Tin tức

CÂU CHUYỆN 'ĐỨNG TRƯỚC SINH TỬ' - KỲ 12: Bác sĩ Louis Brasseur : Bé mọn để nghe được nỗi lòng bệnh nhân

 
“Nếu ai hỏi tôi đau là gì, tôi hiểu rất rõ, không chỉ vì tôi là một bác sĩ có mấy chục năm kinh nghiệm điều trị đau mà còn vì tôi là người nhà của bệnh nhân ung thư…”

Bác sĩ Louis Brasseur là một chuyên gia điều trị đau dày dạn kinh nghiệm hàng đầu nước Pháp. Cả cuộc đời ông gắn liền với quê hương: tốt nghiệp y khoa ở Pháp, đào tạo chuyên sâu ở Pháp, suốt 40 năm làm việc ở nhiều bệnh viện trên khắp đất Pháp, bao gồm cương vị giám đốc Đơn vị điều trị đau và hỗ trợ chăm sóc Bệnh viện René Huguenin, giám đốc Khoa gây mê và Trung tâm điều trị đau Bệnh viện Bichat…

Vậy mà ông gật đầu rất nhanh khi được mời đến làm việc ở một vùng đất xa tít tắp, nơi có rất nhiều khác biệt về môi trường, khí hậu, con người…, chỉ biết rằng nơi đó rất gần với ông ở văn hóa làm việc kiểu Pháp: Bệnh viện Pháp Việt (FV). Ông biết rõ Bệnh viện FV đã đạt 2 chứng nhận quốc tế khắt khe từ Tổ chức HAS của Pháp và sau đó là chứng nhận quốc tế JCI về chất lượng và an toàn bệnh nhân.

Trị đau quan trọng như trị bệnh

Trở thành Trưởng Trung tâm điều trị đau ở Bệnh viện FV, bác sĩ Louis Brasseur mang đến đất nước còn ít kinh nghiệm và kiến thức trong điều trị đau nguồn chất xám quý giá mà ông háo hức chia sẻ. Ông nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo điều trị đau cho đội ngũ y tế trong bệnh viện FV, mong mỏi mọi toa thuốc có thuốc giảm đau đều chuẩn xác nhất, hiệu quả nhất, cùng lúc giảm thiểu tối đa lượng thuốc bệnh nhân phải đưa vào cơ thể. Từng là giảng viên đại học về điều trị đau ở Pháp, công việc này rất quen thuộc với ông. Thách thức nằm ở chỗ ông phải cạnh tranh thời gian với hàng loạt chương trình đào tạo khác trong chính Bệnh viện FV, bởi bệnh viện liên tục tổ chức các khóa tập huấn cập nhật kiến thức chuyên môn cho đội ngũ y tế trong đủ lĩnh vực khác nhau… Nhưng lòng nhiệt thành và năng lượng tràn trề chưa bao giờ thiếu ở vị bác sĩ già, đơn giản chỉ vì ông hiểu rõ kiểm soát đau quan trọng ra sao với bệnh nhân, không những nâng cao chất lượng sống vào thời điểm điều trị mà còn giúp bệnh nhân hồi phục, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm….

Ông đưa ví dụ đau sau phẫu thuật có thể làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, khiến bệnh nhân phải nằm một chỗ, từ đó làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi. Đau cũng có thể làm tăng kích thước khối u ung thư, suy giảm khả năng miễn dịch, suy giảm ý chí và sức lực để bệnh nhân chống chọi bệnh. “Điều trị đau quan trọng không kém gì điều trị bệnh”, bác sĩ Louis Brasseur kết luận.

Trách nhiệm về những ký ức

Bắt đầu sự nghiệp với chuyên khoa gây mê, hồi sức, vị bác sĩ người Pháp có nhiều cơ hội được làm việc với các bệnh nhân đau mạn tính như đau xương khớp, đau vì ung thư… Ngày ngày nhìn thấy những đôi mắt bạc nhược vì những cơn đau xoáy vào tận xương tủy, những tấm thân rệu rã không còn tí sức lực vì đã gồng hết sức chống chọi với cái đau ngày đau đêm, bác sĩ Louis Brasseur quyết tâm dang rộng đôi tay để đỡ lấy những nỗi đau. Và ông đã làm điều đó bằng cả khối óc: đào sâu học hỏi, nghiên cứu ngày đêm về điều trị đau. Rồi như một định mệnh, người vợ thân yêu của ông bị ung thư vú và qua đời. Mười mấy năm trời ở sát bên cuộc chiến can trường nhưng không thiếu những giây phút yếu đuối, quyết liệt nhưng đầy những khoảnh khắc tuyệt vọng, mạnh mẽ nhưng vô cùng đau đớn , bác sĩ Louis Brasseur càng thêm lòng quyết tâm sắt đá để bền bỉ trong hành trình giảm nhẹ những nỗi đau, cả thể xác và tinh thần. Ông tự gắn trách nhiệm đó cho mình, không chỉ với bệnh nhân. “Có một người thân bị ung thư, người nhà thường rất lo lắng, sợ hãi và điều đó truyền sang bệnh nhân. Đã đau mà còn lo lắng sợ hãi thì cơn đau càng dữ dội hơn”. Vì thế hỏi chuyện người nhà, trấn an, xoa dịu họ trở thành quy trình thường quy tại Trung tâm điều trị đau của Bệnh viện FV.

Vị bác sĩ cũng gắn một trách nhiệm khác cho mình, trách nhiệm mà chỉ những ai thực sự từng trải mới có thể hiểu được: trách nhiệm về những ký ức. Ông kể: “Tôi có một bệnh nhân ung thư trực tràng, rất nặng và đau đớn đến không đi lại được bình thường. Ông ước mơ có một kỳ nghỉ đáng nhớ với người thân trước khi qua đời. Chúng tôi đã dùng phương pháp truyền thuốc nội tủy: bơm thuốc thẳng vào tủy sống thông qua một ống bơm được cấy dưới khoang bụng qua phẫu thuật. Phương pháp này giúp giảm đau hiệu quả với lượng thuốc ít hơn nhiều so với đường uống. Bệnh nhân đã có thể chạy, ra biển bơi lội và đã có những ngày tháng cuối đời vui vẻ. Điều đó có ý nghĩa to lớn, không chỉ cho riêng bệnh nhân. Ký ước về một người thân sống vui vẻ, được đối xử tốt, được toại nguyện để lại những kỷ niệm nhẹ nhàng cho gia đình, để khi nhớ về người quá cố, họ có thể mỉm cười. Với một bác sĩ, đó là phần thưởng vô cùng to lớn. Còn nếu một người trước khi qua đời luôn phải đau đớn vật vã, phải gồng mình chống chọi trong tuyệt vọng thì đó là những hình ảnh có thể ám ảnh mãi người sống”.

Đơn giản, khiêm tốn và bé mọn

Nhưng chắc chắn, trách nhiệm của bác sĩ với chính bệnh nhân là quan trọng hơn tất cả. Không ít bệnh nhân tại Bệnh viện FV đã không giấu được vẻ sửng sốt trước những câu hỏi “lạ lùng” của vị bác sĩ người Pháp: “Trước đây chị làm công việc gì, chị có mấy con, chị có thể làm cho tôi thấy cách mà chị bế con không, chị có tập thể dục không…” Nhưng bác sĩ Louis Brasseur giải thích đau thường là kết quả được tích tụ rất lâu từ lối sống, liên quan nhiều đến các bệnh lý khác… nên ông cần phải nhìn toàn cảnh bức tranh mới có thể tìm giải pháp điều trị chính xác nhất. Việc điều trị đau thể lý cũng liên quan mật thiết đến đau tinh thần nữa, bởi khi bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân mất ngủ, điều trị đau thể lý gian nan hơn rất nhiều.

Được hỏi về bí quyết điều trị, vị bác sĩ không nói đến những kiến thức uyên thâm mà ông dày công nghiên cứu hay những máy móc hỗ trợ điều trị đau hiện đại của Bệnh viện FV:

 
“Tôi cố gắng trở nên đơn giản nhất, khiêm tốn nhất, bé mọn nhất để được bệnh nhân tin tưởng trút ra nỗi lòng”.

Box: Một nữ bệnh nhân ung thư điều trị nội trú ở Bệnh viện FV thức giấc lúc 2 giờ sáng, đau đớn, hoảng sợ và chỉ muốn được bác sĩ Louis Brasseur khám. “Gặp bác sĩ điều trị đau lúc 2 giờ sáng?”, thấy tôi ngạc nhiên, bác sĩ Louis Brasseur giải thích: “Điều đó là cần thiết vì tôi biết rõ bệnh tình cô ấy, cô ấy cũng đã tin tưởng tôi. Điều dưỡng đề nghị cô ấy gặp bác sĩ trực nhưng cô ấy không muốn. Bệnh nhân ung thư thường sợ chết nên cơn hoảng sợ của họ rất kinh khủng và điều này hẳn là có hại cho tiến trình điều trị đau. Ngủ thì tôi có thể sau đó quay về nhà ngủ lại, còn sự đau đớn, hoảng sợ của bệnh nhân và người nhà thì cần được chấm dứt càng nhanh càng tốt. Thế nên tôi lập tức vào bệnh viện sau khi nhận điện thoại báo của điều dưỡng trực”.

Link bài báo: https://thanhnien.vn/suc-khoe/ky-12-bac-si-louis-brasseur-be-mon-de-nghe-duoc-noi-long-benh-nhan-929199.html

Zalo