Tin tức

Hội thảo 'Ứng dụng kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ (rTMS) vào điều trị tại bệnh viện FV' mang lại nhiều kiến thức thực tiễn

Buổi hội thảo khoa học, chủ đề “Ứng dụng kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ (rTMS) vào điều trị tại Bệnh viện FV” vừa diễn ra tại Hội trường FV vào chiều 23/11/2022. Kích thích từ xuyên sọ (Transcranial Magnetic Stimulation – TMS) là một kỹ thuật tương đối mới tại Việt Nam, do đó hội thảo đã đón nhận sự tham dự của đông đảo bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, điều dưỡng tại FV, cũng như các bệnh viện tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận. Bên cạnh hình thức tham dự trực tiếp tại Hội trường FV, chương trình cũng được phát song song trên nền tảng trực tuyến.

Áp dụng thường quy rTMS tại Bệnh viện FV

Mở đầu hội thảo, Phó Giám đốc Y khoa – Bệnh viện FV, bác sĩ Henri Maries cảm ơn Trung tâm Điều trị Đau đã khởi xướng một không gian học thuật hữu ích, cũng như các quý đồng nghiệp đã dành thời gian tham dự hội thảo. “TMS là liệu pháp mà FV đã ứng dụng trong nhiều năm qua. Chúng tôi hy vọng những chia sẻ của mình hôm nay sẽ giúp mọi người có thêm chọn lựa trong các chỉ định điều trị thần kinh về sau”, bác sĩ Henri chia sẻ.

Bác sĩ Henri Maries, Phó Giám đốc Y khoa – Bệnh viện FV, phát biểu khai mạc chương trình

Tiếp nối chương trình, Trưởng Trung tâm Điều trị Đau – Bệnh viện FV, bác sĩ Louis Brasseur đã có bài giới thiệu tổng quan về kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ (rTMS). Được phát triển từ thập niên 80 của thế kỷ trước, đến nay TMS đang được sử dụng như một công cụ hữu dụng, có thể chẩn đoán, dự phòng các bệnh lý tổn thương thần kinh, đồng thời cũng giúp điều trị các tổn thương này.

Trưởng Trung tâm Điều trị Đau – Bệnh viện FV, bác sĩ Louis Brasseur đã có bài giới thiệu tổng quan về kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ (rTMS).

Bác sĩ Louis Brasseur cho biết, trước đây cần thực hiện các thủ thuật xâm lấn để tiếp cận các vùng khác nhau của vỏ não, nhằm kích thích hoặc ức chế các dẫn truyền thần kinh để đạt mục tiêu chẩn đoán hoặc điều trị. TMS dùng từ trường tạo tác động cơ học lên vỏ não, tạo ra các thay đổi điện học, hóa học…tại synap thần kinh và giúp điều trị các bệnh lý thần kinh như trầm cảm, điều trị đau, tổn thương sau đột quỵ,… “Tuy nhiên cần lưu ý, TMS cũng chỉ là một liệu pháp hỗ trợ, không phải là một biện pháp đơn trị liệu trong đa số các trường hợp”, bác sĩ Louis nhấn mạnh.

BS.CKI. Nguyễn Nam Bình (Chuyên gia Kiểm soát Cơn đau, Bệnh viện FV) đã trình bày thực tế ứng dụng rTMS điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Điều trị Đau FV

Tiếp nối phần nội dung của BS. Louis Brasseur, BS.CKI. Nguyễn Nam Bình (Chuyên gia Kiểm soát Cơn đau, Bệnh viện FV) đã trình bày thực tế ứng dụng rTMS điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Điều trị Đau FV. Bác sĩ Nam Bình đã đi vào chi tiết các bước vận hành thiết bị, cách thức chuẩn bị bệnh nhân và các lưu ý khi thực hiện một buổi trị liệu. Bên cạnh đó, từ phía dự khán, bác sĩ Phạm Thị Thúy Nga (Chuyên gia Kiểm soát Cơn đau, Bệnh viện FV) với hơn 5 năm kinh nghiệm vận hành thiết bị rTMS trong điều trị đau, cũng giúp bổ sung nhiều kinh nghiệm hữu ích cho người tham dự.

Kết hợp rTMS trong các phác đồ điều trị tâm thần kinh và phục hồi chức năng

Đến từ Khoa Tâm thần học, Bệnh viện FV, ThS.BS.CKI. Lê Hoàng Ngọc Trâm đã trình bày ứng dụng rTMS trong điều trị bệnh lý tâm thần kinh. Chi tiết vào điều trị trầm cảm, BS. Ngọc Trâm cho biết, các thuốc chống trầm cảm thường gây ra nhiều tác dụng phụ, một số bệnh nhân không dung nạp được dẫn tới tình huống bệnh nhân bỏ thuốc, thay đổi quá trình điều trị và làm giảm hiệu quả điều trị. rTMS giúp giải quyết được tình trạng tương tự thuốc, đồng thời cùng với việc lựa chọn tần số kích thích, thay đổi phác đồ phù hợp với tình trạng bệnh nhân, rTMS gần như không gây ra tác dụng phụ.

ThS.BS.CKI. Lê Hoàng Ngọc Trâm đã trình bày ứng dụng rTMS trong điều trị bệnh lý tâm thần kinh

Bác sĩ Ngọc Trâm chia sẻ: “các nghiên cứu hiện nay cho thấy rTMS an toàn đối với phụ nữ mang thai, thai nhi, bên cạnh đó cũng đạt hiệu quả điều trị cao đối với người lớn tuổi”. Trong điều trị các bệnh lý tâm thần kinh, rTMS thường được chỉ định cho các bệnh nhân trầm cảm kháng trị, đáp ứng kém với thuốc điều trị, bệnh nhân trầm cảm có kèm bệnh lý tâm thần khác, hoặc đang điều trị song song các bệnh lý y khoa khác bằng thuốc. Hiện này, để tăng hiệu quả điều trị tâm thần kinh, FV cũng đang ứng dụng đồng thời nhiều phương pháp khác nhau vào phác đồ điều trị, như kết hợp rTMS với thuốc và liệu pháp tâm lý.

TS.BS. Claus Mathiesen, Chuyên gia ứng dụng của MagVenture đã chia sẻ vai trò của rPMS (Repetitive Peripheral Magnetic Stimulation – kích thích từ ngoại vi) và rTMS trong phục hồi chức năng

Trong phần trình bày cuối hội thảo, TS.BS. Claus Mathiesen, Chuyên gia ứng dụng của MagVenture – một trong những đơn vị tiên phong về nghiên cứu và ứng dụng TMS trên thế giới, đã chia sẻ vai trò của rPMS (Repetitive Peripheral Magnetic Stimulation – kích thích từ ngoại vi) và rTMS trong phục hồi chức năng. BS. Mathiesen đã nói chi tiết hơn về nguyên lý hoạt động của các phương pháp này, đồng thời cũng làm rõ các chỉ định, chống chỉ định hoặc các vấn đề cần lưu ý khi thực hiện rPMS và rTMS.

Tổng quan Hội thảo “Ứng dụng kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ (rTMS) vào điều trị tại Bệnh viện FV” đã mang lại kiến thức thực tiễn cho các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng tham gia. Bên cạnh đó, rất nhiều thắc mắc, ý kiến hay cũng đã được nêu lên và bàn luận xung quanh chủ đề lần này, tạo tiền đề tốt cho những lần tổ chức sắp tới. “Chúng tôi rất vui khi được chia sẻ những kiến thức hữu ích về rTMS, hy vọng thời gian tới chúng ta sẽ có những hội thảo thường xuyên và quy mô hơn”, đại diện đơn vị tổ chức bác sĩ Louis Brasseur chia sẻ.

Bệnh viện FV đã ứng dụng thường quy kỹ thuật rTMS vào điều trị đau, điều trị các bệnh lý về tâm thần kinh trong nhiều năm nay. Dự kiến trong thời gian tới, song song với việc nghiên cứu, phát triển việc ứng dụng rTMS, rPMS vào các phác đồ điều trị mới, Trung tâm Điều trị Đau sẽ nỗ lực thực hiện các buổi hội thảo chuyên đề, nhằm chia sẻ những kiến thức mới trong lĩnh vực điều trị đau.

Một vài hình ảnh khác tại buổi hội thảo:

Zalo