Tài Liệu Hướng Dẫn Bệnh Nhân Về Gãy Thân Xương Đùi



Xương đùi là xương dài nhất và chắc khoẻ nhất trong cơ thể. Vì xương đùi rất chắc khỏe nên lực chấn thương phải đủ mạnh mới có thể làm gãy xương. Ví dụ tai nạn xe là nguyên nhân hàng đầu gây gãy xương đùi.
Phần dài và thẳng của xương đùi được gọi là thân xương đùi. Khi gãy ở bất kỳ đoạn nào dọc theo xương này, ta gọi là gãy thân xương đùi.

CÁC LOẠI GÃY THÂN XƯƠNG ĐÙI

Gãy xương đùi rất khác nhau và tùy thuộc vào lực tác động gây gãy xương. Những mảnh vỡ của xương có thể nằm đúng vị trí hay dịch chuyển (di lệch), và chỗ gãy xương có thể kín (da còn nguyên vẹn) hoặc hở (xương đâm xuyên da).
Bác sĩ sử dụng hệ thống phân loại để xác định các loại gãy xương. Gãy xương đùi được phân loại tùy thuộc vào:

  • Vị trí gãy xương (thân xương đùi được chia thành ba đoạn: đoạn xa, đoạn giữa và đoạn gần)
  • Các kiểu gãy xương (ví dụ: xương có thể bị gãy ở nhiều hướng khác nhau như gãy ngang, gãy dọc hay gãy ở giữa)
  • Da và cơ trên xương có bị rách do tổn thương hay không.

Các kiểu gãy thân xương đùi thường gặp nhất bao gồm:

Gãy ngang: chỗ gãy là một đường thẳng nằm ngang qua thân xương đùi.
Gãy chéo: là loại gãy theo một đường chéo tạo góc trên thân xương đùi.
Gãy xoắn: đường gãy xoắn quanh thân xương đùi như các đường sọc xoắn quanh cây kẹo. Một lực xoắn tác động vào đùi sẽ gây ra kiểu gãy xương này.
Gãy vụn: xương bị gãy thành ba mảnh hoặc nhiều hơn. Trong hầu hết các trường hợp, số lượng các mảnh xương vỡ tương ứng với lực tác động làm gãy xương.
Gãy hở : Nếu các mảnh xương bị gãy đâm xuyên qua da hoặc vết thương xuyên thấu đến tận xương bị gãy, thì được gọi là gãy hở hay gãy chồi xương. Gãy hở thường gây nhiều tổn thương đến cơ, gân và dây chằng xung quanh xương gãy. Gãy hở có nguy cơ biến chứng cao hơn – đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng – và mất nhiều thời gian chữa trị.

NGUYÊN NHÂN GÃY THÂN XƯƠNG ĐÙI

Gãy thân xương đùi ở người trẻ thường do va chạm mạnh. Nguyên nhân thường gặp nhất của gãy thân xương đùi là do tai nạn xe máy hay xe hơi. Bị xe tông khi đi bộ, té ngã từ trên cao hay vết thương do đạn bắn cũng là các nguyên nhân phổ biến khác.
Các nguyên nhân gây gãy xương nhẹ hơn như té ngã khi đang đứng có thể gây gãy thân xương đùi ở người lớn tuổi có xương yếu.

TRIỆU CHỨNG

Gãy thân xương đùi thường gây ra cơn đau dữ dội ngay lập tức. Bệnh nhân sẽ không thể đặt trọng lực lên chân bị thương và chân có thể bị biến dạng – ngắn hơn chân bên kia và không còn thẳng.

THĂM KHÁM LÂM SÀNG

Bệnh sử và thăm khám lâm sàng

Điều quan trọng là bác sĩ phải có được các thông tin cụ thể về nguyên nhân gây tổn thương chân của bệnh nhân. Ví dụ, nếu bệnh nhân bị tai nạn xe hơi, bác sĩ cần biết tốc độ lái xe của bệnh nhân, bệnh nhân là người lái xe hay người đi cùng, bệnh nhân có thắt dây an toàn không và các túi khí trong xe có bung ra hay không. Thông tin này sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân nào làm bệnh nhân bị tổn thương và bệnh nhân còn có thể bị tổn thương ở vị trí nào khác nữa hay không.
Bệnh nhân cần cung cấp thêm thông tin cho bác sĩ nếu bệnh nhân bị: huyết áp cao, đái tháo đường, hen suyễn hay dị ứng. Bác sĩ cũng sẽ hỏi bệnh nhân về các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng.
Sau khi trao đổi về chấn thương và bệnh sử của bệnh nhân, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng một cách cẩn trọng. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng tổng thể và sau đó tập trung vào chân của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem xét :

  • Sự biến dạng dễ thấy ở đùi/chân (gãy gập góc bất thường, vặn xoắn, hay chân ngắn lại)
  • Da bị tổn thương
  • Vết thâm tím
  • Mảnh xương gãy có thể đâm xuyên qua da

Sau khi quan sát, bác sĩ sẽ khám dọc theo đùi, cẳng chân và bàn chân của bệnh nhân để tìm những bất thường và kiểm tra các vết thương trên da cũng như cơ bắp quanh đùi. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra mạch đập. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, bác sĩ sẽ kiểm tra cảm giác và sự vận động ở cẳng chân và bàn chân của bệnh nhân.

Chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sẽ cung cấp thêm thông tin cho bác sĩ về chấn thương của bệnh nhân bao gồm :

  • X-quang. Chụp x-quang là phương pháp phổ biến nhất để đánh giá một ca gãy xương, qua đó cung cấp hình ảnh rõ nét của xương. X-quang có thể cho biết tình trạng xương còn nguyên vẹn hay đã bị gãy, đồng thời cũng hiển thị các kiểu gãy xương và vị trí gãy trong xương đùi.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Nếu bác sĩ cần biết thêm thông tin sau khi xem phim X-quang, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT. Chụp CT cho thấy hình ảnh cắt ngang của chân bệnh nhân và có thể cung cấp cho bác sĩ những thông tin rất giá trị về mức độ nghiêm trọng của chỗ gãy xương. Ví dụ, đôi khi các đường gãy xương rất mỏng và khó quan sát trên phim X-quang, nhưng hình ảnh CT có thể giúp bác sĩ quan sát những đường gãy xương này rõ ràng hơn.

ĐIỀU TRỊ GÃY THÂN XƯƠNG ĐÙI

Điều trị không phẫu thuật

Hầu hết gãy thân xương đùi yêu cầu điều trị phẫu thuật. Các trường hợp gãy thân xương đùi mà không cần phẫu thuật rất hiếm gặp. Trẻ nhỏ có thể được điều trị bằng bó bột.

Điều trị phẫu thuật

Thời gian phẫu thuật: Nếu phần da quanh vị trí xương gãy không bị rách, bác sĩ sẽ chờ cho đến khi bệnh nhân ổn định mới tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, gãy xương hở thường tiếp xúc với môi trường xung quanh, nên cần làm sạch và phẫu thuật ngay để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Trong khoảng thời gian từ khi chăm sóc cấp cứu ban đầu cho đến khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ sử dụng một nẹp chân dài hoặc dụng cụ kéo xương để cố định chân của bệnh nhân. Phương pháp này giúp giữ cho xương bị gãy càng thẳng trục lại càng tốt và duy trì độ dài của chân.
Dụng cụ kéo xương là một hệ thống tải trọng và đối trọng có ròng rọc giúp cố định các mảnh xương vỡ với nhau, đồng thời giữ chân thẳng và giúp giảm đau.

Khung cố định bên ngoài: Trong loại phẫu thuật này, ghim kim loại hoặc đinh vít được đặt vào xương bên trên và dưới chỗ gãy. Các ghim và đinh vít sẽ được gắn vào một thanh nẹp bên ngoài da. Thiết bị này là một khung cố định giúp xương ở đúng vị trí thích hợp để lành lại.
Cố định ngoài là một phương pháp điều trị gãy xương đùi tạm thời. Do phương pháp này dễ dàng áp dụng, nên thường được chỉ định cho bệnh nhân bị đa chấn thương và chưa sẵn sàng cho một cuộc phẫu thuật lớn để cố định chỗ gãy xương. Thiết bị cố định ngoài giúp phần xương gãy ổ̀n định tạm thời và hiệu quả cho đến khi bệnh nhân đủ sức khỏe để tiến hành phẫu thuật cuối cùng. Trong một vài trường hợp, thiết bị cố định ngoài được giữ nguyên cho đến khi xương đùi liền lại hoàn toàn, nhưng cách này không phổ biến.
Phương pháp cố định ngoài thường được sử sụng để cố định tạm thời các xương với nhau khi da và cơ đã bị tổn thương.
Đóng đinh nội tủy: Hiện nay, hầu hết các bác sĩ phẫu thuật đều sử dụng phương pháp đóng đinh nội tủy để điều trị gãy thân xương đùi. Trong thủ thuật này, một thanh kim loại có thiết kế đặc biệt sẽ được đưa vào trong ống tủy của xương đùi. Thanh kim loại đi xuyên qua chỗ gãy để giữ vết gãy ở nguyên vị trí cố định.
Đinh nội tủy có thể được đưa vào ống tủy từ hông hoặc đầu gối qua một vết rạch nhỏ và được vít chặt vào xương ở hai đầu. Thủ thuật này giúp giữ đinh và xương nằm đúng vị trí trong quá trình liền xương.
Đinh nội tủy thường được làm bằng titan. Đinh có các độ dài và đường kính khác nhau để phù hợp với hầu hết các xương đùi.
Đóng đinh nội tủy giúp cố định chặt và ổn định trên toàn bộ chiều dài xương.

Cố định bằng nẹp vít: Trong phẫu thuật này, trước tiên các mảnh xương sẽ được sắp xếp (nắn chỉnh) về đúng vị trí, sau đó, chúng sẽ được giữ bởi các ốc vít đặc biệt và các nẹp kim loại gắn vào mặt ngoài xương. Nẹp kim loại và đinh vít thường được sử dụng khi không thể áp dụng phương pháp đóng đinh nội tủy, như trong gãy xương mở rộng vào khớp háng hoặc đầu gối.

HỒI PHỤC

Hầu hết gãy thân xương đùi phải cần từ 4 đến 6 tháng để liền xương hoàn toàn. Một số trường hợp kéo dài lâu hơn, đặc biệt là khi gãy hở hay gãy thành nhiều mảnh.

VẬN ĐỘNG ĐI LẠI

Nhiều bác sĩ khuyến khích bệnh nhân nên vận động chân sớm trong giai đoạn hồi phục. Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về việc đặt trọng lượng lên chân bị tổn thương là điều rất quan trọng để tránh xảy ra các sự cố.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cho phép bệnh nhân đặt càng nhiều trọng lượng lên chân bị tổn thương càng tốt ngay sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân không thể đặt tất cả trọng lượng lên chân của mình cho đến khi chỗ gãy bắt đầu liền xương. Điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ cẩn thận các hướng dẫn của bác sĩ
Khi bắt đầu tập đi bộ, bệnh nhân thường phải dùng đến nạng hay khung tập đi để hỗ trợ.

VẬT LÝ TRỊ LIỆU

Do bệnh nhân thường mất sức mạnh cơ bắp tại vùng tổn thương nên các bài tập vật lý trị liệu trong quá trình liền xương rất quan trọng. Vật lý trị liệu sẽ giúp phục hồi sức mạnh cơ bắp, vận động khớp và tính linh hoạt của chân.
Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ bắt đầu hướng dẫn những bài tập cụ thể trong thời gian bệnh nhân nằm viện. Chuyên viên cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng nạng hay khung tập đi.

BIẾN CHỨNG

Các Biến chứng do gãy thân xương đùi

Gãy thân xương đùi có thể gây thêm tổn thương và các biến chứng sau:

  • Các đầu xương bị gãy thường sắc nhọn nên có thể cắt hoặc làm rách những mạch máu hay dây thần kinh xung quanh.
  • Hội chứng khoang cấp tính có thể xảy ra. Đây là tình trạng gây đau đớn, xảy ra khi áp lực bên trong cơ bắp tăng đến mức nguy hiểm. Áp lực này có thể làm giảm lưu lượng máu, ngăn chất dinh dưỡng và oxy đến tế bào thần kinh và cơ bắp. Nếu không giải tỏa áp lực nhanh chóng, thương tật vĩnh viễn có thể xảy ra. Đây là một trường hợp phẫu thuật cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch da và cơ bắp xung quanh để giảm bớt áp lực.
  • Gãy hở làm cho xương tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Ngay cả với phương pháp phẫu thuật làm sạch xương và cơ có hiệu quả, xương vẫn có thể bị nhiễ́m trùng. Nhiễm trùng xương rất khó điều trị và thường đòi hỏi phẫu thuật nhiều lần và điều trị kháng sinh lâu dài.

BIẾN CHỨNG DO PHẪU THUẬT

Ngoài những rủi ro trong phẫu thuật nói chung, như mất máu hay các vấn đề liên quan đến gây mê, những biến chứng của phẫu thuật này có thể bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương dây thần kinh và mạch máu
  • Cục máu đông
  • Thuyên tắc mỡ (tủy xương đi vào máu và có thể di chuyển đến phổi; tình trạng này cũng có thể xảy ra khi gãy xương mà không phẫu thuật)
  • Di lệch xương hay không thể cố định các mảnh xương vỡ đúng vị trí
  • Chậm liền xương hay không liền xương (khi chỗ gãy liền xương chậm hơn bình thường hoặc không liền xương)
  • Kích ứng do dụng cụ (đôi khi đầu đinh hoặc vít có thể gây kích ứng cho các cơ bắp và gân nằm phía trên)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Nguồn : “ Viện Hàn Lâm Phẫu thuật viên Chỉnh hình Hoa Kỳ”

Zalo