Mục lục
- 1. Tầm quan trọng của việc phát hiện ung thư sớm
- 1.1 Giảm chi phí và thời gian điều trị
- 1.2 Phát hiện sớm giúp tăng cơ hội chữa khỏi ung thư
- 1.3 Nâng cao chất lượng cuộc sống
- 1.4 Tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị
- 1.5 Chủ động bảo vệ sức khỏe bằng tầm soát định kỳ
- 2. Các dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm thường gặp
- 2.1 Sụt cân đột ngột không rõ nguyên nhân
- 2.2 Mệt mỏi kéo dài
- 2.3 Xuất hiện khối u hoặc cục cứng bất thường
- 2.4 Thay đổi trên da
- 2.5 Ho kéo dài hoặc thay đổi giọng nói
- 2.6 Chảy máu bất thường
- 2.7 Khó nuốt hoặc cảm giác nghẹn
- 2.8 Đau không rõ nguyên nhân
- 2.9 Thay đổi trong thói quen bài tiết
- 3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ ung thư
- 4. Phương pháp chẩn đoán ung thư sớm
- 5. Các phương pháp điều trị ung thư là gì?
- 6. Cách phòng ngừa ung thư hiệu quả
- 7. Khi nào nên gặp bác sĩ?
- 8. Kết luận
Mặc dù đã có những tiến bộ to lớn trong điều trị ung thư, nhưng vẫn còn quá nhiều bệnh ung thư được chẩn đoán muộn khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn. Do đó, chúng ta cần phải chủ động khám tầm soát ung thư và xác định được các dấu hiệu của bệnh ung thư ở giai đoạn sớm nhất, đặc biệt là đối với những bệnh ung thư nguy hiểm.
1. Tầm quan trọng của việc phát hiện ung thư sớm
Ung thư là một căn bệnh có thể bắt đầu ở hầu hết mọi cơ quan hoặc mô trong cơ thể, nơi các tế bào bất thường phát triển ngoài tầm kiểm soát và lan sang các bộ phận khác. Quá trình này được gọi là ung thư di căn và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, nếu được phát hiện sớm, nhiều loại ung thư có thể được điều trị hiệu quả, giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc tầm soát ung thư và nhận biết dấu hiệu bất thường của cơ thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình phòng ngừa và điều trị ung thư. Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm ung thư có thể kể đến như:
1.1 Giảm chi phí và thời gian điều trị
Các phương pháp điều trị ung thư giai đoạn cuối như hóa trị, xạ trị hay phẫu thuật phức tạp thường kéo dài và tốn chi phí hơn. Ngược lại, nếu ung thư được phát hiện sớm, người bệnh có thể chỉ cần phẫu thuật đơn giản hoặc điều trị nhẹ nhàng, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và thời gian hồi phục.
1.2 Phát hiện sớm giúp tăng cơ hội chữa khỏi ung thư
Ung thư ở giai đoạn đầu thường có kích thước nhỏ và chưa lan rộng. Nếu được phát hiện kịp thời, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn và hiệu quả hơn. Theo thống kê, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung hay ung thư đại trực tràng có thể lên đến 90% nếu được chẩn đoán sớm.

1.3 Nâng cao chất lượng cuộc sống
Việc điều trị ung thư ở giai đoạn muộn thường ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, gây đau đớn, suy giảm miễn dịch và nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên, phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh ung thư và có cách can thiệp kịp thời sẽ giúp bệnh nhân duy trì sức khỏe tốt hơn và giảm nguy cơ gặp biến chứng.
1.4 Tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị
Ung thư giai đoạn đầu thường có khả năng đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, giúp giảm nguy cơ di căn và kéo dài thời gian sống khỏe mạnh.
1.5 Chủ động bảo vệ sức khỏe bằng tầm soát định kỳ
Nhiều loại ung thư có thể được phát hiện sớm thông qua các xét nghiệm và sàng lọc định kỳ, chẳng hạn như:
- Ung thư vú: Chụp nhũ ảnh (mammogram)
- Ung thư cổ tử cung: Xét nghiệm Pap smear và HPV
- Ung thư đại trực tràng: Nội soi đại tràng
- Ung thư da: Kiểm tra da định kỳ
- Ung thư phổi: Chụp CT liều thấp
…
Thông qua các dấu hiệu của bệnh ung thư để phát hiện ung thư sớm không chỉ giúp tăng cơ hội chữa khỏi mà còn giảm bớt gánh nặng về chi phí, thời gian điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống. Để bảo vệ sức khỏe, mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, duy trì lối sống lành mạnh và tham gia tầm soát ung thư định kỳ theo khuyến nghị của bác sĩ.
2. Các dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm thường gặp
Ung thư là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh ung thư ở giai đoạn đầu có thể giúp tăng hiệu quả điều trị và cải thiện tiên lượng sống. Dưới đây là những triệu chứng thường gặp có thể liên quan đến ung thư cần được theo dõi và thăm khám kịp thời.
2.1 Sụt cân đột ngột không rõ nguyên nhân
Sụt cân không rõ nguyên nhân – đặc biệt là giảm trên 5% trọng lượng cơ thể trong vòng vài tháng mà không có sự thay đổi về chế độ ăn uống hay vận động quá mức thì đây có thể là dấu hiệu của ung thư.
Một số bệnh ung thư liên quan đến tình trạng này bao gồm: ung thư dạ dày, ung thư thực quản và tuyến tụy. Nguyên nhân thường đến từ sự thay đổi trong chuyển hóa cơ thể hoặc sự hấp thụ dinh dưỡng bị suy giảm.
2.2 Mệt mỏi kéo dài
Mệt mỏi, suy nhược và buồn ngủ cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh ung thư. Đặc biệt, bệnh bạch cầu và khối u não thường gây ra cảm giác mệt mỏi dù đã nghỉ ngơi đều đặn.
Cụ thể, bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu bị thiếu máu khiến cơ thể kiệt sức, còn với bệnh nhân bị u não sẽ gặp phải tình trạng tín hiệu thần kinh bị gián đoạn dẫn đến suy nhược và hôn mê.
2.3 Xuất hiện khối u hoặc cục cứng bất thường
Nếu phát hiện một khối u hoặc cục cứng dưới da, đặc biệt ở các khu vực như cổ, vú, nách hoặc vùng bụng, cần được kiểm tra ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú, ung thư tuyến giáp hoặc bệnh lý hạch bạch huyết. Một số khối u có thể là lành tính, nhưng để xác định chính xác, cần tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu.

2.4 Thay đổi trên da
Bất kỳ thay đổi nào trên da, chẳng hạn như sự xuất hiện của nốt ruồi mới, nốt ruồi cũ thay đổi màu sắc, kích thước hoặc kết cấu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư da, đặc biệt là ung thư hắc tố (melanoma). Ngoài ra, tình trạng da chuyển màu vàng, bong tróc, loét lâu lành, hoặc sưng đỏ không rõ nguyên nhân cũng cần được khám sàng lọc ung thư sớm.
2.5 Ho kéo dài hoặc thay đổi giọng nói
Ho dai dẳng kéo dài trên ba tuần nếu không liên quan đến chứng nhiễm trùng đường hô hấp thì đây là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi.
Mặt khác, tình trạng khàn tiếng kéo dài cũng có thể liên quan đến ung thư thanh quản. Nếu triệu chứng này kèm theo ho ra máu, đau tức ngực hoặc khó thở bạn cần đi khám ngay để loại trừ nguy cơ ung thư.
2.6 Chảy máu bất thường
Một dấu hiệu của bệnh ung thư giai đoạn đầu rất dễ nhận biết đó là xuất huyết không rõ nguyên nhân. Chẳng hạn như máu trong nước tiểu, phân có máu, chảy máu âm đạo bất thường hoặc ho ra máu, … là những dấu hiệu đáng lo ngại.
Những tình trạng này có thể liên quan đến các bệnh lý ung thư như ung thư đại tràng, ung thư bàng quang hoặc ung thư cổ tử cung. Để xác định nguyên nhân, cần thực hiện các xét nghiệm như nội soi, siêu âm hoặc sinh thiết.
2.7 Khó nuốt hoặc cảm giác nghẹn
Cảm giác đau hoặc khó khăn khi nuốt thức ăn có thể là dấu hiệu của ung thư thực quản hoặc ung thư vòm họng. Nếu triệu chứng này kéo dài và đi kèm với tình trạng giảm cân, nôn ói hoặc đau rát cổ họng, bạn cần đi kiểm tra sớm để phát hiện bệnh kịp thời.

2.8 Đau không rõ nguyên nhân
Đau kéo dài mà không có nguyên nhân rõ ràng, đặc biệt là đau dai dẳng ở xương thường là nguy cơ cảnh báo dấu hiệu của bệnh ung thư xương hoặc ung thư đã di căn. Cơn đau thường không thuyên giảm khi sử dụng thuốc giảm đau thông thường và có xu hướng tăng dần theo thời gian.
2.9 Thay đổi trong thói quen bài tiết
Những thay đổi về tần suất đi tiểu, tính chất phân (táo bón, tiêu chảy kéo dài), hoặc cảm giác mót tiểu thường xuyên mà không do nhiễm trùng có thể là dấu hiệu của ung thư đại tràng, ung thư bàng quang hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Lúc này, việc phát hiện sớm thông qua nội soi đại tràng hoặc xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị.
Mặc dù các dấu hiệu trên không nhất thiết là biểu hiện của bệnh ung thư, nhưng chúng là những cảnh báo quan trọng mà bệnh nhân không nên bỏ qua. Việc thăm khám định kỳ, xét nghiệm tầm soát ung thư và thực hiện lối sống lành mạnh sẽ góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ ung thư
Nguyên nhân gây ung thư đến từ nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như hút thuốc, thừa cân hoặc béo phì, thiếu vận động tập thể dục, chế độ dinh dưỡng không cân bằng, uống quá nhiều rượu hoặc chất kích thích và tiếp xúc với môi trường độc hại… Cụ thể, nguyên nhân và một số yếu tố nguy cơ chính dẫn đến ung thư bao gồm:
- Đột biến gen, yếu tố di truyền.
- Tác động từ môi trường: khói thuốc, hóa chất, tia UV.
- Lối sống không lành mạnh (ăn uống không khoa học, ít vận động).
- Tiền sử gia đình mắc ung thư.
Một số trường hợp tử vong do ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách sửa đổi hoặc tránh các yếu tố nguy cơ gây ung thư và thực hiện các chiến lược phòng ngừa dựa trên sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Hậu quả của bệnh ung thư cũng có thể được cải thiện bằng cách phát hiện sớm ung thư thông qua việc khám tầm soát ung thư định kỳ.
4. Phương pháp chẩn đoán ung thư sớm
Để nhanh chóng nhận diện rõ các dấu hiệu của bệnh ung thư, điều tiên quyết cần làm đó là duy trì lịch khám sức khỏe định kỳ hằng tháng hoặc hằng năm tùy theo tiền sử bệnh của mỗi cá nhân.
Thông qua quá trình khám sàng lọc ung thư, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, quan sát những dấu hiệu bất thường trên cơ thể và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như: Xét nghiệm máu để phát hiện dấu ấn ung thư, chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, CT, MRI), sinh thiết để xác định chính xác ung thư… Theo đó, phương pháp chẩn đoán ung thư sớm điển hình nhất gồm có:
- Chụp nhũ ảnh để phát hiện ung thư vú
- Xét nghiệm HPV và Pap để phát hiện ung thư cổ tử cung
- Nội soi đại tràng, nội soi đại tràng sigma và xét nghiệm phân để tìm ung thư đại tràng
- Chụp CT liều thấp để phát hiện ung thư phổi
- …
5. Các phương pháp điều trị ung thư là gì?
Sau khi dấu hiệu của bệnh ung thư ở giai đoạn sớm đã được chẩn đoán và đưa ra phác đồ cá nhân hóa, các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormone, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm mục tiêu đều là những cách điều trị ung thư hiện đại, giúp bệnh nhân kéo dài sự sống.
Đặc biệt, bệnh viện đạt chuẩn JCI luôn là một sự lựa chọn tuyệt vời cho các bệnh nhân ung thư. Sự kết hợp của đội ngũ y bác sĩ đa chuyên khoa gồm các bác sĩ nội khoa, bác sĩ chuyên khoa điều trị ung thư bằng phương pháp bức xạ và bác sĩ chuyên khoa điều trị ung thư bằng phương pháp phẫu thuật sẽ cùng thảo luận để đưa ra một liệu pháp điều trị duy nhất, hoặc nhiều liệu pháp điều trị ung thư dựa trên các yếu tố sau:
- Loại và mức độ nghiêm trọng của khối u
- Giai đoạn phát triển của khối u
- Mục tiêu điều trị
- Tình trạng sức khỏe, tuổi tác, bệnh lý đi kèm của bệnh nhân
6. Cách phòng ngừa ung thư hiệu quả
Gần 1/4 số ca ung thư mới có thể tránh được bằng cách nhận biết dấu hiệu của bệnh ung thư sớm và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư. Dưới đây là các cách để phòng ngừa ung thư hiệu quả cần được chú ý:
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc gây ra nhiều loại bệnh ung thư, bao gồm ung thư phổi, miệng và cổ họng. Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ gây ung thư, hãy bỏ hút thuốc và tránh môi trường có thuốc lá.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Kiểm soát cân nặng có thể làm giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư.
- Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
- Tránh đồ uống có đường và giảm thiểu lượng muối, chất béo bão hòa và không ăn thịt chế biến sẵn.
- Phơi nắng và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Hạn chế uống rượu vì rất dễ mắc ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư vú, …
- Tránh tiếp xúc lâu với các bức xạ tia cực tím
- Tránh xa các chất độc công nghiệp và môi trường độc hại.
- Tiêm phòng vắc-xin để ngăn ngừa một số loại ung thư. Ví dụ, tiêm vắc-xin papillomavirus ở người (HPV) có hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung.
- Thường xuyên khám sàng lọc ung thư.
7. Khi nào nên gặp bác sĩ?
Chỉ cần xuất hiện bất kỳ dấu hiệu của bệnh ung thư nào kể trên, hoặc nhận thấy có sự bất thường ở cơ thể kéo dài trên 2 tuần, hãy đến bệnh viện và gặp ngay bác sĩ. Đặc biệt là với những người có các yếu tố nguy cơ hoặc tiền sử gia đình mắc ung thư.
8. Kết luận
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh ung thư đóng vai trò quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị, giúp nâng cao cơ hội phục hồi và cải thiện chất lượng cuộc sống. Những thay đổi nhỏ trên cơ thể có thể là tín hiệu cảnh báo, do đó, không nên chủ quan bỏ qua.
Chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc ung thư kịp thời là biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe lâu dài. Hãy lắng nghe cơ thể và hành động sớm để ngăn chặn nguy cơ ung thư từ giai đoạn khởi phát.
Bác sĩ Basma M’Barek, Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng tại Bệnh viện FV nhấn mạnh rằng việc tầm soát ung thư tại Việt Nam chưa được chú trọng, dẫn đến nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn tiến triển, làm giảm cơ hội điều trị hiệu quả. Bà cho biết: “Có đến 90% trường hợp mắc ung thư được chữa khỏi khi phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu tiên. Thế nên rất đau lòng khi phải chứng kiến các bệnh nhân đến đây ở giai đoạn chỉ có 20% cơ hội chữa khỏi bệnh.”
Do đó, bác sĩ Basma khuyến cáo mọi người nên thực hiện khám tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện bệnh sớm, tăng khả năng điều trị thành công và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nếu bạn đang có bất kỳ dấu hiệu của bệnh ung thư kể trên hoặc cần tìm bệnh viện chuyên điều trị ung thư với tỷ lệ thành công vượt trội, đừng ngại đến ngay Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV để tìm thấy con đường hy vọng mới cho sức khỏe và tuổi thọ của mình cùng người thân.
Thông tin liên hệ Bệnh viện FV:
- Số điện thoại: (028) 54 11 33 33
- Website: https://www.fvhospital.com/vi/
Địa chỉ Bệnh viện FV: 6 Nguyễn Lương Bằng, Nam Sài Gòn (Phú Mỹ Hưng), Q7, Tp HCM