Tin tức

Hội Thảo: Các Vấn Đề Về Vi Trùng Kháng Thuốc Và Cách Xử Trí

Tình trạng siêu vi khuẩn kháng thuốc trên cơ thể người đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.  Điều đó dẫn đến việc điều trị khó khăn hơn, người bệnh phải nằm viện lâu hơn, sử dụng nhiều thuốc nhưng không hiệu quả, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì lý do đó, Hội chống nhiễm khuẩn Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Bệnh viện FV tổ chức hội thảo với chủ đề về “Vi Trùng Kháng Thuốc Và Cách Xử Trí”. 


Cơ thể người là “ngôi nhà chung” của các loại vi khuẩn sống hòa thuận

Buổi hội thảo diễn ra ngày 2-3, với sự góp mặt của bác sĩ Henri Maries – Quyền giám đốc chuyên môn bệnh viện FV trong vai trò chủ tọa, ông Fazli Shuib – Trưởng khoa dược bệnh viện FV, bác sĩ Louis Kreitmann – Trưởng khoa săn sóc đặc biệt bệnh viện Hospital Civil de Lyon, bác sĩ Friend Maviza – Trưởng khoa xét nghiệm bệnh viện FV, bác sĩ Dương Bích Thủy – Phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu (ICU) bệnh viện Nhiệt Đới, PGS TS Bác sĩ Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch hội chống nhiễm khuẩn Tp. Hồ Chí Minh và các y bác sĩ đến từ các bệnh viện ở khu vực TP.HCM.

Mở đầu buổi hội thảo, Ông Fazli Shuib – Trưởng khoa Dược bệnh viện FV, cho biết hàng năm trên thế giới có ít nhất 700.000 người tử vong do kháng thuốc, thậm chí có nơi ghi nhận cứ mỗi 3 giây có một bệnh nhân qua đời do nhiễm trùng kháng thuốc. Ở châu Á, Việt Nam hiện đang là điểm nóng của vấn đề này. Vậy nên, những công việc cấp bách cần được triển khai bao gồm: Tổng hợp số liệu từ các nghiên cứu lâm sàng do các tổ chức uy tín thực hiện, từ đó đưa ra chương trình quản lý thuốc kháng sinh chặt chẽ như bệnh viện FV đang thực hiện.

Vì sao nói Việt Nam đang là điểm nóng của vấn đề vi khuẩn kháng thuốc? Bác sĩ Dương Bích Thủy – Khoa cấp cứu bệnh viện Nhiệt Đới đưa ra dẫn chứng: Người Việt Nam đã quá quen với việc dùng thuốc kháng sinh. Mỗi khi bị cảm sốt, người bệnh chỉ cần ra nhà thuốc là dễ dàng mua thuốc kháng sinh về uống. Đó là nguyên nhân chính hình thành các loại siêu vi khuẩn kháng thuốc như: Acinetobacter, Salmonellae, Pseudomonas… Về các bước phòng ngừa đề kháng kháng sinh, bác sĩ Thủy đề cập đến trường hợp “đề kháng thuốc trong bệnh viện”, và giải thích nguyên nhân một số trường hợp bệnh nhân nhập viện uống thuốc lâu khỏi, thậm chí có trường hợp tái nhập viện sau khi đã về nhà. Bác sĩ Dương Bích Thủy chia sẻ tài liệu nghiên cứu lâm sàng của bệnh viện Nhiệt Đới từ 2014 – 2016, khảo sát trên 838 bệnh nhân cấp cứu thì có đến 93% bệnh nhân nhập viện đều có mang vi khuẩn trong người, trong đó có đến 63% bệnh nhân mang vi khuẩn kháng thuốc từ trước. Vậy nên, để xử trí vi trùng kháng thuốc, bệnh viện Nhiệt Đới đã đưa vào áp dụng quy trình quản lý thuốc kháng sinh nghiêm ngặt thông qua phần mềm Antimicrobial Stewardship Program. Mọi đơn thuốc kháng sinh đưa ra đều phải dựa trên thực tế tiền căn, dịch tể của bệnh nhân và trải qua nhiều cấp độ kiểm duyệt chặt chẽ.

Đến với buổi hội thảo, bác sĩ Louis Kreitmann – Trưởng khoa săn sóc đặc biệt bệnh viện FV trình bày bản tổng hợp về vấn đề đề kháng kháng sinh từ 2011-2016. Bài báo cáo của ông phần nào giúp hoàn thiện thêm dữ liệu y tế về vấn đề kháng thuốc ở việt Nam. Trong khi số liệu từ trung tâm giám sát kháng sinh thông báo từ năm 2014 có nêu châu Á và châu Phi chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do kháng thuốc, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia điểm nóng. Dự báo đến năm 2050, con số người bệnh tử vong vì nhiễm trùng, đề kháng kháng sinh sẽ còn tăng cao hơn cả các bệnh hiểm hiện nay như ung thư, đái tháo đường…. nếu không có những chuyển biến tích cực.


Buổi hội thảo với sự tham gia của các y bác sĩ đến từ bác bệnh viện ở khu vực TP.HCM

Từ 2011-2016, tại các khoa nội, khoa nhi và khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện FV, nghiên cứu diễn ra trên bốn nhóm vi khuẩn chính là E.coli (Escherichia coli), tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa), Shigella SP. Kết quả cho thấy đối với vi khuẩn E.coli tỉ lệ kháng tất cả các loại kháng sinh lên đến 20%, cao ngang bằng với các nước châu Á khác, cao hơn nhiều so với các nước châu Âu. Đối với vi khuẩn tụ cầu vàng, có đến hơn 40% kháng tất cả các loại kháng sinh. Đối với vi khuẩn Shigella SP, tỉ lệ đề kháng tất cả chiếm đến hơn 30%. Ngoài ra, số liệu cũng ghi nhận năm 2013 chủng Shigella SP từng gây dịch bệnh ở Huế , hay Khánh Hòa đều có nguồn gốc xuất xứ từ Tp.HCM. Từ đó cho thấy có sự dịch chuyển của vi khuẩn ra các vùng miền khác nhau. Nhìn chung, số liệu Shigella SP đề kháng kháng sinh càng lúc càng gia tăng. Nếu đặt ra mục tiêu điều trị thành công 80% các trường hợp nhiễm trùng, thì số lượng thuốc kháng sinh còn hiệu lực là khá ít ỏi. Bài toán đặc ra cho hiện trạng ngành y Việt Nam: Phải chọn loại kháng sinh nào để đạt hiệu quả và không để lại ảnh hưởng về sau là một bài toán khó, một áp lực lớn cho đội ngũ y bác sĩ của các bệnh viện.

Tiếp đến, trong bài báo cáo của Phó giáo sư. Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Anh Thư – Hội chống nhiễm khuẩn Tp.HCM, cập nhật mới các hướng dẫn quốc tế về phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ. Từ số liệu thống kê của Lancet, hàng năm trên thế giới có khoảng 7 triệu biến chứng từ các ca phẫu thuật, trong đó có đến 1 triệu trường hợp tử vong. Con số này nói lên nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ là rất đáng lo ngại. Riêng tại Việt Nam, 32% nhiễm khuẩn mắc phải tại bệnh viện là nhiễm khuẩn vết mổ, trong khi đó tại các nước tiên tiến con số là 1-5 % ở tại các nuóc đang phát triển là 15-25%. Từ đó, bác sĩ Anh Thư phổ biến các bước vệ sinh phòng chống nhiễm khuẫn trước phẫu thuật, trong phẫu thuật, sau phẫu thuật. Điều này sẽ có ích cho thời gian điều trị và tránh việc sử dụng nhiều kháng sinh và nâng cao an toàn, hạn chế ca tử vong.

Sau cùng, là phần giới thiệu công nghệ mới để chẩn đoán sớm nhiễm trùng tại bệnh viện FV qua phần trình bày của ông Friend Maviza – Trưởng khoa xét nghiệm tại bệnh viện. Áp dụng công nghệ Nested Multiplex PCR, định danh bằng khối phổ Maldi Tof và cấy máu thế hệ mới, bệnh viện FV đã đưa vào sử dụng các thiết bị mới nhất hiện nay.

Thiết bị FilmArray cho kết quả nhanh chóng và chính xác để đưa ra 15 – 30 căn bệnh truyền nhiễm với độ an toàn cao do hệ thống khép kín. Trong vòng 1 giờ xác định ngay các căn nguyên bệnh về nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng máu, viêm não và viêm màng não (nếu theo phương pháp truyền thống để xác định chính xác mầm bệnh có thể mất từ 24 đến 72 giờ). Sự chậm trễ này có thể dẫn đến việc sử dụng kháng sinh nhiều hơn, không phù hợp dẫn đến các biến chứng liên quan đến điều trị, tỉ lệ bệnh nhân tử vong và chi phí cao hơn.

Bên cạnh đó, các thiết bị mới như Vitek MS và VirtuO BacT/ALERT cùng với nền tảng dữ liệu phong phú như: Bộ dữ liệu V3 – được chứng nhận CE/IVD tổng hợp 1046 loại vi khuẩn và nấm. Bộ dữ liệu MYLA giúp tiết kiệm thời gian truy xuất thông tin, gửi báo cáo khẩn về các trường hợp cấy máu, đo lường hiệu quả tần suất xuất hiện vi khuẩn, thực hiện kháng sinh đồ kịp thời và tin cậy. Ngoài ra, ông Friend Maviza cũng chia sẻ về chương trình quản lý kháng sinh hiện đang dự án trọng điểm của bệnh viện FV, đã chính thức triển khai từ tháng 7/2017.


Các bác sĩ chụp ảnh lưu niệm sau hội thảo

Khép lại buổi hội thảo, các y bác sĩ đã thu nhận được nhiều kiến thức mới về vấn đề vi trùng kháng thuốc tại Việt Nam và cùng thảo luận về cách xử trí mà các bệnh viện đưa ra. Quan trọng hơn hết, mỗi người tham dự đều hiểu thêm về trọng trách của mình trong việc khám và điều trị, cân nhắc hơn khi kê toa, tư vấn kỹ càng hơn cho bệnh nhân. Việc sử dụng thuốc kháng sinh một cách đúng đắn, vào đúng thời điểm, đúng liều và đúng thời hạn chính là cách tốt nhất để tránh những mối nguy hại về sau.

Zalo