Tin tức

Thông dịch viên tại FV: Hơn cả một cầu nối giao tiếp

Giao tiếp, trò chuyện luôn là bước đầu tiên trong quy trình khám lâm sàng của các bác sĩ. Yếu tố quan trọng này đa phần đều đơn giản đối với các nhân viên y tế, tuy nhiên trong một bệnh viện quốc tế với các bệnh nhân từ nhiều quốc gia khác nhau thì giao tiếp sẽ trở nên phức tạp hơn. Những lúc này, Bộ phận Thông dịch chính là nhịp cầu truyền tải thông điệp giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giúp quá trình chăm sóc sức khỏe được diễn ra hiệu quả.

Làm việc mọi lúc, mọi nơi

Thời gian làm việc chính của Bộ phận Thông dịch cũng giống như các phòng ban hành chánh khác trong bệnh viện. Trực thuộc Bộ phận Tiền sảnh, nên công việc hằng ngày của các anh chị tại đây cũng tương tự nhân viên tiền sảnh là đón tiếp và hỗ trợ bệnh nhân từ những bước đầu tiên khi đến bệnh viện. Tuy nhiên, do họ là trung gian giữa các bác sĩ, điều dưỡng với bệnh nhân nước ngoài, nên cũng chịu chi phối bởi thời gian làm việc liên tục, không ngừng nghỉ của đội ngũ lâm sàng.

Anh Vũ Thanh Sơn (Thông dịch viên Tiếng Hoa) có 18 năm làm việc cho FV, cũng là thành viên có thâm niên nhất trong Bộ phận Thông dịch. Theo anh Sơn, công việc mỗi ngày của một thông dịch viên tại FV cũng không quá phức tạp hay căng thẳng. Tuy nhiên một số anh chị phải trực điện thoại trong thời gian còn lại trong ngày, nên có thể gây ra chút bất tiện. Anh Sơn kể: “nhiều khuya tiếp nhận các cuộc gọi phiên dịch khẩn từ Cấp cứu là hết ngủ lại được. Lúc đầu có khi thấy bực bội, nhưng dần cũng quen”. Nhiều năm làm việc tại FV, anh Sơn hiểu rõ sự cần thiết và tính chất đặc biệt trong công việc của một thông dịch viên, điều đó phần nào giúp anh quên đi những khó chịu nói trên.

Một thông dịch viên có phạm vi làm việc khá rộng, hầu như sẽ hỗ trợ cho tất cả các khoa, phòng, có lúc sẽ đi theo suốt quá trình điều trị, chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân. Từ việc hỗ trợ cho các thư ký y khoa, điều dưỡng từ khâu tiếp nhận ban đầu, sau đó hỗ trợ cho bác sĩ trong các lần thăm khám, đến giai đoạn thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật hay ngay cả trong quá trình sinh con ở sản khoa. Chị Đinh Thị Quỳnh Mai (Thông dịch viên tiếng Hàn) chia sẻ, chị từng hỗ trợ phiên dịch cho một sản phụ từ những tháng đầu thăm khám, đến cả thời điểm trong phòng sanh. “Khi đứa bé lớn, sản phụ ngày trước còn giới thiệu với bé mình là người đã ở đó chứng kiến bé ra đời. Những khoảnh khắc đồng hành cùng bệnh nhân như vậy, rất đặc biệt đối với các thông dịch viên tại bệnh viện”, chị Quỳnh Mai nói thêm.

Khác hẳn với những thông dịch viên trong các môi trường khác, làm việc tại bệnh viện có những áp lực riêng biệt về thời gian, ngôn ngữ, cả phổ kiến thức cũng cần phải sâu rộng và mang tính chính xác cao. Nhưng bù lại, công việc tại bệnh viện mang đến cho họ những khoảnh khắc riêng biệt, nhiều trải nghiệm thú vị, cũng như nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận cuộc sống.

Nhận được nhiều điều hơn là một công việc

Mọi công việc trong lĩnh vực y tế đều cần tính cẩn trọng và kiên nhẫn, điều này cũng không phải là ngoại lệ đối với các thông dịch viên. Một thông điệp sai, một giải thích không rõ nghĩa cũng có thể dẫn đến những tình huống đáng tiếc. Hiểu được tính chất quan trọng trong phần việc của mình, theo thời gian các thông dịch viên sẽ ngày càng cẩn thận hơn, không ngại học hỏi thêm từ phía lâm sàng, cũng như từ chính các bệnh nhân mà mình hỗ trợ.

Chị Đoàn Thị Hoa Huệ (Thông dịch viên tiếng Nga) là thành viên mới nhất của Bộ phận Thông dịch. Chỉ hơn 1 năm làm việc tại FV nhưng chị đã cảm nhận được sự phù hợp và tình cảm của mình dành cho công việc. Chị Huệ chia sẻ: “các bác sĩ, hay bệnh nhân đều mỗi người một tính, khi quen với công việc này cũng giúp mình có khả năng tiếp cận và trao đổi với người khác đúng cách hơn”. Tất nhiên trong lúc làm việc cũng sẽ có những va chạm, bất đồng ý kiến, nhưng nhờ các bên vẫn cùng trên mục tiêu chung là đem lại sức khỏe cho bệnh nhân, nên mọi chuyện đều sẽ ổn thỏa sau đó. Đôi khi nhờ những va chạm hay khó khăn trong công việc, cũng đem lại thêm kiến thức ngôn ngữ và tình yêu dành cho tiếng Nga sẵn có trong chị Huệ.

Thường con người rất mau quên những niềm vui dễ đến, nhưng lại ghi nhớ rõ những khó khăn, hay phút hân hoan đến sau những thử thách. Trong gần hai thập kỷ làm việc, đôi lúc anh Sơn không thể đếm hết bao nhiêu lần đã hỗ trợ những ca cấp cứu hay khẩn cấp. Tuy vậy, cảm giác cùng cộng tác đem lại sự sống, mang lại sức khỏe cho người khác vẫn luôn là một dư âm đẹp trong anh. “Nhiều bệnh nhân lâu năm gặp lại vẫn nhớ mình, hoặc chỉ nhờ đúng mình hỗ trợ cho họ. Tôi nghĩ đó là điều đáng nhớ trong công việc này”, anh Sơn vui vẻ nói.

Mỗi công việc đều có những khó khăn riêng và những niềm vui riêng. Một số công việc còn tạo ra những cảm nhận rõ rệt về ý nghĩa trong cuộc sống, giúp chúng ta không chỉ thoải mái đi làm mỗi ngày, mà còn mang tới quyết tâm thay đổi bản thân. Chị Hoa Huệ nói: “Nhiều lúc mình không cảm thấy là đang đi làm, mà như là đang giúp đỡ người khác vậy”. Suy nghĩ đó giúp các thông dịch viên luôn cố gắng trau dồi thêm cả về ngôn ngữ, lẫn kiến thức y khoa. Vì thông qua chuyện phát triển bản thân cho công việc, họ biết mình còn được đón nhận thêm nhiều giá trị khác trong cuộc sống.

Những thành viên của Bộ phận Thông dịch mỗi ngày vẫn luôn rạng ngời trong sắc hồng tại tiền sảnh, hay khắp các khoa, phòng tại FV. Như ý nghĩa của sắc đồng phục, bằng cách chuyển tải những thông điệp một cách đơn giản với tinh thần tươi sáng, họ đã và đang mang lại sự yên tâm, tin tưởng cho bệnh nhân lẫn đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện.

Zalo