Tin tức

Những đầu tàu FV trong đại dịch COVID-19

Họ là những bác sĩ đại diện cho đội ngũ y khoa của FV luôn sẵn sàng để đối đầu với những khó khăn trong đại dịch Covid-19. Từ công tác điều hành, chính sách, đối ngoại, phòng chống dịch bệnh, đến tiếp nhận, phân luồng và điều trị SARS-COV-2, mỗi người một việc, nhưng họ đã và đang là những điểm tựa vững chắc cho người bệnh, cho nhân viên và cả cộng đồng xung quanh. 

Bs. Đỗ Trọng Khanh – Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện FV

Chúng tôi luôn cố gắng để không phải từ chối bất cứ bệnh nhân nào”, đó là phương châm điều hành của Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV – Ts.Bs. Đỗ Trọng Khanh.

Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Tp.HCM, những thách thức như quá tải nhập viện, thiếu hụt nhân lực, tài chính bệnh nhân,… đã tạo ra áp lực về nguồn lực và y đức lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bằng nỗ lực cá nhân để theo sát tình hình bệnh viện, cũng như được sự hướng dẫn rất sát sao từ Tổng Giám đốc Bs Jean-Marcel Guillon, bác sĩ Trọng Khanh từng bước đã giúp bệnh viện và khối y khoa của mình vượt qua trở ngại.

Với khả năng thấu hiểu và tài lãnh đạo của mình, bác sĩ Khanh đã tìm kiếm, động viên và theo sát những cá nhân đáp ứng chuyên môn, kêu gọi đội ngũ bác sĩ trẻ tham gia vào công tác điều trị tại Khoa COVID-19 của FV. Điều đó giúp tinh thần làm việc tại khu vực mới này luôn được giữ vững cả trong những giai đoạn khó khăn khi đối mặt với nhiều ca bệnh nặng, thậm chí tử vong. Trong suốt giai đoạn cùng đội ngũ chiến đấu với COVID-19, bác sĩ Trọng Khanh cũng đã nhiều đêm ngủ lại bệnh viện, khi thì trong phòng bệnh trống, khi thì trên giường xếp tại văn phòng để có thể toàn tâm cho công việc và hỗ trợ kịp thời cho đội ngũ.

Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh cũng chủ động tăng cường ngoại giao, tạo sự liên kết với chính quyền và cơ sở y tế địa phương như Sở Y tế Tp.HCM, Bệnh viện Dã chiến số 16 – Bệnh viện Bạch Mai để được hỗ trợ hội chẩn, hay giúp nhiều bệnh nhân COVID-19 tại FV được chuyển viện và tiếp nhận điều trị kịp thời.

Bs. Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị Covid-19 & Trưởng khoa Tim mạch

Trưởng Khoa Tim mạch – Ths.Bs. Hồ Minh Tuấn là một trong những thành viên mới của đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện FV trong năm 2021. Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn đã thích nghi với môi trường làm việc tại FV rất nhanh. Với chuyên môn vững vàng, cùng kinh nghiệm quản lý sẵn có là những yếu tố giúp bác sĩ Tuấn điều hành Khoa Tim mạch hoạt động rất hiệu quả. Đồng thời, đó cũng là tiền đề giúp anh sẵn sàng đảm nhận thêm vị trí “thuyền trưởng” tại Khoa Điều trị COVID-19 từ đầu tháng 8/2021.

Bác sĩ Tuấn cho biết một trong những khó khăn của việc Điều trị COVID-19 là phải liên tục cập nhật các nghiên cứu, các hướng dẫn điều trị quốc tế và khám lâm sàng bệnh nhân trong điều kiện mang trang phục bảo hộ. Bên cạnh đó, vấn đề nhận diện những khó khăn, yêu cầu chính đáng của tất cả nhân lực làm việc tại đây để hỗ trợ kịp thời cũng là một thách thức lớn. “Bản thân tôi, hay các nhân viên y tế khác đều cảm nhận được những khó khăn trong thời điểm này. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng làm việc hết sức, vì một mục tiêu chung là cứu sống thêm nhiều bệnh nhân” – bác sĩ Tuấn chia sẻ động lực chung tại khoa Điều trị COVID-19.

Tuy trong giai đoạn cực kỳ bận rộn và gặp nhiều khó khăn chồng chất khi vừa điều trị bệnh nhân COVID-19, vừa xử lý những ca cấp cứu tim mạch như hiện nay, nhưng với sự năng động, tư duy sắc bén bác sĩ Hồ Minh Tuấn vẫn nỗ lực để có thể mang đến chất lượng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân của mình ở cả 2 khoa.

Bs. Trình Văn Hải – Trưởng khoa Cấp cứu

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh tại Tp. HCM, việc tiếp nhận song song 2 tuyến bệnh nhân có nguy cơ và không có nguy cơ mắc Covid-19 với điều kiện hạn chế về nguồn lực là một trong những thách thức rất lớn đối với Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện FV – bác sĩ Trình Văn Hải. Khoa Cấp cứu trước đây không được thiết kế để tiếp nhận một lượng lớn bệnh truyền nhiễm, với lực lượng nhân viên y tế mỏng không thể tách làm đôi để phục vụ 2 tuyến bệnh nhân; sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện cấp cứu không kịp đáp ứng với sự gia tăng đột biến số lượng bệnh;… là những vấn đề mà Khoa của ông phải đối mặt trong suốt nhiều tuần liền.

Với mô hình bệnh viện chia đôi, vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19, vừa tiếp nhận các bệnh nhân khác. Có thời điểm các cơ sở điều trị Covid-19 tại Tp.HCM bị quá tải, rất nhiều bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng được đưa tới FV do không được tiếp nhận tại các nơi khác. Khoa Cấp cứu đã phải tận dụng tới những nguồn lực tạm thời cuối cùng để cứu chữa cho người bệnh.

Dần dần, toàn bộ nhân sự Khoa Cấp cứu dưới sự điều hành của bác sĩ Hải, đã thích nghi với điều kiện cực kỳ khó khăn này. Nhân viên kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm khi làm việc, chấp nhận được vấn đề quá tải là tất yếu trong lúc cao điểm dịch, luôn ưu tiên giải pháp thực tế nhất để cứu sống người bệnh hơn là an toàn tuyệt đối trong nhiễm khuẩn. “Đợt dịch này đã gây tổn hại rất lớn về sức khỏe, thậm chí tính mạng của nhiều người, cho nên chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng để giúp được càng nhiều bệnh nhân càng tốt” – bác sĩ Hải chia sẻ phương châm hoạt động tại Khoa Cấp cứu.

Bs. Vũ Trường Sơn – Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn (Bác sĩ Nội Tổng Quát)

Cũng như bất cứ một đại dịch nào, việc kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, khoanh vùng, dập dịch khi đối phó với dịch bệnh Covid-19 là những vấn đề tối quan trọng, cần được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Điều này đòi hỏi sự tập trung cao độ, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm vững vàng của đội ngũ phòng chống nhiễm khuẩn. Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn FV, dưới sự dẫn dắt của Ths.Bs. Vũ Trường Sơn đã liên tục cập nhật và áp dụng các phương pháp khoa học, hiệu quả để đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm cho bệnh nhân/thân nhân, nhân viên y tế và mở rộng ra cả động đồng xung quanh các đối tượng này.

Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Tp.HCM, thời gian làm việc của bác sĩ Sơn và đội ngũ của mình mỗi ngày dường như không còn chỗ để nghỉ ngơi. Hàng loạt các buổi tập huấn, hướng dẫn phòng dịch; hàng ngàn cuộc điện thoại tư vấn, hỗ trợ triền miên trong suốt 2 năm dịch bệnh; hàng trăm thông tin, tài liệu mới phải cập nhật liên tục để trợ giúp cho toàn bệnh viện; cùng nhiều vấn đề về nguồn lực đã khiến anh cực kỳ áp lực trong một khoảng thời gian dài. “Tôi được ủng hộ, tin tưởng và cũng từng bị chỉ trích, hoài nghi. Nhưng sau cùng, các chính sách phòng chống nhiễm khuẩn mà nhóm chúng tôi kiên trì thực hiện, đã được mọi người tin tưởng và mang lại an toàn cho bệnh viện” – bác sĩ Sơn chia sẻ sau nhiều năm nỗ lực cải cách các chính sách kiểm soát nhiễm khuẩn tại FV.

Bác sĩ Sơn tin rằng bản thân mình đã cố gắng hết sức để làm tốt công việc tại FV, giúp đỡ được nhiều bệnh nhân, nhân viên, cũng như đã có cơ hội được học hỏi nhiều điều từ vị Tổng Giám đốc bệnh viện – bác sĩ Jean-Marcel Guillon, đặc biệt là trong những thời khắc cần đưa ra quyết định. Như Bác sĩ Jean-Marcel Guillon từng chia sẻ, bác sĩ Vũ Trường Sơn là một nhân tố không thể thiếu tại Bệnh viện FV.

Zalo