Buồng Tiêm

BUỒNG TIÊM LÀ GÌ VÀ TẠI SAO TÔI CẦN SỬ DỤNG BUỒNG TIÊM?

Buồng tiêm là một thiết bị, được cấy dưới da tạo thành một cổng vào bằng phẫu thuật, để có thể tiếp cận các tĩnh mạch trung tâm lớn. Tiếp cận cổng vào này được thực hiện bằng cách dùng một loại kim đặc biệt đi xuyên qua da để đi vào buồng tiêm. Điều này giúp cung cấp tất cả các loại thuốc và dịch truyền qua đường tĩnh mạch cũng như lấy mẫu máu mà không cần chích kim ở cánh tay.

Điều dưỡng có thể sử dụng buồng tiêm để lấy mẫu máu và cung cấp:

  • Dịch truyền
  • Thuốc, như hóa trị và kháng sinh
  • Truyền máu
  • Dinh dưỡng đường tĩnh mạch (thức ăn) – gọi là nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.

Buồng tiêm có thể được giữ trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, tùy thuộc vào phương thức điều trị, và miễn là buồng tiêm vẫn còn hoạt động tốt và không có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Bác sĩ sẽ rút buồng tiêm khi bạn không cần sử dụng nữa.

Điều quan trọng là bạn và gia đình phải hiểu rõ về buồng tiêm, cách sử dụng và cách chăm sóc để có thể đạt hiệu quả tốt nhất.

CẤU TẠO VÀ VỊ TRÍ ĐẶT BUỒNG TIÊM?

Buồng tiêm gồm cổng buồng tiêm, ống thông silicon và ‘màng ngăn’ trung tâm hoặc nơi tiêm truyền. Màng ngăn có thể chịu được 1000-2000 lần đâm kim.

Buồng tiêm thường được đặt ở vị trí đường trung đòn phải, cách bờ dưới xương đòn 2-3 cm. Nếu có mặc áo ngực, buồng tiêm sẽ đặt cách dây áo ngực khoảng 1 cm. Buồng tiêm cấy ghép có thể nâng vùng da lên khoảng 1,2 cm. Bạn có thể cảm nhận điều này qua làn da của mình, nhưng có thể không nhìn thấy khi mặc áo sơ mi cổ chữ V. Hầu hết mọi người sẽ không biết bạn đang sử dụng thiết bị này.

CÁCH ĐẶT BUỒNG TIÊM VÀO CƠ THỂ?

Đặt buồng tiêm là một thủ thuật ngoại trú do bác sĩ gây mê thực hiện tại Phòng mổ. Bạn sẽ nhập vào khoa Bệnh Viện Trong Ngày 1 hoặc 2 giờ trước khi thực hiện thủ thuật. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ hướng dẫn bạn cách chuẩn bị. Bạn có thể được gây mê toàn thân, hoặc chỉ cần dùng thuốc an thần để giúp bạn cảm thấy buồn ngủ và thư giãn. Tiếp theo, buồng tiêm được đặt vào sau khi gây tê tại vị trí đặt buồng tiêm.

Bác sĩ gây mê sẽ tạo 2 đường rạch da nhỏ, 1 đường ở nền cổ và 1 đường khác ở vùng ngực cách bờ dưới xương đòn 2-3cm. Trước tiên, bác sĩ sẽ đặt buồng tiêm vào chỗ mở ở vùng ngực. Sau đó, bác sĩ tạo đường hầm để luồn ống thông dưới da hướng về đường rạch ở nền cổ và vào một trong những mạch máu chính ở vùng ngực (tĩnh mạch chủ trên).

Buồng tiêm được khâu vào cơ để cố định. Vết mổ được dán hoặc khâu vô trùng, sau đó băng lại để phòng ngừa nhiễm khuẩn. Toàn bộ thủ thuật mất khoảng 30 đến 45 phút. Bác sĩ sẽ cắt chỉ sau vài ngày.

Trong 3-5 ngày sau khi đặt buồng tiêm, tránh nâng vật nặng hơn 5 kg. Ngoài ra, tránh tạo áp lực lên vết mổ như mang dây đeo quần hoặc áo ngực quá chật trong 2 ngày đầu.

Sau khi đặt buồng tiêm, tình trạng hơi đỏ và ấn đau ở vết mổ là bình thường và sẽ giảm dần sau 24-48 giờ. Nếu phát hiện có sự thay đổi bất thường ở vùng da trên buồng tiêm như sưng, đỏ hoặc đau tăng thêm, bạn nên liên hệ với bác sĩ.

Liên hệ bác sĩ gây mê hoặc đến Khoa cấp cứu nếu bạn:

  • Xuất hiện cơn đau mới hoặc đau tăng thêm tại vị trí đặt buồng tiêm
  • Bị sưng hoặc bầm tím ngày càng lan rộng tại vị trí đặt buồng tiêm
  • Chảy mủ hoặc dịch từ (các) vết mổ
  • Thấy (các) vết mổ nóng, ấn đau, đỏ, hoặc kích ứng
  • Khó thở
  • Sốt từ 38°C trở lên
  • Ớn lạnh.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ “TIẾP CẬN” BUỒNG TIÊM?

Khi cần tiêm truyền tĩnh mạch hoặc lấy mẫu máu, điều dưỡng sẽ dùng một cây kim đặc biệt để đi qua da xuyên vào màng ngăn buồng tiêm. Đây là cách ‘tiếp cận buồng tiêm’. Do kim đi xuyên qua da nên bạn sẽ có cảm giác châm chích. Nếu bạn cảm thấy khó chịu khi chích kim, điều dưỡng sẽ sử dụng thuốc để gây tê tạm thời. Thuốc hoặc dịch truyền sẽ chảy qua kim, vào cổng buồng tiêm rồi qua ống thông đi trực tiếp vào máu.

Những điểm quan trọng cần lưu ý:

  • Chỉ có nhân viên đã qua đào tạo mới được phép sử dụng buồng tiêm, tiếp cận hoặc cung cấp việc điều trị qua buồng tiêm
  • Đảm bảo băng vẫn khô khi đang sử dụng buồng tiêm
  • Nếu băng bị ướt, yêu cầu thay băng
  • Không nghịch hoặc “phá” kim tiêm hoặc băng khi đang sử dụng buồng tiêm
  • Không vặn xoắn hoặc nắn bóp buồng tiêm khi không sử dụng

CÁCH CHĂM SÓC BUỒNG TIÊM?

Sau khi đặt buồng tiêm và vết mổ đã lành, bạn có thể trở lại các hoạt động thường ngày, như làm việc nhà, đi làm và tập thể dục. Bạn có thể bơi lội với buồng tiêm miễn là không có kim tiêm tại chỗ. Không chơi các môn thể thao tiếp xúc, như bóng đá hoặc bóng bầu dục, nhưng có thể chạy bộ.

Buồng tiêm cần được chăm sóc tối thiểu giữa các lần sử dụng vì nó nằm hoàn toàn dưới da. Không cần chăm sóc đặc biệt vùng da trên buồng tiêm. Bạn có thể rửa vùng da này như bình thường.

Buồng tiêm cần được điều dưỡng tráng rửa mỗi 4 tuần khi không sử dụng. Điều này được thực hiện nhằm đảm bảo ống thông không bị tắc nghẽn. Nếu bị tắc nghẽn, buồng tiêm có thể không hoạt động được nữa và cần phải rút ra.

Máy dò kim loại sẽ không phát tín hiệu khi gặp buồng tiêm.

Zalo