Bản Tin Sức Khỏe

Tiến sĩ Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh - từ hành trình đi tìm chất lượng trở thành Giám đốc Y khoa

Khi bãi đỗ xe dành cho nhân viên trong bệnh viện đã lên đèn và mọi người đi về gần hết, có một người vẫn còn ngồi trong xe trầm tư rất lâu, thi thoảng lại đưa mắt nhìn xa xăm rồi lại chau mày nghĩ ngợi. Người đó là Tiến sĩ Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh – Giám đốc Y khoa và là một trong những phẫu thuật viên xuất sắc của Bệnh viện FV. Người được các đồng nghiệp biết đến là một tiến sĩ trẻ tuổi, ngôi sao sáng trong lĩnh vực phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa.

Rời khỏi phẫu trường người bác sĩ được mọi người ngưỡng mộ ấy thường để lại đằng sau những tiếng vỗ tay, những lời chúc mừng để dành cho mình những khoảng lặng. Đa số các ca bệnh khó đều được ông điều trị thành công, nhưng trên đời này làm gì có thành công nào mà không đi kèm với thất bại. Thậm chí, có những ca mổ được thực hiện rất tốt nhưng bệnh nhân vẫn ra đi. “Tôi đau cùng nỗi đau của người bệnh và thân nhân của họ sau mỗi lần thất bại. Tôi muốn tìm rõ nguyên nhân và suy nghĩ làm thế nào để cải thiện mọi thứ tốt hơn.” – Trăn trở đó đã khiến Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh quyết tâm đi tìm cho mình lời giải đáp.

TRƯỞNG THÀNH TỪ VIỆC THẤU HIỂU NỖI ĐAU NGƯỜI BỆNH

Trong Đông y, Đỗ Trọng được xem là vị thuốc quý. Cái tên Đỗ Trọng Khanh được ra đời từ đó, mang theo niềm tin và sự kỳ vọng của gia đình vốn có truyền thống gắn bó với nghề y. Từ thuở nhỏ, “cậu bé mang tên vị thuốc quý” đã theo chân bố mẹ đến bệnh viện và có dịp cảm nhận về những điều mắt thấy tai nghe, ước muốn chữa bệnh cứu người cũng dần dần chớm nở. Càng lớn lên, niềm đam mê với nghề y càng thêm mãnh liệt và trở thành động lực đưa cậu bé ngày nào vào học bác sĩ nội trú chuyên khoa Phẫu thuật Tổng hợp của trường Đại học Y dược Tp.HCM.

Sẵn có nền tảng kiến thức vững chắc về y khoa, sau khi ra trường năm 2004 Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh mau chóng thích nghi với công việc phẫu thuật viên ổ bụng thuộc khoa Ngoại – Tổng quát Bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc mới vào nghề, nhiều bạn bè đồng nghiệp quan tâm thăm hỏi: “Có nhiều chuyên khoa để theo học, sao lại chọn làm phẫu thuật viên ổ bụng, thường xuyên tiếp xúc với chất thải của người bệnh, đặc biệt là có rất nhiều biến chứng và rủi ro?”. Ông đáp: “Tâm niệm của tôi là muốn giúp cho những người mắc bệnh hiểm nghèo được chữa lành bệnh tật. Chỉ khi tự đặt mình vào con đường khó khăn thì con người ta mới nghĩ ra những giải pháp để vượt qua nó. Tôi muốn mình phải cố gắng nhiều hơn để tạo ra những điều mới mẻ”.

Cứ thế, Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh miệt mài học tập và làm việc tại một trong những bệnh viện tuyến đầu thành phố, nơi tập trung hầu hết những ca bệnh hiểm nghèo. Thậm chí có lúc bệnh nhân đông đúc, 3 bệnh nhân phải chia sẻ cùng nhau trên một giường bệnh. Môi trường áp lực khiến cho việc điều trị gặp không ít khó khăn, nhất là khi hay tin một bệnh nhân vừa qua đời trong lòng mỗi người đều rấm rứt khôn nguôi. Cả một ê-kíp từ bác sĩ đến điều dưỡng, kỹ thuật viên đều thực hiện tốt ca mổ đấy, nhưng tại sao không giữ được mạng sống bệnh nhân. Những lúc như vậy, bác sĩ Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh thường dành cho mình một khoảng lặng, để suy nghĩ và rà soát lại mọi thứ rồi bật khóc.

NGƯỜI ĐI TÌM “CHẤT LƯỢNG”

Làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh đã được đào tạo và rèn luyện tối đa về kỹ năng chuyên môn. Bên cạnh đó, ông còn được học hỏi kinh nghiệm với nhiều bác sĩ đầu ngành ở Việt Nam, nhờ đó tay nghề ngày một nâng cao. Dù vậy, khi nghĩ đến tình cảnh của bệnh nhân và về những nỗi đau mà họ gánh chịu, bác sĩ Đỗ Trọng Khanh thôi thúc trong lòng quyết tâm phải tìm cho mình một hướng đi mới để nâng cao chất lượng cho người bệnh.

Mong muốn đó càng thêm mãnh liệt sau khi Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh hoàn thành học vị tiến sĩ tại trường Đại học Shiga Nhật Bản vào năm 2013. Trở về Việt Nam, trình độ chuyên môn của ông đã nâng cao hơn nhưng trong lòng ông vẫn canh cánh một nỗi niềm khó tả: “Làm thế nào để nền y học nước nhà bắt kịp sự phát triển vượt bậc của y tế Nhật Bản? Mỗi ngày tôi có thể mổ tốt 3 – 5 ca, cả đời mổ thành công cả chục nghìn ca nhưng rồi điều ấy có giúp cho bệnh nhân, cho ngành y phát triển hơn không?”

Để rồi sau thời gian dài cân nhắc, Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh quyết định dừng lại con đường phẫu thuật viên sau 12 năm gắn bó (từ 2005 đến 2016) – từ bỏ mọi thứ mà ông đã gầy dựng trong nhiều năm để tập trung tìm hiểu về hai từ “Chất Lượng”.Qua đó, ông đã biết đến JCI (Joint Commission International) – Tổ chức uy tín trên thế giới chứng nhận yếu tố an toàn và chất lượng trong điều trị bệnh nhân cũng như công tác quản trị bệnh viện. Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh nhận ra bất kỳ bệnh viện nào muốn xây dựng hệ thống y khoa chất lượng cao cũng cần phải có một Giám đốc Y khoa, người lập kế hoạch tổng thể về chuyên môn cho bệnh viện. Kể từ đó, ông chuyên tâm học tập cũng như tìm hiểu sứ mệnh và mục tiêu trở thành một Giám đốc Y khoa.

TIẾNG NÓI CHUNG VỀ CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN

Tháng 8.2019, Bệnh viện FV chào đón người Việt Nam đầu tiên làm Giám đốc Y khoa – Tiến sĩ Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh, người phụ trách các vấn đề về chuyên môn và sẽ cùng đội ngũ FV tiếp bước trên con đường chất lượng vì sự an toàn của người bệnh.

Tại đây, Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh mong muốn xây dựng hệ thống y khoa chất lượng, song song đó Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng của FV là nơi để ông thực hiện những hoài bão của cuộc đời mình “chữa ung thư cho người Việt Nam bằng phương pháp và kỹ thuật tốt nhất, giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân nghèo”. Theo Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh, phát triển bệnh viện phải nâng bậc từng bước một, muốn áp dụng kỹ thuật mới phải có hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất tốt, và đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ tài giỏi. Ông mang trọng trách lớn lao là thu hút nhân tài đến FV, tạo điều kiện cho họ được phát triển năng lực, từ đó xây dựng một tập thể gắn kết tạo ra những giá trị, lợi ích lớn lao cho người bệnh.

Càng ở trong ngành y lâu năm, Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh càng thêm thấu hiểu tâm tư và nỗi lo lắng của người bệnh. Họ cần sự an toàn, chất lượng và cũng cần sự chia sẻ, đó cũng là sứ mệnh của những bệnh viện hiện đại hiện nay. “Nhiều bàn tay vỗ nên kêu”, vậy nên để góp phần thúc đẩy ngành y, không riêng gì FV mà các bệnh viện tại Việt Nam đều có cùng mong muốn xây dựng mô hình y tế chuyên nghiệp để mang đến nhiều sự lựa chọn phù hợp cho người bệnh. Tất nhiên, ngành y cũng cần nhiều hơn nữa những Giám đốc Y khoa giàu tâm huyết và thấu hiểu bệnh nhân.

Zalo