Tin tức

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV - Kỳ 3: Những quyết định nhói lòng

“Nhiều lần tôi thấy cảnh bệnh nhân đã tử vong trên xe cấp cứu khi bác sĩ ra đến nơi, vì không còn nguồn lực để tiếp nhận bệnh nhân. Tôi bất lực trong vai trò một bác sĩ”, bác sĩ Trình Văn Hải hồi tưởng về giai đoạn đỉnh điểm của dịch Covid-19.

Đội ngũ y tế FV đã đối mặt với một giai đoạn vô cùng khốc liệt  

Các bác sĩ Bệnh viện FV có lẽ sẽ không bao giờ quên thời điểm dịch Covid-19 hoành hành 2 năm trước, họ đã phải đưa ra những quyết định khó khăn trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng”. Nhìn lại quãng thời gian khốc liệt đó cũng là một cách để đội ngũ FV nhắc nhở nhau cần nỗ lực, học hỏi nhiều hơn trong hiện tại.

Khoa Cấp cứu: Tuyến đầu khốc liệt

Khoa Cấp cứu Bệnh viện FV những ngày đỉnh điểm trong đại dịch Covid-19 luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân nằm ngồi ken đặc từ cửa khoa Cấp cứu đến khắp hành lang, thậm chí dài ra đến tận bãi giữ xe, trên những băng ca kê dưới dãy lều dựng tạm để tiếp bệnh nhân trong tình trạng cần trợ giúp y tế.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khu vực lều tạm

Trong khi đó, từ phía Tổng đài bệnh viện, điện thoại không ngừng reo; bên ngoài thì xe cứu thương liên tục ra vào. Xen giữa tiếng còi hú xé tai, có khi là la hét của người thân bệnh nhân để giành nguồn lực cấp cứu cho thân nhân của mình trước, cũng có khi là những tiếng kêu khóc khi một người thân của ai đó vừa ra đi khi chưa kịp vào tới khoa cấp cứu.

Bên trong khoa Cấp cứu, mức độ căng thẳng còn cao hơn gấp bội. Anh Phạm Minh Thi – Điều dưỡng Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, thời điểm đó, tất cả máy thở đều được huy động để điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng vẫn không đủ. Có bệnh nhân cấp cứu xong nhưng không có máy thở để hỗ trợ kịp thời. Có người ngừng hô hấp, cần người bóp bóng để tạo nhịp thở và cung cấp oxy cho não, nhưng cũng không đủ nhân lực để bóp bóng kịp. Mọi thứ diễn ra liên tục, dồn dập ngày đêm đến nghẹt thở.

Những nỗi ám ảnh dai dẳng

Đối mặt với tình huống “chưa từng có trong sự nghiệp”, những bác sĩ với chuyên môn vững vàng và dày dạn kinh nghiệm nhất cũng phải bối rối.

Bác sĩ Trình Văn Hải – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện FV, cho biết, có những tình huống bác sĩ phải đánh giá khả năng sống của bệnh nhân để quyết định dồn lực cứu người có cơ hội sống cao hơn thay vì cứu người không còn khả năng cứu chữa để rồi phải mất cả hai. Tuy nhiên, quyết định nào thì sự ra đi của bệnh nhân cũng để lại nỗi ám ảnh cho người bác sĩ suốt thời gian dài sau đó.

Tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu vì Covid-19, bác sĩ Trình Văn Hải – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện FV – từng có cảm giác bất lực trong vai trò một bác sĩ. 

Nhiều trường hợp bệnh nhân đến được bệnh viện nhưng phải nằm chờ trên xe cứu thương. Khi bác sĩ ra đến nơi thì bệnh nhân đã không còn thở. “Điều đó vẫn còn ám ảnh chính tôi và đồng nghiệp của mình trong thời gian dài. Họ đến với mình là để tìm sự giúp đỡ, hỗ trợ về y tế nhưng mình không thể làm được trong hoàn cảnh đó”, bác sĩ Hải xúc động kể lại.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện FV hỗ trợ các tình huống khẩn cấp trong chiến dịch tiêm chủng tại TPHCM. 

Cũng như bác sĩ Hải, rất nhiều tình huống, bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện FV – không biết nên đưa bệnh nhân nào vào phòng hồi sức tích cực (ICU) để cứu họ trước. “Đó là nỗi ám ảnh không bao giờ quên”, chị hồi tưởng.

Với cương vị Giám đốc Y khoa, những giấc ngủ của bác sĩ Đỗ Trọng Khanh trong suốt những tháng cao điểm dịch chưa đêm nào được trọn vẹn. Cũng giống như nhiều đồng nghiệp và nhân viên y tế khác tại FV, bác sĩ Khanh chọn ở lại bệnh viện, dành trọn thời gian chiến đấu với đại dịch cùng đồng đội của mình. Khi đã hết ca trực, chưa kịp đặt lưng xuống chiếc ghế xếp, tiếng chuông điện thoại đã vội vã kéo anh quay lại với công việc. Khi thì khu điều trị gặp tình huống khó cần hội chẩn gấp, khi thì khoa Cấp cứu báo quá tải, lúc lại là lời kêu cứu từ gia đình bệnh nhân.

“Cùng một danh sách mười mấy bệnh viện dã chiến, cả phòng chia nhau gọi ngày đêm để chuyển bệnh nhanh nhất có thể. Nhưng các bệnh viện tuyến trên cũng quá tải, không thể tiếp nhận thêm. Tôi đã sốc và buồn kinh khủng. Thật sự ám ảnh”, chị Nguyễn Thị Lý – Trưởng Văn phòng Y khoa Bệnh viện FV – nhớ lại.

Trong đại dịch, đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện FV từng buộc phải đưa ra những quyết định khó khan.

Trong bối cảnh đó, dựa trên nền tảng chuyên môn và kiến thức có được từ thực tế, đội ngũ y khoa tại FV cũng dứt khoát hơn trong việc đưa ra quyết định cho xuất viện với những trường hợp có thể chăm sóc tại nhà, nhường chỗ cho những bệnh nhân khác nặng hơn. Mục tiêu là cứu nhiều người nhất có thể. Cứ như thế, những “chiến binh” áo trắng dần quen với phác đồ điều trị căn bệnh lạ. Khi ngày càng có nhiều bệnh nhân khỏi bệnh xuất viện cũng là lúc họ được tiếp thêm động lực và niềm tin về một ngày chiến thắng Covid-19.

Từ ngày 8/12/2022, Bệnh viện FV tổ chức triển lãm ảnh “Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV”, nhằm tôn vinh những cống hiến của đội ngũ FV đã cùng nhau vượt qua khó khăn và đưa bệnh viện FV vững vàng đi qua đại dịch với tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng trong đại dịch vừa qua. Triển lãm trưng bày tại khuôn viên bệnh viện những bức ảnh ghi lại thời khắc khốc liệt trong đại dịch dưới ống kính nhiếp ảnh gia người Pháp Pier Laurenza, cũng là một bệnh nhân Covid-19 tại FV. Sau khi được tiêm vaccine mũi thứ 2, Pier Laurenza đã đề nghị được ở lại trong bệnh viện, âm thầm ghi lại thời khắc chưa từng có trong lịch sử gần 20 năm hình thành và phát triển của FV và cũng là mảnh ghép tư liệu trong bức tranh dịch bệnh của Việt Nam và toàn cầu.

Zalo