Tin tức

Tiến Sĩ, Bác Sĩ Nguyễn Thanh Tùng: Bác Sĩ Giỏi Thì Không Ngại Nhận Góp Ý

Trở thành bác sĩ luôn là một ước mơ theo chân Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng (Trưởng khoa Nha & Phẫu thuật Hàm Mặt – Bệnh viện FV) từ thuở bé. Anh cho rằng, để hành nghề y giỏi, trở thành một phẫu thuật viên tài năng thì không chỉ cần học hỏi liên tục, mà còn phải nghiêm khắc với chính mình và công việc.

Giúp mọi người có nụ cười đẹp

Khi gặp bác sĩ Tùng, một người cao lớn gần 1m8, chắc sẽ không ai nghĩ tuổi thơ của anh phải đối mặt với bệnh vặt liên tục. Có lần ngồi trong hội thảo dinh dưỡng, anh còn bảo làm anh nhớ hình ảnh cậu nhóc ốm yếu, như mắc suy dinh dưỡng hồi bé của mình. Nhưng “nhờ” vào cái duyên hay phải đi gặp bác sĩ thuở nhỏ, làm anh lúc nào cũng yêu quý nghề y và mong muốn một ngày nào đó, mình cũng có thể chữa bệnh cho mọi người.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Nha & Phẫu thuật Hàm Mặt – Bệnh viện FV

Những ký ức tuổi thơ, cùng bản tính thích mọi chuyện đều dung hòa, vui vẻ nên khi trở thành bác sĩ, anh cũng chọn theo đuổi một chuyên khoa hợp với mình. Bác sĩ Tùng chia sẻ: “tôi luôn mong muốn giúp cho nhiều người có hàm răng đẹp hơn, cải thiện được nụ cười cũng như có thể điều chỉnh thẩm mỹ khuôn mặt sau các biến cố tai nạn. Nhờ vậy ai cũng có thể tự tin hơn vào bản thân”. Với số lượng phòng nha rất nhiều tại Việt Nam, đôi khi nghe mong ước đó, tưởng chừng không khó để thực hiện. Nhưng khác với hình dung của nhiều người, để điều trị tốt các bệnh lý hàm mặt, và đặc biệt là trở thành một phẫu thuật viên hàm mặt, thì chặng đường gian nan cần đi qua không hề ngắn.

Các bác sĩ sau 6 năm học tập miệt mài, muốn học chuyên ngành Hàm Mặt thì cần tham gia các lớp sau đại học như nội trú phẫu thuật, các khóa đào tạo chuyên sâu, nội trú tại bệnh viện ít nhất 3 năm, cũng mới chỉ lĩnh hội được một phần trong chuyên khoa này. “Ít cũng phải mất thêm 5 năm chỉ để học hỏi kinh nghiệm, trong khi thu nhập rất khiêm tốn. Nên nhiều đồng nghiệp của tôi, không chọn làm một phẫu thuật viên hàm mặt”, bác sĩ Tùng nói. Đối với bác sĩ Tùng, anh có điểm may mắn là bản thân rất yêu thích công nghệ và luôn muốn tìm hiểu những kiến thức mới. Điều này giống như một đầu máy tốt, kéo các toa tàu kiến thức, kinh nghiệm và cả đam mê đi vững vàng trên hành trình trở thành một phẫu thuật viên.

Đối với bác sĩ Tùng, anh có điểm may mắn là bản thân rất yêu thích công nghệ và luôn muốn tìm hiểu những kiến thức mới trên hành trình trở thành một phẫu thuật viên.

Khi bắt đầu cương vị Trưởng khoa Nha & Phẫu thuật Hàm mặt, bác sĩ Tùng phần nào cũng đã cho thấy sự quan tâm của mình dành cho công nghệ, khoa học. Anh đã đề xuất nhiều kỹ thuật hiện đại như chụp cắt lớp dựng hình 3D, trang bị hệ thống dụng cụ phẫu thuật hàm mặt mới… Hơn nữa, với mong muốn mang lại một nụ cười đẹp cho mọi người, bác sĩ Tùng đặt biệt chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên môn cao tại Khoa. Không đơn thuần chỉ chăm sóc răng miệng, mà còn có các bác sĩ chỉnh nha, điều trị bệnh lý về xương hàm mặt, hay phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt trong bệnh lý, lẫn thẩm mỹ.

Mô hình hoạt động do bác sĩ Tùng xây dựng có điểm thuận lợi tập trung vào bệnh nhân, khi được chăm sóc răng miệng, điều trị hàm mặt và cả dịch vụ thẩm mỹ tại cùng một điểm. “Tôi muốn tận dụng môi trường chuyên nghiệp, có tầm quốc tế tại FV để đem lại quy trình điều trị an toàn, khép kín về răng hàm mặt cho các bệnh nhân”, bác sĩ Tùng nhấn mạnh.

“Tôi sẵn sàng đón nhận góp ý”

Có hôm thấy bác sĩ Tùng trầm ngâm trước cửa phòng mổ, hay tạm dừng trong ca mổ để xem xét kỹ lưỡng lại phim chụp của bệnh nhân, hình ảnh nghiêm nghị đó rất khác với sự vui vẻ thường ngày. Trong các cuộc phẫu thuật, bác sĩ Tùng thường trực tiếp cùng ê-kíp kiểm tra mọi dụng cụ, thiết bị trước mổ. Không những vậy, anh còn chủ động tìm hiểu và đề xuất trang bị mới trong phẫu thuật hàm mặt, để giúp các đồng nghiệp trong khoa có môi trường thực hành tốt nhất.

Bác sĩ Thanh Tùng giải thích: “Tôi rất kỹ tính, và cầu toàn, nên khi làm việc gì, tôi đều muốn việc đó cần phải được thực hiện tốt nhất có thể”. Tính cách này tuy là một ưu điểm đối với các phẫu thuật viên, nhưng trong cuộc sống thường ngày cũng gây ra cho anh không ít trở ngại. Đôi lần góp ý với đồng nghiệp, bạn bè, hay cả người thân trong gia đình, nhằm hướng tới những giải pháp tốt hơn, nhưng đón nhận lại ít khi nào là một sự cởi mở trao đổi, mà thường là sự e ngại hoặc giữ khoảng cách.

Bác sĩ Thanh Tùng xem xét kỹ lưỡng phim chụp của bệnh nhân trước phẫu thuật

Có lẽ ai cũng buồn khi đối diện với tình cảnh đó, nhưng cho dù là vậy bác sĩ Tùng vẫn trung thành với quan điểm của mình, rằng phải luôn trao đổi để tìm ra cách làm tốt nhất, cả trong phẫu thuật và trong đời sống. “Tôi thích thẳng thắn trao đổi trên tinh thần cùng nhau phát triển. Tôi sẵn sàng đón nhận góp ý, cũng như sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp tiến bộ”, bác sĩ Tùng khẳng định. Bản tính thẳng thắn vốn có trong người, cùng với nhiều năm theo đuổi học vị tiến sĩ y khoa tại Nhật, càng làm tính cách này rõ rệt trong anh.

Đối với bác sĩ Tùng, tính cách này không phải chuyện đối đầu hay gây khó khăn cho người khác, nó nằm ở trách nhiệm là phần nhiều. Anh thấy mình cần phải nói điều này, điều chỉnh chuyện kia, cần tham gia thảo luận tại các buổi nào, mọi thứ đều hướng tới hiệu quả điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân. Bác sĩ Tùng chia sẻ: “Đối với một bác sĩ, điều buồn nhất là không thể giúp người bệnh có được chất lượng cuộc sống tốt hơn sau điều trị”. Cũng vì vậy, bác sĩ Tùng luôn nghĩ trách nhiệm của một bác sĩ phẫu thuật là cần trao đổi và tập trung vào hiệu quả điều trị của bệnh nhân.

Mong ước đem lại nụ cười đẹp cho nhiều người, thông qua y học hiện đại ngày nay đã không còn quá khó khăn. Thế nhưng Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng vẫn còn rất nhiều ấp ủ cho cho sự phát triển của ngành răng hàm mặt, hay các mô hình chăm sóc sức khỏe răng miệng học đường. Người Nhật có câu nói: “Hy vọng lớn làm nên người vĩ đại”. Anh cũng không dự tính làm người vĩ đại, nhưng luôn mong rằng có thể mang lại sức khỏe tốt cho cộng đồng xung quanh mình.

Zalo