Ung thư đại trực tràng là gì?

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư có nguồn gốc từ đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn). Đây là loại ung thư phổ biến thứ ba được chẩn đoán có ở cả nam và nữ.

Hầu hết ung thư đại tràng đều khởi phát từ sự tăng sinh của niêm mạc đại trực tràng gọi là pô-lýp. Một số dạng pô-lýp có thể tiến triển thành ung thư sau nhiều năm. Khả năng tiến triển thành ung thư tùy thuộc vào từng loại pô-lýp. Có hai loại pô-lýp chính là:

  • Pô-lýp tuyến (u tuyến): loại pô-lýp này đôi khi phát triển thành ung thư. Vì lý do này nên u tuyến được gọi là tình trạng tiền ung thư;
  • Pô-lýp tăng sản và pô-lýp viêm: loại pô-lýp này phổ biến hơn nhưng thường không phải là tình trạng tiền ung thư.

Chứng loạn sản là một dạng tiền ung thư khác mà bản thân polyp hoặc niêm mạc của đại trực tràng có các tế bào bất thường (nhưng không giống tế bào ung thư).

Thành đại trực tràng được cấu tạo từ nhiều lớp. Ung thư đại trực tràng khởi phát từ lớp trong cùng (niêm mạc) và có thể tăng trưởng đến vài lớp hoặc tất cả các lớp khác. Khi tế bào ung thư đã xuất hiện trên thành đại trực tràng, chúng có thể đi vào trong các mạch máu hoặc mạch bạch huyết (là các ống nhỏ mang chất thải và chất lỏng ra ngoài). Từ đó, các tế bào ung thư có thể di căn đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Giai đoạn (mức độ lây lan) của ung thư đại trực tràng sẽ phụ thuộc vào mức độ xâm lấn theo chiều sâu vào thành đại trực tràng cũng như mức độ gieo rắc ngoài đại trực tràng.

AI SẼ CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH?

Một số yếu tố nguy cơ do lối sống sẽ có liên quan đến ung thư đại trực tràng. Trên thực tế, mối liên hệ giữa chế độ ăn uống, cân nặng và sự vận động với nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng là một trong các nguy cơ cao nhất cho bất kỳ loại ung thư nào.

Thừa cân hoặc béo phì: nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì (thừa cân nhiều) thì nguy cơ phát triển và tử vong vì ung thư đại trực tràng sẽ cao hơn. Tình trạng thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng cho cả nam và nữ nhưng nguy cơ ở nam giới sẽ cao hơn.

Thiếu hoạt động thể chất: nếu bệnh nhân không hoạt động thể chất thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng cao hơn. Việc vận động nhiều hơn có thể giúp giảm nguy cơ gây bệnh.

Một số loại thực phẩm: chế độ ăn có nhiều thịt đỏ (như thịt bò, heo, cừu, hoặc gan) và thịt chế biến (như xúc xích và thịt hộp) có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Các món được làm bằng cách chiên, nướng, hoặc quay sẽ tạo ra các chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng mức độ gia tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng vẫn chưa được xác định. Chế độ ăn nhiều rau củ, trái cây và gạo nguyên hạt có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng nhưng việc bổ sung chất xơ thì chưa được chứng minh là mang lại hiệu quả.

Hút thuốc: những người hút thuốc lá trong thời gian dài sẽ có nhiều nguy cơ phát triển và tử vong vì ung thư đại trực tràng hơn những người không hút thuốc. Hút thuốc là một nguyên nhân gây ung thư phổi được nhiều người biết đến và cũng có liên quan đến các loại ung thư khác, như ung thư đại trực tràng.

Uống nhiều rượu/bia: ung thư đại trực tràng có liên quan đến việc uống nhiều rượu/bia. Việc hạn chế uống rượu/bia không quá hai ly/ngày ở nam giới và một ly/ngày ở nữ giới có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, kể cả việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Cao tuổi: người trẻ tuổi có thể phát triển ung thư đại trực tràng nhưng nguy cơ sẽ tăng rõ rệt khi bệnh nhân lớn hơn 50 tuổi.

Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng hoặc pô-lýp tuyến: phần lớn những người bị ung thư đại trực tràng không có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, có đến 1/5 số người bị ung thư đại trực tràng có thành viên trong gia đình mắc căn bệnh này.

Bệnh nhân có tiền sử bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn.

Có hội chứng di truyền: khoảng 5% đến 10% số người bị ung thư đại trực tràng có thừa hưởng khiếm khuyết gen (đột biến gen) mà có thể gây ra các hội chứng ung thư gia đình và làm cho những người này bị mắc bệnh. Các hội chứng di truyền có liên quan đến ung thư đại trực tràng phổ biến nhất là Pô-lýp tuyến gia đình (FAP) và Hội chứng Lynch (ung thư đại trực tràng di truyền không do pô-lýp hoặc HNPCC), tuy nhiên các hội chứng hiếm gặp khác cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Ung thư đại trực tràng có thể không gây ra các triệu chứng ngay lập tức, nhưng nếu có thì sẽ là một trong các triệu chứng sau:

  • Thay đổi thói quen đi cầu (đi tiêu) như tiêu chảy, táo bón, phân dẹt kéo dài trong nhiều ngày;
  • Cảm giác không đi hết phân sau mỗi lần đi cầu;
  • Đi cầu ra máu;
  • Phân có lẫn máu hoặc sẫm màu;
  • Đau quặn bụng;
  • Suy nhược và mệt mỏi;
  • Sụt cân không chủ ý.

Ung thư đại tràng thường gây ra tình trạng chảy máu trong đường tiêu hóa. Mặc dù đôi khi máu có thể lẫn trong phân hoặc làm phân sẫm màu, thông thường phân trông vẫn bình thường. Theo thời gian thì tình trạng mất máu có thể tăng và làm cho số lượng hồng cầu giảm (bệnh thiếu máu). Đôi khi dấu hiệu đầu tiên của ung thư đại trực tràng là kết quả xét nghiệm máu cho thấy số lượng hồng cầu thấp.

Phần lớn các vấn đề này thường do các tình trạng khác chứ không phải do ung thư đại trực tràng gây ra như nhiễm trùng, bệnh trĩ, hoặc hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân gặp bất kỳ vấn đề gì, điều quan trọng là phải gặp bác sĩ ngay để tìm nguyên nhân và tiến hành điều trị, nếu cần thiết.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH TẦM SOÁT UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Tầm soát là một quy trình phát hiện ung thư hoặc tiền ung thư ở những người không có triệu chứng bệnh. Việc tầm soát định kỳ có thể giúp phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, giúp đem đến nhiều khả năng chữa khỏi bệnh. Trong nhiều trường hợp, việc tầm soát còn giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng khi cắt bỏ một số pô-lýp hoặc khối u trước khi chúng có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Có nhiều phương pháp được sử dụng để phát hiện và chẩn đoán ung thư đại trực tràng.

Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOBT): là xét nghiệm kiểm tra máu lẫn trong phân dưới kính hiển vi. Các mẫu phân được đặt trên miếng lam đặc biệt và gửi cho bác sĩ hoặc phòng xét nghiệm để khảo sát. FOBT là một xét nghiệm tầm soát nhanh và thuận tiện giúp phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm.

Nội soi đại tràng xích-ma bằng ống mềm: thủ thuật này giúp khảo sát các pô-lýp hoặc ung thư trong trực tràng và đại tràng xích-ma (đoạn dưới). Một ống nội soi mềm, mỏng, có gắn máy quay phóng đại được đưa vào trực tràng đến đại tràng xích-ma để quan sát.

Nội soi đại tràng: thủ thuật này giúp khảo sát các pô-lýp hoặc ung thư trong toàn bộ đại tràng. Phương pháp này được thực hiện có gây mê bằng cách đưa một ống nội soi mỏng có gắn máy quay phóng đại được đưa vào trực tràng đến đại tràng.

Nội soi đại tràng ảo, còn gọi là chụp CT đại tràng, là một phương pháp tầm soát pô-lýp tiền ung thư ở đại tràng bằng máy CT. Phương pháp chụp CT đại tràng giúp quan sát bên trong đại tràng (ruột già) mà không cần nội soi và an thần.

Hướng dẫn tầm soát

Bắt đầu ở độ tuổi 50, cả nam giới và nữ giới nên tuân thủ một trong các chương trình kiểm tra sau:

  • Nội soi đại tràng xích-ma bằng ống mềm mỗi năm năm, hoặc
  • Nội soi đại tràng mỗi 10 năm, hoặc
  • Chụp CT đại tràng (nội soi đại tràng ảo) mỗi năm năm.

Mỗi người có kế hoạch tầm soát khác nhau tùy theo tiền sử bệnh của bản thân và gia đình. Hãy trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh của bạn để được tư vấn chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng tốt nhất cho mình.

CÁC GIAI ĐOẠN UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Giai đoạn ung thư sẽ mô tả mức độ ung thư trong cơ thể. Giai đoạn ung thư là một trong các yếu tố quan trọng nhất để quyết định hướng điều trị ung thư và xác định mức độ thành công của phương pháp điều trị. Đối với ung thư đại trực tràng, các giai đoạn sẽ dựa vào tình trạng:

  • Ung thư đã tăng trưởng sâu vào thành ruột như thế nào;
  • Ung thư đã tiếp cận với các cấu trúc lân cận hay chưa;
  • Ung thư đã lây lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các bộ phận xa của cơ thể hay chưa.

Giai đoạn ung thư đại tràng sẽ dựa vào các kết quả thăm khám lâm sàng, sinh thiết và khảo sát hình ảnh (Chụp CT hoặc MRI, chụp X-quang, PET scan, v.v) cũng như kết quả phẫu thuật.

  • Nếu giai đoạn ung thư dựa vào các kết quả thăm khám lâm sàng, sinh thiết và bất kỳ khảo sát hình ảnh nào mà bệnh nhân đã thực hiện thì gọi là giai đoạn lâm sàng.
  • Nếu bệnh nhân có phẫu thuật, thì sẽ kết hợp kết quả phẫu thuật với các yếu tố được sử dụng trong giai đoạn lâm sàng để xác định giai đoạn bệnh học.

Đôi khi trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ phát hiện ung thư nhiều hơn kết quả khảo sát trên hình ảnh. Điều này có thể dẫn đến giai đoạn bệnh học muộn hơn giai đoạn lâm sàng.

Phần lớn bệnh nhân ung thư đại trực tràng đều được điều trị bằng phẫu thuật, vì vậy giai đoạn bệnh học thường được sử dụng để mô tả mức độ ung thư. Giai đoạn bệnh học có khả năng cho kết quả chính xác hơn giai đoạn lâm sàng, vì giai đoạn này cho phép bác sĩ biết trực tiếp mức độ của bệnh ung thư.

Hệ thống TNM là hệ thống phân chia giai đoạn ung thư đại trực tràng được sử dụng phổ biến nhất. Hệ thống này dựa vào ba thông tin chính:

  • Khối u chính (T) đã tiến triển vào thành ruột sâu như thế nào và có xâm lấn đến các vùng lân cận hay không;
  • Ung thư có lây lan đến các hạch bạch huyết (N) trong vùng hay không. Hạch bạch huyết là các nhóm tế bào hệ miễn dịch hình hạt đậu mà thường gieo rắc ung thư trước tiên;
  • Ung thư có xâm lấn (di căn) đến các cơ quan khác của cơ thể hay không (M). Ung thư đại tràng có thể lây lan đến bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất là gan và phổi.

ĐIỀU TRỊ UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Việc điều trị ung thư đại trực tràng phần lớn dựa vào giai đoạn (mức độ) của ung thư, nhưng các yếu tố khác cũng rất quan trọng. Bệnh nhân ung thư đại trực tràng chưa di căn xa thường được thực hiện phẫu thuật như là phương pháp điều trị chính hoặc đầu tiên.

Khi điều trị ung thư, các bác sĩ ở những chuyên khoa khác nhau sẽ làm việc cùng nhau để đưa ra một kế hoạch điều trị tổng thể cho bệnh nhân, trong đó thường bao gồm hoặc kết hợp các phương pháp điều trị khác nhau. Đây gọi là đội ngũ điều trị đa chuyên khoa. Đối với ung thư đại trực tràng, đội ngũ này thường bao gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ nội khoa ung bướu, bác sĩ xạ trị và bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

Thủ thuật cắt bỏ pô-lýp

Ung thư đại tràng giai đoạn 0 là khi ung thư chưa tăng trưởng qua lớp niêm mạc bên trong đại tràng hoặc trực tràng. Đối với các loại ung thư này thì phương pháp điều trị thông thường là cắt bỏ pô-lýp trong quá trình nội soi đại tràng. Bệnh nhân không cần thực hiện thêm phẫu thuật trừ khi không thể cắt bỏ pô-lýp hoàn toàn.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là việc cắt bỏ khối u và một số mô lành xung quanh trong quá trình phẫu thuật. Đây là phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng phổ biến nhất và được gọi là phẫu thuật cắt bỏ.

  • Phẫu thuật nội soi: một số bệnh nhân có thể được thực hiện phẫu thuật nội soi cắt ung thư đại tràng. Với kỹ thuật này, một số dụng cụ nội soi được đưa qua thành bụng sau khi đã gây mê cho bệnh nhân. Vết rạch da sẽ nhỏ hơn và thời gian hồi phục thường nhanh hơn so với phẫu thuật mở kinh điển. Khi cắt bỏ ung thư thì phương pháp này cũng mang lại hiệu quả như phẫu thuật mở kinh điển.
  • Thủ thuật mở thông đại tràng điều trị ung thư đại trực tràng: bệnh nhân ung thư đại trực tràng có thể cần thực hiện thủ thuật mở thông đại tràng tuy trường hợp này ít gặp. Đây là một phẫu thuật mở thông đại tràng ra ngoài ổ bụng (hậu môn nhân tạo) để đưa chất thải ra khỏi cơ thể; chất thải này sẽ đi vào một túi nhỏ mang trên người bệnh nhân. Đôi khi phẫu thuật này chỉ là phương pháp tạm thời để giúp trực tràng hồi phục, nhưng cũng có thể là vĩnh viễn. Với kỹ thuật phẫu thuật hiện đại và việc áp dụng phương pháp xạ trị cũng như hóa trị trước khi phẫu thuật khi cần thiết, phần lớn bệnh nhân điều trị ung thư đại trực tràng không cần thực hiện thủ thuật mở thông đại tràng vĩnh viễn.

Hóa trị

Hóa trị là sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư, bằng cách ngăn ngặn khả năng tăng trưởng và phân chia các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị toàn thân sẽ đi vào máu đến các tế bào ung thư khắp cơ thể. Phương pháp hóa trị phổ biến nhất là qua đường truyền tĩnh mạch hoặc qua đường miệng bằng các loại thuốc dạng viên nén hoặc viên nang.

Phác đồ hoặc lịch hóa trị thường bao gồm số lần hóa trị cụ thể trong một khoảng thời gian. Bệnh nhân có thể dùng một loại thuốc trong một lần hoặc kết hợp nhiều loại thuốc cùng một lúc.

Hóa trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại. Đối với một số bệnh nhân ung thư đại trực tràng, bác sĩ sẽ tiến hành xạ trị và hóa trị trước khi phẫu thuật để làm giảm kích thước của khối u ở trực tràng và giảm nguy cơ tái phát ung thư.

Xạ trị

Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các tia X có năng lượng cao hoặc các tia bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư.

Đối với ung thư đại trực tràng, phương pháp xạ trị thực hiện trước phẫu thuật gọi là điều trị tân hỗ trợ, nhằm thu nhỏ khối u để phẫu thuật cắt bỏ dễ dàng hơn. Phương pháp này cũng có thể được áp dụng sau phẫu thuật nhằm tiêu hủy các tế bào ung thư còn sót lại.

Zalo