Tin tức

Tầm soát và điều trị thiếu Hormone tăng trưởng kịp thời giúp Trẻ phát triển chiều cao tối ưu

Chiều cao của con người phụ thuộc vào các yếu tố chính: gene di truyền, dinh dưỡng, môi trường và các bệnh lý liên quan. Trong số này, chỉ có yếu tố gene là không thể thay đổi, còn các yếu tố khác đều có thể tác động được.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em, những nguyên nhân thường gặp là suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai (SGA) suy thận mạn, thiếu Hormone tăng trưởng (GH) bẩm sinh hay mắc phải do các u não hay sau xạ trị vùng đầu mặt hoặc thậm chí là vô căn. Ngoài ra cũng do một số bệnh lý liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng turner hay các bệnh lý loạn sản xương.

Trong các nguyên nhân gây chậm tăng trưởng ở trẻ, tỉ lệ thiếu GH ước tính chỉ chiếm khoảng 1/4.000 – 1/10.000 trẻ, nhưng lại là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến bệnh lý này vì đây thực sự là một bệnh khó nhận biết và chưa được nhận thức rộng rãi trong cộng đồng. Để điều trị và cải thiện chiều cao hiệu quả, trẻ cần được can thiệp nếu thiếu GH ngay khi tuổi còn nhỏ. Việc tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ở “giai đoạn vàng” trước khi có biểu hiện dậy thì sẽ giúp cải thiện quá trình thúc đẩy tăng chiều cao cho trẻ cũng như đạt được chiều cao tối ưu ở độ tuổi trưởng thành.

Trẻ trong độ tuổi từ 4-13 tuổi chưa có biểu hiện dậy thì khi thiếu GH sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi, khoảng dưới -2 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng; Tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 5 cm/năm). Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng chiều cao hạn chế, thấp hơn nhiều so với trung bình có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti với bạn bè xung quanh.

Hãy đưa trẻ đi khám nếu trẻ có chiều cao dưới mức trên đây hoặc tăng trưởng dưới 5cm/năm 

Chỉ định tiêm hormone tăng trưởng nhằm cải thiện chiều cao cho trẻ hiện nay đã được FDA Hoa Kỳ phê duyệt cho những trường hợp: thiếu hormone tăng trưởng, đề kháng hormone tăng trưởng và lùn vô căn. Ngoài ra, đối với những bệnh lý như: trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai, sau 2 tuổi trẻ không đuổi kịp chiều cao và cân nặng so với các bé bình thường (SGA), suy thận mạn sau khi đã tối ưu hóa các rối loạn khác như rối loạn chuyển hóa, loạn dưỡng xương, dinh dưỡng…; bất thường về nhiễm sắc thể, gen như hội chứng turner, hội chứng prader-willi, hội chứng noonan… trẻ đều có chỉ định tiêm hormone tăng trưởng cho dù có thiếu hormone tăng trưởng hay không.

Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8 – 12 cm/ năm và cần được điều trị sớm trước khi dậy thì vì sau dậy thì, việc bổ sung hormone tăng trưởng sẽ không còn ý nghĩa nữa. Thời điểm điều trị tốt nhất là trong khoảng độ tuổi 4-13, trước khi các sụn xương của trẻ đóng lại. Và để đạt hiệu quả tốt nhất, trẻ cần được tiêm thuốc đúng liều lượng và đều đặn vào mỗi tối trước khi đi ngủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thư Hương – Đơn vị Nội tiết, khoa Nội FV khuyến cáo phụ huynh nên đo chiều cao cho trẻ mỗi 6 tháng hoặc tốt nhất là 3 tháng một lần và vẽ lên biểu đồ tăng trưởng của WHO. Nếu phát hiện chiều cao của bé nằm < -2SD hoặc tốc độ tăng trưởng ≤ 2cm trong 6 tháng nghĩa là đang có dấu hiệu bất thường.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thư Hương

Đối với trẻ có các biểu hiện chậm tăng trưởng, phụ huynh nên cho trẻ đến khám với bác sĩ Nội tiết để tìm ra các nguyên nhân về nội tiết, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến hormone tăng trưởng sau khi đã thăm khám Nhi tổng quát mà không xác định được nguyên nhân. Và có thể khám thêm chuyên khoa dinh dưỡng nếu trẻ có biểu hiện của suy dinh dưỡng kèm theo. Phát hiện sớm và điều trị thích hợp sẽ giúp tối ưu hóa được chiều cao của trẻ ở độ tuổi trưởng thành.

Đơn vị Nội Tiết – khoa Nội Bệnh viện FV tư vấn, tầm soát và điều trị bổ sung hormone tăng trưởng giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu. Việc điều trị bổ sung hormone tăng trưởng để phát triển chiều cao phải được chẩn đoán và xác định kĩ lưỡng. Khi thực hiện tầm soát, các bác sĩ hỏi về tiền sử lúc sinh, các bệnh lý liên quan, tốc độ tăng trưởng chiều cao trung bình; thăm khám lâm sàng; đo chiều cao và chụp X-quang xương bàn tay trái khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương. Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH sẽ được bác sĩ hướng dẫn để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu tiếp theo cũng như tư vấn hướng điều trị thích hợp.

Để đặt hẹn tự vấn với Bác sĩ Nguyễn Thị Thư Hương – Đơn vị Nội tiết, khoa Nội FV, vui lòng liên hệ: 028 5411 3333

Zalo