UNG THƯ

UNG THƯ LÀ GÌ?

Cơ thể chúng ta được cấu tạo từ nhiều loại tế bào, đơn vị cơ bản của sự sống. Các tế bào sẽ tăng trưởng và sản sinh nhiều tế bào khác theo cơ chế có kiểm soát để giữ cơ thể khỏe mạnh. Khi các tế bào này già đi hoặc hư hỏng, chúng sẽ chết và được thay bằng các tế bào mới. Tuy nhiên, vì một số lý do, quá trình tự nhiên này bị phá vỡ, làm cho các tế bào trở nên bất thường tại một bộ phận hoặc cơ quan trong cơ thể, nơi các tế bào tiếp tục phân chia và tồn tại lâu hơn tuổi thọ của chúng. Đó được gọi là “tế bào ung thư”.

Thuật ngữ “ung thư” được dùng để mô tả một tình trạng bệnh lý, trong đó có:

  • Sự nhân lên bất thường và không thể kiểm soát của các tế bào trong cơ thể.
  • Thường bắt nguồn từ một cơ quan hoặc bộ phận trong cơ thể.
  • Những tế bào đột biến này có thể di chuyển và xâm lấn đến các bộ phận khác trong cơ thể qua đường máu và bạch huyết.
  • Biểu hiện của ung thư thường ở dạng khối u: do một nhóm tế bào đột biến tạo thành khối u. Thông thường ung thư máu và ung thư tủy xương như bệnh bạch cầu không hình thành khối u.
  • Ung thư có thể ảnh hưởng đến tất cả các tế bào sống trong cơ thể, ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới tính.
  • Nguyên nhân gây ung thư do nhiều yếu tố và diễn tiến bệnh ở các vị trí khác nhau cũng sẽ khác nhau.

Các yếu tố như hút thuốc lá, tiếp xúc với chất gây ung thư từ môi trường, một số loại nhiễm trùng cũng như yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò quan trọng.

“Ung thư” không phải là một bệnh duy nhất mà là một nhóm bệnh có cùng đặc điểm. Bác sĩ phân loại ung thư dựa vào nơi bắt nguồn mô bất thường. Ví dụ như thuật ngữ “ung thư biểu mô” được dùng cho ung thư bắt nguồn từ da hoặc trong các mô tuyến hoặc mô bao phủ cơ quan nội tạng, và thuật ngữ “bệnh bạch cầu” được dùng cho ung thư bắt nguồn từ máu, hình thành mô trong tủy xương và làm sản sinh các tế bào máu bất thường rồi đi vào máu.

UNG THƯ BẮT ĐẦU NHƯ THẾ NÀO?

Ung thư bắt đầu khi vật liệu di truyền (DNA) của tế bào bị hư hỏng hoặc biến đổi, tạo ra những thay đổi gọi là đột biến, ảnh hưởng đến sự phát triển và phân chia tế bào bình thường. Nguyên nhân gây ra đột biến không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Một số đột biến là do di truyền, một số có thể do chế độ ăn uống và một số khác có thể do tiếp xúc với các yếu tố môi trường, gọi là “chất gây ung thư” như hóa chất, thuốc lá, v.v. Khi đột biến, các tế bào không tuân theo quy trình sống tự nhiên, các tế bào cũ/hư hỏng không chết đi trong khi các tế bào mới vẫn hình thành làm cho cơ thể có một số lượng lớn tế bào không cần thiết. Những tế bào dư thừa này tạo thành một khối mô, gọi là “khối u”.

KHỐI U LÀNH TÍNH LÀ GÌ?

Tuy nhiên, không phải mọi khối u đều là ung thư. Thuật ngữ y khoa giúp phân biệt giữa khối u và khối u ung thư là “lành tính” và “ác tính”.

Khối u không ung thư gọi là ‘lành tính”.

Khối u lành tính:

  • Thường có thể phẫu thuật để cắt bỏ.
  • Trong hầu hết các trường hợp, hiếm khi tái phát khối u sau phẫu thuật.
  • Vẫn tồn tại trong cơ quan hình thành khối u nhưng không xâm lấn/lây lan sang các cơ quan/bộ phận khác trong cơ thể.

XÁC ĐỊNH GIAI ĐOẠN UNG THƯ LÀ GÌ?

Các tế bào trong khối u ung thư có thể xâm lấn các mô lân cận và lây lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Sự lây lan của khối u đến các cơ quan lân cận gọi là sự xâm lấn tại chỗ-tại vùng. Sự lây lan ung thư từ bộ phận này sang bộ phận khác gọi là “di căn”.

Hầu hết ung thư được đặt tên theo cơ quan hoặc loại tế bào bắt nguồn. Ví dụ, ung thư bắt nguồn từ dạ dày được gọi là ung thư dạ dày, và nếu bắt nguồn từ các tuyến trong dạ dày được gọi là ung thư biểu mô tuyến của dạ dày.

Mức độ tăng trưởng của tế bào trong mô bắt nguồn, mức độ xâm lấn đến các hạch bạch huyết lân cận và mức độ lây lan đến các cơ quan xa sẽ giúp xác định mức độ nghiêm trọng, tác động và kế hoạch điều trị bệnh; việc đánh giá này được gọi là “xác định giai đoạn” ung thư.

CÁCH PHÒNG NGỪA UNG THƯ?

Việc phòng ngừa ung thư dễ dàng hơn bạn nghĩ. Chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, đơn giản chỉ bằng cách thay đổi lối sống.

  1. Tránh hút thuốc lá hoặc quyết tâm bỏ thuốc lá. Mọi người đều biết thuốc lá có hại cho sức khỏe. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Ngoài ra, hút thuốc lá còn liên quan đến nhiều loại ung thư khác như ung thư miệng, họng, thanh quản, tụy, bàng quang, cổ tử cung và thận. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ung thư quan trọng nhất mà chúng ta có thể giảm.
  2. Ăn trái cây và rau củ: Trái cây và rau củ giàu chất chống oxy hóa giúp sửa chữa các tế bào bị hư hỏng của cơ thể.
  3. Thận trọng với loại thịt bạn ăn, đặc biệt là thịt xông khói hoặc thịt chế biến. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo động vật có thể phát triển một số ung thư. Chế độ ăn nhiều thực phẩm xông khói, thịt chế biến, cá muối và rau củ muối chua làm tăng yếu tố nguy cơ gây ung thư.

  1. Bảo vệ an toàn dưới ánh nắng mặt trời và nhận biết sự thay đổi của da: Ung thư da đang trở nên phổ biến, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Thoa kem chống nắng khi ra ngoài trời, ngay cả khi trời mát và nên tránh hoạt động ngoài trời vào thời gian mặt trời lên cao nhất, tức là từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Việc nhận biết da có nốt ruồi và đốm lạ là điều cần thiết. Cần thông báo cho bác sĩ về mọi thay đổi càng sớm càng tốt.
  2. Hạn chế uống rượu bia. Uống rượu bia quá mức và thường xuyên sẽ làm tăng yếu tố nguy cơ gây ung thư. Các nghiên cứu cho thấy nam giới uống hai ly mỗi ngày và nữ giới uống một ly mỗi ngày sẽ làm tăng đáng kể các yếu tố nguy cơ gây một số loại ung thư, như ung thư vú, đại tràng, phổi, thận và gan.
  3. Duy trì cân nặng khỏe mạnh và hoạt động thể chất. Thừa cân làm tăng đáng kể yếu tố nguy cơ gây ung thư. Vì vậy, tập thể dục để duy trì hoặc đạt được cân nặng lý tưởng là một trong những cách tốt nhất để chống lại ung thư.
  4. Biết rõ tiền sử ung thư cá nhân và gia đình. Nghiên cứu cho thấy một số ung thư có thể do di truyền. Việc biết rõ tiền sử ung thư của gia đình có thể giúp bạn đưa ra nhiều quyết định cho việc chăm sóc sức khỏe. Điều này còn có thể hỗ trợ việc xét nghiệm và tư vấn về di truyền, giúp kiểm tra khả năng mang gen đột biến làm tăng yếu tố nguy cơ ung thư của bạn.
  5. Biết rõ loại hóa chất mà bạn đang tiếp xúc trong môi trường làm việc. Nếu có tiếp xúc với khói, bụi, hóa chất, v.v tại nơi làm việc, bạn có quyền được biết về những chất này. Xăng, khí thải diesel, arsenic, beryllium, vinyl clorua, crôm niken, các sản phẩm làm từ than, ete chloromethyl đều là chất gây ung thư và có thể được tìm thấy trong một số môi trường làm việc. Hãy trao đổi với người quản lý nơi làm việc về việc hạn chế tiếp xúc các chất này.
  6. Tiêm chủng. Phòng ngừa ung thư phải bao gồm việc bảo vệ cơ thể khỏi các nhiễm trùng do virút. Trao đổi với bác sĩ về việc tiêm vắc-xin phòng ngừa
    • Viêm gan B: viêm gan B có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan.
    • Vi rút papilloma ở người (HPV): HPV là loại vi rút lây truyền qua đường tình dục có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung và ung thư khác ở cơ quan sinh dục cũng như ung thư tế bào vảy ở đầu và cổ. Vắc-xin phòng ngừa HPV được khuyên dùng cho bé gái và bé trai từ 9 đến 12 tuổi.
  7. Tầm soát bệnh thường xuyên. Các xét nghiệm sàng lọc được dùng để phát hiện sớm một số ung thư thường gặp như ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, tuyến tiền liệt, phổi và vòm họng. Bệnh viện FV hiện cung cấp nhiều chương trình sàng lọc ung thư cũng như chương trình kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Zalo