁM THAI ĐẦU TIÊN

Ngay khi nghi ngờ có thai, thai phụ nên đến gặp bác sĩ sản khoa. Thậm chí nếu đây không phải là lần mang thai đầu tiên, thì việc khám thai cũng rất quan trọng vì mỗi lần mang thai đều khác nhau.

Việc khám theo dõi thai tại Bệnh viện FV được sắp xếp trong các giai đoạn quan trọng của thai kỳ, và lần khám thai đầu tiên là khoảng từ tuần 11 đến tuần 13+6 (tức 13 tuần 6 ngày), tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối.

Lần khám thai đầu tiên có thể sẽ lâu nhất và thai phụ nên mang theo tất cả các hồ sơ về tiền sử bệnh, sức khỏe tổng quát, và các thai kỳ trước đây. Vui lòng cho bác sĩ biết các vấn đề về sức khỏe hiện tại hoặc trước đây, như tăng huyết áp, tiểu đường, và cho bác sĩ biết nếu thai phụ có đặt túi nâng ngực.

Bác sĩ sẽ hỏi thai phụ về tiền sử bệnh, chi tiết như sau:

  • Vấn đề bệnh lý và/hoặc tâm lý
  • Huyết áp, chiều cao, cân nặng
  • Các lần khám vú và cổ tử cung gần đây
  • Ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối (ngày chính xác sẽ giúp bác sĩ xác định tuổi thai và ngày dự sinh)
  • Biện pháp tránh thai
  • Tiền sử phá thai và/hoặc sảy thai
  • Tiền sử nằm viện và phẫu thuật
  • Thuốc đang dùng
  • Dị ứng thuốc
  • Tiền sử bệnh của cha mẹ và ông bà (thông tin về tiền sử bệnh của gia đình rất quan trọng vì một số bệnh có thể là do di truyền).

Có rất nhiều yếu tố trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta không nghĩ rằng nó có thể ảnh hưởng tới thai kỳ và thai nhi. Các bà mẹ tương lai cần chú ý những điều này, vì vậy trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ cũng muốn thảo luận về:

  • Khuyến cáo liên quan đến việc chăm sóc răng miệng, nuôi mèo, ăn thịt, cá sống và làm vườn
  • Sốt và các loại thuốc
  • Mối nguy hại từ môi trường
  • Hạn chế đi du lịch
  • Phòng ngừa sảy thai
  • Chế độ ăn uống, tập thể dục, dinh dưỡng và tăng cân.

Lần khám thai đầu tiên cũng là một cơ hội tốt để thai phụ và chồng của mình có thể hỏi bác sĩ về thai kỳ, chăm sóc tiền sản và lựa chọn phương pháp sinh con. Các câu hỏi có thể là:

  • Tôi có thể gọi cho nữ hộ sinh khi có thắc mắc hoặc gặp vấn đề được không?
  • Nếu tôi bị ra máu hoặc co thắt, tôi nên gọi cho bác sĩ hay nữ hộ sinh?
  • Tình huống nào được xem là khẩn cấp?
  • Tôi có phải thay đổi thói quen về quan hệ tình dục, tập thể dục và dinh dưỡng không?
  • Lần khám thai tiếp theo của tôi là khi nào?

Trong lần khám thai đầu tiên này, bác sĩ sẽ cung cấp cho thai phụ chương trình theo dõi thai kỳ cá nhân.

Bác sĩ sẽ cung cấp số điện thoại của Bệnh viện FV dành riêng cho thai phụ (Đường dây nóng Khoa Sản 24/7 (028) 54 11 34 50) và giải thích lý do bệnh viện cung cấp dịch vụ này.

Trong lần khám thai đầu tiên hoặc trong suốt thai kỳ, thai phụ sẽ có cơ hội trao đổi với bác sĩ cũng như nữ hộ sinh về những vấn đề liên quan đến chuyển dạ và sinh con trước khi kết thúc thai kỳ. Các câu hỏi có thể là:

  • Kế hoạch sinh con là gì và làm thế nào để hoàn thành kế hoạch?
  • Bác sĩ có thể giải thích về những điều tôi cần lưu ý khi cân nhắc việc sinh thường?
  • Những trường hợp nào phải mổ lấy thai?
  • Những trường hợp nào phải rạch tầng sinh môn (rạch vùng đáy chậu)?
  • Khi nào thì tôi cần đến bệnh viện để can thiệp nếu đã quá ngày dự sinh?
  • Chính sách về khởi phát chuyển dạ của bệnh viện?

CHƯƠNG TRÌNH THEO DÕI THAI KỲ TẠI BỆNH VIỆN FV

XÉT NGHIỆM TIỀN SẢN

Xét nghiệm tiền sản là các xét nghiệm y khoa được thực hiện trong suốt thai kỳ, giúp bác sĩ sản khoa xác định xem thai phụ và thai nhi có khỏe mạnh không. Một số kiểm tra, như đo huyết áp, được thực hiện thường quy. Thai phụ thực hiện các kiểm tra này trong hầu hết các lần khám thai. Các xét nghiệm khác được thực hiện vào các thời điểm cụ thể trong suốt thai kỳ để kiểm tra xem thai nhi có phát triển bình thường hay không, hoặc do bác sĩ chỉ định để xử lý một vấn đề cụ thể.

1) SIÊU ÂM

Kháo sát siêu âm được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa siêu âm với hơn 10 năm kinh nghiệm trong siêu âm chẩn đoán thai nhi, được chứng nhận bởi Hiệp Hội Y Khoa Thai Nhi.

Siêu âm quý một được thực hiện từ tuần 11 đến tuần 13+6 để đo chiều dài đầu mông (CRL) nhằm xác định tuổi thai và đo độ mờ da gáy (NT). Đo độ mờ da gáy được thực hiện kết hợp với một số xét nghiệm máu để sàng lọc hội chứng Down (xem bên dưới).

Siêu âm quý hai được thực hiện từ tuần 21 đến tuần 23, với kỹ thuật siêu âm tái tạo hình ảnh 3D và hình ảnh thực 4D. Trong lần siêu âm này, cha mẹ sẽ có cơ hội duy nhất để nhìn thấy hình ảnh của em bé trước khi sinh, giúp tạo sự gắn kết và sớm hình thành mối quan hệ gia đình.

Trong lần siêu âm quý ba (từ tuần 29 đến tuần 33), bác sĩ siêu âm sẽ khảo sát sự phát triển của các bộ phận trên cơ thể thai nhi, vị trí của nhau thai và đánh giá tốc độ phát triển của thai nhi.

Ngoài ra, bác sĩ sản khoa có thể tiến hành siêu âm vào bất cứ giai đoạn nào trong thai kỳ ngay tại phòng khám.

2) SÀNG LỌC HỘI CHỨNG DOWN TRONG THAI KỲ

Sàng lọc hội chứng Down được thực hiện như một khảo sát thường quy trong chương trình chăm sóc tiền sản dành cho tất cả thai phụ, ở bất kỳ độ tuổi nào.

Xét nghiệm sàng lọc kết hợp trong tam cá nguyệt thứ nhất

Sàng lọc kết hợp phải được thực hiện từ tuần 11 đến tuần 13+6, tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối. Sàng lọc kết hợp có tỷ lệ phát hiện hội chứng Down là 85-90% và tỷ lệ dương tính giả là 5%, bao gồm:

  • Siêu âm dùng để đo vùng da gáy của thai nhi được gọi là đo độ mờ da gáy (NT). Nếu có bất thường thì đó là do dịch tích tụ tại vùng mô này nhiều hơn bình thường.
  • Xét nghiệm Double Test là đo nồng độ protein A do nhau thai bài tiết trong huyết tương (PAPP-A) và hoócmôn human Chorionic Gonadotropin (hCG) trong máu của người mẹ.

Xét Nghiệm Triple Test

Nếu xét nghiệm Double Test chưa được thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời và Thai phụ không có điều kiện làm NIPS thì phải thực hiện xét nghiệm Triple Test từ tuần 14 đến tuần 21. Xét nghiệm này dùng để đo nồng độ human chorionic gonadotropin (β-hCG), alpha-fetoprotein (AFP) và estriol không liên hợp (uE3) trong huyết thanh của người mẹ. Tương tự như Double Test, Triple Test phải được kết hợp với siêu âm đo Độ Mờ da Gáy (NT).

Xét Nghiệm Sàng Lọc Không Xâm Lấn Trước Khi Sinh (NIPS)

Trong quá trình mang thai, một lượng rất nhỏ vật liệu di truyền của thai nhi sẽ đi qua nhau thai vào máu của người mẹ. NIPS là một phương pháp không xâm lấn dùng để sàng lọc một số bất thường nhiễm sắc thể đặc hiệu trong quá trình phát triển của thai nhi bằng cách xét nghiệm máu của người mẹ. Mẫu xét nghiệm sẽ được lấy từ máu của người mẹ và gửi đến phòng xét nghiệm. Sau đó, phòng xét nghiệm sẽ tách chiết ADN của thai nhi từ mẫu bệnh phẩm để sàng lọc các bất thường nhiễm sắc thể.

Hiện nay, NIPS hiện là phương pháp có độ nhạy và đặc hiệu cao nhất khi sàng lọc ba dạng bất thường phổ biến ở NST 13, 18 và 21. Xét nghiệm này có thể thực hiện từ tuần 10 của thai kỳ và trong suốt thời gian mang thai sau đó.

NIPS không bao gồm trong chương trình theo dõi thai kỳ của Bệnh viện FV nhưng được khuyến cáo cho tất cả thai phụ, thuộc bất kỳ nhóm nguy cơ nào.

Xét nghiệm chẩn đoán

Nếu xét nghiệm có kết quả dương tính hay đáng lo ngại hoặc có nguy cơ cao sinh con bị hội chứng Down, thai phụ có thể cân nhắc thực hiện thêm xét nghiệm để khẳng định kết quả chẩn đoán. Các xét nghiệm chẩn đoán này không bao gồm trong chương trình theo dõi thai kỳ của Bệnh viện FV. Có 3 loại xét nghiệm chẩn đoán có thể giúp xác định hội chứng Down:

  • Chọc ối: mẫu nước ối quanh thai nhi sẽ được lấy bằng cách chọc kim vào tử cung của người mẹ. Sau đó, mẫu nước ối này được dùng để phân tích nhiễm sắc thể của thai nhi. Các bác sĩ thường thực hiện xét nghiệm này khi thai nhi được 15 tuần tuổi. Nguy cơ sẩy thai khi thực hiện xét nghiệm này là 1/200 số trường hợp.
  • Sinh thiết gai nhau (CVS): các tế bào lấy từ nhau thai người mẹ có thể được dùng để phân tích nhiễm sắc thể của thai nhi. Xét nghiệm này thường được thực hiện từ tuần 9 và tuần 14 của thai kỳ. Nguy cơ sẩy thai khi thực hiện xét nghiệm này là 1/100 số trường hợp.
  • Lấy mẫu máu cuống rốn qua da (PUBS): máu được lấy từ tĩnh mạch ở dây rốn để kiểm tra các bất thường nhiễm sắc thể. Bác sĩ thường thực hiện xét nghiệm này khi thai nhi được 18 tuần tuổi. Xét nghiệm này có nguy cơ sẩy thai cao hơn chọc ối hay sinh thiết gai nhau. Thông thường chỉ thực hiện xét nghiệm này khi các xét nghiệm khác không cho kết quả rõ ràng.
3) XÉT NGHIỆM MÁU

Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC)

Xét nghiệm máu này giúp kiểm tra xem nồng độ hemoglobin có thấp không, vì đây là dấu hiệu của bệnh thiếu máu. Nếu thai phụ bị thiếu máu, bác sĩ sản khoa sẽ tư vấn loại thực phẩm tốt nhất dành cho thai phụ. Thai phụ cũng có thể được kê thuốc bổ sung sắt.

Định nhóm máu và tầm soát kháng thể hồng cầu

Bề mặt hồng cầu chứa các protein tự nhiên được di truyền từ cha mẹ để tạo nên nhóm máu. Có 4 nhóm máu chính là O, A, B và AB. Một nhóm máu thường gặp khác là nhóm máu D (hay ‘RhD’). Ví dụ, bạn có thể thuộc nhóm máu O, D+ (còn gọi là ‘O+’) hoặc nhóm máu O, D- (còn gọi là ‘O-‘). Tuy nhiên, ngoài hệ nhóm máu ABO và D, hồng cầu còn mang các nhóm máu phụ khác, một vài trong số đó có thể rất quan trọng trong thai kỳ là nhóm máu ‘c’ và ‘K’ (Kell).

Các protein tạo nhóm máu thường gọi là kháng nguyên hồng cầu. Hệ miễn dịch của thai phụ được xây dựng tự nhiên để phản ứng với bất kỳ kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể. Vì vậy, nếu hồng cầu của nhóm máu khác xâm nhập vào dòng máu của thai phụ thì cơ thể của thai phụ sẽ tạo ra kháng thể. Các hồng cầu lạ có thể xâm nhập vào cơ thể qua truyền máu hoặc mang thai. Nếu nhóm máu của thai nhi khác với nhóm máu của thai phụ, hệ miễn dịch của thai phụ sẽ tạo ra kháng thể.

Khi mang thai, một số tế bào máu của thai nhi sẽ ‘rò rỉ’ vào đường máu của thai phụ, khi đó một nguy cơ hiếm gặp xảy ra là hệ miễn dịch của thai phụ có thể tạo ra kháng thể để chống lại tế bào của thai nhi.​

Dù nguy cơ này hiếm gặp nhưng việc định nhóm máu và tầm soát kháng thể hồng cầu vẫn rất quan trọng trong thai kỳ.

Các xét nghiệm này quan trọng vì 3 lý do chính:

  • Trường hợp thai phụ cần truyền máu trong thai kỳ. Máu được chọn phải tương thích với cả nhóm máu và kháng thể của thai phụ;
  • Đảm bảo điều trị phù hợp cho thai phụ và thai nhi. Nếu các xét nghiệm cho thấy thai phụ tạo kháng thể hồng cầu thì thai nhi có nguy cơ mắc Bệnh tán huyết ở thai nhi và trẻ sơ sinh (HDFN).
    • Bác sĩ sẽ giải thích chi tiết hơn và có thể đề nghị thực hiện các khảo sát khác nếu thai nhi có nguy cơ mắc bệnh này;
  • Xác định xem thai phụ có nhóm máu D- hay không. Nhóm máu này rất hiếm gặp ở người châu Á. Nếu có nhóm máu D-, thai phụ cần được tiêm anti-D (còn gọi là globulin miễn dịch anti-D hoặc anti-D dự phòng). Thuốc giúp ngăn ngừa hệ miễn dịch tạo kháng thể anti-D cho thai phụ vì những kháng thể này sẽ ảnh hưởng đến các thai kỳ sau.
    • Anti-D dự phòng nên được tiêm định kỳ cho thai phụ có nhóm máu D- ở tuần thứ 28 và 34 của thai kỳ.

Xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục

Thai phụ sẽ được xét nghiệm máu để xác định xem có bị nhiễm giang mai, viêm gan C, viêm gan B hay HIV không.

  • Xét nghiệm giang mai VDRL/TPHA được thực hiện ở giai đoạn sớm của thai kỳ. Nếu kết quả dương tính, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh.
  • Xét nghiệm HIV cũng phải được thực hiện trong giai đoạn sớm của thai kỳ với sự chấp thuận của thai phụ. Nếu kết quả dương tính, bác sĩ chuyên khoa sẽ theo dõi thai kỳ và điều trị để phòng ngừa việc lây truyền từ mẹ sang con.
  • Nếu kết quả xét nghiệm anti-HCV (viêm gan C) dương tính, thai phụ sẽ đến khám với bác sĩ chuyên khoa gan và được xác định có cần điều trị viêm gan C hay không.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể viêm gan B (HBs) được thực hiện từ tuần 26 đến tuần Nếu kết quả xét nghiệm Ag Hbs dương tính, thai phụ sẽ đến khám với bác sĩ chuyên khoa gan và được xác định có cần điều trị viêm gan B hay không. Bệnh viện FV có cung cấp dịch vụ tiêm phòng viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau khi sinh. Đối với trẻ sơ sinh có mẹ dương tính với Ag HBS, việc tiêm phòng vắc xin và gamma globulins sẽ được thực hiện trong phòng sanh.

Xét nghiệm Rubella

Hầu hết thai phụ đều miễn dịch với rubella (có kháng thể rubella trong máu) vì đã được tiêm phòng hoặc đã mắc bệnh khi còn nhỏ. Nếu không có kháng thể kháng Rubella, thai phụ sẽ được xét nghiệm hàng tháng kể từ lần khám thai đầu tiên đến tuần 20 của thai kỳ.

Nếu không có miễn dịch, bác sĩ sẽ khuyên thai phụ tránh tiếp xúc với những người đang nhiễm hoặc có thể nhiễm rubella. Nếu thai phụ bị nhiễm rubella trong 20 tuần đầu của thai kỳ thì nguy cơ bị hội chứng rubella bẩm sinh, với các dị tật bẩm sinh đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh là rất cao và không có phương pháp điều trị hiệu quả. Trong trường hợp này, bác sĩ sản khoa sẽ khuyên thai phụ chấm dứt thai kỳ.

Sau 20 tuần, các cơ quan của thai nhi đã phát triển đầy đủ nên cho dù nhiễm rubella ở giai đoạn này thì cũng không có nguy cơ bị hội chứng rubella bẩm sinh.

Bệnh toxoplasmosis

Thai phụ sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh toxoplasmosis (kháng thể toxoplasma), bệnh nhiễm trùng gây ra bởi ký sinh trùng toxoplasma gondii. Bệnh Toxoplasmosis không gây hại cho bà mẹ nhưng có thể truyền qua nhau thai và làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc dị tật thai nhi.

Nếu thai phụ không có kháng thể toxoplasmosis, bác sĩ sẽ tư vấn các nguyên tắc vệ sinh mà thai phụ cần tuân thủ để phòng ngừa nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy thai phụ nhiễm toxoplasmosis khi mang thai, bác sĩ sẽ điều trị bằng kháng sinh để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm sang thai nhi. Không phải tất cả các trường hợp mẹ bị nhiễm đều lây sang con nên có thể phải tiến hành chọc ối để xác định thai nhi có nhiễm bệnh hay không.

Nghiệm pháp dung nạp Glucose

Nghiệm pháp dung nạp glucose, được thực hiện từ tuần 24 đến tuần 28 của thai kỳ, để đo lượng đường (glucose) trong máu của người mẹ. Nồng độ glucose bất thường có thể cho biết bệnh tiểu đường thai kỳ. Nếu bị tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sản khoa sẽ giới thiệu thai phụ đến gặp chuyên viên dinh dưỡng hoặc bác sĩ nội tiết của Bệnh viện FV.

4) XÉT NGHIỆM NƯỚC TIỂU

Bác sĩ sản khoa sẽ yêu cầu thai phụ lấy mẫu nước tiểu mỗi lần đến khám thai. Xét nghiệm nhanh nước tiểu bằng que thử giúp kiểm tra các chất sau đây:

Đường

Khi mang thai, đôi khi có một lượng đường nhỏ trong nước tiểu là bình thường, nhưng nếu thai phụ có lượng đường cao trong hai lần khám thai liên tiếp hoặc rất cao trong một lần khám thai, điều đó có nghĩa là thai phụ bị tiểu đường thai kỳ. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ yêu cầu thai phụ thực hiện nghiệm pháp dung nạp Glucose để xác định. (Thậm chí nếu kết quả thử nước tiểu là bình thường, thai phụ vẫn cần thực hiện nghiệm pháp dung nạp Glucose từ tuần 24 đến tuần 28 của thai kỳ để kiểm tra tình trạng tương đối phổ biến này).

Protein

Protein quá mức trong nước tiểu có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận, hoặc một số rối loạn khác. Nếu điều này xuất hiện trong giai đoạn cuối của thai kỳ, đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật nếu đi kèm với huyết áp cao. Nếu thai phụ có protein trong nước tiểu nhưng huyết áp bình thường, mẫu nước tiểu sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để nuôi cấy và xác định thai phụ có bị nhiễm trùng hay không.

Ketone

Ketone được tạo ra khi cơ thể bắt đầu sử dụng lượng mỡ dự trữ hoặc được hấp thu để chuyển thành năng lượng. Điều này xảy ra khi thai phụ không có đủ lượng carbohydrate (nguồn năng lượng chủ yếu của cơ thể). Nếu thai phụ bị buồn nôn và nôn ói nhiều hoặc bị sụt cân, bác sĩ sẽ yêu cầu thử nước tiểu để xác định lượng ketone. Nếu nồng độ ketone cao và không thể ngừng nôn ói, thì thai phụ cần truyền dịch và dùng thuốc. Nếu nồng độ ketone cao kết hợp với có đường trong nước tiểu thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.

5) XÉT NGHIỆM LIÊN CẦU KHUẨN NHÓM B

Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) thường không gây vấn đề cho phụ nữ trước khi mang thai nhưng có thể gây bệnh cho thai phụ trong thai kỳ như viêm màng ối (là tình trạng nhiễm trùng mô nhau thai) và nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể dẫn đến chuyển dạ sớm và sinh non. GBS là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng cho trẻ sơ sinh, bao gồm viêm phổi và viêm màng não. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng trong thai kỳ hoặc từ đường sinh dục của người mẹ trong quá trình chuyển dạ và sinh con.

Bệnh viện FV khuyến cáo tất cả thai phụ nên sàng lọc liên cầu khuẩn nhóm B đường âm đạo từ tuần 34 đến tuần 37 của thai kỳ. Trong trường hợp nhiễm GBS, thai phụ sẽ được điều trị bằng kháng sinh trong quá trình chuyển dạ để giảm thiểu nguy cơ lây truyền GBS cho thai nhi. Trẻ sơ sinh có mẹ được điều trị kháng sinh vì có kết quả xét nghiệm GBS dương tính sẽ giảm khả năng mắc bệnh hơn trẻ có mẹ không được điều trị 20 lần.

6) TIÊM PHÒNG UỐN VÁN

Theo quy định của Bộ Y Tế, tất cả thai phụ phải tiêm phòng uốn ván từ tuần 21 đến tuần 23 của thai kỳ. Cần tiêm mũi nhắc lại từ tuần 25 đến tuần 28 cho phụ nữ mang thai lần đầu hoặc mang thai cách lần trước hơn 5 năm.

GẶP GỠ NỮ HỘ SINH & BÁC SĨ GÂY MÊ

1) NỮ HỘ SINH

Cuộc gặp trong 45 phút sẽ tạo cơ hội cho thai phụ thảo luận về thai kỳ, kế hoạch sinh con và thông tin chi tiết về việc chuyển dạ, đón trẻ chào đời, chăm sóc trẻ sơ sinh, và phục hồi sau khi sinh. Khuyến khích cha của trẻ nên tham gia vào cuộc thảo luận này.

Nữ hộ sinh cũng sẽ tư vấn cho thai phụ về lớp tiền sản tại Bệnh viện FV với sự tham gia của nữ hộ sinh, điều dưỡng khoa Nhi, chuyên viên dinh dưỡng, chuyên viên vật lý trị liệu, chuyên viên tâm lý và bác sĩ gây mê. Lớp này được tổ chức để giải thích thêm cho các ông bố bà mẹ tương lai về các vấn đề quan trọng của thai kỳ và thực hành các kỹ thuật trong quá trình sinh con với chi phí không đáng kể. Vui lòng gọi số (028) 54 11 35 35 hoặc trao đổi với bác sĩ khi khám thai để biết thêm thông tin.

2) BÁC SĨ GÂY MÊ

Thai phụ sẽ gặp bác sĩ gây mê của Bệnh viện FV vào tuần 36 của thai kỳ (khoảng một tháng trước ngày dự sinh). Trong quá trình thăm khám, bác sĩ gây mê sẽ hướng dẫn các kỹ thuật kiểm soát đau và chỉ định làm các xét nghiệm (công thức máu toàn phần, số lượng tiểu cầu, xét nghiệm đông máu, thử nước tiểu). Các xét nghiệm tiền mê phải được thực hiện không quá một tháng trước khi sinh.

THEO DÕI CƠN GÒ TỬ CUNG VÀ NHỊP TIM THAI

Trong giai đoạn cuối thai kỳ và trong quá trình chuyển dạ, bác sĩ sản khoa sẽ yêu cầu nữ hộ sinh theo dõi cơn gò tử cung và nhịp tim thai. Việc theo dõi này được thực hiện bằng cách đặt các cảm biến trên bụng của người mẹ, cố định bằng dây đai đàn hồi. Một cảm biến sử dụng siêu âm Doppler để theo dõi nhịp tim thai, một cảm biến khác được dùng để ghi nhận các cơn gò tử cung. Nhịp tim thai trung bình là 110-160 nhịp/phút. Nhịp tim thai có thể thay đổi do phản ứng của thai nhi với các tình trạng trong tử cung. Nhịp tim thai hoặc dạng biểu đồ bất thường có thể cho thấy thai nhi không nhận đủ oxy hoặc có những vấn đề khác. Trong quá trình chuyển dạ, biểu đồ bất thường cũng có thể cho thấy cần cấp cứu hoặc mổ lấy thai.

THAI PHỤ KHÔNG THEO DÕI THAI KỲ Ở BỆNH VIỆN FV

Nếu thai phụ đang theo dõi thai kỳ tại cơ sở y tế khác nhưng muốn sinh con tại Bệnh viện FV, vui lòng mang theo tất cả kết quả xét nghiệm và siêu âm (xét nghiệm nhóm máu, công thức máu toàn phần (CBC), sàng lọc kháng thể bất thường, rubella IgG/IgM, toxoplasmosis IgG/IgM, xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể viêm gan B (HBs), xét nghiệm kháng thể kháng viêm gan C (Anti HCV), xét nghiệm HIV, xét nghiệm Triple Test, xét nghiệm nước tiểu, v.v). Thai phụ cũng có thể phải thực hiện thêm xét nghiệm hoặc điều trị nếu bác sĩ sản khoa và bác sĩ gây mê cho là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho thai phụ và thai nhi.

Cảm ơn bạn đã lựa chọn Bệnh viện FV là nơi chăm sóc sức khỏe và là người bạn đồng hành đáng tin cậy trên hành trình làm mẹ đầy thú vị! Chúng tôi tự hào mang đến cho bạn dịch vụ chăm sóc tốt nhất có thể để bạn và em bé có sức khỏe tốt nhất.

Để biết thêm thông tin chi tiết về Chương trình theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện FV, vui lòng gọi số (028) 54 11 35 35

Để đăng ký tham gia lớp tiền sản, vui lòng gọi số (028) 54 11 35 35

Zalo