Tin tức

05 Bài báo cáo đặc sắc của các Bác sĩ Bệnh viện FV tại Hội nghị Tai Mũi Họng thường niên 2024

Diễn ra vào đầu tháng 03/2024 tại Tp. Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Hội nghị thường niên của Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM đã thành công tốt đẹp với sự góp mặt rất đáng chú ý của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. Từ phía Bệnh viện FV tham gia sự kiện, TS.BS. Võ Công Minh, TS.BS. Nguyễn Hữu Dũng, TS.BS. Lê Nguyễn Uyên Chi và ThS.BS.CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư, đã có những báo cáo đặc sắc và mang tính cập nhật cao.

Hội nghị thường niên của Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM diễn ra tại Tp. Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk)

Các kỹ thuật mới trong điều trị bệnh lý liên quan đến tai

Năm nay, sư kiện được phối hợp tổ chức với Hội Tai Mũi Họng tỉnh Đắk Lắk và Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Hội nghị tập trung bàn luận, cập nhật về các phương pháp chẩn đoán, điều trị liên quan đến bệnh lý tai mũi họng, thính học và phẫu thuật đầu cổ. Hội nghị lần này có 1.600 người tham dự (gồm trực tuyến và trực tiếp), với 74 bài báo cáo và 50 chuyên gia tề tựu. Đáng chú ý là sự góp mặt của GS.TS.BS. Patrice Trần Bá Huy – Viện Trưởng Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp – người đã góp công lớn trong việc đặt nền móng tình hữu nghị xuyên biên giới Pháp – Việt nhằm tổ chức các hội nghị về Tai Mũi Họng quốc tế.

Trong chuyên đề “Tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tai – thần kinh”, TS.BS. Võ Công Minh, Trưởng khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện FV, đã chia sẻ những cập nhật mới về điều trị bệnh rối loạn chức năng vòi nhĩ, gồm tắc vòi nhĩ và hở vòi nhĩ. Vòi nhĩ là một ống thông giữa tai và mũi, các bệnh lý như viêm vùng xoang – mũi, viêm họng, viêm amidan,.. thường là nguyên nhân gốc gây chứng tắc vòi nhĩ và dẫn đến viêm tai giữa. Trong khi các bệnh nhân mắc các bệnh nền như parkinson, teo cơ, lão hóa cơ,.. hay người giảm cân quá nhanh, là nguyên nhân gây hở vòi nhĩ.

TS.BS. Võ Công Minh và TS.BS. Nguyễn Hữu Dũng nhận chứng nhận tại sự kiện (Đứng thứ ba và thứ năm từ phải qua)

Bác sĩ Minh nhấn mạnh“Đây là bệnh dễ bị bỏ qua, hoặc chẩn đoán nhầm giữa tắc và hở vòi nhĩ. Do đó, việc xác định chính xác các nguyên nhân gốc, cũng như đúng dạng rối loạn là điều rất quan trọng”. Phần lớn các trường hợp rối loạn chức năng vòi nhĩ có thể điều trị khỏi bằng nội khoa, số ít hơn thì cần can thiệp bằng các phương pháp ngoại khoa như thông vòi bằng bóng, ống thông,.. đối với tắc vòi nhĩ; và cấy ghép sụn, khâu vòi, đặt shim, tiêm fillers,… đối với rối loạn hở vòi nhĩ. Các rối loạn vòi nhĩ ngoài gây chứng viêm tai giữa, viêm nhiễm vùng tai – mũi dai dẳng, còn gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân.

Tiếp nối chủ đều ngoại khoa, TS.BS. Nguyễn Hữu Dũng, Bác sĩ điều trị cấp cao tại Khoa Tai Mũi Họng- Bệnh viện FV, đã trình bày về phương pháp phẫu thuật nội soi quan ống tai ngoài, nhằm điều trị khối u Cholesteatoma khu trú ở khu vực thượng nhĩ. Cholesteatoma là sự tích tụ bất thường các tế bào da chết tạo thành một khối sừng hóa thường xuất hiện ở tai giữa, hoặc xương chũm của tai. Với cách tiếp cận nội soi, phương pháp sẽ ít xâm lấn hơn so với các kỹ thuật truyền thống trước đây. “Phẫu thuật này đòi hỏi phẫu thuật viên phải nắm rõ cấu trúc giải phẫu thượng nhĩ, cũng như phương tiện và dụng cụ mổ được chuẩn bị tốt”, BS.Dũng chia sẻ.

Cùng trong phiên chủ đề, TS.BS. Lê Nguyễn Uyên Chi, Bác sĩ điều trị cấp cao tại Khoa Tai Mũi Họng- Bệnh viện FV, đã góp mặt với một phần trình bày về kỹ thuật ngoại khoa. Bài báo cáo tập trung vào phương pháp lấp hố mổ chũm và tái tạo ống tai ngoài, trong đó nhấn mạnh vai trò của vạt cân thái dương và màng xương động mạch tai sau. “Phương pháp này có thể thực hiện cùng cuộc mổ khoan xương chũm, giúp bệnh nhân mau hồi phục, lấy lại sinh lý tai thông thường và giảm ảnh hưởng đến chất lượng sống”, BS.Chi cho biết.

Phẫu thuật lấp hố mổ chũm và tái tạo thành sau ống tai ngoài theo phương pháp BS.Chi trình bày, giúp cải thiện chức năng nghe của bệnh nhân sau mổ chũm, giúp tai tự vệ sinh hoặc bệnh nhân dễ vệ sinh tai hơn khi hố mổ nhỏ. Từ đó có thể hạn chế được các vấn đề viêm nhiễm, chảy tai, cũng như giảm chi phí điều trị lâu dài cho người bệnh.

Giải pháp bảo vệ và cải thiện sức khỏe trong điều trị tai – mũi – họng

Tiếp nối trong chuyên đề “Bảo vệ và cải thiện sức nghe”, bài báo cáo thứ hai của TS.BS. Lê Nguyễn Uyên Chi đã hướng dẫn chi tiết phương pháp làm ù trong đo thính lực đơn âm và đo điện thính giác thân não, mở ra một cái nhìn rõ ràng hơn cho cách đo lường và đánh giá thính lực.

TS.BS. Lê Nguyễn Uyên Chi, Bác sĩ điều trị cấp cao tại Khoa Tai Mũi Họng- Bệnh viện FV trình bày tại sự kiện

Làm ù trong đo thính lực là kỹ thuật tạo ra tiếng ồn bên phía tai không kiểm tra, nhằm ngăn cản “sự hỗ trợ nghe” của tai này trong thời gian đang kiểm tra tai còn lại. Điều này giúp tìm ngưỡng nghe của mỗi tai chính xác hơn, nhất là khi 2 tai có ngưỡng nghe khác biệt. Bác sĩ Chi cho biết, đây là một kỹ thuật không khó về đầu tư thiết bị, nhưng tương đối phức tạp trong việc thiết lập các thông số âm thanh và quy trình đo lường, vì vậy đòi hỏi bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm thực hành, để giúp bệnh nhân có được kết quả kiểm tra chính xác nhất.

Đề cập đến chủ đề chăm sóc cho các bệnh nhân điều trị tai – mũi – họng bằng phương pháp ngoại khoa, ThS.BS.CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế – Bệnh viện FV, đã mang đến bài báo cáo về “Dinh dưỡng cho bệnh nhân sau phẫu thuật dạ dày điều trị bệnh béo phì kèm hội chứng ngưng thở khi ngủ”. Béo phì là nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), do đó có đến 70% bệnh nhân OSA đang trong tình trạng béo phì.

ThS.BS.CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế – Bệnh viện FV trình bày tại sự kiện

Hiện nay, phẫu thuật cắt dọc dạ dày tạo hình ống, đang chứng minh là phương pháp điều trị béo phì hiệu quả, qua đó cũng hỗ trợ điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thuyên giảm hoặc cải thiện OSA đối với bệnh nhân được phẫu thuật cắt dạ dày dạng ống là 86%.

Bác sĩ Thư nhận định: “Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả mong muốn và hạn chế các biến chứng, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng phù hợp sau phẫu thuật là rất cần thiết”. Bài báo cáo của BS.Thư cũng đi vào chi tiết cách thức lên thực đơn cho bệnh nhân sau phẫu thuật giảm cân, quy trình ứng dụng các phác đồ này vào thực tế tại FV và đạt được hiệu quả cao trên nhiều bệnh nhân.

Hội nghị thường niên 2024 không chỉ là một diễn đàn chuyên môn mà còn là cơ hội để các chuyên gia, bác sĩ giao lưu, gắn kết và học hỏi từ nhau và đóng góp sự phát triển của lĩnh vực Tai – Mũi – Họng. Bên cạnh việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, sự tham gia tích cực của các bác sĩ từ Bệnh viện FV cũng nhấn mạnh vào mục tiêu hợp tác phát triển kỹ thuật điều trị với các bệnh viện khác, cũng như cam kết tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế tại Việt Nam.

Zalo