Tài liệu hướng dẫn bệnh nhân về điều trị giãn tĩnh mạch bằng tia Laser qua kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

Tia Laser đã được sử dụng trong điều trị một cách hiệu quả cho nhiều tình trạng bệnh lý từ nhiều năm nay.

Hiện nay có một kỹ thuật mới được ứng dụng bằng cách đưa năng lượng tia Laser trực tiếp vào tĩnh mạch để điều trị giãn tĩnh mạch. Mười năm gần đây, hàng ngàn bệnh nhân trên thế giới đã được điều trị bằng phương pháp can thiệp ít xâm lấn này. Chỉ định điều trị khu trú trên các tĩnh mạch nông và các nhánh xuyên cùng các công trình nghiên cứu liên quan cho thấy kết quả rất tốt.

So với điều trị phẫu thuật thông thường cho giãn tĩnh mạch, việc điều trị bằng tia Laser sẽ làm giảm các nguy cơ rủi ro, hầu như không gây đau, có thể thực hiện điều trị trong ngày và bệnh nhân về nhà cùng ngày với kết quả cải thiện rõ rệt. Trước khi làm thủ thuật, bạn cần gặp bác sĩ để được chỉ định một số xét nghiệm giú́p bác sĩ quyết định việc bạn có thể được điều trị bằng tia Laser hay không. Các xét nghiệm này đều không gây đau, an toàn và không xâm lấn.

Trong quá trình tiến hành điều trị, bạn sẽ được gây tê tại chỗ bằng một lượng nhỏ thuốc gây tê Lidocain được tiêm dưới da. Sau khi tiêm, một sợi quang sẽ được luồn vào tĩnh mạch của bệnh nhân để đưa tia laser theo suốt chiều dài đoạn giãn tĩnh mạch và đốt từ bên trong. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được trang bị mắt kính bảo hộ chống tia Laser, vị trí nguồn phát Laser được kiểm tra liên tục bằng siêu âm để chắc chắn là tia Laser luôn nằm ở vị trí tốt nhất. Bệnh nhân có thể sẽ hơi khó chịu một chút nhưng sẽ không đau trong và sau khi thực hiện thủ thuật.

Sau khi kết thúc thủ thuật, bệnh nhân sẽ thấy rõ kết quả được cải thiện và có thể về được ngay. Thường bệnh nhân sẽ không bị sưng hay bầm tím và vết sẹo tại điểm rạch da để luồn sợi quang sẽ rất nhỏ.

BỆNH NHÂN CẦN LÀM GÌ SAU KHI KẾT THÚC THỦ THUẬT ?

Để tránh tác dụng phụ và giúp cho vết thương mau lành, bệnh nhân phải mang vớ chống thuyên tắc loại II trong vòng từ 1 đến 2 tuần ; Loại vớ này trông giống như vớ bình thường và bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu khi mang chúng. Sau khi rời bệnh viện, bệnh nhân cần đi bộ ít nhất từ 30 đến 60 phút và cần tiếp tục đi bộ mỗi ngày từ 1 đến 2 giờ trong vòng 1 đến 2 tuần sau đó. Bệnh nhân cần tránh ngâm nước nóng, chạy, nhảy, khuân vác nặng và tránh căng thẳng từ 1đến 2 tuần sau điều trị. Bệnh nhân có thể uống Paracetamol hay thuốc kháng viêm không corticoid như Aspirin hay Voltaren nếu cảm thấy khó chịu trong người.

BỆNH NHÂN CÓ CẦN TÁI KHÁM VỚI BÁC SĨ SAU KHI LÀM THỦ THUẬT ?

Bệnh nhân cần tái khám trong vòng 10 ngày sau thủ thuật; tuy nhiên bệnh nhân phải thông báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra như chảy máu tại vị trí rạch da hoặc đau bất thường.
Khi tái khám, bác sĩ sẽ trao đổi thêm với bệnh nhân về những can thiệp bổ sung nếu cần như liệu pháp tiêm xơ cứng để xử lý cho những chỗ giãn tĩnh mạch nhỏ khác.

Mặc dù điều trị bằng tia laser có hiệu quả tức thì và lâu dài, bệnh nhân nên hiểu rằng bệnh giãn tĩnh mạch là bệnh mãn tính và đa số các trường hợp bệnh có thể tiếp tục tiến triển. Do đó bệnh nhân được khuyến cáo tái khám định kỳ hằng năm để theo dõi và đánh giá tình trạng bệnh sau khi điều trị thành công với tia Laser.

NGUY CƠ VÀ NHỮNG KHÓ CHỊU GẶP PHẢI SAU KHI LÀM THỦ THUẬT

• Sau thủ thuật, bệnh nhân có thể thấy bầm nhiều hoặc ít tùy mức độ khác nhau . Các vết bầm này thường lành tính và sẽ tự biến mất trong vòng 10 đến 15 ngày.
• Bệnh nhân có thể bị đau dọc theo tĩnh mạch vài ngày sau khi làm thủ thuật (đặc biệt là ngày thứ 4 hay thứ 5, hoặc trong vòng từ 8 đến 10 ngày sau). Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp sẽ được cải thiện với thuốc giảm đau thông thường (paracetamol) hay thuốc kháng viêm và bạn vẫn có thể sinh hoạt bình thường được.

Mục đích của điều trị bằng Laser là để cải thiện các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, giống như tất cả các phương pháp điều trị khác, trong một số trường hợp, tình trạng của bệnh nhân có thể cải thiện được một phần hoặc không thay đổi hoặc thậm chí có thể tệ hơn . Các tác dụng phụ tuy hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra như :

  • Đa số các trường hợp luồn kim vào tĩnh mạch không phải là một kỹ thuật khó và không gây vấn đề nghiêm trọng nào, tuy nhiên, chóng mặt vẫn có thể xảy ra dù hiếm;
  • Bỏng da và mô quanh tĩnh mạch (hiếm khi xảy ra do kỹ thuật gây tê tại chỗ);
  • Nhiễm trùng rất ít khi xảy ra nhưng không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ có thể xảy ra;
  • Rối loạn thần kinh cảm giác ở vùng điều trị giãn tĩnh mạch (như rát hay giảm cảm giác). Trong vài trường hợp ngoại lệ, rối loạn thần kinh vận động như (yếu hoặc liệt cơ hay yếu hoặc liệt một phần của cơ). Rối loạn thần kinh có thể kéo dài trong vài tháng hoặc có thể kéo dài hơn;
  • Thủng tĩnh mạch (gây vết bầm lớn);
  • Sợi quang Laser bị gãy làm đường dẫn lớn hơn, biến chứng này rất hiếm vì ngày nay các thiết bị y khoa đã an toàn hơn;
  • Huyết khối tĩnh mạch nông hay sâu (viêm và tắc tĩnh mạch), thường được gọi là “viêm tĩnh mạch”;
  • Vài chỗ tăng nhiễm sắc tố (đốm nâu trên da), hoặc xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ dưới da;
  • Dị ứng với thuốc gây tê tại chỗ được gọi là sốc phản vệ, cần phải hồi sức cấp cứu và có thể đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên, biến chứng này rất hiếm khi xảy ra.

Chúng tôi cũng không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng các biến chứng khác có thể xảy do các tác dụng phụ chưa được liệt kê.

NHỮNG BIẾN CHỨNG NÀO CÓ KHẢ NĂNG XẢY RA NẾU BẠN QUYẾT ĐỊNH KHÔNG ĐIỀU TRỊ BẰNG TIA LASER ?

Giãn tĩnh mạch là bệnh mãn tính tiến triển mà bạn có thể đã mắc phải.

Nếu không được điều trị, các triệu chứng như nặng chân, sưng, đau, ngứa sẽ ngày càng tệ hơn cũng như số lượng và kích thước của các tĩnh mạch bị giãn sẽ tăng dần
Nhiều tác nhân khác có thể góp phần làm cho tình trạng bệnh xấu đi như công việc buộc phải đứng nhiều giờ liền, khi có thai hoặc tăng cân nhiều và những lý do khác.
Bệnh nhân có thể có những biến chứng của bệnh lý giãn tĩnh mạch như : da đổi màu (triệu chứng này không may sẽ tồn tại vĩnh viễn), viêm, loét và bệnh nhân cũng có nguy cơ cao hình thành các cục máu đông ở tĩnh mạch nông và sâu.

Như tất cả các bệnh lý khác, để phòng ngừa tình trạng xấu đi cũng như ngừa các biến chứng thì bệnh nhân phải đều trị bệnh sớm.

BỆNH NHÂN CÓ THỂ LỰA CHỌN NHỮNG LIỆU PHÁP ĐIỀU TRỊ NÀO?

Phần lớn các trường hợp giãn tĩnh mạch không đe doạ đến tính mạng, tuy nhiên, về mặt y khoa – việc điều trị rất được khuyến cáo dù không mang tính bắt buộc.

Những liệu pháp khác để điều trị giãn tĩnh mạch bao gồm:

  • Phẫu thuật thông thường (bóc tĩnh mạch bị giãn) phần lớn được thực hiện bằng phương pháp gây mê và là một thủ thuật lớn có thể gây bầm, sưng và đau nhức. Thời gian phục hồi thường là sau 2 tuần lễ́, trong thời gian này, bệnh nhân hầu như không thể làm việc được;
  • Tiêm xơ hoá dưới hướng dẫn siêu âm cũng là một liệu pháp trong điều trị giãn tĩnh mạch. Kỹ thuật này không xâm lấn nhiều, đơn giản, hiệu quả tuy nhiên kết quả hạn chế và không duy trì được lâu, nhất là đối với tĩnh mạch hiển (tĩnh mạch hiển là tĩnh mạch lớn, dưới da, tĩnh mạch bề ngoài của chân. Nó là tĩnh mạch dài nhất trong cơ thể chạy dọc theo chiều dài của chân) (tái phát huyết khối, viêm tĩnh mạch);
  • Điều trị giãn tĩnh mạch với máy sóng cao tần cũng có điểm tương tự như điều trị với Laser nhưng không thể ứng dụng được đối với bệnh nhân có tĩnh mạch ngoằn ngoèo.

CÁC NGUY CƠ VÀ THUẬN LỢI TRONG ĐIỀU TRỊ GIÃN TĨNH MẠCH VỚI LASER LÀ GÌ ?

Thuận lợi của việc điều trị bằng Laser là các tĩnh mạch bị giãn sẽ biến mất hoặc ít nhất là làm cho nhỏ lại rõ rệt, đây là một dấu hiệu thuận lợi cho sức khoẻ cũng như cải thiện dáng vẻ của đôi chân bạn. Dòng chảy của máu trong tĩnh mạch sẽ được tốt hơn và các triệu chứng bạn đã từng trải qua sẽ biến mất một phần hay là hoàn toàn. Cũng như các thủ thuật khác, không có tỷ lệ thành công nào là tuyệt đối 100 %, khả năng tình trạng của bệnh sẽ không được cải thiện hoặc các triệu chứng có thể diễn tiến xấu hơn là rất hiếm.

Zalo