Tin tức

Câu chuyện 'Đứng trước sinh tử' - Kỳ 6: Vô trùng dụng cụ mổ: Bỏ qua tiểu tiết là gián tiếp giết bệnh nhân

Quy trình vô trùng dụng cụ mổ có bệnh nhân nào nhìn thấy không? Không ai thấy cả! Thế tại sao với Pascal Villoing, Điều dưỡng trưởng phòng mổ bệnh viện FV, người từng trải qua 4 lần phẫu thuật lớn trong đời thì quy trình này lại cực kỳ quan trọng? Câu trả lời đơn giản mà vô cùng nhân văn: Để giữ mạng sống cho bệnh nhân.

Pascal Villoing – một người đàn ông Pháp có vẻ ngoài nghiêm khắc nhưng lại rất dí dỏm. Nhìn sự nhanh nhẹn của ông sẽ khó ai hình dung ông từng phải 4 lần lên bàn mổ: cắt túi mật, phẫu thuật xương chân do tai nạn khi lái mô-tô đi phượt, mổ khớp gối… Ông không ngần ngại cho chúng tôi xem các vết tích của những ca mổ trên với nụ cười dí dỏm đầy ẩn ý:

 
“Tôi từng là bệnh nhân nên tôi càng thấu hiểu vai trò quan trọng của điều dưỡng phòng mổ, quy trình thanh trùng phòng mổ và dụng cụ mổ”.

Dụng cụ mổ ư, tôi hơi giật mình. Quả thật khi nghĩ đến vô trùng phòng mổ, tôi chỉ thường nghĩ đến bàn tay của điều dưỡng, bác sĩ hay không gian, máy móc được giữ sạch sẽ, sáng choang, không  được bám bụi.

“Vô trùng dụng cụ mổ cũng đặc biệt quan trọng chứ!”, ông nhấn mạnh. Và ông dẫn tôi đi xem Phòng thanh trùng của bệnh viện, giảng giải cho tôi nghe những điều không ai nhìn thấy, không ai biết nhưng lại có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh của bệnh nhân.

Từng tiểu tiết đều liên quan đến sự sống, cái chết

Thử tưởng tượng, bác sĩ rất giỏi, mổ rất chuẩn, điều dưỡng tuân thủ đúng hết các quy trình nhưng dụng cụ mổ chẳng may nhiễm khuẩn thì điều gì sẽ xảy ra? Bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng sau mổ, phải mổ lại, chịu nhiều đau đớn, thời gian nằm viện kéo dài, phải sử dụng nhiều kháng sinh, tốn nhiều tiền. Đặc biệt, bệnh nhân có nguy cơ tử vong nếu chẳng may xảy ra biến chứng.

Trong khi đó, nhiễm trùng bệnh viện vốn là vấn đề nhức nhối lâu nay. Theo nghiên cứu của WHO trong năm 2016, tỷ lệ bị nhiễm khuẩn của bệnh nhân trong khoa hồi sức cấp cứu ở Việt Nam lên đến gần 30%!

Ông Pascal giải thích, việc quy trình bị bỏ sót một tiểu tiết nhỏ cũng có thể vô tình gây nên nhiễm trùng vết mổ! Cho nên, chống nhiễm khuẩn trong khâu khử trùng dụng cụ không chỉ giúp bệnh nhân tránh rủi ro mà còn giúp bảo toàn mạng sống cho họ.

Tôi đặt câu hỏi, thế dụng cụ mổ thế nào thì được gọi là sạch? Là khi không còn vi khuẩn nào trên dụng cụ. Nếu còn, có đem đi hấp ở nhiệt độ cao, vi khuẩn có chết thì cũng là vi khuẩn! Vì khi chết, chúng biến thành protein, qua môi trường khác, chúng lại hoạt hóa thành một loài vi khuẩn khác. Trên thế giới, các nhà khoa học Mỹ còn phát hiện một số vi khuẩn chứa protein có hại không thể bị tiêu diệt bằng cách đun nóng.

Quy trình thanh trùng ở FV đảm bảo không còn vi khuẩn trên dụng cụ sau khi sử dụng. Trong căn phòng đặc biệt này, toàn bộ hệ thống máy móc để hấp, rửa và sấy khô dụng cụ nhập khẩu, được kiểm soát rất nghiêm ngặt bởi rất nhiều quy trình tỉ mỉ. Ông Pascal chia sẻ: “Bác sĩ thì quan tâm đến việc điều trị bệnh, giúp đỡ bệnh nhân còn công việc của chúng tôi thì phải sắp xếp toàn hệ thống, giữ cho tất cả mọi thứ ở điều kiện tốt nhất để hỗ trợ bác sĩ làm việc và giữ an toàn cho bệnh nhân. Trong đó, có việc đảm bảo về thiết bị, dụng cụ y khoa….

Những quy trình giúp chúng tôi không những cung cấp thiết bị dụng cụ sạch cho bệnh viện mà còn góp phần làm giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh. Hiện thực hóa chương trình giảm thiểu việc dùng kháng sinh mà bệnh viện FV đang theo đuổi mà mục đích cuối cùng là vì sức khoẻ bệnh nhân,” ông chia sẻ.

Một dụng cụ dù nhỏ xíu cũng phải đúng quy trình

Sau mỗi ca mổ hoặc khám bệnh, dụng cụ được đưa vào phòng này, được ngâm tiền khử khuẩn trong bồn khử khuẩn chuyên dụng với dung dịch diệt khuẩn được pha đúng liều lượng. Dung dịch này được thay liên tục chứ không tận dụng cả ngày như nhiều người vẫn nghĩ.

Sau đó, nhân viên vệ sinh dụng cụ bằng tay, rồi xả lại bằng nước trước khi bỏ vào máy rửa khử khuẩn. Khi công đoạn khử khuẩn hoàn thành, từng loại dụng cụ được lấy ra, tra dầu mỡ vào các dụng cụ, sau đó sẽ được kiểm tra bằng kính lúp đặc biệt để đảm bảo dụng cụ toàn vẹn về chức năng.

Tiếp theo, dụng cụ được chuyển sang máy hấp diệt khuẩn. Trước khi đóng gói, điều dưỡng sẽ đánh giá lại bộ dụng cụ bằng cách đọc biểu đồ kiểm tra. Bộ dụng cụ còn được đánh giá một lần nữa về độ toàn vẹn và sự vô trùng rồi mới được chứng nhận an toàn sử dụng cho bệnh nhân!

Điều ấn tượng là tất cả quy trình từ khi bắt đầu sử dụng dụng cụ cho đến việc tiệt khuẩn và diệt khuẩn, rửa, đóng gói, kiểm tra dụng cụ và sử dụng lại, đều được ghi chú theo dõi. “Chúng tôi sẽ lấy một bộ dụng cụ bất kỳ đã được thanh trùng xuống phòng xét nghiệm để kiểm tra độ an toàn. Đó là cách để chúng tôi kiểm tra xem quy trình mình làm có ổn hay không.”, ông Pascal giải thích thêm.

Có vẻ quá nhiều quy trình và công đoạn kiểm soát dụng cụ y khoa! Tôi chia sẻ ý nghĩ của mình với Pascal, ông gật đầu xác nhận. “Việc này là cần thiết để đảm bảo việc tiệt khuẩn và phòng tránh nhiễm khuẩn chéo ở bệnh nhân. Do vậy mọi nhân viên của bộ phận điều dưỡng đều được trải qua khóa đào tạo bài bản, thao tác thuần thục các bước và luôn hiểu rõ về dụng cụ thiết bị mà mình đang sử dụng.

Người nắm tay bệnh nhân đi qua sinh tử

Suốt 11 năm qua, ông Pascal đã dành toàn bộ thời gian tại bệnh viện của mình để theo dõi, kiểm tra, giám sát quy trình của phòng mổ và đào tạo nhân viên tại FV – bệnh viện đạt chuẩn quốc tế JCI. Dù công việc có vẻ đều đặn và lặp đi lặp lại nhưng ở ông luôn toát lên sự nhanh nhẹn, vui tươi. Ông không giấu diếm niềm tự hào về đội ngũ điều dưỡng của FV:

 
“Nếu như ở một vài nơi, người làm công việc thanh trùng không được coi trọng thì ở FV lại khác. Với chúng tôi, đây là những công việc quan trọng giúp cho những ca mổ thành công trong khi bệnh nhân không hề biết tới họ”.

Điều ông vẫn luôn nói với đội ngũ của mình mỗi ngày đó là: “Be strong” (Hãy mạnh mẽ lên), “Be dedicated!“ (Hãy tận tuỵ) và Be proud! “ (Hãy tự hào). Bởi điều dưỡng chính là người làm được rất nhiều điều cho sự hồi phục của bệnh nhân. Ai là người có thể túc trực bên bệnh nhân? Ai sẽ nâng đỡ bệnh nhân khi họ âu lo trước khi vào một ca mổ khó hay khi đau đớn? Đó chính là điều dưỡng phòng mổ – những người hùng thầm lặng, bền bỉ và đầy nhẫn nại. Họ đến phòng mổ khi ca mổ chưa bắt đầu để chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho ê-kíp mổ và ra về sau cùng khi đã kết thúc công việc khử khuẩn dụng cụ.

 
“Chúng tôi gần như có mặt 24/24 với bệnh nhân”.

Ông Pascal bộc bạch với niềm vui giản dị ánh lên trong đáy mắt.

Link bài báo: https://thanhnien.vn/suc-khoe/vo-trung-dung-cu-mo-bo-qua-tieu-tiet-la-co-the-gian-tiep-giet-benh-nhan-910940.html

Zalo