Tin tức

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV - Kỳ 4: Những chiến sĩ áo trắng thầm lặng

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV là sự chung sức của cả tập thể y bác sĩ, nhân viên y tế. Thông qua công việc của mình, họ trở thành điểm tựa cho người bệnh và cộng đồng.

Nhân viên FV làm việc không ngừng nghỉ ở thời điểm dịch bệnh. 

FV đang tổ chức triển lãm ảnh “Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV”, nhằm tôn vinh cống hiến của đội ngũ đã cùng nhau vượt khó khăn với tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng trong đại dịch năm 2021. Rất nhiều câu chuyện, khoảnh khắc khó quên đã được chia sẻ lại.

Trong suốt nhiều tháng vào thời điểm bùng dịch dữ dội vào giữa năm 2021, các thành viên trong ban giám đốc cùng hàng trăm nhân viên y tế khác không về nhà mà trực chiến ở bệnh viện.

“Chỉ dám ghé nhà nhìn vợ con trong đêm”

Phòng làm việc của TS.BS. Đỗ Trọng Khanh – Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV – luôn dành một chỗ trang trọng cho bức tranh đặc biệt. Đó là bức tranh thư pháp với 2 chữ “Tâm Phật” được viết bằng tiếng Hán trên nền hoa sen. Vị bác sĩ đứng đầu đội ngũ y khoa FV cho biết, đó cũng là phẩm hạnh mà ông luôn trau dồi trong suốt sự nghiệp cứu người của mình.

TS.BS. Đỗ Trọng Khanh – Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV.

Cùng các thành viên trong ban giám đốc và hàng trăm nhân viên y tế khác, ông trực chiến tại bệnh viện suốt cuộc chiến chống Covid-19. Những giấc ngủ của ông trong 2 tháng cao điểm dịch không lần nào được trọn vẹn.

“Nhiều ngày liền xa gia đình, nhớ vợ con quá nên tôi ghé về nhà trong đêm. Mặt vẫn đeo kín khẩu trang bảo vệ và chỉ dám nhìn vợ con yên giấc qua cánh cửa phòng. Như vậy thôi là đủ, rồi lặng lẽ trở lại bệnh viện, tiếp tục với guồng quay công việc không điểm dừng”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Với tinh thần “cố gắng để không phải từ chối bất cứ bệnh nhân nào”, vị bác sĩ ấy luôn có mặt ở những nơi cần kíp nhất. Anh tìm kiếm, động viên và theo sát những cá nhân đáp ứng chuyên môn, kêu gọi đội ngũ bác sĩ trẻ tham gia vào công tác điều trị tại Khoa Covid-19 của FV. Bác sĩ Khanh cũng tăng cường ngoại giao, liên kết với chính quyền và cơ sở y tế địa phương để được hỗ trợ hội chẩn, hay giúp nhiều bệnh nhân Covid-19 tại FV được chuyển viện và tiếp nhận điều trị kịp thời.

Trưởng khoa Cấp cứu: Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

Những ngày tháng đỉnh dịch là một thách thức vô cùng lớn đối với bác sĩ Trình Văn Hải – Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện FV – khi Khoa Cấp cứu vừa phải tiếp nhận song song 2 tuyến bệnh nhân có nguy cơ và không có nguy cơ mắc Covid-19.

Bác sĩ Trình Văn Hải – Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện FV.

Bác sĩ Trình Văn Hải cho biết, Khoa Cấp cứu trước đây không được thiết kế để tiếp nhận một lượng lớn bệnh truyền nhiễm. Đó là chưa nói đến sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện cấp cứu không kịp đáp ứng với sự gia tăng đột biến số lượng bệnh… Nhưng khi đối diện với những bệnh nhân Covid-19 nặng tìm đến Bệnh viện FV trong tình trạng không được tiếp nhận ở các nơi khác, khoa Cấp cứu đã tận dụng mọi nguồn lực, kể cả những nguồn lực tạm thời cuối cùng, để cứu chữa cho người bệnh.

Dần dần, toàn bộ nhân sự Khoa Cấp cứu dưới sự điều hành của bác sĩ Hải, đã thích nghi với điều kiện khó khăn này. Nhân viên kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm khi làm việc,chấp nhận được vấn đề quá tải là tất yếu trong lúc cao điểm dịch, luôn ưu tiên giải pháp thực tế nhất để cứu sống người bệnh.

Đợt dịch này đã gây tổn hại rất lớn về sức khỏe, thậm chí tính mạng của nhiều người, cho nên chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng để giúp càng nhiều bệnh nhân càng tốt”, bác sĩ Hải chia sẻ phương châm hoạt động tại Khoa Cấp cứu.

“Không thể chứng kiến cảnh bệnh nhân đau mà không giúp”

Với Ths.Bs. Vũ Trường Sơn – Trưởng khoa Truyền nhiễm – áp lực làm việc liên tục thậm chí đã bắt đầu ngay từ khi Covid-19 vừa xuất hiện. Từ một chuyên khoa thường ngày hoạt động khá âm thầm, bác sĩ Sơn cùng đội ngũ của mình xuất hiện gần như ở mọi “mặt trận”. Hàng loạt buổi tập huấn, hướng dẫn phòng dịch; hàng nghìn cuộc điện thoại tư vấn, hỗ trợ triền miên trong suốt 2 năm dịch bệnh; hàng trăm thông tin, tài liệu mới phải cập nhật liên tục để trợ giúp cho toàn bệnh viện…

Bác sĩ Vũ Trường Sơn.

“Mình không thể chứng kiến cảnh bệnh nhân đau mà không giúp, không nỡ chứng kiến cảnh bệnh nhân tử vong trước mặt mình. Đó là động lực để bác sĩ có thể thức một đêm, 2 đêm rồi 3-4 đêm, thức cả tuần như vậy. Bởi vì lúc nào chúng tôi cũng lo, chẳng may giữa chừng mình ngủ, sẽ có nhiều người ra đi mà không được bảo vệ”, bác sĩ Sơn bày tỏ.

Vị “thuyền trưởng” của Khoa Điều trị Covid-19

Gia nhập Bệnh viện FV không lâu thì Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và cũng là lần nghiêm trọng nhất, Ths. Bs Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim mạch – nhận thêm nhiệm vụ Trưởng khoa Điều trị Covid-19 từ đầu tháng 8/2021.

Bác sĩ Hồ Minh Tuấn.

Bác sĩ Tuấn cho biết, một trong những khó khăn của việc điều trị Covid-19 là phải liên tục cập nhật các nghiên cứu, các hướng dẫn điều trị quốc tế và khám lâm sàng bệnh nhân trong điều kiện mang trang phục bảo hộ. Bên cạnh đó, vấn đề nhận diện những khó khăn, yêu cầu chính đáng của tất cả nhân lực làm việc tại đây để hỗ trợ kịp thời cũng là một thách thức lớn.

“Bản thân tôi, hay các nhân viên y tế khác đều cảm nhận được những khó khăn trong thời điểm này. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng làm việc hết sức, vì một mục tiêu chung là cứu sống thêm nhiều bệnh nhân”, bác sĩ Tuấn chia sẻ động lực chung tại Khoa Điều trị Covid-19.

… và những kỳ tích dần xuất hiện

Trong những ngày tháng khó quên ấy, nguồn động viên tinh thần to lớn cho đội ngũ tuyến đầu của FV chính là nụ cười khi xuất viện của những bệnh nhân mắc Covid-19, sau một hành trình kiên cường vượt qua cửa tử với tinh thần “không được phép bỏ cuộc”.

Bác sĩ Hồ Minh Tuấn cho biết, nhiều trường hợp bệnh nhân lớn tuổi mang bệnh nền, mắc Covid-19 với triệu chứng nặng đến mức gia đình nghĩ là đã không còn hy vọng. Nhưng các bác sĩ vẫn không bỏ cuộc và họ đã cùng người bệnh vượt qua Covid-19 một cách ngoạn mục.

Cụ N.T.T hồi phục ngoạn mục sau gần 20 ngày chiến đấu với Covid-19.

Điển hình là trường hợp cụ N.T.T (80 tuổi). Bà đến khoa Cấp cứu Bệnh viện FV ngày 14/8/2021 khi xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, ho có đờm, khó thở, kèm theo độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) dao động mức 95%. Những ngày tiếp theo, bệnh nhân trở nặng, liên tục khó thở, lúc cao điểm chỉ số SpO2 giảm dưới mức 85%. Bà cụ chuyển từ thở qua mặt nạ (15 lít/phút), đến phương pháp thở oxy liều cao – HFNC (60 lít/phút) và thậm chí đã được các bác sĩ phòng Săn sóc Đặc biệt (ICU) quyết định đặt nội khí quản…. Gần 20 ngày điều trị, cụ T. đã hồi phục và được xuất viện.

Cụ V.V.Tín (gần 90 tuổi) chiến thắng Covid-19.

Hay trường hợp cụ V.V.Tín, khi vào FV thì các xét nghiệm cho thấy phổi của cụ đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bản thân cụ đang điều trị nhiều bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường type 2, thận mạn tính, thoái hóa khớp. Sau 11 ngày được các bác sĩ điều trị, cụ Tín đã khỏi bệnh, trở về nhà trong niềm hạnh phúc của gia đình và niềm vui của các y bác sĩ FV.

Nhắc về thời điểm đó,  Ths.Bs. Nguyễn Thị Lam Giang – nguyên Trưởng khoa Gây mê Hồi sức chia sẻ: “Khi bắt đầu có những phác đồ đúng hơn, các bác sĩ cũng dần quen hơn, cùng sự hỗ trợ tốt từ phương tiện máy móc, chúng tôi cứu được nhiều bệnh nhân hơn, từ đó mở ra những niềm hy vọng”.

Những kỳ tích trong điều trị Covid-19 không chỉ là lời động viên dành cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại Khoa Điều trị Covid-19, mà đó còn là cảm hứng chiến đấu được lan tỏa đến cho rất nhiều bệnh nhân SARS-CoV-2 vẫn đang trên giường bệnh thời điểm bấy giờ.

Từ ngày 8/12/2022, Bệnh viện FV tổ chức triển lãm ảnh “Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV”, nhằm tôn vinh những cống hiến của đội ngũ FV đã cùng nhau vượt qua khó khăn và đưa bệnh viện FV vững vàng đi qua đại dịch với tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng trong đại dịch vừa qua. Triển lãm trưng bày tại khuôn viên bệnh viện những bức ảnh ghi lại thời khắc khốc liệt trong đại dịch dưới ống kính nhiếp ảnh gia người Pháp Pier Laurenza, cũng là một bệnh nhân Covid-19 tại FV. Sau khi được tiêm vaccine mũi thứ 2, Pier Laurenza đã đề nghị được ở lại trong bệnh viện, âm thầm ghi lại thời khắc chưa từng có trong lịch sử gần 20 năm hình thành và phát triển của FV và cũng là mảnh ghép tư liệu trong bức tranh dịch bệnh của Việt Nam và toàn cầu.

Zalo