Đếm Cử Động Thai

Hầu hết phụ nữ sắp làm mẹ đều háo hức chờ đợi những cử động đầu tiên của thai nhi để chắc chắn rằng em bé đang tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Mỗi phụ nữ mang thai nên học cách đếm cử động thai. Thỉnh thoảng người mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận được cử động của thai nhi từ tuần 18-25 của thai kỳ. Đối với những người lần đầu làm mẹ, cử động thai có thể xảy ra gần tuần 25, còn với những người làm mẹ lần hai hoặc ba thì có thể xảy ra gần tuần 18.

ĐẾM CỬ ĐỘNG THAI RẤT QUAN TRỌNG



Trong một vài tuần, việc phân biệt giữa sôi bụng và cử động thật của thai nhi có thể sẽ khó khăn, nhưng rất nhanh sau đó bạn sẽ nhận ra được cử động của thai nhi. Bạn sẽ cảm nhận được sự căng duỗi, đạp nhẹ, cuộn tròn và xoay trở của bé mỗi ngày. Một vài bé sẽ cử động tích cực hơn những bé khác. Tất cả các bé đều có thời gian ngủ và đây là khoảng thời gian bé không cử động. Bạn sẽ còn cảm nhận được kiểu cử động và thời gian cử động tích cực nhất của bé.

Việc chú ý đến cử động của thai nhi sẽ giúp bạn phát hiện ra bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào. Hãy dành thời gian mỗi ngày khi bé đang cử động để đếm các cú đá, cựa quậy, cuộn tròn, và đạp mạnh của bé để giúp xác định các vấn đề tiềm ẩn và ngăn ngừa tình trạng thai chết lưu. Mặc dù việc đếm cử động thai rất được khuyến cáo cho các thai kỳ có nguy cơ cao, nhưng tất cả các thai phụ đều có thể hưởng lợi từ việc này khi bắt đầu thực hiện từ tuần 28.

KHI NÀO THỰC HIỆN ĐẾM CỬ ĐỘNG THAI?

Cố gắng sắp xếp thời gian để đếm cử động thai vào thời điểm bé cử động nhiều nhất trong ngày, cũng như thời gian bạn có thể ghi nhận các cử động trong ba hoặc bốn giờ, nếu cần. Bạn nên ghi lại các cử động thai vào cùng thời điểm mỗi ngày.

Thông thường, thời điểm mà người mẹ cảm nhận bé cử động tích cực nhất là sau mỗi bữa ăn hoặc sau khi ăn đồ ngọt, uống đồ lạnh hoặc tập thể dục. Bạn còn cảm nhận được bé hoạt động tích cực hơn vào khoảng thời gian từ 9 giờ tối đến 1 giờ sáng, khi nồng độ đường huyết đang giảm.

Việc dành thời gian để đếm cử động thai sẽ khuyến khích bạn nghỉ ngơi để có thời gian gắn kết với bé. Bắt đầu bằng việc tìm một vị trí thoải mái trong thời gian bé thường cử động tích cực nhất. Một số người mẹ thích ngồi ở tư thế tựa lưng và đặt tay lên bụng. Một số khác thì thích nằm nghiêng sang trái, vì tư thế này khiến họ cảm thấy thoái mái nhất và theo dõi bé hiệu quả nhất. Việc nằm nghiêng sang trái còn giúp cho máu lưu thông tốt nhất để bé hoạt động tích cực hơn.

ĐẾM CỬ ĐỘNG THAI NHI

Hiệp Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo bạn nên tính thời gian để cảm nhận hết 10 cú đá, cú huých, cựa quậy, hoặc cuộn tròn. Lý tưởng nhất là bạn nên cảm nhận được ít nhất 10 cử động trong vòng hai giờ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cảm nhận được 10 chuyển động trong thời gian ngắn hơn.

Bạn nên có một cuốn sổ theo dõi. Trong sổ này, hãy ghi lại thời gian mà bạn cảm nhận cử động thai đầu tiên, đánh dấu “X” cho mỗi cử động mà bạn cảm nhận được cho đến khi đạt được 10 lần, sau đó ghi lại thời gian của cử động thứ 10. Điều này sẽ giúp bạn theo dõi các kiểu cử động và xác định được thông thường phải mất bao lâu để bé cử động 10 lần. Hãy nhớ rằng bạn đang theo dõi sự thay đổi đáng kể từ kiểu cử động của thai nhi.

Ví dụ về việc ghi nhận cử động thai

Tuần 28

  • Thứ hai 9:00 XXXXXXXXXX 9:32 Tổng cộng: 32 phút
  • Thứ ba 12:00 XXXXXXXXXX 12:45 Tổng cộng: 45 phút
  • Thứ tư 9:00 XXXXXXXXXX 10:00 Tổng cộng: 1 giờ.
  • Thứ năm 9:00 XXXXXXXXXX 11:15 Tổng cộng: 2 giờ 15 phút.

Việc ghi nhận này có thể giúp bạn dễ dàng dự đoán thời gian đếm cử động thai chính xác trong mỗi lần đếm; tuy nhiên, sự thay đổi về thời gian vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, hãy lưu ý xem có bất kỳ thay đổi đáng kể nào từ kiểu cử động trong một vài ngày.

KHI NÀO NÊN GỌI CHO BÁC SĨ HOẶC NỮ HỘ SINH?

  • Nếu bạn đã tuân thủ theo các khuyến cáo trên nhưng không cảm nhận 10 cú đá sau hai giờ, hãy chờ thêm một vài giờ và thử lại. Sau khi thử lần thứ hai, nếu vẫn không cảm nhận được 10 cử động trong vòng 2 giờ, bạn nên đến bệnh viện để nhân viên y tế tiến hành theo dõi thai nhi.
  • Nếu bạn phát hiện có sự thay đổi đáng kể từ kiểu cử động trong thời gian 3-4 ngày.

Zalo