Tin tức

Cứu sống kịp thời bệnh nhân Người Nhật bị chấn thương sọ não khi đang thực hiện cách ly COVID-19

Ngày 26/5, bác sĩ Vũ Trường Sơn (Trưởng Đơn vị Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện FV) nhận được một cuộc gọi nhờ hỗ trợ khẩn cấp từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố (HCDC). Bệnh nhân là anh T.T. – chuyên gia người Nhật, 42 tuổi, đang được cách ly tại một khách sạn trên địa bàn Quận 7. Tình trạng ban đầu được xác định là té ngã, đầu va đập trên sàn nhà, mất máu nhiều và bất tỉnh.

Cứu sống bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu

Khi đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện FV, bệnh nhân được đưa vào phòng cách ly áp lực âm theo quy trình phòng COVID-19. Lúc này người bệnh đã rơi vào trạng thái hôn mê, các bác sĩ cấp cứu đã cho chụp CT, đồng thời báo với ekip bác sĩ trực của các Khoa Ngoại Thần kinh, Khoa Gây mê Hồi sức, Đơn vị kiểm soát Nhiễm khuẩn để tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa.

Bệnh nhân được xác định có máu tụ ngoài màng cứng và hôn mê. Do đó, các bác sĩ đã quyết định thực hiện quy trình phẫu thuật tối khẩn cấp, chuyển bệnh nhân vào phòng mổ với thiết kế thông khí đặc biệt chuyên dành cho bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 để đảm bảo an toàn phòng dịch cũng như an toàn phẫu thuật. Trưởng ekip phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Trưởng khoa Ngoại thần kinh) cho biết lúc đến phòng mổ, bệnh nhân đã hôn mê sâu, đồng tử giãn. Những trường hợp như vậy, nếu mổ càng sớm thì tỷ lệ cứu sống người bệnh càng cao. Do đó, ngay khi vừa kết thúc ca phẫu thuật trước đó, bác sĩ Hùng đã lập tức thực hiện ca nguy kịch này. Do bệnh nhân không có người thân và tình huống tối khẩn, nên chính bác sĩ Mạnh Hùng đã ký xác nhận đồng ý phẫu thuật. “Ngoài việc tự tin vào khả năng của bản thân và ê-kip hỗ trợ, tôi cũng rất yên tâm về các vấn đề hành chính tại Bệnh viện FV, Ban Giám đốc luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho tất cả các thành viên có thể tập trung chuyên môn và nỗ lực hết sức mình để cứu người bệnh, nên chúng tôi đã không chần chừ thêm một giây phút nào cho ca phẫu thuật này’’ – bác sĩ Mạnh Hùng chia sẻ thêm.

Ekip mổ tiến hành mở hộp sọ, lấy hết máu tụ và cầm máu chảy giúp giảm áp lực nội sọ cho người bệnh. Khi mở hộp sọ, bệnh nhân mất khoảng 2 lít máu, tình trạng não đã ngưng đập, nhưng sau gần 2 giờ phẫu thuật, não đã cho lại dấu hiệu hồi sinh. Đánh giá ban đầu cuộc phẫu thuật đã thành công và đưa chuyên gia người Nhật này thoát khỏi cửa tử. Ngày sau đó, bệnh nhân được chuyển đến phòng hồi sức tích cực để tiếp tục theo dõi.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng và ê-kíp trong một ca phẫu thuật đốt sống.

Tại phòng hồi sức, bệnh nhân được thở máy, cho an thần và mê chủ động để tránh các thương tổn về não. Hằng ngày các bác sĩ đánh giá và dần dần hồi sức về thần kinh cho người bệnh. Sau hơn 20 ngày, chuyên gia người Nhật này đã tỉnh và có thể nhận biết xung quanh. Tham gia ekip phẫu thuật và hồi sức sau mổ, bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang (Trưởng khoa Gây mê Hồi sức) cho biết: “Bệnh nhân bị tổn thương não nghiêm trọng nên thời gian hồi phục chậm và tiên lượng dè dặt, nhưng hiện tại đã có nhiều tiến triển tốt. Chúng tôi đang giúp bệnh nhân tập các phản xạ, vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu tích cực, chú ý chế độ dinh dưỡng để giúp anh sớm trở lại bình thường”.

Cố gắng giải quyết triệt để các vấn đề của người bệnh

Sau khi qua khỏi giai đoạn nguy kịch, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt (HDU) một thời gian, trước khi chuyển sang phòng bệnh thường. Bác sĩ Lam Giang cho biết, các trường hợp như vậy do thần kinh chưa được ổn định nên cần sự theo dõi liên tục từ bác sĩ, điều dưỡng để tránh các biến cố như khi ăn bị sặc vào đường thở, té ngã, hoảng loạn và trầm cảm sau chấn thương não. Bên cạnh việc điều trị vật lý trị liệu, dinh dưỡng, thì cần phải nói chuyện thường xuyên để ổn định tinh thần cho người bệnh.

Ngay sau khi bệnh nhân có cải thiện tri giác, bác sĩ Mạnh Hùng đã khám lại và phát hiện thêm bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng tê, đau và giảm chức năng vận động ở nửa người bên trái. Kết hợp thêm kết quả chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương cột sống cổ, có thể do tai nạn té ngã gây ra. Ban đầu đại diện người nhà bệnh nhân dự định chuyển anh về Nhật để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên bác sĩ Mạnh Hùng nhận định, cần phẫu thuật sớm để giúp bệnh nhân mau khôi phục các chức năng thần kinh. Do vậy, sau 2 tháng, khi tổn thương não đang hồi phục tốt, phía đại diện đã đồng ý để bác sĩ Mạnh Hùng và ê-kíp tiến hành phẫu thuật tái tạo hộp sọ và phẫu thuật đốt sống cổ cho người bệnh.

Như vậy, với 3 cuộc phẫu thuật, các bác sĩ đã không chỉ cứu sống được anh T.T, mà còn giúp anh giải quyết được các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này. Thường đối với các trường hợp này, sau khi xuất viện, người bệnh sẽ cần tái khám mỗi 3 tháng để đánh giá di chứng có thể có và hiệu quả điều trị. Sau 2 năm thì quá trình đánh giá được xem là hoàn tất.

Anh T.T. trước khi xuất viện

Sau hơn 100 ngày nằm viện, ngày 11/9 vừa qua, anh T.T. tỏ ra rất vui và cho biết sức khỏe mình đã hồi phục khá nhiều và đã sẵn sàng xuất viện. “Tôi rất biết ơn các bác sĩ đã dũng cảm cứu sống tôi trong hoàn cảnh đó. Tại bệnh viện, mọi người chăm sóc tôi cũng hết sức tận tình. Qua tai nạn lần này, tôi nghĩ mình phải cẩn thận hơn rất nhiều”, anh chia sẻ cảm nghĩ của mình.

Zalo