Tin tức

Bệnh viện FV đồng tổ chức hội nghị 'Ngày thế giới về gây tê vùng và giảm đau' lần đầu tiên

Trong ngày 27/1 – Ngày Thế giới về Gây tê vùng và Giảm đau lần đầu tiên được tổ chức, toàn cầu đã có hơn 100 quốc gia cùng hưởng ứng tham gia. Tại Việt Nam, phối hợp cùng Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam – Trung tâm SIMCAT và 3 bệnh viện bạn, Bệnh viện FV đã đồng tổ chức thành công Hội nghị (có cấp chứng chỉ CME), mang chủ đề “Chung tay vì một tương lai không đau trên toàn thế giới”.

Chuyên ngành nhiều tiềm năng mang đến sự chăm sóc toàn diện cho người bệnh

Đại diện cho Ban tổ chức để mở đầu Hội nghị, PGS.TS. Công Quyết Thắng (Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam) đã dành lời cảm ơn đến 4 bệnh viện khi nhiệt tình hưởng ứng sự kiện đặc biệt này. Ông cũng chia sẻ, chuyên ngành gây tê vùng và giảm đau chưa được quan tâm nhiều tại Việt Nam, nên thông qua Hội nghị, ông hy vọng sẽ mở ra diễn đàn học thuật giúp các bác sĩ phát triển lĩnh vực này. Quan trọng là có thể mang đến mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn, với chi phí phù hợp với người dân.

PGS.TS. Công Quyết Thắng (Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam) dành lời cảm ơn qua trực tuyến đến các bệnh viện đã nhiệt tình hưởng ứng sự kiện

Từ phía Bệnh viện FV, ThS.BS. Vũ Trường Sơn (Phó Giám đốc Y khoa) đã gửi lời cảm ơn đến Ban tổ chức sự kiện rất quy mô lần này, cũng như dành lời tri ân đặc biệt đến PGS.TS. Công Quyết Thắng, một trong những người khởi xướng hội nghị. “FV luôn hướng đến việc sử dụng thế mạnh đa chuyên khoa của mình, nhằm mang lại chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Trong đó, việc đầu tư phát triển các kỹ thuật điều trị đau là một minh chứng thực tế”, bác sĩ Sơn chia sẻ.

ThS.BS. Vũ Trường Sơn (Phó Giám đốc Y khoa, Bệnh viện FV) phát biểu tại sự kiện

Mở đầu phiên tại FV, TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Đào (Đại học Y Dược Tp.HCM) đã giới thiệu quá trình hình thành đơn vị điều trị gây tê vùng tại Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM, cũng như cách thiết lập đào tạo bộ môn này tại trường Đại học Y Dược Tp.HCM. Bác sĩ Đào nhận xét, quá trình đào tạo nhân lực ban đầu cho nhóm bác sĩ gây mê, hồi sức tại bệnh viện của mình may mắn được sự hỗ trợ của nhiều bác sĩ, đơn vị nước ngoài, trong đó thời điểm ban đầu có sự hỗ trợ của FV, giúp kết nối với các đơn vị Pháp. “Để vừa điều trị tốt cho bệnh nhân, vừa có thể đào tạo các bác sĩ làm kỹ thuật gây tê vùng cần có một sự tính toán tổ chức và sắp xếp thông minh”, bác sĩ Đào chia sẻ.

TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Đào (Đại học Y Dược Tp.HCM) giới thiệu quá trình hình thành đơn vị điều trị gây tê vùng tại Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM

Tiếp nối chủ đề, BS CKII. Lý Quốc Thịnh (Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện FV) đã trình bày cách thức thiết lập quy trình, dịch vụ về gây tê vùng tại Bệnh viện FV. Trong đó, FV thực hiện thủ thuật gây tê vùng có thể tại phòng chuyên biệt được thiết lập trong khu vực phòng tiền mê hoặc phòng hồi tỉnh (đối với bệnh nhân mổ) và hiếm khi thực hiện tại phòng mổ. Từ 2016, các thiết bị siêu âm, kim gây tê, phương tiện hỗ trợ liên quan… phục vụ cho kỹ thuật gây tê vùng đã được đầu tư mạnh tại FV. Các dược phẩm hàng đầu nhưng ít có điều kiện sử dụng tại Việt Nam như gel vô trùng, cũng được FV sử dụng cho kỹ thuật này. Bác sĩ Thịnh cho biết: “Trong tương lai gần, FV sẽ còn phát triển nhiều kỹ thuật gây tê vùng hiện đại và tiệm cận với thế giới”.

BS CKII. Lý Quốc Thịnh (Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện FV) trình bày cách thức thiết lập quy trình, dịch vụ về gây tê vùng tại Bệnh viện FV

Đi từ ứng dụng gây tê vùng vào điều trị ngoại khoa, BS CKII. Trương Hoàng Vĩnh Khiêm (Khoa Chấn thương chỉnh hình & Phẫu thuật bàn tay, Bệnh viện FV), bắt đầu bài thuyết trình thú vị của mình bằng trích dẫn của Hoàng đế Caesar về sự khủng hoảng tinh thần khi đau. Bác sĩ Khiêm nhấn mạnh: “Kiểm soát đau không tốt sau phẫu thuật sẽ dẫn đến khó khăn trong phục hồi tâm lý đối với bệnh nhân; cũng như tạo áp lực lớn lên nhân viên y tế”. Phần trình bày của bác sĩ Khiêm tập trung vào chi tiết kỹ thuật tiêm quanh khớp gối giảm đau trong phẫu thuật thay khớp gối. Trong đó bao gồm các hướng dẫn thời điểm tiêm trong mổ, chọn thuốc, liều lượng và cũng như quy trình chăm sóc trước, trong và sau phẫu thuật. “Tôi mong với sự hợp tác của các chuyên khoa, FV sẽ tiến tới là một bệnh viện không đau”, bác sĩ Khiêm kết thúc phần trình bày.

Phần trình bày của BS CKII. Trương Hoàng Vĩnh Khiêm (Khoa Chấn thương chỉnh hình & Phẫu thuật bàn tay, Bệnh viện FV) tập trung vào kỹ thuật tiêm quanh khớp gối giảm đau trong phẫu thuật thay khớp gối

Thế mạnh của FV trong “điều trị đau mạn tính”

Bác sĩ Louis Brasseur (Trưởng Trung tâm Điều trị đau, Bệnh viện FV) đã mang đến phần trình bày tổng quan về cách thức quản lý và điều trị đau mạn tính hiện nay trên thế giới, cũng như tập trung vào cách thức tại Bệnh viện FV đang triển khai. Theo đó ông đã làm rõ phương pháp điều trị đau bằng thuốc cho các giai đoạn phẫu thuật, cho bệnh nhân ung bướu, các chứng đau thần kinh, cũng như chi tiết các phương pháp phong bế thần kinh… qua đó đã mang lại cho người tham dự một bức tranh tổng thể về chuyên ngành điều trị đau trong giai đoạn hiện nay.

Bác sĩ Louis Brasseur (Trưởng Trung tâm Điều trị đau, Bệnh viện FV) trình bày tổng quan về cách thức quản lý và điều trị đau mạn tính hiện nay trên thế giới và cách thức triển khai tại Bệnh viện FV

Trong khi đó, BS.CKI. Nguyễn Nam Bình (Trung tâm Điều trị đau, Bệnh viện FV) đã tập trung vào kỹ thuật đốt sóng cao tần (RFA) trong điều trị đau mạn tính. RFA được ứng dụng gần 100 năm trong y học hiện đại, với độ phủ lớn trong nhiều chuyên khoa khác nhau. Bác sĩ Bình cho biết hiện nay có 3 dạng kỹ thuật đốt sóng cao tần bao gồm: dạng nhiệt, dạng làm mát và dạng xung (pulsed). Mỗi dạng đều cần các kỹ thuật khác nhau và đòi hỏi kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện, nhằm mang đến hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân, cũng như không làm tăng chi phí do thực hiện nhiều lần. “RFA hiện được ứng dụng diện rộng trong điều trị đau nói chung, như phong bế thần kinh khớp đốt sống, đĩa đệm, thắt lưng, khớp gối, khớp háng...”, bác sĩ Bình chia sẻ.

Phần trình bày của BS.CKI. Nguyễn Nam Bình (Trung tâm Điều trị đau, Bệnh viện FV) tập trung vào kỹ thuật đốt sóng cao tần (RFA) trong điều trị đau mạn tính

Phần trình bày cuối phiên 2 tại Bệnh viện FV, Bác sĩ Phạm Hoàng Mạnh (Trung tâm Điều trị đau, Bệnh viện FV), đã đi sâu hơn vào phương pháp “đốt sóng cao tần các nhánh thần kinh khớp gối”. Bác sĩ Mạnh cho biết, có tới 45% người bị đau khớp gối trong cộng đồng, từ các nguyên nhân viêm khớp, đau mãn tính sau mổ, tình trạng béo phì…  Bài thuyết trình cũng cho biết chi tiết các trường hợp chỉ định, chống chỉ định, các biến chứng và lưu ý khi dùng RFA để đốt thần kinh khớp gối. “Tuy nhiên các đơn vị có sự hỗ trợ liên chuyên khoa thì sẽ mang đến hiệu quả tối ưu hơn cho người bệnh trong điều trị đau khớp gối”, bác sĩ Mạnh kết luận.

Bác sĩ Phạm Hoàng Mạnh (Trung tâm Điều trị đau, Bệnh viện FV) trình bày sâu hơn vào phương pháp “đốt sóng cao tần các nhánh thần kinh khớp gối”

Đặc biệt cuối phiên hội nghị tại FV, bác sĩ Phạm Hoàng Mạnh đã có phần hướng dẫn thực hành, đốt sóng cao tần các nhánh thần kinh khớp gối trên bệnh nhân mẫu. Phần hướng dẫn dò siêu âm, phương thức tiếp cận 3 nhánh thần kinh chính cần đốt ở khớp gối… được hướng dẫn trên bệnh nhân mẫu. Đồng thời phần dò và chọc đầu đốt thần kinh, được BS Mạnh thực hiện trên mẫu động vật được chuẩn bị sẵn. Chương trình hướng dẫn thực hành đã mang đến hình ảnh trực quan, sinh động và dễ tiếp cận hơn đối với kỹ thuật vẫn còn rất ít đơn vị có thể ứng dụng như đốt thần kinh khớp gối bằng sóng cao tần.

Bác sĩ Phạm Hoàng Mạnh hướng dẫn thực hành tại sự kiện

Hội nghị nhân “Ngày Thế giới về gây tê vùng và giảm đau lần thứ nhất” được tổ chức tại Việt Nam, đã mở ra nhiều cơ hội để phát triển chuyên ngành “gây tê vùng và giảm đau” cho các đơn vị y tế trong nước. Bệnh viện FV rất vinh dự là đơn vị duy nhất tại miền Nam, đóng góp những hiểu biết của mình vào sự phát triển chung của chuyên ngành này. Thông qua Hội nghị, FV cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của bệnh viện, trong việc đầu tư nhiều nguồn lực vào các lĩnh vực mới, nhằm hỗ trợ sự phát triển y tế tại Việt Nam và mang lại mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.

Bên cạnh Bệnh viện FV, Hội nghị tại Việt Nam còn diễn ra ở 3 địa điểm khác với nhiều báo cáo khoa học hấp dẫn trong lĩnh vực “gây tê vùng và giảm đau”, trong đó:

  • Tại điểm cầu Bệnh viện Đà Nẵng, các chuyên gia, bác sĩ đã tham gia phiên: “Quản lý đau cho phẫu thuật khớp háng và khớp gối” với 4 báo cáo khoa học, bên cạnh việc thực hành gây tê vùng cho khớp háng, khớp gối.
  • Tại điểm cầu Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên, tham gia phiên: “Quản lý giảm đau sau phẫu thuật ổ bụng” với 3 báo cáo khoa học: Thực hành siêu âm gây tê mặt phẳng cơ dựng sống; gây tê mặt phẳng cơ ngang bụng; gây tê cơ vuông thắt lưng và gây tê bao cơ thẳng bụng.
  • Trong khi tại Hà Nội, điểm cầu Bệnh viện E đã tham gia phiên: “Quản lý đau các chuyên khoa” với 5 báo cáo khoa học về: chấn thương chỉnh hình, thẩm mỹ, sản khoa và các phẫu thuật ngoại khoa khác nhau.
Zalo