Chuyển dạ và sinh con qua ngả âm đạo

Chuyển dạ và sinh con qua ngả âm đạo

Sinh con qua ngả âm đạo diễn ra khi thai nhi được đẩy xuống đường sinh dục để ra ngoài qua đường âm đạo. Mỗi lần chuyển dạ và sinh con đều sẽ khác nhau.

NHỮNG ĐIỀU CẦN THỰC HIỆN TRƯỚC KHI CHUYỂN DẠ

Trong suốt quá trình của thai kỳ, sản phụ cần:

  • Đảm bảo khám thai đầy đủ với Bác sĩ khoa Sản trước khi sinh
  • Ăn theo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và uống thật nhiều nước.
  • Ngủ nhiều nhất có thể
  • Tham khảo những tài liệu liên quan đến việc sinh con và tham dự các khóa học tiền sản.
  • Chọn một người hỗ trợ để ở bên cạnh trong lúc chuyển dạ và sinh con
  • Lên kế hoạch sinh con giúp sản phụ liệt kê  những việc cần chuẩn bị và có thông tin về những biến chứng có khả năng xảy ra.

Hãy trao đổi với Bác sĩ về :

  • Cách  liên hệ với Bác sĩ sau giờ làm việc và khi nào cần liên hệ.
  • Các bước nên thực hiện khi chuyển dạ
  • Việc có cần thuốc giảm đau trong lúc chuyển dạ hay không
  • Xoa bóp tầng sinh môn, là vùng giữa hậu môn và âm đạo. Việc xoa bóp có thể giúp hạn chế nguy cơ gây tổn thương vùng này.
  • Phương tiện di chuyển đến bệnh viện
  • Sắp xếp việc nhà và công việc tại chỗ làm
  • Cách nhận biết những dấu hiệu chuyển dạ, bao gồm :
    • Cơn gò tử cung
    • Vỡ ối
    • Đau lưng
    • Xuất huyết âm đạo nhẹ

CHUYỂN DẠ THẬT VÀ CHUYỂN DẠ GIẢ

Trước khi chuyển dạ thật bắt đầu, sản phụ có thể trải qua các giai đoạn chuyển dạ giả. Đây là những cơn gò tử cung không đều, được gọi là cơn gò sinh lý Braxton Hicks :

  • Những cơn gò thường xảy ra không quá một hay hai lần mỗi giờ, và thường chỉ xảy ra vài lần trong ngày.
  • Những cơn gò thường không đều và không gia tăng về tần suất cũng như về cường độ
  • Những cơn gò có thể hết khi đi lại hay thay đổi hoạt động
  • Những cơn gò này là bình thường nhưng có thể gây đau
  • Những cơn gò cũng thường được cảm nhận ở vùng dạ dày và không ở vùng lưng.

Theo dõi thời gian của những cơn gò là cách tốt nhất để phân biệt giữa chuyển dạ thật và chuyển dạ giả. Hãy ghi nhận  thời gian từ lúc bắt đầu cơn gò này cho đến lúc bắt đầu cơn gò tiếp theo trong vòng 1 giờ. Nếu các cơn gò trở nên gần nhau hơn, kéo dài hơn, cường độ  mạnh hơn và cảm nhận được ở vùng lưng, thì đó có thể là dấu hiệu của chuyển dạ thật. Nếu nghĩ rằng mình đang chuyển dạ, sản phụ hãy liên hệ ngay với Bác sĩ. . 

CHUYỂN DẠ SINH

Thời gian chuyển dạ và sinh con cũng như diễn tiến của quá trình sẽ phụ thuộc vào các lần sinh trước, vị trí của ngôi thai, kích cỡ của thai nhi và kích cỡ của đường sinh dục. Thời gian trung bình sản phụ sinh con so và sổ nhau là 12 giờ. Tuy nhiên thời gian này có thể khác nhau rất nhiều. Bác sĩ sẽ dựa vào các giai đoạn chuyển dạ và sinh con thường gặp  để quyết định đây có phải là diễn tiến bình thường của việc sinh con qua đường âm đạo hay không.

Chuyển dạ có 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn I : Cổ tử cung mở và mỏng đi để mở rộng hoàn toàn. Cổ tử cung của sản phụ trong lần chuyển dạ đầu tiên sẽ mở trung bình khoảng 1cm mỗi giờ trong quá trình chuyển dạ tích cực. Nếu sản phụ đã từng sinh con trước đây, cổ tử cung thường sẽ mở nhanh hơn.
  • Giai đoạn II : Thai nhi di chuyển qua đường sinh dục để chào đời. Giai đoạn chuyển dạ này thường kéo dài từ 15 đến 75 phút nhưng cũng có thể kéo dài 2 hoặc 3 giờ.
  • Giai đoạn III : Nhau thai (sau khi sinh) cũng sẽ đi qua đường sinh dục và sổ ra ngoài. Giai đoạn này thường xảy ra trong vòng 30 phút sau khi sinh em bé.

Khi bắt đầu chuyển dạ, tử cung (nơi thai nhi phát triển trong quá trình mang thai) sẽ bắt đầu co bóp, đẩy thai nhi xuống âm đạo (ống sinh). Cổ tử cung là cửa ngõ của tử cung hướng ra âm đạo, sẽ từ từ giãn nở cho đến khi đường kính đạt khoảng 10 cm. Điều này cho phép thai nhi đi qua và được sinh  ra ngoài qua ngả âm đạo. Quá trình này thường phải mất một khoảng thời gian. Tuy nhiên, nếu sản phụ đã từng sinh qua ngả âm đạo trước đây, thì việc chuyển dạ có thể  diễn ra nhanh chóng.

Khi cổ tử cung đã mở rộng hoàn toàn và đầu thai nhi hướng xuống  đường sinh dục, nữ hộ sinh sẽ giúp sản phụ chuẩn bị sinh con. Sản phụ sẽ được đặt nằm ở tư thế tốt nhất, hai chân  sẽ được quấn vải (vô trùng). Bác sĩ sẽ vệ sinh vùng quanh âm đạo bằng dung dịch sát khuẩn.

Sản phụ có thể đặt hai chân trên giá đỡ, đặc biệt là khi có gây tê ngoài màng cứng. Nữ hộ sinh và người nhà có thể giữ hai chân của sản phụ ở tư thế thoải mái để giúp sản phụ rặn sinh. Bác sĩ có thể khuyến khích sản phụ nên tìm một tư thế phù hợp nhất cho mình. Mỗi lần có cơn gò tử cung, sản phụ sẽ được hướng dẫn cách rặn. Việc rặn sinh cũng tương tự như khi bạn đang cố gắng đi ngoài.

“Chuyển dạ hoàn thiện” là khi thấy đầu của thai nhi ở cửa ngõ âm đạo. Khi điều này xảy ra, sản phụ có thể được yêu cầu rặn chậm lại. Tùy vào kế hoạch sinh em bé, bác sĩ có thể sẽ xoa bóp tầng sinh môn để giúp nơi này giãn ra nhẹ nhàng. Cắt tầng sinh môn không phải là một thủ thuật thường quy, nhưng trong một vài trường hợp, đây là điều cần thiết.

Khi đầu của em bé đã ra ngoài, sản phụ sẽ được yêu cầu ngưng rặn. Bác sĩ sẽ kiểm tra để chắc chắn rằng dây rốn không quấn quanh cổ của em bé. Sau đó, sản phụ có thể tiếp tục rặn để đẩy phần còn lại của em bé ra ngoài. Nếu em bé khoẻ mạnh và thở tốt, em bé sẽ được đặt vào lòng mẹ. Dây rốn sẽ được kẹp lại và cắt rời. Trong vòng 20 phút sau đó, nhau thai sẽ được sổ ra ngoài.

Sinh con qua ngã âm đạo

Đôi khi, đầu của bé không cử động như mong muốn khi đi qua ống sinh. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ có thể sử dụng kẹp hay máy hút chân không để giúp đưa em bé ra ngoài .

GÂY TÊ

Chuyển dạ có thể gây đau bụng dữ dội,  lưu ý rằng việc chuyển dạ ở mỗi sản phụ đều khác nhau. Mỗi người sẽ có các trải nghiệm về cơn đau khác nhau.  Khi lên kế hoạch sinh con, sản phụ hãy trao đổi với Bác sĩ để lựa chọn phương pháp giảm đau cho mình.

Vào giai đoạn đầu của chuyển dạ, những kỹ thuật như thở nhịp nhàng, thiền định và bấm huyệt có thể rất hữu ích. Một vài phụ nữ không cần bất kỳ phương pháp kiểm soát đau nào.

Có nhiều phương pháp để kiểm soát cơn đau. Tất cả các phương pháp giảm đau trong lúc chuyển dạ đều có các nguy cơ và lợi ích. Hãy chắc chắn rằng sản phụ sẽ trao đổi những điều này với Bác sĩ:

  • Dùng thuốc giảm đau bằng cách tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp:
    • Sử dụng khi những cơn gò tử cung trở nên mạnh hơn và đau nhiều hơn
    • Có thể thấm vào mạch máu của thai nhi
  • Phong bế ngoài màng cứng:
    • Tiêm thuốc giảm đau gần tủy sống
    • Do Bác sĩ  gây mê thực hiện với liều lượng nhỏ
    • Không thấm vào mạch máu của thai nhi
    • Giảm đau và có tác dụng ở phần dưới cơ thể
    • Giảm đau hiệu quả và giúp sản phụ tiếp tục sinh con
    • Có thể gây nhức đầu và hạ huyết áp, đồng thời thay đổi nhịp tim thai
  • Phong bế tủy sống:
    • Tiêm thuốc giảm đau vào dịch tủy sống
    • Sử dụng để giảm đau trong quá trình sinh con, đặc biệt là khi cần sử dụng kẹp hoặc máy hút chân không
    • Thường sử dụng trong trường hợp sinh mổ
    • Làm tê cứng phần dưới cơ thể và giảm khả năng rặn của sản phụ
    • Giảm đau hiệu quả và có tác dụng nhanh chóng
    • Có thể gây nhức đầu sau khi sinh và hạ huyết áp trong quá trình chuyển dạ và sinh con, đồng thời thay đổi nhịp tim thai.
  • Gây tê tại chỗ:
    •  Tiêm vào âm đạo hay vùng gần âm đạo
    • Sử dụng trong trường hợp phải cắt tầng sinh môn (cắt phần gần âm đạo)
    • Cũng được sử dụng khi khâu âm đạo bị rách
    • Không giảm đau do cơn gò tử cung trong quá trình chuyển dạ

CÁC BIẾN CHỨNG CÓ KHẢ NĂNG XẢY RA

Giai đoạn II của quá trình chuyển dạ có thể bị chậm trễ hay kéo dài do:

  • Ngôi thai bất thường (đẻ ngược (ví dụ như mông hay chân cuả em bé ra trước), mặt, trán hay phần khác của cơ thể)
  • Đầu của thai nhi không xuống được vành chậu hay phần trung gian của mỏm gai
  • Độ co bóp của tử cung yếu
  • Ngưng pha chuyển dạ tích cực
  • Bất cân xứng giữa đầu và khung chậu
  • Đẻ khó do kẹt vai

Những yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ các biến chứng bao gồm :

  • Thiếu máu
  • Đái tháo đường
  • Rối loạn đông máu
  • Bệnh lý hô hấp và tim mạch
  • Bệnh lý nhiễm trùng, như nhiễm herpes sinh dục hay HIV
  • Vỡ ối trước khi bắt đầu có cơn gò tử cung
  • Nhau nằm trước cổ tử cung – nhau tiền đạo
  • Nhau tách rời sớm khỏi thành tử cung – nhau bong non
  • Dây rốn bị trôi xuống dưới trước ngôi thai – sa dây rốn
  • Thai nhi quá to hay thai nhi nằm sai tư thế trong lòng tử cung

Ngay sau khi sinh

  • Ngay sau khi sinh, em bé sẽ được đặt lên bụng hay ngực của mẹ. Phương pháp tiếp xúc da kề da có thể giúp thành công khi cho con bú
  • Sản phụ cần phải khâu tầng sinh môn nếu bị rách hay bị cắt
  • Sản phụ sẽ được xoa bóp vùng bụng để giúp kiểm soát tử cung cũng như giảm xuất huyết
  • Vùng âm đạo, tầng sinh môn và trực tràng sau đó sẽ được vệ sinh
  • Một túi đá sẽ được đặt vào tầng sinh môn giúp làm dịu và giảm sưng tấy.
  • Sản phụ có thể được tiêm một liều oxytocin để giúp giảm xuất huyết
  • Sản phụ sẽ được sử dụng thuốc giảm đau.

CHĂM SÓC HẬU SẢN

Thời gian nằm viện thông thường đối với trường hợp sinh qua ngả âm đạo là 3-4 ngày. Tuy nhiên, Bác sĩ có thể yêu cầu sản phụ nằm viện lâu hơn nếu có các biến chứng xảy ra.

Hậu sản là thời gian sau khi sinh em bé, khi cơ thể của người mẹ đang thay đổi để trở về tình trạng bình thường. Thời gian này kéo dài khoảng 6 tuần hay cho đến khi tử cung trở về kích cỡ bình thường. Nếu  không cho con bú, mẹ có thể bắt đầu có kinh nguyệt trở lại từ 3 đến 10 tuần sau khi sinh. Nếu cho con bú, mẹ có thể sẽ không có kinh nguyệt trở lại cho đến khi ngừng cho con bú. Trong khoảng thời gian này, mẹ sẽ cần phải thực hiện các bước để điều chỉnh những thay đổi của cơ thể và cuộc sống khi có thêm thành viên mới.

Những ảnh hưởng đến cơ thể

Đối với cơ thể , mẹ có thể sẽ gặp những điều sau :

  • Đau vú – Vú có thể bị đau do xuống sữa và căng sữa. Núm vú cũng có thể bị đau.
  • Táo bón – mẹ có thể không đi ngoài cho đến ngày thứ ba hoặc thứ tư sau khi sinh
  • Vết khâu tầng sinh môn có thể làm đau khi ngồi hay đi lại
  • Trĩ – Trĩ rất thường xảy ra và gây đau khi đi ngoài.
  • Cơn nóng lạnh – Điều này là do cơ thể của mẹ đang cố gắng để điều chỉnh sự thay đổi về nội tiết tố và tốc độ lưu thông máu.
  • Tiêu tiểu không tự chủ – Trong quá trình sinh nở, các cơ bắp đã bị kéo căng. Điều này có thể làm cho mẹ  khó kiểm soát việc tiêu tiểu trong một thời gian ngắn sau khi sinh.
  • Đau sau khi sinh  – Việc co rút tử cung có thể gây ra những cơn gò. Những con gò  này có thể làm mẹ khó chịu hơn khi cho con bú hay dùng thuốc giảm xuất huyết. Đây là điều bình thường sau khi sinh.
  • Dịch tiết âm đạo – Lượng dịch này sẽ nhiều hơn so với lúc có kinh nguyệt và thường kèm theo những cục máu. Dịch tiết sẽ dần dần chuyển sang màu trắng hay màu vàng và kết thúc trong vòng 2 tháng.
  • Cân nặng – Cân nặng của mẹ sau khi sinh có thể sẽ giảm khoảng 4,5kg so với cân nặng lúc mang thai. Lượng nước sẽ giảm đi trong tuần đầu tiên khi cơ thể đã lấy lại sự cân bằng muối.

Những ảnh hưởng đến cảm xúc

Về mặt cảm xúc, mẹ có thể gặp những điều sau:

  • “Rối loạn cảm xúc” – Khoảng 80% các bà mẹ mới sinh hay gắt gỏng, buồn rầu, khóc lóc hoặc lo âu. Tình trạng này bắt đầu trong vòng vài ngày hay vài tuần sau khi sinh. Các trạng thái cảm xúc này có thể là kết quả của sự thay đổi nội tiết tố, kiệt sức, gặp phải những trải nghiệm không mong muốn khi sinh con, sự điều chỉnh để thay đổi vai trò và cảm giác thiếu kiểm soát về cuộc sống mới.
  • Trầm cảm sau khi sinh – Tình trạng này nặng hơn và xảy ra ở 10%-20% các bà mẹ mới sinh. Tình trạng này có thể gây ra sự thay đổi tâm tính thất thường, lo âu, cảm giác tội lỗi và buồn rầu kéo dài. Mẹ có thể xuất hiện tình trạng trầm cảm sau  sinh khi em bé được vài tháng tuổi. Tình trạng này thường phổ biến hơn ở  những phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh trầm cảm.
  • Rối loạn tâm thần sau sinh – Rối loạn tâm thần sau khi sinh là một tình trạng  hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Những triệu chứng bao gồm suy nghĩ khó khăn và có ý nghĩ gây tổn hại cho em bé. Nếu mẹ cảm thấy như vậy, hãy liên hệ ngay với Bác sĩ.
  • Quan hệ tình dục – Mẹ có thể cảm thấy chưa sẵn sàng về mặt thể chất cũng như tinh thần để bắt đầu quan hệ tình dục ngay. Trong hầu hết các trường hợp, mẹ sẽ cảm thấy hứng thú hơn với việc quan hệ tình dục trong vài tuần sau khi sinh.

Cách chăm sóc bản thân

  • Khi em bé ngủ, mẹ  hãy tranh thủ chợp mắt
  • Dành thời gian mỗi ngày đọc sách hay nghe nhạc để thư giãn
  • Trao đổi với Bác sĩ về thời gian an toàn để mẹ có thể tắm vòi sen, tắm bồn hay ngâm mình trong nước.
  • Tập thể dục nhiều và hít thở không khí trong lành
  • Sắp xếp để mẹ có thời gian ở riêng và trò chuyện thường xuyên với bố của bé.

  • Dành thời gian mỗi ngày để vui chơi cùng em bé. Khuyến khích bố của bé cũng làm như vậy.
  • Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trừ khi bác sĩ của mẹ có chỉ định khác.
  • Nếu cho bé bú sữa mẹ, đảm bảo vệ sinh núm vú trước mỗi lần cho con bú
  • Tạm nghỉ ngơi nếu mẹ cảm thấy căng thẳng khi có khách viếng thăm.
  • Yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết
  • Trao đổi với các bà mẹ mới sinh khác và lập một nhóm hỗ trợ riêng cho mình.
  • Trì hoãn việc quan hệ tình dục và không đặt bất kỳ dụng cụ tránh thai nào vào trong tử cung cho đến khi mẹ đã tái khám 4-6 tuần sau khi sinh.

LIÊN LẠC VỚI BÁC SĨ

Sau khi xuất viện về nhà, mẹ hãy liên hệ với bác sĩ của mình hay gọi cho Khoa Sản-Phụ khoa nếu có xảy ra bất kỳ điều gì sau đây :

  • Các dấu hiệu nhiễm trùng, bao gồm sốt và rét run
  • Xuất huyết nhiều hơn: sử dụng nhiều hơn một băng vệ sinh trong một giờ
  • Vết thương trở nên đỏ, sưng tấy hay chảy mủ
  • Dịch tiết âm đạo có mùi hôi
  • Xuất hiện cơn đau mới, sưng tấy, hoặc đau ở hai chân
  • Đau không kiểm soát được bằng các loại thuốc đã sử dụng
  • Đi tiểu gấp, liên tục, đau và nóng rát, hoặc có máu trong nước tiểu kéo dài
  • Ho, khó thở hay đau ngực
  • Trầm cảm, có ý nghĩ tự sát hay cảm giác muốn gây tổn hại em bé
  • Hai vú nóng, đỏ, kèm theo sốt
  • Bất kỳ vết nứt hay chảy máu từ núm vú hay quầng vú (vùng da sậm màu của vú)

Khi cần cấp cứu, vui lòng gọi hỗ trợ y tế ngay.

Trong giờ làm việc : + 84 8 54 11 35 35

Đường dây nóng trực 24/24: +84 8 54 11 34 50

Zalo