Hủy u gan qua da bằng sóng cao tần

PHƯƠNG PHÁP HỦY U GAN BẰNG SÓNG CAO TẦN LÀ GÌ?

Phương pháp Hủy u bằng sóng cao tần (RFA) là một thủ thuật ít xâm lấn và có thể thực hiện nhiều lần với ít biến chứng, dùng để điều trị các khối u gan nhỏ, thường không thể can thiệp bằng phẫu thuật, u di căn (đặc biệt từ ung thư đại tràng) và u nguyên phát (ung thư biểu mô tế bào gan).

Phương pháp RFA qua da là một lựa chọn điều trị hiệu quả dành cho bệnh nhân gặp khó khăn khi phẫu thuật hoặc bệnh nhân có khối u với đường kính dưới 3,5cm. Phương pháp này có thể được áp dụng bổ sung cho hóa trị, xạ trị, phẫu thuật hoặc được dùng như một phương pháp điều trị phẫu thuật thay thế. Tỷ lệ thành công khi loại bỏ hoàn toàn các khối u gan nhỏ là trên 85%.

Phương pháp RFA qua da được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc cắt lớp vi tính (CT) để đưa kim điện cực xuyên qua da đi vào khối u gan. Dòng điện cao tần khi đi qua điện cực sẽ tạo ra một nhiệt lượng để phá hủy tế bào ung thư. Đồng thời, nhiệt từ năng lượng sóng cao tần sẽ bịt kín các mạch máu nhỏ và làm giảm nguy cơ chảy máu. Các tế bào chết của khối u sẽ dần dần được thay thế bằng mô sẹo và co nhỏ theo thời gian.

Phương pháp RFA cũng có thể được thực hiện trong quá trình phẫu thuật hở hoặc nội soi vì trong một số trường hợp các khối u nông có thể được phẫu thuật để khoét bỏ (cắt bỏ), trong khi các thương tổn nằm sâu hơn thì có thể được phá hủy bằng RFA, nhờ đó giữ lại phần lớn chủ mô gan.

CHỈ ĐỊNH

Phạm vi chỉ định của phương pháp RFA qua da đang được mở rộng và bao gồm các chỉ định chính như sau:

  • Ung thư biểu mô tế bào gan ở giai đoạn sớm
  • Điều trị ban đầu cho các u nhỏ
  • U gan nguyên phát không thể can thiệp bằng phẫu thuật
  • Điều trị cho các bệnh nhân không thể gây mê toàn thân hoặc không phù hợp để phẫu thuật vì các bệnh lý hiện có hoặc do cao tuổi.
  • Di căn gan, thường gặp nhất là di căn từ ung thư đại trực tràng, đặc biệt đối với bệnh nhân không phù hợp để phẫu thuật.
  • Có thể sử dụng phương pháp này để điều trị di căn ung thư vú, ung thư tuyến giáp và ung thư thần kinh nội tiết.
  • Điều trị cho các bệnh nhân chỉ bị ung thư biểu mô tế bào gan hoặc bị nhiều thương tổn nhỏ và đang chờ ghép gan.
  • Các thương tổn tái phát hoặc đang tiến triển.

Thủ thuật RFA thực hiện tương đối nhanh gọn với thời gian hồi phục ngắn nhờ đó mà bệnh nhân có thể tiếp nhận hóa trị gần như ngay lập tức sau khi thực hiện thủ thuật này.

BỆNH NHÂN NÊN CHUẨN BỊ NHƯ THẾ NÀO?

Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nhịn ăn nhịn uống trong vòng 8 giờ trước khi thực hiện phương pháp RFA.

Trước khi thực hiện thủ thuật RFA, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng cũng như bất kỳ dị ứng nào nếu có, đặc biệt là dị ứng với thuốc gây mê/gây tê hoặc chất tương phản có chứa i-ốt. Ngoài ra, hãy thông báo cho bác sĩ về các bệnh lý gần đây hoặc các tình trạng bệnh lý khác. Bệnh nhân nữ phải luôn thông báo cho bác sĩ biết nếu mình đang mang thai hoặc có khả năng mang thai.

Bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc aspirin, thuốc kháng viêm không steroid hoặc thuốc làm loãng máu từ 3 ngày trở lên trước khi thực hiện thủ thuật (tùy thuộc vào loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng). Bệnh nhân có thể được chỉ định làm xét nghiệm đông máu trước khi thực hiện thủ thuật.

THIẾT BỊ THỰC HIỆN THỦ THUẬT GỒM NHỮNG GÌ?

Thiết bị sử dụng trong thủ thuật này sẽ tùy thuộc vào loại khảo sát hướng dẫn hình ảnh.

Máy phát sóng cao tần sẽ tạo ra dòng điện trong phạm vi sóng cao tần. Thiết bị này nối với kim điện cực và các miếng đệm tiếp đất gắn trên đùi bệnh nhân bằng dây dẫn cách điện.

Các thiết bị khác bao gồm đường truyền tĩnh mạch và các thiết bị theo dõi nhịp tim và huyết áp cũng có thể được sử dụng trong thủ thuật.

THỦ THUẬT ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Các thủ thuật ít xâm lấn dưới hướng dẫn của hình ảnh như RFA thường sẽ do bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, người được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật này thực hiện tại phòng mổ hoặc tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh.

RFA thường được thực hiện cho bệnh nhân ở khu điều trị nội trú. Bệnh nhân thường sẽ nhập viện trước ngày thực hiện thủ thuật và xuất viện vào sáng hôm sau.

Trong quá trình thực hiện thủ thuật:

  • Bệnh nhân nằm trên bàn phẫu thuật
  • Bệnh nhân có thể được gắn các thiết bị theo dõi để kiểm tra nhịp tim, huyết áp và mạch trong quá trình thực hiện thủ thuật.
  • Điều dưỡng sẽ đặt đường truyền tĩnh mạch trên bàn tay hoặc cánh tay để truyền thuốc an thần qua đường tĩnh mạch.
  • Các vùng da dự kiến luồng điện cực sẽ được vô trùng và phủ một tấm khăn phẫu thuật.
  • Bác sĩ sẽ làm tê vùng da cần thực hiện thủ thuật bằng thuốc gây tê tại chỗ sau đó sẽ rạch một vết rất nhỏ trên da bệnh nhân để giúp đưa điện cực RFA vào gan dễ dàng hơn.
  • Dưới hướng dẫn của kỹ thuật hình ảnh, Bác sĩ sẽ đưa kim điện cực xuyên qua da và tiến vào vị trí khối u.
  • Khi kim điện cực đã vào đúng vị trí u và thuốc an thần đã có tác dụng, bác sĩ sẽ bắt đầu sử dụng năng lượng sóng cao tần. Đối với khối u lớn, có thể cần phải đặt nhiều kim. Vào cuối quy trình thủ thuật, các kim điện cực sẽ được rút ra và phần mô dọc lộ trình của kim sẽ được làm đông lại. Bác sĩ sẽ băng vết rạch ngoài da sau khi thủ thuật kết thúc.

Thời gian thực hiện thủ thuật RFA khoảng 30 phút, và có thể kéo dài hơn nếu cần đốt nhiều khối u. Toàn bộ quy trình thường hoàn tất trong vòng từ một đến hai giờ.

BỆNH NHÂN SẼ CÓ TRẢI NGHIỆM GÌ TRONG VÀ SAU KHI THỰC HIỆN THỦ THUẬT?

Bệnh nhân sẽ cảm nhận kim chích nhẹ vào da khi đặt đường truyền tĩnh mạch và tiêm thuốc gây tê tại chỗ. Cảm giác này thường xuất hiện tại vị trí rạch da nơi được gây tê bằng thuốc gây tê tại chỗ.

Trong trường hợp thực hiện thủ thuật với thuốc an thần, thuốc an thần truyền qua tĩnh mạch sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thư giãn và buồn ngủ. Bệnh nhân có thể còn tỉnh táo hoặc không tùy thuộc vào mức độ an thần. Nếu bệnh nhân được gây mê toàn thân thì có thể cảm thấy đau họng sau khi tỉnh dậy do việc đặt ống thở vào cổ họng bệnh nhân trong khi ngủ.

Thuốc giảm đau đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch có thể giúp kiểm soát cơn đau ngay sau khi hủy u bằng sóng cao tần. Sau đó, thuốc giảm đau đường uống có thể giúp làm giảm bất kỳ sự khó chịu nào dù rất ít nếu bệnh nhân gặp phải. Bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn, nhưng tình trạng này có thể được khắc phục bằng thuốc.

Bệnh nhân vẫn nằm trong phòng hồi tỉnh cho đến khi tỉnh táo hoàn toàn và sẵn sàng để quay về phòng bệnh nhân.

Bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động bình thường sau vài ngày.

Chỉ khoảng 10% số bệnh nhân vẫn còn cảm thấy đau trong một tuần sau khi thực hiện phương pháp hủy u bằng sóng cao tần.

AI SẼ LÀ NGƯỜI GIẢI THÍCH KẾT QUẢ VÀ BỆNH NHÂN SẼ NHẬN KẾT QUẢ BẰNG CÁCH NÀO?

Việc chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) gan sẽ được thực hiện trong vòng một vài ngày đến một tháng sau khi hủy u bằng sóng cao tần. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ phân tích các kết quả CT và MRI này để phát hiện các biến chứng và để đảm bảo tất cả các mô của khối u đã được phá hủy.

Bệnh nhân sẽ phải chụp CT hoặc MRI ba đến bốn tháng một lần để tầm soát các khối u mới.

CÁC NGUY CƠ CỦA THỦ THUẬT LÀ GÌ?

  • RFA là một thủ thuật an toàn với tỷ lệ tử vong và biến chứng nghiêm trọng rất thấp đồng thời gây ít đau hoặc không đau sau khi điều trị. Tình trạng đau dữ dội sau khi thực hiện RFA rất hiếm, và nếu có thì sẽ kéo dài trong vài ngày và cần sử dụng thuốc giảm đau tác dụng mạnh.
  • Một vài bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ trong vài ngày sau khi thực hiện thủ thuật.
  • Nguy cơ chảy máu hoặc nhiễm trùng sau khi điều trị rất thấp
  • Tùy thuộc vào vị trí điều trị, phương pháp hủy u bằng sóng cao tần có thể gây đau vai trong một thời gian ngắn hoặc hiếm khi kéo dài; gây viêm túi mật sẽ thuyên giảm sau vài tuần; tổn thương ống mật gây tắc mật; tổn thương ruột do nhiệt; hoặc tràn dịch màng phổi.
  • Đối với một vài bệnh nhân, “hội chứng sau đốt u” có thể xảy ra với các triệu chứng tương tự như bệnh cúm, xuất hiện từ ba đến năm ngày sau khi thực hiện thủ thuật và thường kéo dài đến năm ngày. Thỉnh thoảng bệnh nhân vẫn còn ốm từ hai đến ba tuần. Thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen đường uống thường được sử dụng để điều trị sốt và các triệu chứng khác.
  • Các cơ quan nội tạng và mô gần gan, như túi mật, ống mật, cơ hoành và đường ruột có nguy cơ bị tổn thương. Mặc dù tình trạng này chỉ xảy ra từ 3 đến 5% nhưng có thể cần điều trị ngoại khoa. Nguy cơ của biến chứng này có liên quan đến vị trí của khối u gan được điều trị.

NHỮNG HẠN CHẾ CỦA PHƯƠNG PHÁP HỦY U GAN BẰNG SÓNG CAO TẦN LÀ GÌ?

Phương pháp này giới hạn về số lượng mô của khối u có thể loại bỏ bằng RFA do các hạn chế về thiết bị hiện có. Hy vọng sự tiến bộ của kỹ thuật sẽ cho phép điều trị các khối u có kích thước lớn hơn trong tương lai. RFA cũng bị giới hạn trong việc phá hủy các khối u có kích thước quá nhỏ và không thể ngăn ngừa ung thư tăng trưởng trở lại ở các vị trí khác trong gan.

 

Zalo