Tin tức

Cụ Bà 80 tuổi mắc COVID-19 thể nặng: Nghị lực đã giúp tôi được cứu sống

Nghị lực là điều quan trọng nhất trong cuộc chiến này, chúng ta không được phép để bản thân bỏ cuộc”, đó là chia sẻ của cụ bà N.T.T. – một bệnh nhân 80 tuổi đã từng mắc COVID-19 rất nặng, đang tươi cười chuẩn bị hành trang để xuất viện về nhà sau nhiều ngày chiến đấu với căn bệnh. Trước đó chỉ khoảng 20 ngày, các bác sĩ FV và người nhà cụ đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất, nhưng không một ai chấp nhận bỏ cuộc.

Hy vọng đã có lúc không còn nữa

Ngày 14/08/2021, gia đình đưa cụ N.T.T. đến Khoa Cấp cứu – Bệnh viện FV khi xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, ho có đờm, khó thở, kèm theo độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) dao động mức 95%. Theo đánh giá ban đầu của các bác sĩ thì đây là trường hợp mắc COVID-19 thể vừa, có kèm theo các bệnh lý nền như cao huyết áp, thiếu máu nhẹ nên bệnh nhân được chuyển lên Khoa Điều trị COVID-19 – Bệnh viện FV để nhập viện.

Tuy nhiên, những ngày tiếp theo diễn tiến bệnh trở nên phức tạp với các triệu chứng nặng hơn, cụ liên tục khó thở, mệt nhiều hơn. Cao điểm bắt đầu sau 4 ngày nhập viện, chỉ số SpO2 của bệnh nhân giảm dưới mức 85%. Lúc này nhu cầu oxy của bệnh nhân tăng rất cao, các bác sĩ đã chuyển từ thở qua mặt nạ (15 lít/ phút), đến phương pháp thở oxy liều cao – HFNC (60 lít /phút) nhưng chỉ số SpO2 vẫn chỉ ở mức 86 – 90%.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang Trưởng khoa Gây mê Hồi sức FV cho biết thật sự rất khó dự đoán được chuyện gì sau khi đặt nội khí quản.

Đến tối ngày 20/08/2021, nhận thấy tình trạng viêm phổi do COVID-19 của bệnh nhân chuyển biến nguy kịch, các bác sĩ Phòng Săn sóc Đặc biệt (ICU) đã quyết định đặt nội khí quản. Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức cho biết, tỷ lệ sống của người lớn tuổi khi đặt nội khí quản là rất thấp, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc COVID-19 thì các báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ cai máy thành công còn khá thấp và những di chứng để lại nặng nề cho nên các bác sĩ thường sẽ cân nhắc rất kỹ lưỡng khi đưa ra phương án này. “Có trường hợp chúng tôi phải gọi cho người thân của bệnh nhân để đôi bên có thể nhìn thấy và nghe tiếng nhau lần nữa, thật sự rất khó dự đoán được chuyện gì sau khi đặt nội khí quản”, bác sĩ Lam Giang chia sẻ thêm các trường hợp tương tự cụ T.

Vượt qua COVID-19 đầy ngoạn mục

Bệnh nhân tiếp tục được chỉ định điều trị các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh, thuốc chống vi-rút… kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp và vật lý trị liệu chặt chẽ. Trong 4 ngày được điều trị, chăm sóc đặc biệt, tình trạng của cụ T. đã có những chuyển biến hết sức ngoạn mục. Các bác sĩ đánh giá có thể cai máy thở sớm cho bệnh nhân một cách từ từ vì người lớn tuổi nếu thở máy lâu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng bất lợi như tổn thương phổi áp lực, nhiễm trùng, phụ thuộc an thần kéo dài,… Do đó, nên cai máy thở càng sớm càng tốt để giảm áp lực và hồi phục nhịp thở.

Cụ N.T.T hồi phục ngoạn mục sau 20 ngày chiến đấu với COVID-19

Ngày 25/08/2021, tức sau 5 ngày săn sóc đặc biệt, cụ T. được rút nội khí quản, tiếp tục được hỗ trợ thở oxy qua mũi, xen kẽ HFNC và giảm dần trong 1 tuần tiếp theo. Sau đó sức khỏe cụ T. đã dần ổn định khi và từng bước tiến tới chiến thắng vi rút SARS-CoV-2 trong cuộc chiến sinh tử gần 20 ngày.  “Chúng tôi đã cố gắng theo dõi sát sao bệnh nhân, đưa ra các phương án tối ưu nhất trong từng giai đoạn, áp dụng chiến thuật điều trị đúng lúc, kịp thời. Ngoài ra, tinh thần, nghị lực sống và sự quan tâm từ gia đình cũng là những yếu quan trọng đã giúp cứu sống bà”, bác sĩ Lam Giang nhận xét về ca điều trị đặc biệt này.

Chị N. – con dâu cụ T., cho biết cả chị và gia đình đều phát hiện dương tính chỉ trong vài ngày. Cụ T. lớn tuổi, có bệnh nền nhiều nên khi có các triệu chứng ban đầu, gia đình đã đưa cụ đến FV, trong khi chồng và 2 con của chị tiếp tục tự cách ly ở nhà để điều trị. Thời điểm ban đầu, lúc Cụ T. mới nhập viện, tâm trạng của chị đã vô cùng rối bời, nhìn thấy mẹ như vậy càng làm chị nghĩ đến tình huống xấu nhất. Sau khi sắp xếp việc trong nhà, chị N. quyết định xin vào bệnh viện để hỗ trợ việc chăm sóc và tiếp thêm tinh thần cho cụ. Vì bản thân là F0 không triệu chứng nên chị được bệnh viện FV đồng ý vào chăm sóc cho cụ T. “Mẹ chồng tôi là người rất giàu nghị lực, bà chẳng khi nào than thở và luôn cố gắng những lúc đau yếu, nên tôi vẫn tin mẹ sẽ vượt qua được tình cảnh này. Tôi biết ở FV chăm sóc rất tốt nhưng tôi vẫn muốn ở bên cạnh để bà không bị tủi thân ”, chị N. chia sẻ thêm.

Khi được hỏi điều gì đã giúp cụ có được nghị lực để chiến đấu với căn bệnh, cụ T. cho biết: “Phải tin tưởng vào bác sĩ và không được bỏ cuộc. Lúc đầu khi nằm viện tôi cũng sợ con cháu bỏ rơi mình nhưng khi tin rằng gia đình vẫn bên mình. Tôi đã làm tất cả để có thể về nhà với con cháu”.

Trong khi đó, nụ cười tươi của Ngoại (cách các nhân viên y tế thường gọi cụ T.) trong những ngày trước khi xuất viện, không chỉ là lời động viên dành cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đang ngày đêm làm việc tại Khoa Điều trị COVID-19, đó còn là tinh thần chiến thắng đang được truyền đến cho rất nhiều bệnh nhân SARS-COV-2 vẫn đang tranh đấu trên giường bệnh.

Zalo