Mục lục
- 1. Ung thư da là gì?
- 2. Các loại ung thư da
- 2.1 Ung thư biểu mô tế bào đáy
- 2.2 Ung thư biểu mô tế bào vảy
- 2.3 Khối u ác tính
- 2.4 Ung thư tế bào Merkel
- 3. 9 dấu hiệu ung thư da ít ai ngờ đến
- 3.1 Nốt ruồi thay đổi hình dạng hoặc màu sắc
- 3.2 Xuất hiện vết loét không lành
- 3.3 Đốm đỏ hoặc mảng da bong tróc
- 3.4 Xuất hiện khối u nhỏ hoặc nốt cứng trên da
- 3.5 Mảng da sẫm màu không đều màu
- 3.6 Ngứa ngáy hoặc đau rát trên vùng da nhất định
- 3.7 Xuất hiện vết bầm không rõ nguyên nhân
- 3.8 Da bị dày lên hoặc thay đổi kết cấu
- 3.9 Đốm da sáng bóng
- 4. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư da
- 5. Phương pháp chẩn đoán ung thư da
- 6. Các phương pháp điều trị ung thư da
- 6.1 Điều trị ung thư da bằng phương pháp phẫu thuật
- 6.2 Điều trị ung thư da bằng liệu pháp miễn dịch
- 6.3 Điều trị ung thư da bằng liệu pháp nhắm mục tiêu
- 6.4 Điều trị ung thư da bằng phương pháp hóa trị
- 6.5 Điều trị ung thư da bằng xạ trị
- 6.6 Điều trị ung thư da bằng liệu pháp đông lạnh hoặc đốt điện
- 7. Cách phòng ngừa ung thư da hiệu quả
- 8. Khi nào nên đi gặp bác sĩ?
- 9. Kết luận
- 9.1 Tầm soát ung thư da tại Bệnh viện FV
- 9.2 Chăm sóc da định kỳ tại Viện thẩm mỹ FV Lifestyle
- 9.3 Hãy đặt lịch hẹn ngay hôm nay
Trên thực tế, các loại ung thư da không có đặc điểm chung. Nó có thể xảy ra ở nhiều hình dạng và kích thước khác nhau và ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Vậy nên, chúng ta cần tìm hiểu chính xác thông tin về dấu hiệu của ung thư da hiện nay để nhận biết sớm và kịp thời chữa trị. Dưới đây là một số cảnh báo mới nhất về 9 dấu hiệu ung thư da thường gặp nhưng ít ai ngờ đến.
1. Ung thư da là gì?
Ung thư da liên quan đến sự phát triển bất thường của các tế bào da. Đó là kết quả từ sự đột biến DNA của tế bào da và nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc quá nhiều tia cực tím (UV) từ mặt trời. Tuy nhiên, ung thư da cũng có thể phát triển ở những vùng da khác dù không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

2. Các loại ung thư da
Có 4 loại ung thư da cơ bản bao gồm:
2.1 Ung thư biểu mô tế bào đáy
Đây là dạng ung thư da phổ biến nhất. Loại ung thư này bắt đầu từ các tế bào đáy ở lớp biểu bì (lớp ngoài cùng của da). Ung thư biểu mô tế bào đáy thường xảy ra trên vùng da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như da đầu, mặt, cổ, tai, vai và lưng. Nó hiếm khi lây lan sang các vùng khác, nhưng nếu lây lan sẽ rất dễ dẫn đến tử vong.
2.2 Ung thư biểu mô tế bào vảy
Đây là loại ung thư da phổ biến thứ hai. Loại ung thư này bắt đầu từ các tế bào vảy ở lớp biểu bì của da. Ung thư biểu mô tế bào vảy thường xảy ra ở những vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như da đầu, mặt, tai, cổ và tay. Nó cũng có thể xảy ra trên vùng da bị tổn thương do hóa chất, bị bỏng hoặc tiếp xúc với tia X. Nếu không được điều trị sớm, ung thư biểu mô tế bào vảy có thể xâm nhập sâu vào da và lan rộng.
2.3 Khối u ác tính
Khối u ác tính được coi là loại ung thư da nguy hiểm nhất. Loại ung thư này bắt đầu từ các tế bào tạo nên màu sắc cho làn da của bạn, được gọi là tế bào ung thư da hắc tố. Nó có thể phát triển từ nốt ruồi hiện có hoặc nốt ruồi mới hình thành.
2.4 Ung thư tế bào Merkel
Đây là một dạng ung thư da hiếm gặp, có mức độ ác tính cao và phát triển nhanh chóng. Loại ung thư này có thể được tìm thấy dưới da đầu, cổ, thân và trong nang lông.
Ngoài ra, còn có nhiều loại ung thư da hiếm gặp khác như u lympho tế bào T ở da, sarcoma xơ da protuberans, sarcoma Kaposi, khối u phần phụ vi nang và ung thư biểu mô tuyến bã nhờn.
Chỉ cần phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư da, căn bệnh này có thể được điều trị thành công.
3. 9 dấu hiệu ung thư da ít ai ngờ đến
Dưới đây là 9 dấu hiệu của ung thư da mà nhiều người thường bỏ qua, nhưng sẽ là lời cảnh báo sớm cho sức khỏe của bạn. Từ những sự thay đổi bất thường của nốt ruồi, vết loét lâu lành cho đến những mảng da bong tróc không rõ nguyên nhân, … đừng chủ quan trước bất kỳ dấu hiệu nào.
3.1 Nốt ruồi thay đổi hình dạng hoặc màu sắc
Hãy chú ý đến những nốt ruồi có hình dạng và màu sắc khác thường trên cơ thể bạn hoặc những nốt ruồi riêng lẻ xuất hiện ở những vùng cụ thể. Nếu nốt ruồi phát triển quá nổi bật, nó có nhiều khả năng là biểu hiện ung thư da. Chẳng hạn như: Nốt ruồi không đối xứng, bờ viền không đều, màu sắc không đồng nhất (đặc biệt là có nhiều sắc thái trong cùng một nốt ruồi), hoặc kích thước tăng nhanh. Một số nốt ruồi có thể bắt đầu ngứa, chảy máu hoặc phát triển bề mặt thô ráp.
Lý do thường bị bỏ qua: Dễ bị nhầm với nốt ruồi lành tính hoặc tàn nhang thông thường.
3.2 Xuất hiện vết loét không lành
Xuất hiện những vết loét kéo dài hơn bình thường có thể là một dấu hiệu của ung thư da. Các triệu chứng cần chú ý như: Vết loét kéo dài nhiều tuần mà không tự lành, đôi khi chảy máu hoặc tiết dịch… Những vết loét này có thể hình thành vảy và không bao giờ lành hoàn toàn.
Lý do thường bị bỏ qua: Có thể nhầm lẫn với vết cắt, vết xước hoặc nhiễm trùng nhỏ, đặc biệt nếu ở vùng dễ bị ma sát như tay, chân hoặc mặt.

3.3 Đốm đỏ hoặc mảng da bong tróc
Dấu hiệu ung thư da tiếp theo có thể kể đến là các mảng da đỏ dai dẳng, triệu chứng bao gồm: Một vùng da có màu đỏ, bị kích ứng và bong tróc, đôi khi kèm theo cảm giác nóng rát hoặc đau. Mảng da có thể thô ráp khi chạm vào.
Lý do thường bị bỏ qua: Các tình trạng bệnh lý như bệnh chàm, bệnh vẩy nến hoặc viêm da cũng có các triệu chứng tương tự như dấu hiệu của ung thư da, dẫn đến chẩn đoán sai.
3.4 Xuất hiện khối u nhỏ hoặc nốt cứng trên da
Nếu da bạn bỗng dưng có một cục u tròn màu đỏ, hồng hoặc nâu, những nốt sần này có thể có một vết lõm ở giữa và phát triển nhanh về kích thước thì có nguy cơ đây là dấu hiệu của ung thư da.
Lý do thường bị bỏ qua: Triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với mụn trứng cá, u nang hoặc các khối u lành tính như u mỡ.

3.5 Mảng da sẫm màu không đều màu
Dấu hiệu của ung thư da mà bạn cần đặc biệt chú ý đó là có một mảng da sẫm màu theo thời gian, có đường viền hoặc lan rộng không đều. Kết cấu da cũng có thể trở nên thô ráp hoặc hơi nổi lên.
Lý do thường bị bỏ qua: Mọi người thường cho rằng đây là những tàn nhang, đốm nắng hoặc tăng sắc tố do tuổi tác nên nghĩ là vô hại.
3.6 Ngứa ngáy hoặc đau rát trên vùng da nhất định
Để sớm phòng ngừa bệnh ung thư da, bạn không nên bỏ qua cảm giác khó chịu ở da mà không có nguyên nhân rõ ràng. Khi có dấu hiệu như: Cảm giác nóng rát, ngứa ran hoặc ngứa dai dẳng ở một vị trí cụ thể – ngay cả khi không có phát ban hoặc chấn thương nào nhìn thấy được thì đừng ngại đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị.
Lý do thường bị bỏ qua: Vấn đề da bị ngứa thường liên quan đến dị ứng, vết côn trùng cắn hoặc da khô, khiến nhiều người bỏ qua đây là dấu hiệu cảnh báo ung thư da tiềm ẩn.
3.7 Xuất hiện vết bầm không rõ nguyên nhân
Vết bầm trên da không liên quan đến chấn thương và không mờ đi theo thời gian cũng là dấu hiệu ung thư da ít ai ngờ đến. Nếu da bạn xuất hiện các mảng sẫm màu hoặc vết bầm tím mà không rõ nguyên nhân và không mờ dần theo thời gian (đôi khi có thể lan rộng hoặc thay đổi kết cấu) thì đây cũng là dấu hiệu nguy hiểm của ung thư da.
Lý do thường bị bỏ qua: Mọi người thường cho rằng vết bầm tím là do thiếu vitamin, các va chạm nhẹ nào đó mà họ không nhớ hoặc do chứng rối loạn máu.

3.8 Da bị dày lên hoặc thay đổi kết cấu
Ngoài vấn đề về tình trạng lão hóa thì kết cấu da còn có thể tiết lộ nhiều căn bệnh về da, bao gồm cả dấu hiệu của ung thư da. Nếu thấy cơ thể xuất hiện một mảng da trở nên dày bất thường, thô ráp hoặc có kết cấu giống sáp, đặc biệt là khi chạm vào, nó có thể có cảm giác cứng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị da thông thường thì hãy nghĩ ngay đến nguy cơ ung thư da.
Lý do thường bị bỏ qua: Nhiều người xem dấu hiệu này là tác động tự nhiên của quá trình lão hóa da, da bị chai sạn hoặc do thời gian tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời.
3.9 Đốm da sáng bóng
Khi đột nhiên xuất hiện vùng da trông mịn màng, sáng bóng hoặc có màu vàng nhạt, các tổn thương này đôi khi giống vết sẹo hoặc các vết sưng nhỏ, cứng thì cũng đừng chủ quan vì rất có thể bạn đã mắc bệnh ung thư da.
Lý do thường bị bỏ qua: Những vết này thường bị nhầm là triệu chứng khô da hoặc các tác động lão hóa tự nhiên.

4. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư da
Nguyên nhân chính gây ung thư da là do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, đặc biệt nếu da bị cháy nắng hoặc phồng rộp. Vì tia cực tím từ ánh sáng mặt trời rất dễ làm hỏng DNA của tế bào da, dẫn đến ung thư da.
Ung thư da cũng có thể xảy ra nếu da thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất như than đá và nhựa đường. Sau đây là một số nguyên nhân và yếu tố gây ung thư da:
Nguyên nhân chính gây ung thư da:
- Tiếp xúc với tia UV (tia cực tím) từ ánh nắng mặt trời hoặc giường tắm nắng.
- Đột biến gen trong tế bào da.
Yếu tố nguy cơ gây ung thư da:
- Da sáng màu hoặc có tiền sử cháy nắng.
- Gia đình có tiền sử ung thư da.
- Sử dụng các hóa chất độc hại hoặc sống ở môi trường ô nhiễm.
5. Phương pháp chẩn đoán ung thư da
Khám lâm sàng: Kiểm tra da bằng mắt thường, chú ý các dấu hiệu bất thường. Đầu tiên, bác sĩ sẽ đánh giá bệnh sử và các dấu hiệu của ung thư da mà bạn gặp phải trước khi tiến hành khám sức khỏe. Bạn có thể đến gặp các bác sĩ da liễu để kiểm tra thêm.
Sinh thiết: Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị ung thư da sẽ tiến hành phương pháp sinh thiết. Sinh thiết là kỹ thuật giúp nhận diện các tế bào bất thường ở trong cơ thể.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Phương pháp chụp CT sử dụng tia X và máy tính để chụp lại hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể. Quá trình quét này cũng kiểm tra hạch bạch huyết bị sưng và các vùng nghi ngờ có dấu hiệu của bệnh lý.
Quét cộng hưởng từ (MRI): MRI giúp đánh giá xem tình trạng này có lan đến não và tủy sống hay không.
Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET): Quét PET cũng giúp xác định ngay liệu ung thư có lan sang các bộ phận khác của cơ thể hay không.
Bên cạnh đó còn có phương pháp xét nghiệm máu, soi da bằng kính hiển vi để phát hiện sớm bệnh lý ung thư từ những dấu hiệu của ung thư da mà người bệnh mắc phải.
6. Các phương pháp điều trị ung thư da
Phương pháp điều trị bệnh ung thư da phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn ung thư. Các phương pháp điều trị chính thường được sử dụng là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Cụ thể là:
6.1 Điều trị ung thư da bằng phương pháp phẫu thuật
Cắt bỏ: Phương pháp sử dụng thuốc gây tê cục bộ để làm tê vùng bị ảnh hưởng và một phần khối u để phẫu thuật cắt bỏ. Phần da còn lại sẽ được khâu với nhau.
Phẫu thuật vi mô Mohs: Các lớp da mỏng được loại bỏ từ từ cùng với khối u. Nghĩa là da sẽ được loại bỏ dần từng lớp cho đến khi dấu hiệu của ung thư da biến mất.
Nạo và đốt điện: Sử dụng phương pháp nạo để cẩn thận loại bỏ lớp da bị ung thư. Phần bị ảnh hưởng sau đó được điều trị bằng điện cực để tiêu diệt hoàn toàn tế bào ung thư còn sót lại.
6.2 Điều trị ung thư da bằng liệu pháp miễn dịch
Phương pháp này sử dụng một nhóm thuốc kích thích hệ thống miễn dịch nhằm mục tiêu tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với hóa trị.
Liệu pháp miễn dịch được truyền qua tĩnh mạch ở ngực hoặc cánh tay. Ví dụ: chất ức chế PD-1, chất ức chế PD-L1, chất ức chế CTLA-4, chất ức chế LAG-3…
6.3 Điều trị ung thư da bằng liệu pháp nhắm mục tiêu
Liệu pháp nhắm mục tiêu là các loại thuốc được áp dụng để ngăn ngừa quá trình tiến triển của tế bào ung thư da. Đặc biệt, liệu pháp này được sử dụng để điều trị ung thư da có đột biến gen cụ thể (BRAF, C-KIT). Ví dụ: chất ức chế BRAF, chất ức chế MEK
6.4 Điều trị ung thư da bằng phương pháp hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng các loại thuốc chống ung thư mạnh. Từ đó, giúp ức chế tế bào ung thư.
6.5 Điều trị ung thư da bằng xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng bức xạ năng lượng cao để thu nhỏ khối u và tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị được sử dụng với mục đích:
- Giảm các triệu chứng liên quan đến ung thư
- Giảm kích thước khối u trước khi phẫu thuật
- Tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật
- Làm chậm sự lây lan của bệnh ung thư
- Điều trị khối u ác tính giai đoạn đầu không thể phẫu thuật
6.6 Điều trị ung thư da bằng liệu pháp đông lạnh hoặc đốt điện
Khi phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư da, phương pháp đông lạnh hoặc đốt vùng da bị tổn thương sẽ thường được áp dụng ở giai đoạn này.
7. Cách phòng ngừa ung thư da hiệu quả
- Bảo vệ da khỏi tia UV: Sử dụng kem chống nắng với SPF 30 trở lên, đội mũ, đeo kính râm. Nên hạn chế ra nắng vào khung giờ cao điểm (10h – 16h).
- Thói quen chăm sóc da: Kiểm tra da định kỳ, đặc biệt nếu có tiền sử gia đình mắc ung thư da.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau xanh, trái cây.
8. Khi nào nên đi gặp bác sĩ?
Chỉ cần trên da có các dấu hiệu bất thường kéo dài từ 2 tuần trở lên, hoặc nếu có nốt ruồi và vết thương trên da thay đổi kích thước, màu sắc, hãy đến bệnh viện khám để sớm được sàng lọc ung thư da.
9. Kết luận
Làn da không chỉ là lớp bảo vệ bên ngoài mà còn phản ánh sức khỏe tổng thể của bạn. Những dấu hiệu nhỏ trên da có thể là lời cảnh báo sớm về ung thư da hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác. Đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư da nào dù là nhỏ nhất! Việc phát hiện sớm dấu hiệu của ung thư da giúp việc điều trị bệnh dễ dàng hơn bằng các liệu pháp hiệu quả và phù hợp.
9.1 Tầm soát ung thư da tại Bệnh viện FV
Ung thư da có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tại Bệnh viện FV, chúng tôi cung cấp dịch vụ tầm soát ung thư da chuẩn quốc tế với các bước sau:
- Kiểm tra nốt ruồi và tổn thương da: Đánh giá các nốt ruồi và tổn thương da để phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư da.
- Soi da: Sử dụng thiết bị hiện đại để cải thiện độ chính xác trong chẩn đoán và theo dõi.
- Sinh thiết: Thực hiện khi cần thiết để kiểm tra mô bệnh học, đảm bảo chẩn đoán chính xác.
Việc tầm soát định kỳ giúp bạn yên tâm về tình trạng sức khỏe làn da và kịp thời phát hiện những biến đổi nguy hiểm.
9.2 Chăm sóc da định kỳ tại Viện thẩm mỹ FV Lifestyle
Bên cạnh việc tầm soát, chăm sóc da thường xuyên giúp duy trì vẻ đẹp và sức khỏe của làn da, Viện Thẩm Mỹ FV Lifestyle – Bệnh viện FV cung cấp các dịch vụ chăm sóc da chuyên sâu như:
- Điều trị lão hóa: Sử dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa, mang lại làn da tươi trẻ.
- Chăm sóc da cá nhân hóa: Tư vấn và thiết kế liệu trình phù hợp với từng loại da và nhu cầu cụ thể của bạn.
Đội ngũ chuyên gia tại Viện Thẩm Mỹ FV Lifestyle kết hợp với Trung tâm Điều trị ung thư Hy vọng (Bệnh viện FV) cam kết mang đến cho bạn trải nghiệm chăm sóc da, điều trị ung thư da an toàn và hiệu quả, giúp bạn tự tin với làn da khỏe mạnh.

9.3 Hãy đặt lịch hẹn ngay hôm nay
Đừng chờ đợi đến khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường mới quan tâm đến làn da, vì ung thư da giai đoạn cuối rất khó chữa. Hãy chủ động bảo vệ và chăm sóc da bằng cách đặt lịch khám tầm soát ung thư da tại Bệnh viện FV và chăm sóc da định kỳ tại Viện Thẩm Mỹ FV Lifestyle. Sự quan tâm đúng mức về các dấu hiệu của ung thư da ngay từ hôm nay sẽ mang lại cho bạn làn da khỏe mạnh và rạng rỡ trong tương lai.
- Số điện thoại: (028) 54 11 33 33
- Website: https://www.fvhospital.com/vi/
Địa chỉ Bệnh viện FV: 6 Nguyễn Lương Bằng, Nam Sài Gòn (Phú Mỹ Hưng), Q7, Tp HCM