Điều trị tổn thương sắc tố da bằng Laser

Laser là một phương pháp đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, không xâm lấn và an toàn giúp loại bỏ các tổn thương sắc tố lành tính khác nhau.

LASER HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Laser giúp loại bỏ các tổn thương sắc tố bằng cách phá vỡ các sắc tố trong da mà không cần phải cắt bỏ.

Máy laser Fotona StarWalker® hoạt động bằng cách phát ra các xung ánh sáng năng lượng cao (“Q-switching”) với hai bước sóng, trong đó bước sóng 532nm có thể loại bỏ các tổn thương bề mặt như tàn nhang và bước sóng 1064nm hiệu quả trên tổn thương sâu hơn. Các xung ánh sáng sẽ phá vỡ các tổn thương sắc tố thành các hạt nhỏ, sau đó được hệ thống miễn dịch của cơ thể loại bỏ.

NHỮNG TỔN THƯƠNG SẮC TỐ NÀO CÓ THỂ ĐIỀU TRỊ?

Đồi mồi (do tác động của ánh nắng mặt trời)

Là các đốm màu nâu, nhỏ, lành tính thường xuất hiện ở người lớn trên các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (như vùng mặt, chữ V ở ngực, bàn tay, cẳng tay và cẳng chân). Nếu sạm da không quá nhiều, thường chỉ cần 1-2 liệu trình là có thể điều trị khỏi. Trước khi điều trị bằng laser, bác sĩ da liễu phải kiểm tra da để loại trừ tất cả các tổn thương ác tính hoặc tiền ung thư mà có thể nhìn giống như tình trạng sạm da.

Tàn nhang

Là các đốm nhỏ màu nâu, thường xuất hiện trên các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong mùa hè. Khác với đồi mồi, tàn nhang thường xuất hiện từ thời thơ ấu. Nếu tàn nhang không quá nhiều, thường chỉ cần 1-2 liệu trình là có thể điều trị khỏi nhưng thường bị tái phát.

Sạm da

Là các đốm nhỏ màu nâu sậm, thường xuất hiện từ thời thơ ấu. Chúng thường khỏi sau 1-2 liệu trình laser. Nếu sạm da quá nhiều, bác sĩ da liễu phải kiểm tra để đảm bảo đây không phải là tình trạng rối loạn đa hệ thống.

Bớt cà phê sữa

Là các đốm hoặc bớt đồng nhất, có hình dạng rõ ràng, như hình tròn hay hình bầu dục, với kích thước khác nhau từ 2mm đến 20cm. Có đến 30% trẻ bình thường xuất hiện loại bớt này. Nếu có nhiều bớt cà phê sữa thì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn hệ thống. Các bớt nhỏ cần 2-3 đợt điều trị. Các bớt lớn hơn thì khó điều trị hơn và có thể tái phát sau vài năm.

Nám da

Nám da là tình trạng rối loạn sắc tố phổ biến, đặc trưng bởi các đốm nâu trên vùng da mặt tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, và thường xảy ra ở phụ nữ. Mặc dù đã nghiên cứu nhiều phương pháp điều trị, nhưng hiện vẫn chưa thể điều trị dứt điểm tình trạng này, và tái phát là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, chống nắng tuyệt đối và tránh các tác nhân gây nám da là điều cần thiết.

Điều trị laser là phương pháp tốt nhất dành cho các trường hợp không điều trị khỏi, được lựa chọn cẩn thận kết hợp với điều trị ngoài da. Để tránh tái phát, sau khi tình trạng nám đã cải thiện, nên điều trị định kỳ (không quá hai tuần một lần vì nếu điều trị quá thường xuyên thì sẽ có nguy cơ giảm sắc tố).

Bớt Becker

Đây là loại bớt lớn, màu nâu xuất hiện từ thời thơ ấu, thường là trên cơ thể. Để làm mờ vết bớt thì cần thực hiện nhiều đợt điều trị laser. Bớt Becker thường có lông nên đôi khi cần phải triệt lông bằng laser sau khi làm mờ sắc tố. Và tổn thương có thể tái phát.

Nốt ruồi lành tính

Không khuyến khích điều trị nốt ruồi bằng laser cho bệnh nhân có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị nốt ruồi ác tính và loạn sản.

Khi cần, nốt ruồi phải được cắt bỏ kết hợp với xét nghiệm mô bệnh học. Ở các vùng da thẩm mỹ, có thể điều trị bằng laser sau khi bác sĩ da liễu có kinh nghiệm đã soi da cẩn thận để loại trừ nốt ruồi ác tính. Thông thường, các nốt ruồi phẳng có thể điều trị khỏi hoàn toàn (sau 1-2 đợt điều trị), nhưng nốt ruồi có hình dạng phức tạp thì chỉ đáp ứng một phần với điều trị laser. Tổn thương có thể tái phát.

Bớt Ota và bớt Ito

Bớt Ota có từ lúc mới sinh hoặc từ thời niên thiếu, phân bố một bên và theo nhánh dây thần kinh sinh ba (thần kinh số V) ở vùng mặt, có màu xanh đen, nâu hoặc xám. Tổn thương nằm quanh hốc mắt, thái dương, trán, má và mũi. Bớt Ito là một tổn thương tương tự nhưng xuất hiện ở vai.

Để xóa mờ các tổn thương này thì cần điều trị laser trong khoảng thời gian 3-6 tháng.

Bớt Hori

Còn gọi là bớt Ota nhưng phân bố hai bên, xuất hiện trên vùng mặt và có màu xám xanh. Để xóa mờ sắc tố thì cần điều trị laser trong khoảng thời gian 1-3 tháng. 

CÁCH CHUẨN BỊ DA TRƯỚC KHI ĐIỀU TRỊ LASER?

  • Tránh để ánh nắng mặt trời tiếp xúc với vùng da điều trị, và không nhuộm nâu da nhân tạo trong vòng 4 tuần trước khi điều trị.
  • Sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF 50+ vài lần mỗi ngày.
  • Không sử dụng bất kỳ sản phẩm thoa ngoài da nào gây nhạy cảm ánh sáng (như axit hydroxy, axit salicylic, retinols và benzoyl peroxide) ở vùng da điều trị trong ba ngày trước khi điều trị. Sử dụng sản phẩm làm sạch da và dưỡng da dịu nhẹ trên các vùng da điều trị.
  • Nếu bệnh nhân đã từng thực hiện một trong các thủ thuật trên vùng da điều trị, như tiêm Botox®, tiêm chất làm đầy (filler), điều trị laser hoặc sử dụng dịch vụ spa, vui lòng thông báo cho bác sĩ trước khi thực hiện điều trị.
  • Nếu bệnh nhân đang hoặc gần đây đã dùng bất kỳ loại thuốc nào có chứa kháng sinh, thông báo cho bác sĩ trước lịch điều trị.
  • Thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử nhiễm herpes trên các vùng da điều trị. Bệnh nhân có thể cần điều trị phòng ngừa.

ĐIỀU GÌ XẢY RA TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ?

  • Bệnh nhân sẽ được yêu cầu mang kính bảo vệ mắt.
  • Hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy hơi khó chịu trong khi điều trị laser. Trẻ em và người nhạy cảm có thể được thoa kem gây tê ((EMLA®) hai giờ trước thủ thuật và được bịt kín.
  • Việc điều trị có thể được thực hiện trong ít nhất 15 phút, tùy thuộc vào vùng da điều trị.

THỦ THUẬT CÓ GÂY TÁC DỤNG PHỤ KHÔNG?

Tác dụng phụ của điều trị bằng laser thường không đáng kể và bao gồm:

  • Đóng vảy mỏng và bong tróc da trong vòng một tuần;
  • Hơi thâm tím;
  • Tăng sắc tố sau viêm, thường gặp hơn ở người có làn da sậm màu. Tình trạng này sẽ khỏi sau vài tháng;
  • Hiếm khi giảm sắc tố, thường gặp hơn ở người có làn da sậm màu;
  • Sẹo nhưng rất hiếm gặp.

BỆNH NHÂN CẦN BAO NHIÊU ĐỢT ĐIỀU TRỊ LASER?

  • Kế hoạch điều trị của bệnh nhân sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, độ sâu, kích thước và loại tổn thương sắc tố. Một số tổn thương cần điều trị nhiều lần để đạt kết quả tốt nhất nhưng một số tổn thương chỉ cần điều trị một lần duy nhất.
  • Trung bình, bệnh nhân sẽ cần 2-3 đợt điều trị để xóa mờ hoàn toàn.
  • Tần suất đặt lịch hẹn sẽ dựa vào đánh giá lâm sàng. Đối với hầu hết bệnh nhân, việc điều trị sẽ được thực hiện 4-8 tuần một lần. 

KHI NÀO BỆNH NHÂN SẼ THẤY KẾT QUẢ?

  • Hầu hết bệnh nhân sẽ thấy kết quả chỉ sau một lần điều trị. Kết quả sẽ rõ ràng hơn sau khoảng 4 tuần, nhưng cũng có thể mất đến 8 tuần để đạt kết quả hoàn hảo.

KẾT QUẢ NÀY CÓ VĨNH VIỄN KHÔNG?

  • Các tổn thương sắc tố đã xóa sẽ không quay trở lại sau khi điều trị laser.
  • Tuy nhiên các yếu tố khác nhau như tuổi tác, thay đổi nồng độ hoóc môn hoặc tiếp xúc tia UV có thể kích thích sản sinh sắc tố mới. Việc điều trị sắc tố bằng laser không thể ngăn ngừa việc hình thành sắc tố mới.

CÁCH CHĂM SÓC DA SAU KHI ĐIỀU TRỊ?

  • Sau điều trị laser, vùng da điều trị sẽ tạo màng đục màu trắng, sau đó có thể bị đỏ hoặc viêm trong vòng 24-48 giờ tiếp theo. Nhiều bệnh nhân có thể hình thành mụn nước hoặc đóng vảy trong vòng 24-48 giờ, và có thể kéo dài đến 1-2 tuần. Điều trị laser có thể gây chảy máu không đáng kể nhưng sẽ tự khỏi và không gây ra bất kỳ vấn đề gì.
  • Thoa kem lên vùng da điều trị, và thường không cần dùng băng.
  • Vệ sinh vùng da điều trị hai lần một ngày bằng nước và xà phòng dịu nhẹ, rồi lau khô nhẹ nhàng.
  • Khi da đóng vảy trong các ngày tiếp theo, thoa kem định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để giữ ẩm cho da. Việc này cũng giúp bong vảy sau 7-14 ngày.
  • Nên để vảy lành tự nhiên và không cố gắng loại bỏ chúng. KHÔNG được cạy, gãi hoặc làm nặng thêm vì điều này có thể gây nhiễm trùng hoặc hình thành sẹo. Nếu xuất hiện mụn nước, không hút dịch mà hãy để chúng tự khô. Nếu mụn nước bắt đầu rỉ dịch, băng lại và thay băng hai lần một ngày cho đến khi ngưng rỉ dịch.
  • Tránh sử dụng mỹ phẩm trang điểm, kem điều trị, xà phòng thơm hoặc sữa dưỡng da ở vùng da điều trị trong vòng 48 giờ sau điều trị.
  • Tránh hoạt động gắng sức trong vài ngày sau khi điều trị, đồng thời tránh bơi lội và tắm hơi cho đến khi da bong vảy, vì nó có thể làm chậm quá trình lành da.
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tia cực tím giữa các đợt điều trị và trong vòng 6 tháng sau khi kết thúc liệu trình, bằng cách tránh nắng kĩ. Nếu bệnh nhân không thể tránh nắng, hãy sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF 50+ vài lần mỗi ngày. Đối với tình trạng nám da, tránh nắng là điều bắt buộc, nếu không thì nám da sẽ quay trở lại.

Nếu vùng da điều trị bị nhiễm trùng (đóng vảy màu vàng nâu, rỉ dịch, đỏ tấy lan rộng) hoặc bệnh nhân bị phản ứng quá mức, vui lòng quay trở lại Trung tâm điều trị & Chăm sóc da bằng laser FV ngay lập tức.

Thời gian để da hồi phục hoàn toàn thường từ 4 đến 8 tuần.

Zalo