Tin tức

Tình nguyện viên Tại FV: Những Gam Màu Sáng Trong Cuộc Chiến Chống Dịch

Bác sĩ Lâm Vanda (Bác sĩ thực tâp – Trung tâm Điều trị Đau)

Dù đến, làm việc trong khoảng thời gian ngắn và sau đó có thể rời đi, nhưng FV đã lưu lại những ký ức khó quên trong lòng các anh chị. Đồng thời sự có mặt của các anh chị cũng tô thêm những gam màu tươi sáng cho bệnh viện, nhất là trong thời gian cao điểm dịch COVID-19.

Không thể ngồi yên trong những ngày ấy

Những hôm trông thấy bác sĩ Lâm Vanda (Bác sĩ thực tâp – Trung tâm Điều trị Đau) làm việc tại Khu Điều trị COVID-19 tại FV, hành động nhanh nhẹn, cái cúi xuống gần người bệnh để thăm hỏi, hay những câu nói hài hước trong khu sạch với mọi người, mỗi cử chỉ đều cho thấy lý do anh có mặt tại đây. Không chỉ vì là một thầy thuốc, hay do sự nồng nhiệt của tuổi trẻ mà có thể mang một bác sĩ đến làm tình nguyện viên tại FV. “Tính của tôi không thích ngồi yên. Hơn nữa trong những thời điểm dịch bệnh như vậy, thì tôi càng muốn làm gì đó, nên nơi nào cần, thì mình đến” – bác sĩ Vanda chia sẻ lý do đến FV.

Trước khi xung phong tham gia đội ngũ điều trị COVID-19 tại FV, bác sĩ Lâm Vanda cũng đã tham gia điều trị và còn là bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Chứng kiến những khó khăn của nhân viên y tế, cũng như đồng cảm với người bệnh trong cuộc tranh đấu tìm kiếm sự sống, đã thúc đẩy anh liên tục bước trên con đường phục vụ bệnh nhân. Khu vực này đủ người anh xin qua nơi khác, FV có nhiều điều kiện điều trị và học hỏi hơn, anh liền xin tình nguyện, cho dù chuyên ngành bác sĩ Vanda theo đuổi không phải về bệnh học truyền nhiễm.

Bạn Nguyễn Châu Thuý Nga học và làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi (Nursing care) tại Nhật và mới trở về Việt Nam. Trong lúc cao điểm dịch như hồi tháng 8, khi chứng kiến cảnh làm việc quá sức của nhân viên tại Khoa Cấp cứu, bạn nhận thấy công việc của mình hoàn toàn có thể giảm tải áp lực cho các điều dưỡng, bằng cách chăm sóc, thăm hỏi, trò chuyện với bệnh nhân. Vì vậy, dù phải cùng lúc tham gia hỗ trợ chống dịch tại Quận 7, Nga vẫn đến Khoa Cấp cứu thường xuyên, với mong muốn chuyên ngành của mình có thể ứng dụng tốt ở một bệnh viện quốc tế, nhất là trong lúc dịch bệnh.

Nhận thấy hạn chế của mình là không có nhiều chuyên môn về y tế, nên Nga cho biết mình đến FV với tinh thần giúp được gì cho bệnh nhân thì sẽ cố gắng làm. “Hôm đầu tiên mình cũng hồ hởi lắm. Nhưng sau khi mặc đồ bảo hộ, nghe bác Hải trưởng khoa hướng dẫn công việc, mình xây xẩm hết mặt mày. Bác Hải cho về nghỉ ngơi mà thấy ngại vô cùng” – Nga nhớ lại một kỷ niệm tại Khoa Cấp cứu. Đối diện với thực tế khó khăn có thể làm bản thân tắt đi tinh thần và sự khí thế ban đầu. Nhưng với Nga, bạn vẫn trở lại trong những ngày sau đó, theo chân các điều dưỡng, theo xe cấp cứu, từng ngày nắm bắt rất nhiều công việc vốn dĩ không được trả công để làm. Anh Phạm Minh Thi (Điều dưỡng Trưởng – Khoa Cấp cứu) chia sẻ: “các bạn tình nguyện viên thường cảm thấy ngại ngần vì nghĩ mình không giúp được gì nhiều. Nhưng tinh thần và sự có mặt của các bạn tại Khoa Cấp cứu trong tháng 7, tháng 8 là một điều rất đáng quý và đã giúp giảm bớt áp lực cho chúng tôi”. Cũng như bác sĩ Vanda, cũng như Nga nhiều người trẻ đã đến, đã làm những công việc lạ lẫm, đã kết nối với FV vì những lý do lớn hơn lợi ích của bản thân.

Tình nguyện cho những giá trị trong tương lai

Trận dịch đã làm thay đổi ít nhiều quan điểm trong công việc, trong góc nhìn cuộc sống của những người tình nguyện trẻ. Sau nhiều lần phải đối mặt với tình cảnh bất lực nhìn bệnh nhân COVID-19 qua đời mà không thể làm gì khác, đối với bác sĩ trẻ Vanda đó có lẽ là khoảnh khắc bản thân khó chấp nhận nhất. Anh chia sẻ: “Tôi mong rằng ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ sở y tế tốt, nhiều nhân viên y tế hơn, để có thể giúp người dân ứng phó với những tình huống dịch bệnh trong tương lai”.

Môi trường làm việc tại FV giúp anh có thể “mắt thấy, tai nghe và tay làm” những điều được cập nhật mới về cách điều trị COVID-19. Đó cũng là lý do để bác sĩ Vanda dành thời gian và tâm sức để thường trực tại khu điều trị bệnh truyền nhiễm này. Bác sĩ Hồ Minh Tuấn (Trưởng khoa Tim Mạch, Trưởng khoa Điều trị COVID-19) chia sẻ: “Tôi đánh giá cao tinh thần làm việc của bác sĩ Vanda. Sôi nổi, nhiệt tình và luôn mong muốn học hỏi là cảm nhận của tôi về bạn. Tôi cũng hy vọng môi trường làm việc tại FV phần nào đã giúp các tình nguyện viên có được kiến thức và ý nghĩa cho công việc, cuộc sống về sau”. Dù mục đích của mỗi người có thể khác nhau, nhưng các tình nguyện viên tại FV hy vọng đã nhận được những món quà mà mình mong muốn. Tất nhiên điều đó hoàn toàn xứng đáng với tinh thần cho đi của họ

Hai năm vừa qua thường được mọi người gọi vui là thời của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Bất kể bạn đang làm công việc gì liên quan tới y tế, trong thời gian gần đây đều sẽ cảm nhận được một chút tự hào về bản thân, hay một sự tôn trọng từ người khác. Nhưng trên thực tế, ở bất kể thời kỳ nào, những người dành trí tuệ và công sức của mình để chăm sóc, giúp đỡ người khác đều luôn nhận được sự yêu quý, tôn trọng và lòng biết ơn từ cộng động xung quanh.

Zalo