Bệnh động mạch ngoại biên (BĐMNB) và chứng đau cách hồi

ĐAU CÁCH HỒI LÀ GÌ?

Đau cách hồi là cảm giác đau, mỏi hay yếu ở chân, thường xảy ra lúc hoạt động như đi lại. Một cách điển hình, các triệu chứng xuất hiện khi bạn hoạt động, và biến mất một thời gian ngắn sau khi nghỉ ngơi.

Động mạch mang máu giàu oxygen và chất dinh dưỡng từ tim đến khắp cơ thể. Khi các động mạch ở chân bị hẹp hay tắc, các cơ ở chân bạn có thể không nhận đủ oxygen và chất dinh dưỡng cần thiết cho các hoạt động. Bác sĩ gọi đây là thiếu máu chứa oxy của chân. Trong giai đoạn sớm của bệnh, chân bạn vẫn còn nhận đủ oxy lúc nghỉ ngơi nên bạn không cảm thấy đau ở chân nếu không đi lại.

Tuy nhiên, các cơ của bạn cần nhiều oxy hơn khi hoạt động, vì vậy nếu động mạch ở chân hẹp đến mức không đủ máu đến nuôi, bạn có thể cảm thấy đau khi đi lại. Đau cách hồi, gọi như thế vì nó xuất hiện lúc đi lại rồi biến mất khi nghỉ, là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng bởi vì những người này cũng đó thể có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hay đột quị.

Bên trong lòng động mạch của bạn thường trơn láng và không bị hẹp, khi bạn có tuổi, chúng có thể bị tắc do một quá trình được gọi là xơ vữa mạch hay còn được gọi là xơ cứng mạch. Khi bạn lớn tuổi, các mảng xơ vữa có thể được hình thành ở thành của các động mạch. Mảng xơ vữa bao gồm cholesterol, canxi, và mô sợi. Khi các mảng xơ vữa đóng ở thành mạch nhiều hơn, các động mạch của bạn sẽ càng hẹp và cứng. Cuối cùng, mảng xơ vữa sẽ làm cho dòng máu đến được chân bạn giảm đi. Bác sĩ gọi tình trạng này là bệnh động mạch ngoại biên (BĐMNB).

BỆNH CÓ NHỮNG TRIỆU CHỨNG NÀO?

Đau cách hồi là cảm giác khó chịu hay đau ở chân khi bạn đi lại và mất đi khi bạn nghỉ ngơi. Có thể không phải lúc nào bạn cũng bị đau; thay vào đó có thể chỉ là cảm giác bị bó chặt, nặng, vọp bẻ, hay yếu ở một hoặc hai chân. Đau cách hồi thường xuất hiện nhanh hơn khi bạn đi lên cao hay leo cầu thang. Theo thời gian, bạn sẽ cảm thấy đau khi đi những đoạn đường ngắn hơn, bởi vì động mạch khi đó đã bị hẹp nhiều hơn.

ĐIỀU GÌ GÂY RA ĐAU CÁCH HỒI?

Đau cách hồi là triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên, gây ra do chứng xơ vữa động mạch.

Các yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch là:

  • Hút thuốc
  • Tăng cholesterol máu
  • Cao huyết áp
  • Béo phì
  • Có người trong gia đình bị bệnh tim hay bệnh mạch máu

TÔI CẦN XÉT NGHIỆM NÀO?

Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bạn về sức khỏe chung, tiền sử bệnh, và các triệu chứng. Thêm vào đó, bác sĩ sẽ khám cho bạn. Cả hai phần trên gọi là bệnh sử và thăm khám. Trong bệnh sử và thăm khám, bác sĩ còn muốn biết bạn có hút thuốc hay bị cao huyết áp không. Bác sĩ cũng muốn biết khi nào triệu chứng đau xảy ra, mức độ có thường xuyên không và vị trí đau ở đâu. Trong phần khám, bác sĩ sẽ bắt mạch nhiều vị trí khác nhau, để đánh giá tình trạng lưu thông của các mạch máu ở chân bạn. Bác sĩ cũng có thể dùng ống nghe để nghe dòng máu chảy trong các động mạch. Khi các bạn có BĐMNB thì bất kỳ động mạch nào của cơ thể cũng có thể bị bệnh, nên bác sĩ thường sẽ kiểm tra động mạch ở các vị trí khác nữa.

Sau khi khám, nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị BĐMNB, họ sẽ cho các xét nghiệm, như:

Bác sĩ thường cho những xét nghiệm không xâm lấn và để dành những xét nghiệm xâm lấn, như chụp mạch máu (angiography), cho những người bị PAD thể nặng hơn cần can thiệp phẫu thuật.

CHỮA CHỨNG ĐAU CÁCH HỒI NHƯ THẾ NÀO?

Điều trị những nguyên nhân tiềm ẩn của BĐMNB

Bác sĩ không những chỉ điều trị đau cách hồi do PAD mà còn điều trị nguyên nhân gây ra bệnh PAD, như tăng cholesterol hay cao huyết áp. Điều trị các căn nguyên này bao gồm thay đổi lối sống như ngừng hút thuốc, tập thể dục và giảm cân, uống thuốc, và, nếu cần, can thiệp nội mạch hay phẫu thuật.

Liệu pháp luyện tập

Liệu pháp luyện tập là điều trị ban đầu của đau cách hồi. Bác sĩ của bạn sẽ đưa ra một kế hoạch luyện tập cho riêng bạn. Kế hoạch bao gồm kiểu luyện tập, mức độ nặng, thời lượng, bao nhiêu lần trong tuần. Các khuyến cáo cho liệu pháp luyện tập trong đau cách hồi thường là đi bộ trong một giờ hoặc hơn, từ 3 lần một tuần trở lên, trong ít nhất 3 đến 6 tháng, lý tưởng nhất là tập luyện dưới giám sát của nhân viên y tế. Mục tiêu là gia tăng thời gian bạn có thể đi bộ mà không bị quá đau chân. Bạn sẽ dần dần đạt điều này bằng cách đi bộ ngày càng lâu hơn.

Lúc đầu, bạn nên đi cho đến khi cảm thấy đau, thường là khoảng 3 đến 5 phút sau khi bắt đầu đi. Bạn nên tiếp tục đi cho đến khi cảm thấy đau vừa (nếu thang điểm đau là 1 đến 5, thì đau vừa là 3), thường vào khoảng 8 đến 10 phút đi bộ. Sau đó bạn nghỉ cho đến khi cơn đau biến mất, khi đó bạn bắt đầu đi lại lần nữa. Hãy lập lại chu kỳ đi-nghỉ này trong khoảng 35 phút ở giai đoạn đầu và tăng dần cho đến khi tổng thời gian đi bộ được 50 phút. Dấu hiệu tiến triển tốt trong chương tình luyện tập là bạn có thể đi lâu hơn mà không bị đau.

Thuốc

Bác sĩ có thể kê toa thuốc như cilostazol (Pletal), có thể giúp bạn gia tăng thời gian đi mà không bị khó chịu hay đau. Tuy nhiên, thuốc này có thể không hiệu quả nếu bạn bị một số bệnh tim. Bác sĩ sẽ quyết định điều gì tốt nhất cho trường hợp của bạn.

Nếu cần, bác sĩ sẽ kê thuốc statins, để giúp bạn kiểm soát mỡ máu, thuốc kiểm soát huyết áp, và/ hoặc thuốc tiểu đường.

TÔI CẦN LÀM GÌ SỐNG KHỎE MẠNH?

Thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng động mạch của bạn bao gồm:

  • Bỏ hút thuốc
  • Duy trì tập luyện thường xuyên
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách giữ đường huyết ổn định
  • Giảm cholesterol máu
  • Giảm tình trạng cao huyết áp
  • Ăn thức ăn có ít mỡ bão hòa và năng lượng thấp
  • Duy trì cân nặng lý tưởng
Zalo