Thay Khớp Gối

GIẢI PHẪU HỌC

Khớp gối là khớp lớn nhất trong cơ thể và cần phải khỏe mạnh để thực hiện hầu hết các hoạt động thường ngày.

Khớp gối được cấu tạo từ đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày và xương bánh chè. Nơi tiếp giáp của ba loại xương này được bao phủ bởi sụn khớp trơn láng để bảo vệ xương và giúp xương cử động dễ dàng.
Sụn chêm nằm giữa xương đùi và xương chày.

Sụn này có cấu trúc hình chữ C, hoạt động như “bộ giảm xóc” và làm đệm lót cho khớp.

Các dây chằng lớn nối xương đùi và xương chày lại với nhau và tạo sự vững chắc. Các cơ đùi dài cung cấp sức mạnh cho khớp gối.

Tất cả các bề mặt còn lại của khớp gối đều được bao bọc bởi một lớp mỏng gọi là màng hoạt dịch. Màng này tiết ra chất dịch giúp bôi trơn sụn khớp, giảm ma sát gần như hoàn toàn ở khớp gối khỏe mạnh.

Thông thường, tất cả các thành phần này hoạt động hài hòa với nhau. Tuy nhiên bệnh lý hoặc tổn thương có thể phá vỡ sự hài hòa này, gây đau đớn, yếu cơ và giảm chức năng.

NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GẶP GÂY ĐAU KHỚP GỐI MÃN TÍNH 

Nguyên nhân thường gặp nhất gây hạn chế vận động và đau khớp gối mãn tính là viêm khớp. Mặc dù có nhiều dạng viêm khớp, nhưng hầu hết đau khớp gối là do 3 dạng chính: viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và và viêm khớp sau chấn thương.

Viêm xương khớp: đây là dạng viêm khớp do tuổi tác, thường xảy ra ở người từ 50 tuổi trở lên, nhưng cũng có thể xảy ra ở người trẻ tuổi hơn. Phần sụn khớp làm đệm lót cho xương khớp gối bị mềm và bào mòn. Khi đó, các xương sẽ ma sát với nhau, gây đau và cứng khớp gối.

Viêm khớp dạng thấp: đây là bệnh trong đó màng hoạt dịch bao quanh khớp bị viêm và dày lên. Tình trạng viêm mãn tính này có thể làm tổn thương sụn khớp và cuối dùng gây mất sụn khớp, đau và cứng khớp. Viêm khớp dạng thấp là dạng thường gặp nhất của nhóm rối loạn gọi là “viêm khớp”.

Viêm khớp sau chấn thương: tình trạng này có thể xảy ra sau tổn thương khớp gối nặng. Gãy xương quanh khớp gối hoặc đứt dây chằng khớp gối có thể làm tổn thương sụn khớp theo thời gian, gây đau và hạn chế chức năng của khớp gối

Viêm xương khớp thường gây ra tình trạng trạng cọ sát xương. Gai xương là đặc điểm phổ biến của dạng viêm khớp này. 

MÔ TẢ THỦ THUẬT

Thay khớp gối (hoặc tạo hình khớp gối) có thể được gọi chính xác hơn là “tái tạo bề mặt” khớp gối vì thật sự chỉ có bề mặt của xương được thay thế.

Có 4 bước cơ bản trong thủ thuật thay khớp gối:

Chuẩn bị xương: các bề mặt sụn đã tổn thương ở đầu xương đùi và xương chày được loại bỏ cùng với một ít xương dưới sụn;

Đặt vật liệu cấy ghép kim loại: sụn và xương đã loại bỏ sẽ được thay thế bằng các thành phần kim loại giúp tái tạo bề mặt khớp. Các thành phần kim loại này có thể được cố định bằng xi măng hoặc “ép chặt” vào xương;

Tái tạo bề mặt xương bánh chè: mặt dưới của xương bánh chè được cắt bỏ và tái tạo bằng nút nhựa. Tùy theo từng trường hợp một số bác sĩ phẫu thuật không tái tạo xương bánh chè;

Chèn miếng đệm: miếng đệm bằng nhựa y tế được chèn vào giữa các thành phần kim loại giúp tạo bề mặt trơn láng để xương trượt lên nhau

(Trái) Viêm xương khớp nặng. (Phải) Sụn khớp và xương dưới sụn đã được loại bỏ và tái tạo bằng vật liệu cấy ghép kim loại trên xương đùi và xương chày. Miếng đệm nhựa được đặt giữa các vật liệu cấy ghép. Thành phần xương bánh chè không hiển thị rõ ràng.

PHẪU THUẬT THAY KHỚP GỐI CÓ PHÙ HỢP VỚI BẠN KHÔNG?

Quyết định phẫu thuật thay khớp gối toàn phần phải có sự phối hợp giữa bạn, thân nhân bác sĩ gia đình, và bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình. Bác sĩ của bạn có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để đánh giá toàn diện nhằm xác định xem phẫu thuật này có mang lại lợi ích cho bạn không.

KHI NÀO PHẪU THUẬT ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ



Có nhiều lý do để bác sĩ của bạn có thể đề nghị phẫu thuật thay khớp gối. Những bệnh nhân phù hợp để phẫu thuật thay khớp gối toàn phần thường có:

  • Cứng khớp hoặc đau khớp nặng làm hạn chế các hoạt động thường ngày, như đi bộ, leo cầu thang, đứng lên hoặc ngồi xuống ghế. Bạn có thể cảm thấy khó đi xa hơn vài khu nhà mà không bị đau và bạn có thể phải dùng gậy hoặc khung tập đi;
  • Đau khớp gối vừa phải hoặc nặng khi nghỉ ngơi, dù ban ngày hay ban đêm;
  • Viêm và sưng khớp gối mãn tính, không cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc;
  • Biến dạng khớp gối – khớp gối bị vẹo trong hoặc vẹo ngoài;
  • Không cải thiện đáng kể với các phương pháp điều trị khác như thuốc kháng viêm, tiêm cortisone, tiêm chất bôi trơn, vật lý trị liệu, hoặc các phẫu thuật khác.




Khớp gối bị cong do viêm khớp nặng

Đối tượng phù hợp với phẫu thuật

Phẫu thuật thay khớp gối toàn phần hoàn toàn không giới hạn về độ tuổi hoặc cân nặng. Các đề nghị phẫu thuật sẽ dựa vào mức độ đau và hạn chế vận động của bệnh nhân, chứ không phải là tuổi tác. Phần lớn bệnh nhân thực hiện thay khớp gối toàn phần là từ 50 đến 80 tuổi, nhưng bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ đánh giá bệnh nhân tùy từng trường hợp. Thay khớp gối toàn phần đã thực hiện thành công ở mọi lứa tuổi, từ bệnh nhân trẻ tuổi bị viêm khớp thiếu niên cho đến bệnh nhân cao tuổi bị thoái hóa khớp.

Đánh giá chỉnh hình

Việc đánh giá của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình bao gồm:

Bệnh sử: bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe đồng thời hỏi thăm về mức độ đau và khả năng thực hiện chức năng của khớp gối;

Khám lâm sàng: giúp đánh giá khả năng vận động, sự vững chắc, sức mạnh cơ khớp gối và cấu trúc toàn bộ chân;

Chụp X-quang: các hình ảnh này giúp xác định mức độ tổn thương và biến dạng của khớp gối;

Các khảo sát khác: đôi khi các xét nghiệm máu, hoặc chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu như chụp Cộng Hưởng Từ (MRI), có thể cần thiết để xác định tình trạng xương và mô mềm ở khớp gối.

(Trái) Hình ảnh X-quang của khớp gối bình thường, khe giữa các xương cho thấy sụn khỏe mạnh (mũi tên). (Phải) Hình ảnh X-quang của khớp gối bị viêm cho thấy mất khe khớp và gai xương nặng (mũi tên).

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ cùng với bạn xem xét kết quả đánh giá và thảo luận xem phẫu thuật thay khớp gối toàn phần có phải là phương pháp tốt nhất để giúp giảm đau và cải thiện chức năng của khớp gối hay không. Các lựa chọn điều trị khác – như thuốc, tiêm, vật lý trị liệu hoặc các phương pháp phẫu thuật khác – cũng có thể được cân nhắc và thảo luận.

Ngoài ra, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ giải thích về các nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra khi thay khớp gối toàn phần, bao gồm biến chứng do phẫu thuật và biến chứng có thể xảy ra theo thời gian sau phẫu thuật.

QUYẾT ĐỊNH PHẪU THUẬT THAY KHỚP GỐI

Mong muốn thực tế

Yếu tố quan trọng để quyết định việc có nên phẫu thuật thay khớp gối toàn phần hay không là phải hiểu được những điều mà thủ thuật có thể và không thể mang lại.

Hơn 90% bệnh nhân phẫu thuật thay khớp gối toàn phần sẽ thấy giảm đau rõ rệt và cải thiện đáng kể khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, việc thay khớp gối toàn phần không thể giúp bạn thực hiện các hoạt động mà trước khi viêm khớp bạn cũng đã không thể thực hiện được.

Khi hoạt động và sử dụng thường xuyên, mỗi vật liệu cấy ghép dùng trong thay khớp gối bắt đầu bị bào mòn trong miếng đệm nhựa. Việc hoạt động quá mức hoặc thừa cân có thể đẩy nhanh tốc độ bào mòn thông thường và có thể làm cho khớp gối nhân tạo trở nên lỏng lẻo và đau đớn. Vì vậy, phần lớn bác sĩ phẫu thuật khuyên bạn nên tránh các hoạt động va chạm nhiều như chạy bộ nhanh, chạy bộ bước nhỏ, nhảy hoặc các môn thể thao có nhiều va chạm khác trong suốt quãng đời còn lại sau khi phẫu thuật.

Các hoạt động có thể thực hiện sau khi thay khớp gối toàn phần là đi bộ không giới hạn, bơi lội, đánh gôn, lái xe, đi bộ đường dài nhẹ nhàng, chạy xe đạp, khiêu vũ đôi và các môn thể thao ít va chạm khác.

Nếu điều chỉnh hoạt động hợp lý, khớp gối nhân tạo có thể kéo dài nhiều năm (15-20 năm).

Biến chứng phẫu thuật có thể xảy raBiến chứng phẫu thuật có thể xảy ra

Tỷ lệ biến chứng sau khi thay khớp gối toàn phần thường thấp. Các biến chứng nặng, như nhiễm khuẩn khớp gối, xảy ra dưới 2% số bệnh nhân. Các biến chứng y khoa lớn, như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, thậm chí ít xảy ra hơn. Các bệnh mãn tính có thể làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng. Mặc dù hiếm gặp, nhưng khi xảy ra, các biến chứng này có thể kéo dài hoặc hạn chế khả năng phục hồi hoàn toàn.

Hãy thảo luận kỹ lưỡng về các lo ngại của bạn với bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình trước phẫu thuật.

Nhiễm khuẩn

Nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở vết thương hoặc sâu bên dưới quanh bộ phận cấy ghép. Tình trạng này có thể xảy ra trong thời gian nằm viện hoặc sau khi về nhà. Thậm chí có thể xảy ra nhiều năm sau đó.

Nhiễm khuẩn nhẹ ở vết thương thường được điều trị bằng kháng sinh. Các nhiễm trùng nặng hoặc sâu có thể cần phẫu thuật lại và tháo bỏ bộ phận cấy ghép. Tất cả nhiễm khuẩn trong cơ thể đều có thể lây lan đến khớp nhân tạo.

Cục máu đông

Cục máu đông ở tĩnh mạch chân là biến chứng thường gặp nhất của phẫu thuật thay khớp gối. Các cục máu đông này có thể đe dọa đến tính mạng khi chúng vỡ ra và di chuyển đến phổi. Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ lập kế hoạch phòng ngừa, trong đó có thể bao gồm bài tập nâng cao chân định kỳ, bài tập dành cho bắp chân để tăng tuần hoàn máu, dùng vớ hỗ trợ và thuốc làm loãng máu.

Vấn đề về cấy ghép

Mặc dù các thiết kế và vật liệu cấy ghép, cũng như kỹ thuật phẫu thuật, đang ngày càng tiến bộ, nhưng các bề mặt của vật liệu cấy ghép vẫn có thể bị bào mòn và trở nên lỏng lẻo. Ngoài ra, mặc dù biên độ vận động trung bình dự kiến sau phẫu thuật thường là 115°, nhưng việc hình thành sẹo ở khớp gối đôi khi có thể xảy ra, từ đó có thể làm hạn chế vận động hơn, đặc biệt ở các bệnh nhân có vận động hạn chế trước phẫu thuật.

Đau kéo dài

Một số ít bệnh nhân tiếp tục bị đau sau khi thay khớp gối. Biến chứng này hiếm gặp, tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân đều thấy giảm đau hiệu quả sau khi thay khớp gối.

Tổn thương thần kinh – mạch

Tuy hiếm gặp nhưng tổn thương thần kinh hoặc mạch máu quanh khớp gối có thể xảy ra trong khi phẫu thuật.

CHUẨN BỊ PHẪU THUẬT

Đánh giá y khoa

Nếu bạn quyết định phẫu thuật thay khớp gối toàn phần, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có thể yêu cầu bạn đặt lịch hẹn khám sức khỏe toàn diện với bác sĩ gia đình một vài tuần trước phẫu thuật. Điều này là cần thiết nhằm đảm bảo bạn có đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật và hoàn thành quá trình hồi phục. Nhiều bệnh nhân có bệnh mãn tính, như bệnh tim, cũng cần đánh giá của bác sĩ chuyên khoa, như bác sĩ tim mạch, trước phẫu thuật.

Khảo sát

Một số khảo sát, như xét nghiệm máu và nước tiểu, điện tâm đồ, có thể là cần thiết để giúp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình lập kế hoạch phẫu thuật cho bạn.

Thuốc

Trao đổi với bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình về các loại thuốc mà bạn đang dùng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn các loại thuốc mà bạn phải ngưng sử dụng và thuốc có thể tiếp tục sử dụng trước phẫu thuật.

Đánh giá nha khoa

Mặc dù tỷ lệ nhiễm khuẩn sau khi thay khớp gối rất thấp, nhưng nhiễm khuẩn vẫn có thể xảy ra nếu vi khuẩn xâm nhập vào đường máu. Nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, các thủ thuật nha khoa lớn (như nhổ răng và điều trị nha chu) phải được hoàn thành trước phẫu thuật thay khớp gối toàn phần.

Đánh giá đường niệu

Bệnh nhân có tiền sử nhiễm khuẩn đường niệu thường xuyên hoặc gần đây phải được đánh giá đường niệu trước phẫu thuật. Bệnh nhân nam lớn tuổi có bệnh tuyến tiền liệt nên cân nhắc hoàn thành việc điều trị cần thiết trước phẫu thuật thay khớp gối.

Đánh giá tình trạng thể chất

Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ đánh giá tình trạng thể chất như vận động khớp, sức mạnh cơ và chức năng tim phổi để biên soạn chương trình tập luyện trước phẫu thuật nhằm tối ưu hóa quá trình phẫu thuật và phục hồi của bạn.

Lập kế hoạch đời sống xã hội

Mặc dù bạn có thể đi lại với nạng hoặc khung tập đi sau phẫu thuật, nhưng bạn vẫn cần hỗ trợ trong vài tuần với các hoạt động như nấu ăn, mua sắm, tắm rửa, và giặt ủi.

Biện pháp an toàn tại nhà

Một số thay đổi có thể làm cho môi trường tại nhà trở nên thuận tiện hơn trong quá trình hồi phục. Các vật dụng sau có thể hỗ trợ các hoạt động thường ngày:

  • Tay vịn an toàn trong bồn tắm hoặc phòng tắm;
  • Tay vịn an toàn dọc theo cầu thang;
  • Ghế cố định dùng trong giai đoạn mới phục hồi có đệm ngồi chắc chắn (với chiều cao từ 45 đến 50 cm), có lưng tựa chắc chắn, hai tay vịn và bệ kê chân để nâng cao chân định kỳ;
  • Bệ ngồi vệ sinh tăng độ cao có tay vịn, nếu bồn vệ sinh của bạn thấp;
  • Ghế tắm cố định dùng trong bồn tắm hoặc phòng tắm;
  • Tháo bỏ tất cả thảm rời và dây điện/điện thoại;
  • Không gian sinh hoạt tạm thời trên cùng một tầng vì việc đi lên hoặc xuống cầu thang sẽ gây khó khăn trong giai đoạn mới phục hồi.

PHẪU THUẬT

Bạn sẽ nhập viện vào ngày trước phẫu thuật

Gây mê/gây tê

Sau khi nhập viện, bạn sẽ được thành viên của đội ngũ gây mê/gây tê đánh giá. Các phương pháp gây mê/gây tê thường gặp nhất là gây mê toàn thân (đưa bạn vào giấc ngủ) hoặc gây tê tủy sống, ngoài màng cứng hoặc phong bế thần kinh vùng, (bạn vẫn tỉnh táo nhưng cơ thể được gây tê từ thắt lưng trở xuống). Với thông tin của bạn, đội ngũ gây mê/gây tê sẽ xác định phương pháp gây mê/gây tê phù hợp nhất cho bạn.

Thủ thuật

Thủ thuật mất khoảng một đến hai giờ. Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ loại bỏ các sụn và xương đã tổn thương, sau đó đặt các vật liệu cấy ghép mới bằng kim loại và nhựa để khôi phục cấu trúc và chức năng của khớp gối.

Các loại vật liệu cấy ghép khớp gối khác nhau được dùng để đáp ứng nhu cầu riêng của từng bệnh nhân.
(Trái) Hình ảnh X-quang của khớp gối bị viêm nặng. (Phải) Hình ảnh X-quang của thay khớp gối toàn phần. Lưu ý rằng miếng đệm nhựa giữa các xương không thể hiện trên hình ảnh X-quang.

 

Sau phẫu thuật, bạn sẽ được đưa đến phòng hồi sức và nằm tại đây trong vài giờ để theo dõi tình trạng hồi phục sau gây mê. Khi tỉnh dậy, bạn sẽ được chuyển đến phòng bệnh.

Thời gian nằm viện

Bạn sẽ nằm viện trong 7-8 ngày.

Điều trị đau

Sau phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ kê đơn thuốc giảm đau cho bạn. Điều quan trọng là bạn phải thông báo cho các chuyên viên y tế như bác sĩ, điều dưỡng hoặc chuyên viên vật lý trị liệu khi bị đau để bạn được giảm đau và cảm thấy dễ chịu nhất có thể. Bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ chỉ định tập vật lý trị liệu để điều trị đau với các kỹ thuật không dùng thuốc. Chương trình tập luyện phù hợp và đi bộ sẽ giúp bạn giảm đau cùng với chương trình RICE (Nghỉ ngơi, Chườm lạnh, Băng ép và Nâng lên), liệu pháp chườm lạnh. Hãy trao đổi với bác sĩ phẫu thuật nếu tình trạng đau sau phẫu thuật trở nên nghiêm trọng.

Phòng ngừa cục máu đông

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có thể chỉ định một hoặc nhiều phương pháp phòng ngừa cục máu đôngvà giảm sưng chân. Các phương pháp này có thể bao gồm sử dụng vớ hỗ trợ đặc biệt và thuốc làm loãng máu.

Cử động bàn chân và cổ chân cũng được khuyến khích thực hiện ngay sau phẫu thuật để tăng lưu lượng máu đến các cơ chân nhằm giúp phòng ngừa sưng chân và hình thành cục máu đông.

Vật lý trị liệu

Vui lòng tham khảo tài liệu “Phục Hồi Chức Năng Sau Phẫu Thuật Thay Khớp Gối”.

Phần lớn bệnh nhân bắt đầu tập luyện khớp gối vào ngày sau phẫu thuật. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn các bài tập cụ thể giúp tăng sức mạnh cơ chân và phục hồi cử động khớp gối để có thể đi lại và thực hiện các hoạt động thường ngày khác ngay sau khi phẫu thuật.

Vào ngày phẫu thuật, bạn sẽ đến gặp chuyên viên vật lý trị liệu, đây là nhân viên giúp tối ưu hóa việc sắp xếp tại giường bệnh để bạn có thể độc lập hơn, sẽ thực hiện chương trình chườm lạnh có áp lực để giảm đau và sưng, hướng dẫn gập-duỗi cổ chân để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, và nâng cao chân.

Chế độ ăn uống

Chán ăn là tình trạng thường gặp trong vài tuần sau phẫu thuật. Một chế độ ăn uống cân bằng, thường kèm theo bổ sung sắt, rất quan trọng để giúp lành vết thương và hồi phục sức cơ.

Hoạt động

Tập thể dục là một phần quan trọng của chế độ chăm sóc tại nhà, đặc biệt là trong vài tuần đầu sau phẫu thuật. Bạn có thể trở lại với hầu hết các hoạt động thường ngày trong vòng ba đến sáu tuần sau phẫu thuật. Tình trạng hơi đau khi hoạt động và vào ban đêm là thường gặp trong vài tuần sau phẫu thuật.

Chương trình hoạt động nên bao gồm:

  • Chương trình đi bộ tiến triển giúp tăng dần khả năng vận động, ban đầu là trong nhà và sau đó là ngoài trời;
  • Trở lại các hoạt động thường ngày trong nhà, như ngồi, đứng hoặc leo cầu thang;
  • Thực hiện các bài tập chuyên dụng vài lần trong ngày giúp hồi phục vận động và sức mạnh khớp gối. Bạn có thể sẽ thực hiện các bài tập mà không có sự hỗ trợ, nhưng chuyên viên vật lý trị liệu có thể hỗ trợ bạn tại nhà hoặc trung tâm vật lý trị liệu trong vài tuần đầu sau phẫu thuật.

Bạn có thể lái xe trở lại khi có đủ khả năng co khớp gối để lên xuống và ngồi thoải mái trên xe, cũng như việc kiểm soát cơ đủ thời gian phản ứng khi đạp thắng và đạp ga. Phần lớn mọi người có thể lái xe trở lại trong khoảng từ bốn đến sáu tuần sau phẫu thuật.

PHÒNG TRÁNH CÁC VẤN ĐỀ SAU PHẪU THUẬT

Phòng ngừa cục máu đông

Tuân thủ cẩn thận các hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhằm hạn chế nguy cơ hình thành cục máu đông trong vài tuần đầu của quá trình hồi phục. Bác sĩ có thể đề nghị bạn tiếp tục dùng thuốc làm loãng máu mà bạn đã dùng tại bệnh viện. Thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào sau đây.

Dấu hiệu cảnh báo cục máu đông

Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân, bao gồm:

  • Đau nhiều ở bắp chân
  • Đau khi sờ chạm hoặc đỏ ở trên hay dưới khớp gối
  • Sưng nhiều ở bắp chân, cổ chân, và bàn chân

Dấu hiệu cảnh báo thuyên tắc phổi

Dấu hiệu cảnh báo cục máu đông đã di chuyển đến phổi, bao gồm:

  • Khó thở đột ngột
  • Khởi phát đau ngực đột ngột
  • Đau ngực khu trú kèm ho.

Phòng ngừa nhiễm khuẩn

Nguyên nhân thường gặp gây nhiễm khuẩn sau phẫu thuật thay khớp gối toàn phần là do vi khuẩn xâm nhập vào đường máu thông qua các thủ thuật nha khoa, nhiễm khuẩn đường niệu, hoặc nhiễm khuẩn da. Các vi khuẩn này có thể khu trú quanh khớp nhân tạo và gây nhiễm khuẩn.

Sau khi thay khớp gối, bạn phải dùng kháng sinh dự phòng trước các thủ thuật nha khoa hoặc ngoại khoa mà có thể làm cho vi khuẩn xâm nhập vào đường máu.

Dấu hiệu cảnh báo nhiễm khuẩn

Thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nguy cơ nhiễm khuẩn khớp gối sau đây:

  • Sốt kéo dài (hơn 38°C ở miệng)
  • Lạnh run
  • Đỏ, đau khi sờ chạm, hoặc sưng nhiều ở vết thương khớp gối
  • Chảy dịch từ vết thương khớp gối
  • Đau khớp gối nhiều cả khi hoạt động và nghỉ ngơi.

Phòng ngừa té ngã

Việc té ngã trong vài tuần đầu sau phẫu thuật có thể gây tổn thương khớp gối mới và có thể cần phẫu thuật lại. Cầu thang được xem mối nguy hiểm đặc biệt cho đến khi khớp gối đã chắc khỏe và có thể vận động. Bạn nên sử dụng gậy, nạng, khung tập đi, tay vịn hoặc cần người hỗ trợ cho đến khi bạn đã cải thiện sự thăng bằng, tính linh hoạt và sức mạnh cơ.

Bác sĩ phẫu thuật và chuyên viên vật lý trị liệu sẽ giúp bạn quyết định loại dụng cụ trợ giúp đi cần thiết sau phẫu thuật và thời điểm an toàn để ngưng sử dụng các dụng cụ này

KẾT QUẢ

Sự khác biệt của khớp gối mới

Mục tiêu của thay khớp gối toàn phần là cải thiện vận động của khớp gối, nhưng để hồi phục hoàn toàn vận động thì rất khó. Vận động của khớp gối sau phẫu thuật có thể được dự kiến bằng biên độ vận động mà bạn có trước phẫu thuật. Phần lớn bệnh nhân có thể đạt được khả năng duỗi gối gần như hoàn toàn và co gối thích hợp để leo cầu thang cũng như lên xuống xe hơi. Việc quỳ gối đôi khi gây khó chịu, nhưng không gây hại cho khớp gối.

Phần lớn bệnh nhân cảm thấy hơi tê ở vùng da quanh vết mổ. Bạn cũng có thể cảm thấy khớp gối hơi cứng, đặc biệt là với các hoạt động co gối quá mức.

Hầu hết bệnh nhân còn cảm thấy hoặc nghe thấy âm thanh ‘lách cách” của các thành phần nhựa và kim loại khi co gối hoặc đi lại. Điều này là bình thường. Những khác biệt này thường giảm dần theo thời gian và hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy có thể chịu được khi so sánh với cơn đau và sự hạn chế chức năng mà họ có trước phẫu thuật.

Khớp gối mới có thể kích hoạt các đầu dò bằng kim loại được dùng để kiểm tra an ninh tại các sân bay và một số tòa nhà. Thông báo cho nhân viên an ninh về việc thay khớp gối nếu chuông báo được kích hoạt.

Bảo vệ khớp gối nhân tạo

Sau phẫu thuật, đảm bảo bạn cũng thực hiện các điều sau:

  • Tham gia vào chương trình tập luyện nhẹ nhàng và thường xuyên để duy trì sức mạnh và sự vận động phù hợp của khớp gối mới;
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa đặc biệt để phòng tránh té ngã và tổn thương. Nếu gãy xương chân, bạn có thể cần phẫu thuật lại;
  • Đảm bảo nha sĩ biết rằng bạn đã thay khớp gối. Bạn phải được dùng kháng sinh trước tất cả các thủ thuật nha khoa trong suốt quãng đời còn lại;
  • Tái khám định kỳ với bác sĩ phẫu thuật chỉnh hỉnh để thăm khám và chụp X-quang theo dõi thường xuyên, thường là mỗi năm một lần.

Kéo dài tuổi thọ vật liệu cấy ghép khớp gối

Hiện tại, hơn 90% trường hợp thay khớp gối toàn phần gần đây vẫn hoạt động tốt sau 15 năm phẫu thuật. Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sau phẫu thuật, chăm sóc để bảo vệ khớp gối nhân tạo và sức khỏe là những điều quan trọng góp phần vào sự thành công cuối cùng của ca phẫu thuật.

Nguồn – “Viện Phẫu Thuật Chỉnh Hình Mỹ”

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hê:
KHOA PHẪU THUẬT CHỈNH HÌNH & PHẪU THUẬT BÀN TAY
Bệnh viện FV, Lầu 3, Tòa nhà V
Số điện thoại: (028) 54 11 33 33 – Máy nhánh: 1226, 1227
Zalo