Tin tức

Bệnh Viện FV Mở Rộng Hợp Tác Đào Tạo Viện – Trường Thông qua Các Buổi Hội Thảo Chuyên Đề

Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện FV vừa tổ chức thành công buổi giao lưu học thuật, với chuyên đề “Kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo với đường mổ SuperPath”. Chương trình diễn ra vào sáng 04/06 tại Hội trường FV, với sự tham gia của hơn 60 người gồm các chuyên gia, các giảng viên và học viên CKI, CKII tại Đại học Y Dược Tp.HCM, các phẫu thuật viên, bác sĩ phục hồi chức năng, đang học tập và làm việc trong bộ môn chấn thương chỉnh hình, tại nhiều bệnh viện thuộc Tp.HCM và các tỉnh thành lân cận.

Phát biểu khai mạc chương trình, Giám đốc Y khoa – Bệnh viện FV, TS.BS. Đỗ Trọng Khanh đã gửi lời cảm ơn chân thành, khi chương trình được chào đón sự hiện diện của rất nhiều đồng nghiệp, trong đó đặc biệt có sự tham gia của PGS.TS.BS. Đỗ Phước Hùng, Trưởng bộ môn Chấn thương chỉnh hình và các giảng viên bộ môn tại Đại học Y Dược Tp.HCM. “Hy vọng thông qua chương trình, Bệnh viện FV sẽ có cơ hội hợp tác cả về kỹ thuật và nghiên cứu khoa học với rất nhiều chuyên gia, bác sĩ tại đây. Mục tiêu của chúng tôi luôn muốn mang lại những phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”, bác sĩ Khanh chia sẻ thêm.

PGS.TS.BS. Đỗ Phước Hùng (phải) đã dành nhiều câu hỏi cho TS.BS. Lê Trọng Phát về kỹ thuật mổ SuperPath

Chương trình bao gồm 4 phần gồm: báo cáo Thay khớp háng nhân tạo với đường mổ SuperPath do TS.BS. Lê Trọng Phát (Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện FV) trình bày; giới thiệu phương pháp Phục hồi chức năng sớm sau phẫu thuật tại Bệnh viện FV do TS. Catherine Cousin (Trưởng khoa Vật lý Trị liệu & Phục hồi Chức năng) trình bày; phần thực hành kiến thức tại chỗ và cuối cùng là phần hỏi đáp.

Các bác sĩ dành nhiều sự quan tâm cho yếu tố phục hồi sau khi áp dụng đường mổ SuperPath

Thông qua buổi giao lưu học thuật lần này, PGS.TS.BS. Đỗ Phước Hùng hy vọng các bác sĩ tham dự sẽ đón nhận không chỉ kiến thức về phương pháp SuperPath, các phương pháp hỗ trợ phục hồi chức năng hiện đại, mà còn có được tinh thần học hỏi và không ngừng đổi mới. PGS Hùng chia sẻ: “Phát triển về mặt chuyên môn là yếu tố bắt buộc trong y khoa. Hơn nữa, nó còn thúc đẩy nhiều lĩnh vực xung quanh ngành y tế phát triển theo”. Ông cũng cho rằng, những buổi giao lưu học thuật sẽ tạo tiền đề cho các hợp tác nghiên cứu lớn hơn giữa Bệnh viện FV và Đại học Y Dược Tp.HCM trong tương lai.

Chuyên gia đào tạo của MicroPort đang hướng dẫn sử dụng bộ thiết bị chuyên dụng cho kỹ thuật thay khớp háng với đường mổ SuperPath

Gần cuối chương trình, các bác sĩ tham dự đã thực hành kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo với đường mổ SuperPath, trên mô hình và dụng cụ chuyên dụng của kỹ thuật này. Buổi thực hành được hướng dẫn bởi TS.BS. Lê Trọng Phát, BS.CKI. Trương Hoàng Vĩnh Khiêm và đặc biệt là chuyên gia đào tạo từ MicroPort – đơn vị chuyên phát triển thiết bị cho kỹ thuật SuperPath. Trong khi đó, các bác sĩ vật lý trị liệu tham gia buổi thực hành sử dụng các thiết bị hiện đại, đang được ứng dụng để phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân tại Bệnh viện FV, dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ TS. Catherine Cousin và các cộng sự tại Khoa.

TS. Catherine Cousin giới thiệu một số thiết bị trong chương trình phục hồi chức năng ERAS

Đại diện cho Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện FV, bác sĩ Phát hy vọng đã chia sẻ được những kiến thức bổ ích cho các đồng nghiệp, đồng thời đóng góp phần nào những hiểu biết của mình vào sự phát triển chung của bộ môn Chấn thương Chỉnh hình tại Tp.HCM. Đồng quan điểm trên, TS. Catherine nhấn mạnh, cùng với sự phát triển của các phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn như SuperPath, thì các phương pháp vật lý trị liệu thế hệ mới sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm thời gian nằm viện, giảm đau và mang lại trải nghiệm điều trị tốt hơn cho bệnh nhân.

TS.BS. Đỗ Trọng Khanh (ngoài cùng bên phải) thay mặt Bệnh viện FV cảm ơn các diễn giả và khách mời

Kết thúc buổi giao lưu học thuật, phía Bệnh viện FV, cũng như từ phía Bộ môn Chấn thương Chỉnh hình thuộc Đại học Y Dược Tp.HCM, hy vọng sẽ mở rộng chương trình thành các hội thảo lớn hơn. Thông qua đó sẽ giúp nhiều bác sĩ tiếp cận được với các kiến thức, kỹ thuật mới từ lý thuyết đến thực hành, mang lại lợi ích trước nhất là cho bệnh nhân, sau là giúp phát triển tay nghề cho các bác sĩ, kỹ thuật viên làm việc trong chuyên môn chấn thương chỉnh hình.

Đường mổ SuperPATH được bác sĩ James Chow từ St. Luke’s Medical Center, Phoenix, Arizona, Hoa Kỳ, báo cáo rộng rãi từ năm 2011. Năm 2018, Bệnh viện FV bắt đầu thực hành đường mổ này và trở nên đường mổ chủ đạo trong thực hành. Cho tới hiện tại, Khoa Chấn thương Chỉnh hình của FV đã thực hiện hơn 50 ca với đường mổ SuperPath và đều thành công. So với một số kỹ thuật mổ trước đây, kỹ thuật mới này giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn nhờ tính bảo tồn cao, giảm mất máu trong phẫu thuật, chức năng khớp nhanh phục hồi và không có giới hạn tư thế vận động, hạn chế các biến chứng như ngắn chi – dài chi, trật khớp háng,…

Bên canh đó, Khoa Vật lý Trị liệu & Phục hồi Chức năng – Bệnh viện FV cũng áp dụng chương trình ERAS (Enhanced Recovery After Surgery) để giúp bệnh nhân có thể phục hồi nhanh chóng, an toàn sau phẫu thuật. ERAS là chương trình bao quát từ trước phẫu thuật đến sau khi xuất viện, có sự tham gia đồng thời của nhiều chuyên khoa, bệnh nhân, thân nhân, với hỗ trợ từ các thiết bị và chương trình theo dõi hiện đại. Mục tiêu là mang lại sự hồi phục tốt nhất, nhanh nhất, nhưng phải đảm bảo tính an toàn và cá nhân hóa cho từng bệnh nhân.

Cùng với kỹ thuật mổ SuperPath, chương trình ERAS đã giúp bệnh nhân thay khớp háng nhân tạo, có thể đi lại vững vàng, tự sinh hoạt cá nhân trong 4 – 6 ngày sau phẫu thuật.

Zalo