Xóa xăm bằng Laser

Xóa xăm bằng laser là cách hiệu quả nhất để xóa những hình xăm không như ý muốn.

Có nhiều lý do để xóa hình xăm: xăm khi còn trẻ, thay đổi tính cách, công việc, áp lực gia đình, thay đổi lối sống hoặc người yêu, hình xăm xấu hoặc không có ý nghĩa, chỉ định y khoa do cơ thể phản ứng với hình xăm.

Xóa xăm là một quy trình gồm nhiều buổi điều trị, để đạt kết quả tốt, hầu hết mọi người cần từ 6 đến 12 buổi điều trị, đôi khi cần nhiều buổi điều trị hơn nếu hình xăm có nhiều màu sắc khó xóa. Phương pháp điều trị bằng laser thường được thực hiện theo chu kỳ hàng tháng hoặc lâu hơn để giúp xóa sạch mực xăm và chờ lành da giữa các lần điều trị.

Có thể xóa tất cả hình xăm bằng laser không?

Hình xăm nghiệp dư thường được thực hiện bằng một loại mực Ấn Độ và nằm sát lớp da trên cùng; các hình xăm này thường đáp ứng với điều trị nhanh hơn so với hình xăm chuyên nghiệp.

Hình xăm chuyên nghiệp thường là hình xăm nhiều màu được thực hiện bằng máy và mực cây phong, các hình xăm này khó xóa bỏ hoàn toàn vì mực có khuynh hướng ăn sâu vào da. Không quá khó để xóa các màu đen, xanh dương và đỏ, nhưng các màu sáng hơn như xanh lá, vàng và tím thì không hấp thụ năng lượng laser và mất nhiều thời gian hơn để xóa, nghĩa là chúng có thể cần nhiều lần điều trị hơn.

Hình xăm thẩm mỹ như xăm lông mày, mí mắt và viền môi được xăm vĩnh viễn trên da, rất khó xóa vì khi chiếu tia laser, các phản ứng oxy hóa sẽ làm sậm màu mực xăm. Sẹo cũng có thể hình thành.

Hình xăm do chấn thương gây ra từ một số dạng chấn thương như vết thương do đầu bút làm bằng than chì hoặc tai nạn do da bị va đập với đá sỏi. Những hình xăm này có thể rất khó xóa. Hình xăm do pháo hoa có chống chỉ định xóa bằng Q-switched laser vì có nguy cơ gây nổ hạt vi mô khi tác động bởi tia laser, có thể tạo bọt khí và hình thành sẹo lõm.

Xóa xăm như thế nào?

Năng lượng từ tia laser làm cho mực xăm nóng lên và vỡ thành những mảnh nhỏ. Sau đó, trong khoảng thời gian 8-12 tuần, các tế bào chức năng của cơ thể sẽ “dọn sạch” những mảnh vỡ này và làm cho hình xăm phai dần theo thời gian.

Nguy cơ của xóa xăm bằng laser?

  • Đôi khi việc xóa hoàn toàn hình xăm có thể khó khăn, đặc biệt với những người có làn da sậm màu hoặc muốn xóa hình xăm màu.
  • Các phản ứng thoáng qua thường gặp bao gồm ửng đỏ, phồng rộp, đóng vảy, sưng, đau, ngứa, bầm tím và đau tại vị trí xóa xăm.
  • Đôi khi nhiễm trùng da có thể xảy ra, đặc biệt khi không chăm sóc vị trí xóa xăm đúng cách. Điều quan trọng là phải bảo vệ vùng da đã điều trị để giảm nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn và nhiễm trùng sau đó. Vì vậy, việc chăm sóc phù hợp sau khi điều trị là điều cần thiết.
  • Tương tự như tất cả các phương pháp điều trị bằng laser khác, khả năng hình thành sẹo là rất thấp.
  • Làm tăng hoặc giảm sắc tố da, thường gặp ở bệnh nhân có làn da sậm màu hơn.
  • Không nên cố gắng điều trị bằng laser cho các hình xăm đang viêm (như chàm hoặc vẩy nến), nhiễm trùng (như mụn cóc, herpes Simplex) hoặc có bệnh mãn tính đi kèm (ví dụ như bệnh u hạt lympho lành tính của tế bào da). Xóa xăm trong tình trạng này sẽ làm giảm cường độ, chậm quá trình lành da sau khi xóa xăm và gây sẹo trong quá trình xóa xăm bằng laser.

Cách chuẩn bị da trước khi điều trị laser?

  • Việc chống nắng tuyệt đối trước và sau khi điều trị là rất quan trọng nhằm giảm nguy cơ gây biến chứng:
    • Tránh để ánh nắng mặt trời tiếp xúc với vị trí xóa xăm;
    • Không làm nâu da nhân tạo trong vòng bốn tuần trước khi điều trị;
    • Sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF 50+ vài lần mỗi ngày.
  • Không sử dụng bất kỳ sản phẩm thoa ngoài da nào gây nhạy cảm với ánh sáng (như axit hydroxy, axit salicylic, retinols và benzoyl peroxide) ở vị trí xóa xăm trong vòng ba ngày trước khi điều trị.
  • Sử dụng sản phẩm làm sạch da và dưỡng da dịu nhẹ trên các vùng da cần xóa xăm.
  • Nếu bệnh nhân đang dùng (hoặc gần đây đã dùng) bất kỳ loại thuốc nào, bao gồm kháng sinh, thông báo cho bác sĩ trước khi đến lịch điều trị.
  • Thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử nhiễm herpes ở các vị trí xóa xăm vì có thể cần điều trị phòng ngừa.

Điều gì xảy ra trong quá trình xóa xăm?

  • Bệnh nhân sẽ được yêu cầu mang kính bảo vệ mắt.
  • Thủ thuật có thể gây khó chịu và đau ở vị trí xóa xăm. Để hạn chế tình trạng này, bệnh nhân sẽ được thoa kem gây tê (EMLA®) hai giờ trước thủ thuật và được băng kín. Việc tiêm thuốc gây tê tại chỗ là hiếm khi cần.
  • Buổi điều trị mất khoảng 15-30 phút, tùy thuộc vào kích thước của hình xăm.

Cách chăm sóc da sau khi xóa xăm?

  • Sau khi xóa xăm bằng laser, vị trí xóa xăm sẽ tạo màng màu trắng ngay lập tức, sau đó có thể bị đỏ hoặc viêm trong vòng 24-48 giờ tiếp theo. Nhiều bệnh nhân có thể hình thành mụn nước hoặc đóng vảy trong vòng 24-48 giờ, và có thể kéo dài đến 1-2 tuần.
  • Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh dạng kem và băng lại để bảo vệ.
  • Vệ sinh vị trí xóa xăm hai lần một ngày bằng nước và xà phòng dịu nhẹ, rồi thấm khô nhẹ nhàng.
  • Khi da đóng vảy trong các ngày tiếp theo, thoa kem định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để giữ ẩm cho da. Việc này cũng giúp bong vảy sau 7-14 ngày.
  • Điều quan trọng là để vảy lành tự nhiên và không cố gắng loại bỏ chúng. KHÔNG được cạy, gãi hoặc làm nặng thêm vì có thể gây nhiễm trùng hoặc hình thành sẹo. Tránh sử dụng các sản phẩm trang điểm, kem điều trị, xà phòng thơm hoặc sữa dưỡng da ở vị trí xóa xăm trong vòng 48 giờ sau khi điều trị.
  • Tránh hoạt động gắng sức trong vài ngày sau khi xóa xăm đồng thời tránh bơi lội và tắm hơi cho đến khi bong vảy, vì điều này có thể làm chậm quá trình lành da.
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tia cực tím giữa các đợt điều trị và trong vòng 6 tháng sau đợt điều trị cuối cùng, bằng cách che chắn vị trí xóa xăm bằng quần áo. Nếu bệnh nhân không thể tránh nắng, sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF 50+ vài lần trong ngày.

Nếu vị trí xóa xăm bị nhiễm trùng (đóng vảy màu vàng nâu, rỉ dịch, đỏ tấy lan rộng) hoặc bệnh nhân bị phản ứng quá mức, vui lòng quay trở lại Trung tâm điều trị & Chăm sóc da bằng laser ngay lập tức.

Thời gian để lành da hoàn toàn thường là 4 đến 8 tuần.

Sẹo, như dạng sẹo phì đại hoặc thậm chí là sẹo lồi, có thể xảy ra nhưng rất hiếm gặp. Tình trạng mất sắc tố da (hoặc tăng sắc tố da quá mức) tại vị trí xóa xăm cũng có thể xảy ra, nhưng chỉ là tạm thời trong hầu hết các trường hợp.

Zalo