Tin tức

Câu chuyện 'Đứng trước sinh tử' - Kỳ 8: Kê toa kháng sinh - đường đua qua các chốt chặn

Nghe các bác sĩ ví von “mỗi lần kê toa kháng sinh ở bệnh viện FV là mỗi cuộc đua phải vượt qua nhiều chốt chặn” kiểm tra, chúng tôi tò mò tìm đến bệnh viện nổi tiếng quản lý bằng quy trình chặt chẽ này.

Phòng quản lý chất lượng JCI là “đích ngắm” đầu tiên của tôi, bởi đây là nơi quản lý chung chất lượng của mọi phòng ban trong bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế khắt khe JCI, kể cả việc kê toa kháng sinh. Còn đang xăm xăm định bước vào thang máy, tôi “vấp” phải viên kháng sinh nhồi bông to tướng vẫy vẫy tay mời mọc. Đó là khu vực hưởng ứng tuần lễ Thế giới nhận thức về kháng sinh được tổ chức định kỳ tại Bệnh viện FV.

 
Ở góc này là cảnh báo: “Thời gian của chúng ta với kháng sinh đang cạn dần”, đối diện là lời khuyên: “Suy nghĩ kỹ. Tìm lời khuyên”

Góc xa xa là những poster bắt mắt do chính các bác sĩ, nhân viên y tế thiết kế với nội dung truyền tải sự nguy hiểm khi lạm dụng kháng sinh… Thông điệp mạnh mẽ, nghiêm túc mà FV truyền tải đã níu chân tôi lại. Tự đánh giá mình là hiểu biết khá nhiều về sức khỏe nhưng đến khi điền vào bảng hỏi ở đây, tôi nhận ra lỗ hổng to tướng trong kiến thức cơ bản về kháng sinh của mình. Bạn có khá hơn tôi? Hãy thử trả lời câu hỏi đầu tiên: Kháng sinh là loại thuốc để tiêu diệt vi rút/vi khuẩn/hay tất cả các loại vi sinh vật?

Cái chết mang tên kháng sinh

Tại phòng quản lý chất lượng JCI, ông Giám đốc người Philippines Juan Lucas Rosas đón tôi bằng lời chào kiểu… kháng sinh:

 
“Thế giới này đang chịu một cuộc khủng hoảng: ngay cả nhiều loại kháng sinh đắt tiền nhất hiện nay cũng đã bắt đầu có dấu hiệu kháng thuốc. Các công ty Dược thì không muốn sản xuất thuốc kháng sinh mới để xử lý các vi khuẩn kháng thuốc. Để sản xuất ra một loại kháng sinh mới, 3 năm trước, trung bình họ phải mất khoảng 1,6 tỉ USD. Về mặt tài chính thì đó không phải là một sự đầu tư có lợi. Bởi kháng sinh không thể bán, kê đơn quá nhiều, lại có thể sẽ hết tác dụng trong vòng 10 năm.”

Rồi ông đưa ra viễn cảnh đen tối giữa tình trạng lạm dụng kháng sinh tràn lan hiện nay:

 
“Hãy hình dung, khi bạn nhiễm trùng nặng mà không còn loại kháng sinh nào hiệu quả trên bạn, hậu quả có thể là cái chết.”

Một vấn đề tưởng chừng vĩ mô xa vời lại gắn liền với sinh mạng của mỗi con người – đó là lý do then chốt để ban lãnh đạo FV quyết tâm lập những chốt kiểm soát nghiêm ngặt trên đường đua xe địa hình của mỗi bác sĩ, đảm bảo mỗi viên kháng sinh mà bệnh nhân uống vào là mỗi viên kháng sinh thật cần thiết, đúng loại, đúng liều nhất.

Quy trình soi từng viên thuốc

Bác sĩ gây mê hồi sức là một trong những người kê toa kháng sinh chính ở Bệnh viện FV, bởi họ là người theo dõi sức khỏe bệnh nhân hậu phẫu. Tôi gặp bác sĩ gây mê Nguyễn Thị Lam Giang để hỏi về vấn đề này và nhận được nụ cười mãn nguyện của chị:

 
“Vô trùng phòng mổ, an toàn vệ sinh, hạn chế kháng sinh là giấc mơ trở thành sự thật của tôi kể từ khi chuyển công tác sang Bệnh viện FV.”

Từng được đào tạo ở Pháp, bác sĩ Giang hiểu rất rõ tầm quan trọng của kiểm soát kháng sinh nhưng trở về VN và công tác tại bệnh viện công, chị chùn bước khi đối mặt với câu hỏi từ đồng nghiệp: “Chị có dám đảm bảo sự an toàn của bệnh nhân không?”. Trong điều kiện ngay cả phòng mổ cũng không được đảm bảo vô trùng, ngoài phòng bệnh thì bệnh nhân nằm chung giường, vệ sinh là vấn đề không thể kiểm soát… bác sĩ Giang trăn trở kể về nỗi ám ảnh của bác sĩ, về áp lực buộc phải kê toa kháng sinh quá mức theo đám đông. Rồi ánh mắt chị sáng lên niềm vui khi nói về phòng mổ an toàn của Bệnh viện FV, về dụng cụ mổ chỉ xài một lần đúng chuẩn chứ không phải hấp tới hấp lui, về cả một hệ thống quy mô hạn chế tối đa sai sót y khoa, tai biến, nhiễm trùng… Tất cả những điều đó góp phần làm cho việc kiểm soát kháng sinh ở FV trở nên hiệu quả.

Tôi tìm vị bác sĩ dày dạn kinh nghiệm Nguyễn Thị Mai, trưởng khoa mắt tại Bệnh viện FV để hỏi về quy trình kê toa kháng sinh thì nhận được câu trả lời:

 
“Bác sĩ phải kê toa theo phác đồ và được kiểm tra bởi một quy trình chéo chặt chẽ. Mỗi người dẫu có cẩn thận cách mấy cũng có lúc sai sót. Ở FV, đôi khi sai sót được phát hiện ở quy trình kiểm tra của điều dưỡng hoặc nếu lọt được tới khoa Dược thì cũng bị chặn lại ở đây.”

Cũng chính vì quy trình đó mà không bác sĩ nào của FV có thể kê toa theo cảm tính, theo tâm trạng hoặc theo sức ép kháng sinh từ bệnh nhân.

Tôi sang khoa Dược để tìm hiểu cụ thể hơn về hệ thống quản lý kháng sinh để rồi choáng ngợp trước một quy trình bao quát, công phu mà lại giám sát đến từng tiểu tiết nhỏ nhất. Quy trình khắt khe này chính là thành quả của JCI – con dấu vàng bảo chứng độ an toàn cao nhất cho bệnh nhân mà nhiều bệnh viện danh giá trên thế giới mong muốn đạt được. Trưởng khoa Dược, ông Mohd Fazli Shuib cho tôi xem tờ khai mẫu mà mỗi lần kê toa bất kỳ loại thuốc nào trong danh sách có tỉ lệ kháng thuốc cao, bác sĩ phải điền vào, giải thích chi tiết lý do buộc phải kê loại kháng sinh đó. Qua một loạt con mắt và hệ thống phần mềm trong quy trình kiểm tra chéo thường quy, toa thuốc mới đến tay bệnh nhân. Bác sĩ phải giải trình vì một toa thuốc kháng sinh – có lẽ ở Việt Nam, điều đó chỉ tồn tại ở Bệnh viện FV!

Rửa tay vì tính mạng bệnh nhân

Ở Bệnh viện FV, làm gì cũng phải tuân thủ quy trình bài bản. Trong khi vấn đề kháng kháng sinh được nói một cách chung chung ở nhiều nơi thì FV liên tục triển khai đồng loạt nhiều chương trình đào tạo kháng sinh chuyên sâu cho đội ngũ y tế. Mà giải quyết tình trạng kháng kháng sinh đâu đơn giản thế. Từng chi tiết nhỏ nhặt nhất được chú ý để giảm thiểu tình trạng nhiễm trùng chéo trong bệnh viện – vấn đề làm gia tăng tỉ lệ phải sử dụng kháng sinh. Chẳng hạn, căn tin bệnh viện phân biệt rạch ròi khu vực rửa chén bát của bệnh nhân xác định nhiễm khuẩn và khu vực cho những người khác.

Rửa tay là một dự án được đánh giá vô cùng quan trọng khác ở FV, cũng để tránh nhiễm trùng chéo, giảm tỉ lệ sử dụng kháng sinh. Phòng quản lý chất lượng JCI liên tục tổ chức những chương trình đào tạo, rồi kiểm tra, giám sát, đo lường và công bố các con số tuân thủ rửa tay ở từng phòng ban, điều tra tận gốc rễ các nguyên nhân chưa tuân thủ để cải thiện hành động… Cứ như thế mà chỉ số rửa tay (trước và sau khi tiếp xúc bệnh nhân, tiếp xúc bệnh phẩm, dụng cụ phẫu thuật…) ở Bệnh viện FV đạt mức 80-90% như hiện nay trong khi chuẩn thế giới chỉ là 70%.

Nhưng tại sao rửa tay lại quan trọng đến thế ? Mỗi nhân viên ở FV đều được huấn luyện rất kỹ để hiểu rõ: vì điều đó liên quan đến sự an toàn, đến sinh tử của bệnh nhân. Hãy nghĩ đến viễn cảnh bác sĩ sau khi khám cho một bệnh nhân nhiễm trùng nặng lại dùng bàn tay bẩn đó tiếp xúc với một bệnh nhân khác. Hơn ai hết, những người đang đau bệnh, đang có sức đề kháng thấp dễ bị lây nhiễm nhất và cũng khó điều trị nhất. Sinh tử của bệnh nhân có thể gặp rủi ro vì một lần bỏ qua quy trình rửa tay của nhân viên y tế! Ở FV, điều đó không thể cho phép.

(còn tiếp)

Link bài báo: https://thanhnien.vn/suc-khoe/ky-8-ke-toa-khang-sinh-duong-dua-qua-cac-chot-chan-919577.html

Zalo