Tin tức

Ung Thư Giai Đoạn Muộn Không Phải Là Án Tử

Ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn nếu được cứu chữa kịp thời đúng hướng thì bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục tận hưởng cuộc sống vui tươi và khỏe mạnh.

Trường hợp bệnh nhân Roth Po (sinh năm 1964, người Campuchia) sống khỏe sau gần 5 năm điều trị ung thư trực tràng giai đoạn 3C là một minh chứng.

Sang Việt Nam đi tìm cơ hội sống

Bác sĩ Phan Văn Thái tư vấn cho bệnh nhân trong lần tái khám

Bà Po nhớ như in cái ngày cách đây 5 năm, bà và chồng đáp chuyến bay từ Campuchia đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), trong hành trình đi tìm hi vọng điều trị căn bệnh ung thư đại trực tràng. “Khi máy bay vừa hạ cánh, vợ tôi ngay lập tức được hỗ trợ lên xe đẩy và đưa thẳng ra xe cấp cứu đến bệnh viện. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Bệnh viện FV là dịch vụ rất chuyên nghiệp”, chồng bệnh nhân nhớ lại.

Mọi chuyện bắt đầu từ đầu năm 2019, bà Roth Po xuất hiện các triệu chứng đau bụng. Cơn đau âm ỉ và kéo dài liên tục trong 4 tháng sau đó, rồi có hiện tượng đại tiện ra máu. Mức độ ngày một dữ dội khiến bà phải nhập viện tại Campuchia. “Lúc đầu, người ta báo điều trị trong 1 tuần, sau đó kéo dài thành 2 tuần. Trong tuần thứ 2, bệnh viện cho biết là không điều trị được”, chồng bà Po kể lại.

Bệnh viện trả về, không có một chỉ dẫn điều trị cụ thể nào, khiến bà Po tuyệt vọng. Nhìn người vợ bị giày vò bởi những cơn đau, người gầy guộc vì gần như không ăn uống được, sau khi đưa vợ đi khám vài nơi nữa, người chồng đã quyết định tìm đến một bệnh viện lớn ở Thái Lan vì “còn nước, còn tát”, nhưng cũng không khả quan. Tiếp đó, theo lời người thân chỉ dẫn, vợ chồng bà Po quyết định sang Bệnh viện FV tại Việt Nam để tìm cơ hội sống.

3 chuyên khoa cùng phối hợp trong ca mổ 5 tiếng

Khi thăm khám, Bác sĩ CKII Phan Văn Thái, Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện FV phát hiện bệnh nhân có khối cứng ở bụng dưới, khối u rất to, gây hẹp lòng ruột. Các xét nghiệm, nội soi, sinh thiết, chụp phim CT Scan và chụp MRI vùng chậu cho thấy khối u trải dài từ trực tràng, cách rìa hậu môn 5-6 cm, đoạn kéo dài khối u khoảng 15cm. Bác sĩ kết luận, bà Roth Po bị u trực tràng giữa và trực tràng cao, giai đoạn 3C, xâm lấn vào thành tử cung, vòi trứng, xâm lấn vào ruột non và một phần của đại tràng chậu hông cũng dính vào u. Tuy nhiên, bác sĩ Thái nhận định vẫn còn hy vọng cứu chữa khi khối u chưa di căn xa, chưa lên đến các phần nội tạng khác như phổi, gan hay di căn khắp ổ bụng .

“Phương án tốt nhất là mổ sớm trong vòng một vài ngày, vì khối u to, đã có dấu hiệu tắc ruột một phần. Nếu để lâu hơn, khi mà tình hình tắc ruột nặng thêm và chuyển thành tắc ruột hoàn toàn, lúc đó phải mổ cấp cứu, không có sự chuẩn bị tốt được. Còn ở hiện tại, vẫn còn đủ thời gian để bệnh nhân được cuộc phẫu thuật bán cấp cứu, có sự chuẩn bị tương đối”, bác sĩ Thái, người trực tiếp điều trị cho bà Roth Po phân tích.

Bác sĩ Phan Văn Thái trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân

Trong buổi hội chẩn khẩn cấp, các bác sĩ FV đã thống nhất, ca mổ sẽ có sự tham gia phối hợp của 3 chuyên khoa. Theo đó, bác sĩ phẫu thuật tổng quát về đường ruột sẽ mổ chính, bác sĩ phụ khoa sẽ can thiệp cắt phần tử cung/âm đạo, và vì phần u tựa lên phần tiết niệu nên bác sĩ chuyên về tiết niệu sẽ thao tác đặt nòng vào đường niệu quản để đảm bảo phẫu thuật được an toàn, đồng thời sẵn sàng tiếp ứng khi cần. Mọi trường hợp xấu nhất đều được kíp mổ tính đến và có phương án dự phòng xử lý.

Ca mổ ung thư đại trực tràng phức tạp kéo dài 5 tiếng đồng hồ, thực hiện cách thời điểm bệnh nhân nhập viện chỉ 1 ngày. Điều mà ekip làm thành công là cắt cả các cơ quan có chứa u trong nguyên một khối và vẫn giữ được hậu môn cho bệnh nhân.

“Tôi như được tái sinh sau ca mổ”

Sau mổ, bà Roth Po tuân thủ theo tám chu kỳ hóa trị chuẩn của bệnh viện FV. Khi quay lại tái khám vào cuối tháng 3/2023, bà vui mừng khi được bác sĩ thông báo sức khỏe bà đã hoàn toàn bình thường, không còn dấu hiệu của ung thư. Bà cho biết cơ thể đã hồi phục tốt, ăn uống ngon miệng, cân nặng từ 49 kg tăng lên 62 kg. “Tôi như được tái sinh sau ca mổ. Cám ơn các bác sĩ FV đã giúp tôi tìm lại sự sống,” bà Roth Po xúc động chia sẻ trong lần tái khám.

Roth Po và chồng vui mừng về kết quả tái khám sau gần 5 năm điều trị ung thư đại trực tràng

Bác sĩ Phan Văn Thái cho biết, bà Roth Po là một trong số bệnh nhân điều trị thành công ung thư đại trực tràng và không tái phát sau gần 5 năm. Trước đó, Bệnh viện FV cũng từng tiếp nhận và chữa trị thành công cho một số ca bệnh ung thư đại trực tràng ở mức độ 3, 4, u đã to, xâm lấn ra bên ngoài, có hạch vùng, thậm chí nhập viện trong trình trạng sốc, tụt huyết áp, bị nhiễm trùng.

Thực tế này cho thấy, bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn vẫn còn hi vọng chữa trị thành công và có chất lượng sống tốt sau điều trị. Ước tính, bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn 3C, sau phẫu thuật không theo chế độ điều trị nào khác, thì sau 5 năm tỷ lệ bệnh nhân sống là 1/3. Nếu có sự phối hợp điều trị của bác sĩ, kết hợp với các loại thuốc hóa trị, khả năng sống và không tái phát bệnh của bệnh nhân khoảng 50%.

FV trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật tiên tiến để điều trị các bệnh ung thư 

Những năm gần đây, số ca bệnh ung thư đại trực tràng càng tăng ở Việt Nam và chiếm vị trí top đầu trong nhóm những loại ung thư phổ biến. Do đó, theo bác sĩ Phan Văn Thái, thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng khi thấy có dấu hiệu bất thường về vấn đề đại tiện hoặc khi bước sang tuổi 45, 50 là cần thiết. Trường hợp có người trong gia đình đã bị ung thư đại trực tràng, thì nên thực hiện nội soi đại tràng sớm hơn 5 – 10 năm so với thông thường. Cũng giống như những ca ung thư khác, phát hiện càng sớm, cơ hội chữa trị càng cao. Điều đáng mừng là với những bước tiến của khoa học hiện đại, một số ca bệnh phát hiện muộn vẫn có cơ hội điều trị khỏi.

Là bệnh viện đa chuyên khoa nên việc điều trị cho bệnh nhân tại FV luôn có sự phối hợp liên chuyên khoa. Các bác sĩ giàu kinh nghiệm của FV sẽ cùng đưa ra phác đồ điều trị theo hướng cá nhân hóa, góp phần vào sự thành công trong điều trị.

Để được tư vấn về các bệnh lý ung thư đại trực tràng, bạn đọc có thể liên hệ Bệnh viện FV qua số máy: (028) 5411 3333.

Zalo