Tin tức

Mổ không đau, mau hồi phục

Tiến sĩ – Bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Trưởng khoa Ngoại Tổng quát – Bệnh viện FV, cho biết: “Thành công của một ca phẫu thuật có 50% phụ thuộc vào quá trình phẫu thuật, 50% còn lại là do chăm sóc hậu phẫu quyết định”.

Sau phẫu thuật, vấn đề đáng lo ngại nhất là nhiễm trùng vết mổ, sau đến là những cơn đau mà bệnh nhân phải chịu đựng. Phẫu thuật càng lớn, nguy cơ nhiễm trùng và mức độ đau càng cao. Hai vấn đề này chỉ được giải quyết nếu môi trường hậu phẫu đảm bảo vô trùng đúng chuẩn và nhân viên chăm sóc hậu phẫu được đào tạo đúng chuyên môn

“Không ngờ mình bình phục nhanh đến thế!”

Đó là tâm sự chung của hầu hết bệnh nhân được điều trị tại khoa Ngoại Tổng quát – Bệnh viện FV, đặc biệt là ở những bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng trong quá trình phẫu thuật và hồi phục.

Chỉ một ngày đến thăm khu điều trị nội trú khoa Ngoại – Bệnh viện FV, chứng kiến không khí làm việc khẩn trương tại đây mới thấy được biết bao câu chuyện cảm động về sự tận tâm, nhiệt huyết, thậm chí hy sinh của đội ngũ y bác sĩ của khoa vì sức khỏe và sự hồi phục của người bệnh.

Cô em gái của tôi!

Chị Khin Mom, 47 tuổi, người Cam-pu-chia, được phẫu thuật cắt bỏ khối u lành tính nằm trong ổ bụng nặng đến gần 12kg trong tình trạng sức khỏe yếu, khối u đã chảy máu trong ổ bụng, trước và sau ca mổ chị đều phải hồi sức tích cực và truyền máu. Do vết mổ lớn kéo dài dọc ổ bụng nên việc chăm sóc vết mổ cho chị Khin Mom phải đảm bảo vô trùng nghiêm ngặt nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân. Chị biết vậy nên ngoài bác sĩ phẫu thuật đến khám và điều dưỡng rửa vết mổ, thay băng, chị lo lắng, không cho bất cứ ai động vào mình, kể cả hộ lý đến tắm rửa và làm vệ sinh cá nhân cho chị. Bấy giờ, chị Phạm Thị Thanh, hộ lý chăm sóc cho chị Khin Mom, rất kiên nhẫn. Sau ngày đầu tiên bị từ chối, chị Thanh không chịu bỏ cuộc. Chị đợi đến chiều tối khi sắp hết ca, nhẹ nhàng vào phòng chị Khin Mom trò chuyện tỉ tê, vừa hỏi thăm vừa giải thích cho chị Khin Mom hiểu, nếu bản thân không giữ gìn cơ thể sạch sẽ thì dù có thuốc “tiên” cũng không giúp chị hồi phục. Rào cản ngôn ngữ cũng không ngăn được chị Thanh, với sự hỗ trợ của phiên dịch viên Bệnh viện FV, sau hơn một tiếng đồng hồ, chị đã thuyết phục được chị Khin Mom để đưa đi tắm và làm vệ sinh cá nhân. Những ngày nằm viện sau đó, hai chị em đã trở nên thân thiết đến nỗi khi xuất viện, chị Khin Mom bịn rịn ôm chị Thanh và thốt lên: “Cô em gái người Việt Nam của tôi!”.

Thấy chồng ăn được, tôi mừng muốn khóc

Chị Huỳnh Thị Lạc, vợ của bệnh nhân Nguyễn Văn Trung ngụ ở Phú Yên, vừa kể vừa rớt nước mắt: “Sau ca mổ kéo dài 8 tiếng do bác sĩ Hùng (Tiến sĩ – Bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Trưởng khoa Ngoại Tổng quát – Bệnh viện FV) thực hiện, tôi vẫn không dám tin anh Trung có thể trở lại với cuộc sống bình thường như hôm nay. Chỉ đến khi thấy chồng ăn được mà không bị nghẹn, tôi mừng muốn khóc!”. Theo lời chị kể, anh Trung được chẩn đoán ung thư thực quản di căn hạch và anh suy sụp hoàn toàn sau khi biết tin. Kể cả sau khi ca mổ thành công, vợ chồng anh Trung vẫn sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng không biết anh có hồi phục được không.

Được mổ nội soi, anh Trung chỉ có một đường mổ ở cổ khoảng 5cm, bốn đường mổ nhỏ trên ngực, bốn đường mổ ở bụng có chiều dài 5-12mm nên việc chăm sóc vết mổ không có vấn đề gì. Những ngày đầu hậu phẫu, anh được nuôi ăn bằng đường mở dạ dày qua da nên điều quan trọng nhất sau đó là anh cần được phục hồi chức năng nuốt của thực quản. Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu và một thực đơn đặc biệt được chuyên gia dinh dưỡng Bệnh viện FV thiết kế riêng, hàng ngày anh Trung bắt đầu với các bài tập nuốt. Đầu tiên là những thức ăn dạng lỏng như canh, sữa, rồi đến các thức ăn đặc hơn như cháo loãng, súp, anh Trung vẫn khó nuốt. Được ê-kíp chăm sóc động viên và bản thân anh Trung tự hạ quyết tâm phải tập bằng được để không phụ lòng các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho anh. Rồi cuối cùng cũng đến một ngày, anh Trung nuốt được miếng ăn đầu tiên mà không mắc nghẹn, rồi miếng thứ hai, thứ ba… Niềm vui của anh vỡ òa trong tiếng khóc nấc lên vì vui mừng của vợ!

Mổ mà không đau

Đối với nhiều người, thoạt nghe có vẻ “vô lý” nhưng thực chất, rất nhiều bệnh nhân đang nằm điều trị tại khu điều trị nội trú khoa Ngoại đã có nhận xét như vậy sau khi được phẫu thuật tại đây. Theo quy trình quản lý đau tại khoa thì trách nhiệm của ê-kíp chăm sóc sau phẫu thuật là phải “diệt” đau trước khi bệnh nhân cảm nhận được. Chị Mai Anh Ngọc, 35 tuổi, ngụ tại TP.HCM, phẫu thuật thoát vị thành bụng, được bác sĩ dự kiến nằm viện điều trị 4 đêm. Tuy có vết mổ dài khoảng 10cm trên thành bụng nhưng chị Ngọc hầu như không thấy đau đớn nhiều, tâm trạng rất thoải mái.

Theo đúng quy trình, điều dưỡng vẫn phải đánh giá đau theo y lệnh của bác sĩ để đảm bảo bệnh nhân không đau, không bị ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, nhưng lần nào chị Ngọc cũng lắc đầu nói “không đau, chỉ đau chút xíu mỗi khi ho do cổ họng hơi rát vì đặt nội khí quản khi mổ”. Nằm được hai ngày, chị Ngọc cảm thấy rất khỏe. Chỉ có ngày đầu tiên chị vẫn còn choáng do thuốc gây mê, chứ sang ngày thứ hai thì chị có thể đi lại và ăn uống bình thường. Sau khi bác sĩ khám và đánh giá tình trạng sức khỏe của chị Ngọc, chị được xuất viện sớm hơn dự kiến theo đúng nguyện vọng của chị.

Những trường hợp được xuất viện sớm hoặc đúng dự kiến không phải là hiếm tại khu điều trị nội trú khoa Ngoại. Tùy tình trạng bệnh và sức khỏe của từng bệnh nhân mà khả năng hồi phục cũng khác nhau. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, việc quản lý đau hiệu quả tác động rất tích cực đến khả năng hồi phục của bệnh nhân.

Anh Trần Văn Nam, 42 tuổi, ngụ tại Bình Dương, vừa trải qua ca phẫu thuật đại tràng. Đây là lần mổ thứ hai của anh Nam do lần trước, anh được mổ ở một bệnh viện khác và không may bị nhiễm trùng. Được người nhà giới thiệu đến FV mổ lại, anh Nam vẫn thấy lo lo do bị ám ả¬nh bởi những cơn đau dai dẳng từ lần mổ trước mà theo anh kể lại, đau đến nỗi “tôi cứ nằm sấp chổng mông lên mà kêu giời ý!”.

Trái với nỗi lo của anh Nam, năm ngày nằm viện tại khoa Ngoại – Bệnh viện FV, từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng, anh Nam hầu như không bị cơn đau hành hạ. Chị Nguyễn Thị Hiền, Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại – Bệnh viện FV, cho biết: “Anh Nam được giảm đau qua đường truyền chứ không phải chích thuốc hay uống thuốc như quy trình vẫn áp dụng ở nhiều bệnh viện khác. Đứng ở góc độ là người chăm sóc bệnh nhân, đây là một điểm mang lại nhiều lợi ích cho quá trình hồi phục do bệnh nhân không bị đánh thức để uống hay chích thuốc, nhất là về đêm, điều dưỡng chỉ theo dõi thuốc và đường truyền rồi thay thuốc theo y lệnh của bác sĩ. Bệnh nhân vẫn có thể ngủ ngon trọn giấc”.

Ở FV, điều dễ dàng nhận thấy là môi trường sạch sẽ, dụng cụ y khoa hiện đại và quy trình vô trùng luôn được thực hiện nghiêm ngặt, đúng theo chuẩn của các bệnh viện quốc tế. Chính vì vậy, bệnh nhân luôn cảm thấy yên tâm và thoải mái khi đặt chân đến đây. Nhưng điều làm họ tin tưởng phó thác sinh mệnh mình lại không gì khác hơn chính là sự hết lòng vì bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ. Khoảnh khắc phải nằm tịnh dưỡng và chưa thể di chuyển sau phẫu thuật chính là lúc họ cảm nhận rõ rất các bác sĩ và điều dưỡng ở đây tận tâm đến thế nào. Đó là những điều mà không tiền bạc nào có thể mua được và cũng chính là lý do mà họ luôn gắn bó với FV vào những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời mình.

Nguồn: Tạp chí Nữ Doanh Nhân, số tháng 5/2017

Zalo