Tin tức

Câu chuyện 'Đứng trước sinh tử' - Kỳ 4: Người hùng thầm lặng mang tên bác sĩ gây mê

Trong phòng mổ, bác sĩ gây mê canh gác không rời ranh giới sinh tử của bệnh nhân. Ra ngoài, họ hồi tỉnh, hồi sức cho bệnh nhân. Họ chỉ được nhắc tên nếu ca mổ… có sự cố, còn khi ca mổ thành công rực rỡ, bác sĩ gây mê yên ắng lui về hậu trường.

Mỗi ca gây mê là một cú kích tim

Thuốc mê là thuốc độc, ai cũng biết điều đó nhưng đa phần bệnh nhân buộc phải dùng tới mỗi khi lên bàn mổ. Người khống chế để thuốc độc không thể làm hại bệnh nhân chính là bác sĩ gây mê. Không có công thức chung nào cho tất cả mọi người, chỉ biết sai một ly đi một… đời người: thiếu một chút thuốc, bệnh nhân tỉnh dậy giữa cuộc phẫu thuật, có thể tử vong tức thì. Thừa một chút thuốc, bệnh nhân có khi không bao giờ dậy nữa. Bệnh nhân phẫu thuật đâu chỉ dùng thuốc mê. Bác sĩ gây mê cũng là nhạc trưởng phối hợp thuốc mê với hàng loạt loại hóa chất khác tùy từng cuộc mổ: thuốc giãn cơ, vận mạch, co mạch, giãn mạch, tăng co bóp cơ tim… để bệnh nhân có cuộc mổ êm dịu nhất.

Suốt ca mổ, bác sĩ gây mê canh gác tất cả dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân và hầu như bất kỳ khi nào “có biến” trong phòng mổ, bác sĩ gây mê cũng ở tuyến đầu: bệnh nhân mất máu quá mức, rối loạn kiềm toan, rối loạn đông máu, thay đổi nhiệt độ… Thế nên nếu bệnh nhân tử vong trên bàn mổ, bác sĩ gây mê thường bị “hỏi thăm” đầu tiên. Còn khi ca mổ thành công rực rỡ, bác sĩ gây mê yên ắng lui về hậu trường.

“Tôi mong bệnh nhân quên tôi”

Tôi may mắn được trò chuyện với vị bác sĩ đáng kính Henri Maries giữa một buổi chiều nắng vàng óng ánh, ở một bệnh viện thuộc hàng xinh đẹp, sạch sẽ và sang trọng bậc nhất khu vực: Bênh viện FV. Ông là trưởng khoa gây mê hồi sức ở đây. Sau 48 năm khoác áo blouse trắng, âm thầm lao vào cửa tử để giành giật lại mạng sống cho không biết bao nhiêu bệnh nhân khắp thế giới, bác sĩ Henri Maries tích lũy cho riêng mình một phong thái điềm đạm, bình tĩnh lạ thường. Ông nở nụ cười bình thản trên gương mặt hiền hậu khi được hỏi: “Có buồn không khi bệnh nhân ít khi biết tới vai trò của bác sĩ gây mê?” Rồi ông từ tốn trả lời:

 
Đó là lẽ thường tình của cuộc sống. Thật ra tôi luôn mong bệnh nhân quên tôi đi vì như thế có nghĩa là mọi việc diễn ra tốt đẹp

Ẩn đằng sau vẻ bình thản của vị bác sĩ người Pháp là lòng trắc ẩn sâu xa và tinh thần dấn thân mãnh liệt. Đội ngũ y bác sĩ làm việc ở phòng săn sóc đặc biệt của FV đều rất quen với cảnh đêm đêm vị bác sĩ già quay lại để thăm khám cho những bệnh nhân đặc biệt nặng, dẫu chẳng phải ca trực của ông.

Gây mê và hồi sức là 2 lĩnh vực luôn đi liền với nhau. Bác sĩ Henri Maries và các đồng nghiệp ngày ngày còn thực hiện một nhiệm vụ vô cùng khó khăn khác: hồi sức, chăm sóc cho những bệnh nhân sau mổ và những bệnh nhân nặng. Tự đánh giá mình là người biết cân bằng cuộc sống nhưng ông thừa nhận điều đó “không dễ tí nào nếu bạn là bác sĩ. Lắm lúc nửa đêm tôi giật mình thức giấc và tự hỏi liệu có còn cách nào làm cho phác đồ đang điều trị cho bệnh nhân tốt hơn không”. Rồi ông tự đánh giá mình là người may mắn vì được làm việc ở FV, nơi “bạn không bao giờ phải quyết định một mình”.

Từng là trưởng khoa gây mê của 3 bệnh viện lớn ở Pháp, giữ nhiều vị trí khác nhau ở các cơ sở y khoa khắp thế giới, bác sĩ Henri Maries chưa bao giờ cho phép mình chủ quan. Trái lại, ông luôn dựa vào sức mạnh tập thể bởi ông biết rất rõ một điều: trước mắt ông là bệnh nhân, mỗi người là mỗi cuộc đời vô cùng quan trọng, chẳng ai kém ai một tí nào. Ông hài lòng mỹ mãn vì FV có truyền thống làm việc đội nhóm hiệu quả, nơi các cuộc hội chẩn liên chuyên khoa diễn ra thường trực. Nhờ đó, sức khỏe bệnh nhân được đánh giá một cách toàn diện nhất để có được những phác độ điều trị tối ưu nhất. Ông nói:

 
Chất lượng đội ngũ bác sĩ ở đây cũng được giám sát chặt chẽ bởi chứng nhận y tế quốc tế JCI. Tôi rất hài lòng về điều đó vì chúng tôi luôn làm việc theo ekip, tất cả đều phải giỏi thì chất lượng của riêng tôi mới tốt được

Tất cả vì bệnh nhân

Thêm một điều quan trọng khác đã níu chân vị bác sĩ gây mê hồi sức dày dạn kinh nghiệm – lĩnh vực mà thế giới thiếu nhân sự giỏi – chính là truyền thống tất cả vì bệnh nhân ở FV. Ông nhận xét: “Về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thì tôi thấy ở FV cũng tương đồng như ở Pháp thôi. Tuy nhiên bộ máy tổ chức ở đây, nhất là ở đội ngũ lãnh đạo thì rất năng động, linh hoạt, “chạy” rất nhanh nếu đề xuất của bạn có lợi cho bệnh nhân”. Bác sĩ Henri Maries đưa ví dụ lúc ông quay lại FV vào năm 2014 sau một thời gian trở về Pháp vì lý do gia đình, ông muốn giới thiệu kỹ thuật gây tê vùng qua siêu âm để giảm đau sau phẫu thuật.

 
Tôi đã được đào tạo, sử dụng kỹ thuật này thành thạo ở Pháp nên hiểu rõ lợi ích to lớn của nó: giúp bệnh nhân giảm đau rất hiệu quả ở chính xác từng khu vực cần thiết, lại hạn chế thuốc giảm đau, bao gồm morphine

Đem đề xuất của mình đến Tổng giám đốc FV Jean-Marcel Guillon – người cũng là một bác sĩ tài ba – ông nhận được cái gật đầu ngay lập tức. Thêm vài cuộc thảo luận với giám đốc y khoa của bệnh viện, máy móc nhanh chóng được mua về, bác sĩ lập tức được gởi đi nước ngoài đào tạo, các cuộc huấn luyện tại chỗ được triển khai đồng loạt và chỉ chưa đầy 1 năm, gây tê vùng qua siêu âm được triển khai ở FV, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Với FV, điều trị không chỉ là giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Tất cả các y bác sĩ ở đây đều hiểu rõ chất lượng sống của bệnh nhân ở từng giây phút trong bệnh viện, chất lượng sống của cả cuộc đời phía trước quan trọng biết bao nhiêu!

Đừng tin khi bệnh nhân muốn chết!

Sau 48 năm khoác áo blouse trắng, toàn “canh gác” ở ranh giới sinh tử, bác sĩ Henri Maries chia sẻ những giờ phút khó khăn nhất của ông là lúc phải giải thích với người nhà bệnh nhân rằng y khoa không còn phương tiện cứu chữa. “Tôi từng có quãng thời gian làm việc tại một trung tâm lấy tạng ở Pháp, nơi thông báo cho người nhà bệnh nhân là người thân của họ đã chết não, tiếp đó xin họ hiến tạng. Tôi được đào tạo bài bản từng bước trình bày với người nhà để chuẩn bị tâm lý ít sốc nhất cho họ có thể. Nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy những giây phút giải thích giới hạn của y khoa vẫn khó khăn quá…”

Còn khi chỉ có một tia hy vọng, bác sĩ Henri Maries chưa bao giờ bỏ cuộc. Bước vào ngành gây mê vì mê khoa học tỉ mỉ, mê những công thức tính toán, giờ đây vị bác sĩ già dành nhiều thời gian xây dựng quan hệ với bệnh nhân, là chỗ dựa, là niềm tin, là động lực của họ trong những giờ phút chiến đấu cam go nhất với tử thần. “Đừng tin vào lời bệnh nhân lúc họ nói họ muốn chết là kinh nghiệm của tôi. Rất nhiều người trong những lúc quá đau đớn, mất hy vọng, họ muốn từ bỏ. Vai trò của bác sĩ lúc đó không chỉ là cho thuốc”.

Lấp lánh niềm vui trong đôi mắt hiền hậu, ông khoe tấm hình của một cụ già cười tươi rói giữa khu vườn tràn ngập nắng vàng, rực rỡ sắc hoa. “Thế mà hồi năm ngoái, ông ấy ra dấu “tôi muốn chết” cơ đấy” – bác sĩ Henri Maries kể. Đó là một bệnh nhân người Mỹ bị ung thư máu, nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, tràn dịch màn tim, tràn dịch màn phổi, có lúc ngưng tim phải kích tim… Ông tiếp: “Vợ của ông ấy vừa gởi cho tôi tấm hình này. Nụ cười của ông ấy là sự đền bù xứng đáng cho bao đêm ngày vất vả mà chúng tôi đã trải qua để cứu sống ông ấy”.

Vâng, phần thưởng cho một bác sĩ đơn giản lắm, mà cũng vĩ đại lắm!

Link bài báo: https://thanhnien.vn/suc-khoe/ky-4-nguoi-hung-tham-lang-mang-ten-bac-si-gay-me-hoi-suc-906473.html

Zalo