Tin tức

NHỮNG BỆNH TRẺ CON THƯỜNG GẶP CẦN LƯU Ý

Thời tiết mưa nắng thất thường cùng với những dấu hiệu thường gặp của trẻ là nguồn cơn gây ra các chứng bệnh về tai, mũi, họng và ngực. Cha mẹ hãy đọc kỹ phần thông tin hướng dẫn để kịp thời xử trí.
Tùy theo từng tình huống cụ thể, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ nhi.
Lưu ý: Thông tin này không áp dụng cho:

  • Trẻ mắc các bệnh mãn tính như: hen suyễn, các bệnh về tim, thận, v.v…
  • Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi ( độ tuổi này sẽ có các phản ứng với nhiễm trùng khác)



ĐAU TAI
Triệu chứng đau tai thường xuất phát từ nhiễm trùng tai thường xảy ra sau khi trẻ bị cảm lạnh. Trẻ có thể có triệu chứng sốt kèm theo.

Bạn nên làm gì?
Bạn có thể giúp con dễ chịu hơn bằng cách:

  • Cho trẻ uống thuốc giảm đau, hạ sốt nếu trẻ khóc quấy khó chịu. Paracetamol hoặc ibuprofen là hai loại thuốc được khuyên dùng trong trường hợp này.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi.

Triệu chứng này sẽ kéo dài bao lâu?

  • Khoảng 50% trẻ sẽ không còn cảm thấy đau tai trong vòng 3 ngày.
  • Trong vòng 7 ngày, phần lớn trẻ sẽ khỏi hẳn đau tai.

Cần lưu ý gì về thuốc kháng sinh?
Sử dụng kháng sinh ngay từ đầu trong trường hợp này thường không đem lại lợi ích. Thực nghiệm chứng mình: Thời gian khỏi đau tai của trẻ không dùng kháng sinh và dùng kháng sinh là như nhau.

Trẻ có thể cần dùng thuốc kháng sinh khi nhỏ hơn 2 tuổi và bị nhiễm trùng cả 2 tai và có chất dịch chảy ra từ chỗ tai đau, đồng thời có các dấu hiệu liên quan khác ví dụ: sốt cao, lờ đờ, nôn mửa…

Bạn cần tìm bác sĩ khi

  • Triệu chứng đau tai trở nên trầm trọng hơn hoặc không giảm bớt sau 2 – 3 ngày
  • Nếu con bạn có vấn đề về thính giác liên tiếp và dai dẳng


VIÊM THANH QUẢN CẤP TÍNH

Viêm thanh quản là một dạng nhiễm trùng do virus gây sưng tấy thanh quản và đường hô hấp trên dẫn đến hẹp khí quản và ho khan, gằn tiếng. Viêm thanh quản cấp tính thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Các triệu chứng trở nên nặng hơn vào ban đêm khi nhiệt độ xuống thấp.

Bạn nên làm gì?
Bạn có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn bằng cách:

  • Ôm trẻ vào lòng vỗ về và trò chuyện để trẻ bình tĩnh – bởi khi trẻ lo lắng, buồn bã thì việc thở cũng trở nên khó khăn hơn
  • Thường xuyên cho trẻ uống nước để tránh mất nước
  • Giúp trẻ ngồi dậy khi trẻ có triệu chứng ho

Triệu chứng này sẽ kéo dài bao lâu?

  • Với hầu hết các trẻ, viêm thanh quản chỉ kéo dài 2 ngày, cũng có trường hợp kéo dài tới 1 tuần.

Cần lưu ý gì về thuốc kháng sinh?
Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với virus. Vì thế không cho trẻ uống thuốc kháng sinh khi trẻ bị viêm thanh quản cấp.

Bạn nên tìm bác sĩ khi:
Trẻ nên được đưa tới bác sĩ ngay khi:

  • Trẻ thở rít
  • Khó thở
  • Các cơ quanh sườn co rút mạnh khi thở
  • Trẻ có dấu hiệu buồn rầu, xanh xao, nhợt nhạt
  • Trẻ không thể nuốt hoặc chảy dãi nhiều hơn bình thường



VIÊM TIỂU PHẾ QUẢN
Viêm phế quản là một dạng nhiễm trùng virus tại tiểu phế quản . Viêm tiểu phế quản thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Đây cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến dẫn đến nhập viện ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

Bạn nên làm gì?
Bạn có thể giúp con thấy dễ chịu hơn bằng cách:

  • Cho con nghỉ ở nhà bởi virus viêm phế quản có thể lây nhiễm.
  • Cho con nghỉ ngơi
  • Cho con bú thường xuyên hơn (hoặc uống sữa/nước) để tránh mất nước.
  • Kiểm tra tình trạng sức khoẻ của con thường xuyên, đặc biệt vào ban đêm
  • Đảm bảo môi trường xung quanh trẻ không có khói thuốc

Những loại thuốc sau có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của viêm phế quản:

  • Paracetamol hoặc ibuprofen giúp hạ sốt nếu cơn sốt khiến trẻ mệt mỏi và khóc quấy
  • Nhỏ mũi với nước muối sinh lý giúp bé giảm nghẹt mũi.

Triệu chứng này sẽ kéo dài bao lâu?
Viêm phế quản có thể trở nên trầm trọng hơn vào ngày thứ hai hoặc ba . Triệu chứng thường kéo dài từ 7 – 10 ngàycác cơn ho có thể kéo dài 2 – 4 tuần.


Những lưu ý về thuốc kháng sinh?
Không cho trẻ uống kháng sinh bởi viêm tiểu phế quản là bệnh do virus gây nên và kháng sinh không thể tiêu diệt được virus

Bạn cần tìm bác sĩ khi
Bạn cần đưa con tới gặp bác sĩ ngay khi:

  • Trẻ cảm thấy khó thở (các cơ quanh sườn co rút mạnh khi thở)
  • Trẻ biếng ăn hoặc không ăn/uống
  • Trẻ có dấu hiệu nôn nao, lo lắng, kiệt sức hoặc luôn buồn ngủ hơn thường ngày.



HO GÀ
Ho gà là chứng nhiễm trùng phổi và khí quản gây ra do vi khuẩn Bordetella pertussis. Bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp.
Ho gà thường có dấu hiệu ban đầu giống cảm lạnh, sau đó phát triển thành những cơn ho ngày càng trầm trọng, bắt đầu từ khoảng 1 tuần sau triệu chứng đầu tiên, và có thể kéo dài trong nhiều tuần tiếp theo. Các cơn ho thường kéo dài và kết thúc với tiếng rít khò khè.
Nếu bạn nghi ngờ con mình mắc chứng ho gà, hãy tới gặp bác sĩ.

Bạn nên làm gì?
Bạn có thể giúp con mình thấy thoải mái hơn bằng cách:

  • Cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, thức ăn mềm
  • Giữ cho không gian trong nhà không có khói thuốc hay các loại khói chất kích thích khác.
  • Cho trẻ nghỉ ở nhà 3 tuần từ khi bắt đầu ho (nếu bạn không cho trẻ uống kháng sinh) hoặc nghỉ tới khi trẻ đã uống kháng sinh ít nhất 5 ngày.

Bệnh này sẽ kéo dài bao lâu?
Ho gà có thể kéo dài 6 tuần tiếp nối bằng những cơn ho kéo dài từ 2 – 6 tuần.

Cần lưu ý gì về thuốc kháng sinh?
Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định trong 3 tuần đầu của nhiễm trùng. Thuốc có tác dụng ngăn cản nhiễm trùng lan rộng, tuy nhiên có thể không làm giảm các triệu chứng bệnh. Thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng nếu cơn ho đã kéo dài hơn 3 tuần bởi lúc này, vi khuẩn trong trẻ không còn lây nhiễm nữa.


Bạn nên tìm bác sĩ khi

  • Trẻ có dấu hiệu khó thở
  • Trẻ gặp khó khăn khi thở sau mỗi cơn ho co thắt

TẠI SAO CẦN CẨN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC KHÁNG SINH?
Có rất nhiều lý do tại sao chúng ta không nên sử dụng thuốc kháng sinh trừ khi nó thực sự cần thiết:

  • Hầu hết các triệu chứng và bệnh nhiễm trùng đã kể trên đều tự khỏi mà không cần điều trị. Cảm lạnh và các dấu hiệu ho gây bởi virus nên kháng sinh sẽ không có hiệu quả đối với các bệnh này.
  • Việc lạm dụng thuốc kháng sinh gây ra tình trạng đề kháng kháng sinh, đồng nghĩa với việc thuốc kháng sinh không còn tác dụng đối với các bệnh nhiễm khuẩn.
  • Việc sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết dẫn tới thuốc không có tác dụng trong tương lai, đặc biệt với các trường hợp nhiễm trùng trầm trọng ảnh hưởng tới mạng sống. Một số loại vi khuẩn đã kháng lại các kháng sinh mạnh nhất hiện nay.
  • Thuốc kháng sinh có thể diệt nhiều loại vi khuẩn, kể cả vi khuẩn có lợi. Điều này gây ra các bệnh như tiêu chảy hoặc các bệnh nhiễm trùng khác như nhiễm trùng nấm.
  • Thuốc kháng sinh có thể gây ra dị ứng. Thông thường chỉ là ngứa đỏ, nhưng trong một số trường hợp phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
  • hi trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn đề kháng kháng sinh gây ra sẽ khiến thời gian mắc bệnh kéo dài hơn và các triệu chứng có thể phát triển thành các biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, trẻ có thể lây vi trùng cho người khác, gây nguy hiểm cho những người xung quanh và cộng đồng.

Khi nào con bạn nên dùng thuốc kháng sinh?
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên là do virus gây ra và do đó không cần dùng tới kháng sinh. Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh như:

  • Bệnh đau tai với dịch nhày chảy ra từ cả hai tai
  • Những cơn ho nghi ngờ hoặc chẩn đoán là bệnh ho gà hoặc viêm phổi do vi khuẩn.

Khi nào nên tìm bác sĩ?
Không có hướng dẫn nào là hoàn hảo 100%. Nếu bạn vẫn lo lắng về tình trạng của con mình sau khi đọc các hướng dẫn này, bạn nên xin lời khuyên từ bác sĩ. Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi xe cứu thương.

Dấu hiệu bệnh trở nặng:

  • Trẻ uể oải & lo lắng, các triệu chứng bệnh không giảm bớt sau khi dùng paracetamol và/hoặc ibuprofen.
  • Trẻ khó thở – bao gồm các triệu chứng thở nhanh, thở gấp, thở khó khăn (ngực lún sâu khi thở, đặc biệt vùng xương quai xanh và quanh xương sườn) nên được tới gặp bác sĩ ngay lập tức.
  • Trẻ lên cơn co giật.
  • Da trẻ có dấu hiệu tái, xanh vùng da quanh mắt, môi, tay, chân và đặc biệt là vùng móng tay.
  • Trẻ sốt 39 độ trở lên, nhất là các trẻ 3 – 6 tháng tuổi (trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi cần được kiểm tra khi sốt 38 độ trở lên)
  • Hầu hết trẻ mắc các triệu chứng trên thường ăn ít đi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, nếu có dấu hiệu bỏ bú hoặc có dấu hiệu mất nước (miệng môi khô, mắt trũng, mỏ ác trũng, không khóc hoặc ít tiểu) nên được bác sĩ khám ngay. Các triệu chứng trên đặc biết đúng đối với trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ bị nôn mửa.
  • Trẻ không thể nuốt, chảy dãi nhiều hơn thường ngày hoặc trông mệt mỏi.
  • Đặc biệt trường hợp: Trẻ bị viêm màng não thường có dấu hiệu là những cơn đau đầu trầm trọng, bị cứng gáy – đối với các trẻ lớn (khó cúi chạm cằm xuống ngực), sợ ánh sáng, lên cơn co giật hoặc nổi ban đỏ không biến mất khi nhấn.
  • Các triệu chứng khác mà bạn nên đưa con mình tới gặp bác sĩ: Khi các cơn ho trên ba tuần không có dấu hiệu thuyên giảm (hoặc gia đình có tiền sử bệnh suyễn), bị sốt kéo dài 5 ngày hoặc hơn, trẻ có vấn đề thính giác kéo dài.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.nps.org.au/medical-info/consumer-info/coughs-colds-earaches-and-sore-throats-a-guide-for-parents-and-carers
2. National Institute for Health and Care Excellence (NICE). Fever in under 5s: assessment and initial management (CG160). Updated Aug 2017. [Online] (accessed Dec 2017)
3. Royal Children’s Hospital Melbourne. Fever in children. RCH fact sheet. Updated Sep 2011. [Online] (accessed Dec 2017)
4. Royal Children’s Hospital Melbourne. Viral illnesses. RCH fact sheet. Updated Dec 2010. [Online] (accessed Dec 2017)
5. Thompson M, Vodicka TA, Blair PS, et al. Duration of symptoms of respiratory tract infections in children: systematic review. BMJ 2013;347;f7027. [PubMed].
6. Spinks A, Glasziou PP, Del Mar CB. Antibiotics for sore throat. Cochrane Database Syst Rev 2013. [PubMed].
7. Kenealy T, Arroll B. Antibiotics for the common cold and acute purulent rhinitis. Cochrane Database Syst Rev 2013:Cd000247. [PubMed].
8. Venekamp RP, Sanders S, Glasziou PP, et al. Antibiotics for acute otitis media in children. Cochrane Database Syst Rev 2015(6):CD000219. [PubMed].
9. Antibiotic Expert Group. Antibiotic Therapeutic Guidelines v15. Therapeutic Guidelines Pty Ltd. [eTG Online] (accessed Dec 2017).
10. Johnson DW. Croup. BMJ Clinical Evidence 2014;2014:0321. [PubMed].
11. Royal Children’s Hospital Melbourne. Brochiolitis. Kids Health Info. 2008. [Online] (accessed Dec 2017).
12. Centers for Disease Control and Prevention. Pertussis (whooping cough). National Center for Immunization and Respiratory Diseases, Division of Bacterial Diseases 2015. [Online] (accessed Dec 2017).
13. Royal Children’s Hospital Melbourne. Whooping cough. Kids Health Info. 2008. [Online] (accessed Dec 2017).
14. Centers for Disease Control and Prevention. Pertussis (whooping cough). National Center for Immunization and Respiratory Diseases, Division of Bacterial Diseases 2015. [Online] (accessed Dec 2017).
15. Hersh AL, Jackson MA, Hicks LA, et al. Principles of judicious antibiotic prescribing for upper respiratory tract infections in pediatrics. Pediatrics 2013;132:1146-54. [PubMed].

Zalo