Mục lục
- 1. Những nguyên nhân gây ung thư hàng đầu hiện nay
- 2. Sự thật quan trọng cần biết về ung thư
- 3. Những nguyên nhân gây ung thư
- 3.1 Nguyên nhân khách quan
- 3.1.1 Tác nhân vật lý
- 3.1.2 Tác nhân hóa học
- 3.1.3 Tác nhân sinh học
- 3.1.4 Tác nhân di truyền và lão hóa
- 3.2 Nguyên nhân chủ quan
- 4. Cách phòng ngừa ung thư
- 5. Tầm soát ung thư sớm – Cơ hội chữa khỏi bệnh ung thư
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), riêng năm 2022 có 20 triệu ca mắc mới và 9,7 triệu ca tử vong do ung thư, gây ra gánh nặng khổng lồ cho hệ thống y tế và kinh tế xã hội (1). Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư chính xác và cách chữa trị triệt để. Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học đã đưa ra mối liên hệ giữa ung thư và yếu tố có khả năng gây ung thư.
1. Những nguyên nhân gây ung thư hàng đầu hiện nay
Các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ung thư, bao gồm cả những yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, việc tiếp xúc với hóa chất độc hại, một số thói quen sinh hoạt không lành mạnh, tuổi tác và tiền sử gia đình đều là những yếu tố gây ra các bệnh ung thư tiềm ẩn. Đặc biệt, tiền sử gia đình có người mắc ung thư có thể là dấu hiệu của hội chứng ung thư di truyền, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở các thế hệ sau.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã tìm ra mối liên hệ đặc biệt giữa ung thư và các thay đổi gen của tế bào. Trong quá trình phân chia tế bào, gen có thể bị biến đổi khiến tế bào phát triển quá mức và hình thành ung thư. Tìm hiểu nguyên nhân gây ung thư giúp chúng ta phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Bằng cách thay đổi lối sống, tránh tiếp xúc với các chất độc hại và khám sàng lọc ung thư định kỳ, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

2. Sự thật quan trọng cần biết về ung thư
Ung thư hiện được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Chúng ta không khó để tìm ra thông tin về ung thư trên internet. Trước khi làm rõ nguyên nhân gây ung thư, hãy cùng tìm hiểu một số sự thật về căn bệnh này.
- Thứ nhất, ung thư là một nhóm các bệnh lý có chung đặc điểm là sự phát triển quá mức của tế bào. Mỗi loại ung thư có những sự khác biệt về nguyên nhân, vị trí, tốc độ phát triển và phản ứng với phương pháp điều trị.
- Thứ hai, tiền sử gia đình và yếu tố di truyền chiếm tỉ lệ 5-10% tổng số ca ung thư. Do đó, hãy tự bảo vệ bản thân bằng việc tầm soát ung thư định kỳ và giữ lối sống lành mạnh.
- Thứ ba, không phải tất cả các đột biến gen đều dẫn đến ung thư. Tự cơ thể chúng ta có các cơ chế sửa chữa DNA và loại bỏ các tế bào bị tổn thương. Nguyên nhân gây ung thư lúc này là do các cơ chế tự sửa chữa tế bào bị suy yếu hoặc quá tải.
- Thứ tư, ung thư có thể di căn, lan rộng từ vị trí ban đầu đến các bộ phận khác của cơ thể thông qua hệ thống máu hoặc hệ thống bạch huyết. Quá trình di căn là điều khiến ung thư trở thành bệnh nguy hiểm và gây tử vong cao.
- Thứ năm, ung thư là bệnh có thể phòng ngừa và chữa trị. Các loại ung thư xuất phát từ thói quen sinh hoạt như: tiếp xúc hóa chất độc hại, hút thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu vận động. Bằng cách thay đổi lối sống và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Nhiều loại ung thư có thể được điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Khám tầm soát ung thư là một biện pháp quan trọng để phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, khi bệnh còn dễ điều trị, cơ hội chữa khỏi sẽ cao hơn.

3. Những nguyên nhân gây ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, chiếm gần 10 triệu ca tử vong vào năm 2020. Độ tuổi mắc ung thư càng ngày càng trẻ hóa khi mỗi năm có khoảng 400.000 ca mắc mới là trẻ em(2). Đây cũng là hồi chuông cảnh báo về căn bệnh này và thể hiện tầm quan trọng của việc khám sàng lọc ung thư. Sau đây là các nguyên nhân gây ung thư bao gồm nguyên nhân khách quan (từ môi trường sống) và các nguyên nhân chủ quan (từ thói quen và lối sống không lành mạnh) để có biện pháp phòng ngừa.
3.1 Nguyên nhân khách quan
Nguyên nhân khách quan dẫn đến bệnh ung thư là những yếu tố tác động từ môi trường sống và di truyền, hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của bệnh nhân. Các tác nhân gây ung thư rất đa dạng bao gồm tác nhân vật lý, hóa học và sinh học, ngoài ra còn có tác nhân di truyền.
3.1.1 Tác nhân vật lý
- Bức xạ ion hóa: Bức xạ ion hóa là một loại năng lượng có thể phá hủy cấu trúc DNA và gây ra đột biến gen. Các nguồn bức xạ ion hóa bao gồm tia X, tia gamma và các chất phóng xạ. Tiếp xúc thường xuyên với bức xạ ion hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư bạch cầu, ung thư tuyến giáp và ung thư da.
- Bức xạ tia cực tím (UV): Tia UV từ ánh nắng mặt trời là một nguyên nhân gây ung thư da. Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời và không có biện pháp bảo vệ da có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến da như ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và u hắc tố.
3.1.2 Tác nhân hóa học
- Ô nhiễm không khí: Trong không khí bị ô nhiễm có chứa nhiều hóa chất độc hại, bao gồm các hạt bụi mịn, oxit nitơ, oxit lưu huỳnh và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, ung thư bàng quang và ung thư bạch cầu.
- Hóa chất trong thực phẩm và nước uống: Một số hóa chất được sử dụng trong sản xuất thực phẩm và nước uống có thể gây ung thư. Ví dụ, Aflatoxin là một loại độc tố từ một số loại nấm mốc trong các loại thực phẩm như lạc, ngô và gạo. Aflatoxin có thể gây ung thư gan. Các chất bảo quản thực phẩm như Nitrit và Nitrat cũng là nguyên nhân gây ung thư.
- Hóa chất trong môi trường làm việc: Một số ngành nghề yêu cầu tiếp xúc với các hóa chất dễ gây ung thư. Ví dụ, công nhân ngành xây dựng có thể tiếp xúc với Amiăng, một chất cực độc gây ung thư phổi và ung thư trung biểu mô.
3.1.3 Tác nhân sinh học
- Virus: Một số loại virus có thể tích hợp DNA vào tế bào vật chủ và gây ra thay đổi trong chức năng tế bào. Ví dụ, virus HPV (Human Papillomavirus) gây ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn và ung thư vòm họng. Virus viêm gan B và C có thể là nguyên nhân gây ung thư gan.
- Vi khuẩn: Một số vi khuẩn gây viêm mạn tính, tăng nguy cơ tích lũy các đột biến và hình thành tế bào ung thư. Ví dụ: Vi khuẩn Helicobacter pylori có thể gây viêm loét dạ dày và làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
- Ký sinh trùng: Một số loại ký sinh trùng có khả năng gây ung thư. Ví dụ: Trứng sán máng gây tổn thương cơ học cho niêm mạc và bài tiết các chất độc hại gây viêm bàng quang mãn tính, đây chính là nguyên nhân gây ung thư bàng quang.
3.1.4 Tác nhân di truyền và lão hóa
- Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền chiếm 5-10% nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Một số người thừa hưởng các đột biến gen từ cha mẹ thường có khả năng mắc các bệnh ung thư tương đồng. Những gen phổ biến liên quan đến ung thư di truyền bao gồm BRCA1 và BRCA2 (ung thư vú và buồng trứng), APC (ung thư đại trực tràng) và TP53 (nhiều loại ung thư khác nhau).
- Lão hóa: Lão hóa là một yếu tố không thể tránh khỏi. Theo thời gian, các tế bào trong cơ thể tích lũy tổn thương DNA do các quá trình tự nhiên và tiếp xúc với các yếu tố môi trường. Đồng thời, khả năng sửa chữa DNA và chức năng hệ miễn dịch suy giảm làm các tế bào già đột biến và hình thành tế bào ung thư.

3.2 Nguyên nhân chủ quan
Ngoài các nguyên nhân khách quan từ môi trường sống và di truyền, các nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính lối sống và sinh hoạt của từng cá nhân và hoàn toàn có thể khắc phục được. Cụ thể là:.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ung thư phổ biến nhất. Khói thuốc lá chứa hàng ngàn hóa chất độc hại, trong đó có hơn 70 chất được chứng minh là gây ung thư. Hút thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác như ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư bàng quang, thận, và nhiều bệnh lý khác.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư. Ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, ít rau xanh và trái cây có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
- Béo phì: Béo phì liên quan đến sự gia tăng hormone có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư. Béo phì là nguyên nhân dẫn đến các bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, ung thư thận và ung thư thực quản.
- Uống rượu: Uống nhiều rượu có thể làm tăng khả năng mắc các bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Nguy cơ ung thư cao hơn nhiều đối với những người vừa uống rượu vừa hút thuốc lá.
- Thiếu vận động: Tình trạng thiếu vận động là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh lý khác nhau, bao gồm ung thư. Cụ thể, những người không thường xuyên vận động rất dễ bị béo phì, rối loạn nội tiết, viêm mãn tính, suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn chuyển hóa và tăng nguy cơ ung thư.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức: Tiếp xúc ánh nắng mặt trời liên tục mà không có biện pháp bảo vệ là nguyên nhân gây ung thư da.
Duy trì lối sống lành mạnh rất cần thiết để giúp chúng ta tránh xa các tác nhân gây ung thư. Các nguyên nhân chủ quan là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn trong lối sống hằng ngày, tuy nhiên hoàn toàn có thể điều chỉnh. Và không phải bệnh nhân nào khi có các thói quen trên đều sẽ bị ung thư, trên đây là các nguy cơ được các nhà khoa học nghiên cứu và tổng hợp.
4. Cách phòng ngừa ung thư
Phòng ngừa ung thư là một quá trình liên tục và toàn diện, bao gồm việc thay đổi lối sống, tránh xa các nguyên nhân gây ung thư và thực hiện các biện pháp tầm soát ung thư sớm. Ngoài khả năng phòng ngừa ung thư, các thói quen dưới đây sẽ giúp bạn nâng cao sức khỏe và ngăn ngừa được nhiều bệnh lý khác:
- Bỏ thuốc lá: Bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho sức khỏe của mình. Bỏ thuốc lá làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi và nhiều loại ung thư khác.
- Ăn uống lành mạnh: Ăn một chế độ ăn uống giàu rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và đạm. Hạn chế ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, đồ ngọt và đồ uống có đường.
- Tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý: Các thói quen này không chỉ giúp bạn cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Đây cũng là yếu tố ngăn ngừa nguy cơ gây ung thư.
- Hạn chế uống rượu: Việc lạm dụng rượu bia dễ dẫn đến tình trạng ung thư gan, ung thư dạ dày và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời: Mặt trời, đèn cực tím và máy làm ngăm da (tanning booths) đều phát ra tia cực tím (UV). Tiếp xúc với bức xạ tia cực tím gây ra tình trạng lão hóa da sớm và gây tổn thương da.
- Tiêm chủng đầy đủ: Tiêm phòng giúp bảo vệ bạn khỏi các Virus nguy hiểm có khả năng gây ung thư. Tiêm phòng HPV giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn và ung thư vòm họng. Tiêm phòng viêm gan B giúp phòng ngừa ung thư gan.
- Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khám tầm soát ung thư giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của cơ thể để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Phòng ngừa ung thư là một hành trình chủ động, đòi hỏi sự kiên trì dài hạn và việc thay đổi các thói quen không lành mạnh để tránh xa các nguyên nhân gây ung thư. Những thói quen này còn là nền tảng cho một cuộc sống khỏe mạnh, toàn diện, giúp bạn phòng tránh được nhiều bệnh lý khác và nâng cao chất lượng cuộc sống.

5. Tầm soát ung thư sớm – Cơ hội chữa khỏi bệnh ung thư
Tầm soát ung thư sớm giúp phát hiện bệnh ở các giai đoạn đầu, khi bệnh còn dễ điều trị và có cơ hội chữa khỏi cao. Các phương pháp tầm soát ung thư khác nhau có thể được sử dụng để phát hiện các loại ung thư khác nhau và tìm ra nguyên nhân gây ung thư. Phát hiện và điều trị ung thư ở giai đoạn sớm thường ít xâm lấn, ít tốn kém và có tỷ lệ thành công cao hơn so với điều trị ung thư ở giai đoạn cuối.
Quá trình tầm soát ung thư thường bao gồm một loạt các bước để chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân gây ung thư và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nếu bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường trên cơ thể.
Bước đầu tiên là xác định các nguy cơ dựa trên yếu tố tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình và lối sống. Tiếp theo, các xét nghiệm và thủ thuật sàng lọc được chọn lọc dựa trên hiệu quả, độ an toàn và tính khả thi. Các xét nghiệm tầm soát phổ biến bao gồm chụp nhũ ảnh (đối với ung thư vú), xét nghiệm Pap và HPV (đối với ung thư cổ tử cung), nội soi đại tràng và xét nghiệm máu ẩn trong phân (đối với ung thư đại trực tràng) và chụp cắt lớp vi tính liều thấp (đối với ung thư phổi ở những người có nguy cơ cao).

Tầm soát ung thư không chỉ là việc tìm kiếm bệnh, mà còn là cơ hội để bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm đồng nghĩa với việc có thể áp dụng các phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn, giảm thiểu tác dụng phụ và tăng khả năng chữa khỏi bệnh. Bệnh viện FV khuyến khích mọi người, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, nên thực hiện tầm soát ung thư định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ Basma M’Barek, Trưởng khoa Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng tại Bệnh viện FV đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư định kỳ trong việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh ung thư. “Có đến 90% trường hợp mắc ung thư được chữa khỏi khi phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu tiên. Thế nên rất đau lòng khi phải chứng kiến các bệnh nhân đến đây ở giai đoạn chỉ còn 20% cơ hội chữa khỏi bệnh”, bác sĩ Basma M’Barek bày tỏ sự tiếc nuối.
Hiểu rõ về nguyên nhân gây ung thư, các biện pháp phòng ngừa và tầm soát sớm là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Hãy chủ động thay đổi lối sống, tránh xa các tác nhân gây hại và thực hiện tầm soát ung thư định kỳ để có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.
Cùng xem video clip NỮ KIẾN TRÚC SƯ VÀ HÀNH TRÌNH CHIẾN THẮNG UNG THƯ
Để tầm soát ung thư hiệu quả, hãy liên hệ Bệnh viện FV – Bệnh viện uy tín với đội ngũ chuyên gia hàng đầu và trang thiết bị hiện đại. Đặt lịch khám và tư vấn ngay hôm nay để đánh bay các nỗi lo về ung thư cũng như các tác động của ung thư đến sức khỏe và đời sống tinh thần!
- Số điện thoại: (028) 35 11 33 33
- Website: https://www.fvhospital.com/vi/
Địa chỉ Bệnh viện FV: 6 Nguyễn Lương Bằng, Nam Sài Gòn (Phú Mỹ Hưng), Q7, Tp HCM