Gãy đầu dưới xương chày (Gãy Pilon)

GÃY PILON LÀ GÌ?

Gãy Pilon (*) là một chấn thương nghiêm trọng liên quan đến xương lớn ở chi dưới (xương chày), mà đường gãy sẽ đi vào diện khớp cổ chân. Tình trạng này thường xảy ra sau khi chịu lực va đập mạnh, như rơi từ độ cao xuống hoặc bị tai nạn giao thông. 

(*) Pilon là từ tiếng Pháp có nghĩa là chày, một dụng cụ dùng để nghiền hoặc giã

TRIỆU CHỨNG CỦA GÃY PILON LÀ GÌ?

Gãy Pilon là một chấn thương gây đau kèm theo sưng tấy khá lớn. Tình trạng này có các biểu hiện như đau rõ rệt, sưng cổ chân và cấu trúc cổ chân bị biến dạng. Chấn thương này thường làm cho bệnh nhân rất khó chịu và không thể đi lại bằng cổ chân bị tổn thương.

Gãy Pilon kèm theo các mảnh xương vỡ đâm xuyên qua da – gãy hở – không phải là hiếm gặp. Nếu xảy ra, cần điều trị nhanh chóng bằng phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.

Trường hợp này thường gặp ở bệnh nhân có các chấn thương khác.

CHẨN ĐOÁN BẰNG CÁCH NÀO?

Khảo sát X-quang không chuẩn bị thường được sử dụng để chẩn đoán tổn thương. Phương pháp này giúp xác định các vị trí gãy xương ở chi dưới kéo dài đến cổ chân. Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) cũng thường được chỉ định bổ sung để giúp hiển thị chính xác kiểu gãy xương đồng thời giúp bác sĩ phẫu thuật biết rõ về tính chất của chỗ gãy xương, thường rất khác nhau giữa bệnh nhân này và bệnh nhân khác.

ĐIỀU TRỊ

Nếu chỗ gãy xương bị di lệch thì thường phải điều trị bằng phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cố gắng đưa xương bị gãy về lại vị trí ban đầu. Thông thường sẽ mất nhiều tháng để liền xương và hơn một năm để bệnh nhân đạt mức cải thiện tối đa. Ngay cả khi gãy Pilon đã được điều trị tối ưu thì tình trạng viêm khớp và cứng khớp cổ chân cũng thường xảy ra. Phục hồi chức năng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục. 

Gãy Pilon
Gãy Pilon được hiển thị dưới hình ảnh của X-quang, CT Scan và tái tạo hình ảnh ba chiều

Điều trị không phẫu thuật

Thỉnh thoảng, bệnh nhân có thể được điều trị không phẫu thuật do chỗ gãy không di lệch hoặc do chống chỉ định phẫu thuật (nguy cơ cao). Phương pháp điều trị này đòi hỏi bệnh nhân không đi lại trong một thời gian dài (10 đến 12 tuần) để giúp liền xương. Bệnh nhân thường phải mang nẹp, bó bột và sử dụng nạng trong suốt thời gian này.

Điều trị phẫu thuật

Hầu hết bệnh nhân bị gãy Pilon đều được điều trị bằng phẫu thuật. Phẫu thuật thường được thực hiện khi đã giảm sưng tấy. Điều này có nghĩa là phẫu thuật sẽ được thực hiện trong vài ngày hoặc thậm chí là vài tuần sau chấn thương ban đầu. Trong thời gian này, cần nâng cao bàn chân và đôi khi sẽ dùng khung cố định ngoài để giúp cố định các mô mềm, đây là phần cơ thể thường bị tổn thương đáng kể sau loại chấn thương này.

Phẫu thuật có thể khá phức tạp. Về cơ bản, phẫu thuật sẽ bao gồm cố định lại các mảnh xương đã gãy về đúng vị trí. Điều đặc biệt quan trọng là xương tạo nên phần trên cùng của khớp cổ chân (trần chày) phải được đưa về càng gần vị trí (cấu trúc) bình thường càng tốt.

Phẫu thuật này được thực hiện qua một số vết rạch da. Chỗ gãy xương sẽ được cố định chắc chắn bằng nẹp và nít sau khi cố định tạm thời bằng dây dẫn. Thỉnh thoảng, các xương nhỏ nằm trong khớp cổ chân (xương mác), cũng bị gãy và cần cố định lại.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được yêu cầu không đi lại cho đến khi liền xương, thường từ 10 đến 12 tuần hoặc có thể lâu hơn. Trong thời gian này, bệnh nhân sẽ sử dụng nạng, xe đẩy hỗ trợ đầu gối (knee walker), xe lăn để di chuyển.

Zalo