Đặt Giá Đỡ (Stent-Graft) Động Mạch Điều Trị Phình và Bóc Tách Động Mạch Chủ Tuýp B

ĐẶT STENT-GRAFT ĐỘNG MẠCH LÀ GÌ?

Đặt stent-graft động mạch là một thủ thuật phẫu thuật ít xâm lấn, thực hiện bằng cách đưa stent-graft có thể mở rộng vào trong lòng động mạch chủ để điều trị các bệnh lý về động mạch chủ mà không cần phẫu thuật trực tiếp trên động mạch chủ. Đặt stent-graft động mạch để giúp giữ vững thành động mạch chủ và giúp vùng bị tổn thương không bị vỡ.

Phẫu thuật này do bác sĩ phẫu thuật mạch máu thực hiện trong phòng can thiệp nội mạch (cath-lab) và thường được bác sĩ tim mạch can thiệp hỗ trợ.

PHÌNH ĐỘNG MẠCH CHỦ LÀ GÌ?

Phình động mạch chủ là chỗ phình bất thường xảy ra ở thành mạch máu chính mang máu từ tim đến cơ thể (động mạch chủ). Có hai loại phình động mạch là phình động mạch chủ bụng và phình động mạch chủ ngực.

Vấn đề chính của phình động mạch chủ là nguy cơ vỡ túi phình. Thành của túi phình yếu hơn thành động mạch bình thường nên có thể không chịu được áp lực máu bên trong. Nếu vỡ túi phình, tình trạng xuất huyết nội có thể xảy ra và gây tử vong.

EVAR (can thiệp nội mạch điều trị phình động mạch chủ) là phương pháp đặt stent để điều trị phình động mạch chủ bụng. Khi áp dụng để điều trị động mạch chủ ngực thì phẫu thuật đó gọi là TEVAR (khôi phục nội mạch phình động mạch chủ ngực). Còn FEVAR (can thiệp nội mạch phình động mạch có mở cửa sổ) là sử dụng stent có lỗ, hoặc mở cửa sổ trên thân giá đỡ để bảo đảm dòng chảy thông thoáng cho các động mạch tạng.

TẠI SAO CẦN ĐẶT STENT-GRAFT ĐỘNG MẠCH ĐỂ ĐIỀU TRỊ PHÌNH ĐỘNG MẠCH CHỦ?

Mục tiêu của điều trị phình động mạch chủ là giảm nguy cơ biến chứng do phình động mạch chủ. Nguy cơ chính của phình động mạch chủ không được điều trị là bị vỡ, và khi phình động mạch chủ càng lớn thì nguy cơ vỡ càng cao. Một số yếu tố cần cân nhắc khi quyết định điều trị phình động mạch chủ bằng phẫu thuật, bao gồm:

  • Có các triệu chứng như đau bụng, đau lưng, đau vùng bẹn hoặc đùi trong;
  • Kích thước của túi phình, đặc biệt là đường kính (từ 5,5 cm trở lên);
  • Tốc độ phát triển túi phình, đặc biệt là túi phình lớn nhanh (đường kính tăng thêm hơn 1 cm mỗi năm);
  • Bóc tách động mạch chủ, có thể kèm theo cơn đau xé đột ngột và dữ dội ở vùng ngực hoặc lưng;
  • Tổng trạng của bệnh nhân.

BÓC TÁCH ĐỘNG MẠCH CHỦ LÀ GÌ?

Bóc tách động mạch chủ xảy ra khi có vết rách hình thành ở lớp trong cùng của động mạch chủ. Nếu xảy ra, động mạch chủ sẽ tự tạo dòng máu chảy qua lớp giữa, kéo dài vết rách này và làm tách rời các lớp của động mạch chủ – gọi là bóc tách động mạch chủ. Trong hầu hết các trường hợp, điều này liên quan đến sự khởi phát đột ngột của cơn đau ngực hoặc đau lưng dữ dội, thường được mô tả là “đau xé”.

Bóc tách tuýp B là vết rách ở phần động mạch chủ xuống có thể kéo dài vào bụng. Các biến chứng bao gồm thiếu máu mạc treo, thiếu máu thận, thiếu máu chi, liệt hai chi, vỡ và bóc tách động mạch chủ ngược dòng.

TẠI SAO CẦN ĐẶT STENT-GRAFT ĐỘNG MẠCH ĐỂ ĐIỀU TRỊ BÓC TÁCH ĐỘNG MẠCH CHỦ?

Can thiệp nội mạch để điều trị bóc tách động mạch chủ tuýp B là cần thiết trong các trường hợp có biến chứng với đặc điểm là đau dai dẳng, có hội chứng thiếu máu tạng hoặc chi, tăng huyết áp không kiểm soát và giãn động mạch chủ.

Hiện nay, can thiệp nội mạch cũng được khuyến cáo ngay cả khi không có biến chứng ban đầu vì nó mang lại lợi ích tiên lượng lâu dài.

SỰ KHÁC NHAU GIỮA CAN THIỆP NỘI MẠCH VÀ MỔ HỞ?

Khác với mổ hở là có vết rạch dài ở bụng hoặc ngực, can thiệp nội mạch chỉ cần hai vết rạch nhỏ ở vùng bẹn. Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật mất 2 đến 3 giờ để hoàn thành, ngắn hơn nhiều so với chỉnh sửa bằng mổ hở (thường kéo dài 8 giờ trở lên).

Đặt stent-graft động mạch bằng can thiệp nội mạch và mổ hở đều được thực hiện để phòng ngừa vỡ phình động mạch chủ bụng hay ngực hoặc để điều trị bóc tách động mạch chủ. Sự khác biệt là can thiệp nội mạch đặt stent-graft vào trong túi phình hoặc ngay trước vết rách ở động mạch chủ trong trường hợp có bóc tách, mà không cần cắt bỏ mô khỏi động mạch chủ và cũng không cần mổ hở bụng hoặc hở ngực.

Do ít xâm lấn hơn mổ hở nên thời gian hồi phục khi đặt stent-graft động mạch thường nhanh hơn. Hầu hết bệnh nhân có thể trở về nhà trong vòng một tuần và trở lại các hoạt động thông thường sau 4 đến 6 tuần.

NGUY CƠ CỦA PHẪU THUẬT?

Đặt stent-graft động mạch là một thủ thuật rất an toàn và an toàn hơn mổ hở bụng hoặc mổ hở lồng ngực thông thường.

Các biến chứng có thể xảy ra sau khi đặt stent-graft động mạch bao gồm rò rỉ máu quanh stent-graft, stent-graft di chuyển khỏi vị trí ban đầu và vỡ stent. Các biến chứng hiếm gặp bao gồm liệt, tổn thương thận, có vết bầm tím lớn nơi luồn ống thông vào và nhiễm trùng.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA TRONG QUÁ TRÌNH PHẪU THUẬT?

Bệnh nhân sẽ được an thần và gây tê hoặc gây mê toàn thân (để ngủ). Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành phẫu thuật bằng cách đâm xuyên da hoặc rạch một đường nhỏ ở vùng bẹn và thực hiện phẫu thuật qua những lỗ đó. Các ống thông được luồn vào đường rạch để dẫn đường và đưa stent-graft động mạch vào trong lòng mạch máu đến túi phình hoặc nơi bị bóc tách. Stent-graft động mạch là một vật liệu nhân tạo hình ống, được tạo bởi một khung hình lưới kim loại giúp giữ vững cho điểm yếu trong động mạch chủ.

Dưới hướng dẫn của tia X, bác sĩ phẫu thuật đặt stent-graft động mạch vào nơi phình động mạch hoặc bóc tách. Sau đó, stent-graft động mạch được mở ra bên trong động mạch chủ và giữ cố định bằng stent và móc kim loại thay vì chỉ khâu.

Phẫu thuật này thường mất từ 2 đến 3 giờ. Bệnh nhân sẽ nằm viện vài ngày. Thời gian hồi phục hoàn toàn sẽ mất khoảng một tháng.

TÁC DỤNG PHỤ CỦA ĐIỀU TRỊ?

Tương tự như tất cả các loại phẫu thuật khác, bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi mệt trong vài tuần, có thể xuất hiện phản ứng viêm khi máu ngừng chảy qua túi phình. Tình trạng viêm có thể gây sốt nhẹ (dưới 38°C), khiến bệnh nhân cảm thấy như bị cúm, nhưng các triệu chứng sẽ khỏi sau vài ngày.

Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được stent trong cơ thể cũng như sẽ không nhận thấy sự khác biệt về khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày và có thể trở lại với các hoạt động đó mà không có bất kỳ hạn chế nào.

KẾT QUẢ PHẪU THUẬT?

Bác sĩ sẽ thảo luận về kết quả phẫu thuật với bệnh nhân. Phẫu thuật đặt stent-graft động mạch thường mang lại kết quả rất tốt.

Bệnh nhân cần tái khám để theo dõi stent-graft động mạch, nhưng hầu hết bệnh nhân đều có cuộc sống bình thường sau phẫu thuật. Thông thường, những bệnh nhân bị phình hoặc bóc tách động mạch chủ nên tuân theo một lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống phù hợp và tập thể dục thường xuyên.

Zalo