Sốt xuất huyết DENGUE

SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE LÀ GÌ? 

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh do 1 trong 4 chủng vi-rút Dengue khác nhau gây ra. Bệnh lây qua vết muỗi đốt, thường gặp nhất là muỗi Aedes aegypti, loài muỗi này thường hiện diện ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết Dengue rất phổ biến.

CÁC TRIỆU CHỨNG LÀ GÌ? 

  • Sốt cao đột ngột, có thể lên đến 40,5°C
  • Đau đầu, đau 2 hốc mắt
  • Đau cơ, đau khớp
  • Chán ăn, buồn nôn, nôn ói
  • Đau họng
  • Nghẹt mũi
  • Phát ban – có thể gây ngứa và xuất hiện sau vài ngày khởi phát sốt
  • Bầm da.

Các triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue thường kéo dài từ 2-7 ngày. Hầu hết bệnh nhân đều phục hồi trong vòng một tuần.

SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

Các triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue nặng có thể xuất hiện trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi hết sốt.

  • Khoảng 1/20 số bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue sẽ có các triệu chứng nặng.
  • Bạn có nhiều nguy cơ mắc sốt xuất huyết Dengue nặng nếu đã từng bị sốt xuất huyết Dengue trước đó.
  • Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và người lớn tuổi có nhiều nguy cơ mắc sốt xuất huyết Dengue nặng.
  • Chảy máu khi mắc sốt xuất huyết Dengue là do số lượng tiểu cầu thấp; tiểu cầu là một trong các thành phần máu giúp đông máu và ngăn ngừa tình trạng chảy máu quá mức. Số lượng tiểu cầu bình thường là 150.000 – 450.000/mL.

Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết Dengue nặng bao gồm:

  • Mệt, bứt rứt hoặc vật vã (kích thích)
  • Đau bụng nhiều ở vùng thương vị hoặc vùng gan
  • Nôn ói nhiều (≥ 3 lần trong vòng 1 giờ hoặc ≥ 4 lần trong vòng 6 giờ)
  • Chảy máu mũi hoặc nướu răng
  • Nôn ra máu hoặc tiêu tiểu ra máu
  • Xuất huyết âm đạo bất thường
  • Xuất huyết dưới da (bầm da)
  • Khó thở, thở nhanh.

Hãy đến ngay Khoa Tai nạn & Cấp cứu nếu bạn hoặc con bạn có một trong các dấu hiệu cảnh báo

Các dấu hiệu sốt xuất huyết Dengue rất nặng bao gồm:

  • Hạ huyết áp / sốc do thất thoát huyết tương
  • Chảy máu nhiều
  • Suy tạng
  • Nguy cơ tử vong do các biến chứngliên quan sốt xuất huyết Dengue rất thấp, dưới 1% nếu được điều trị hỗ trợ sớm.

CÁCH CHẨN ĐOÁN SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE? 

Sốt xuất huyết Dengue được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu.

Ngoài ra, bạn hoặc con bạn có thể được yêu cầu thực hiện xét nghiệm công thức máu hàng ngày để đánh giá số lượng tiểu cầu.

CÁCH ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE? 

Hiện chưa có thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Phần lớn các ca bệnh đều nhẹ và tự khỏi, không cần nhập viện. Việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và giảm triệu chứng:

  • Nghỉ ngơi tại giường
  • Hạn chế các hoạt động như chạy bộ và tránh các môn thể thao để giảm nguy cơ té ngã và chấn thương, từ đó phòng ngừa tình trạng chảy máu không cần thiết
  • Bù dịch/nước: uống nhiều nước để tránh mất nước do nôn ói và sốt cao
  • Dùng acetaminophen (Tylenol) hoặc paracetamol để giảm đau và hạ sốt. Không dùng aspirin hoặc các loại thuốc kháng viêm không steroid khác, như ibuprofen (Advil, Motrin) vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu
  • Ngoài ra, nên tránh đánh răng cho trẻ nếu trẻ có số lượng tiểu cầu quá thấp vì có thể gây chảy máu nướu răng. Không để trẻ ngoáy mũi hoặc xì mũi mạnh vì có thể gây chảy máu mũi.

Nếu bị sốt xuất huyết Dengue nặng, bạn phải nhập viện để điều trị. Việc điều trị tại bệnh viện sẽ bao gồm điều trị hỗ trợ bằng thuốc giảm đau, bù dịch và chất điện giải, theo dõi mạch, huyết áp và đôi khi cần truyền máu. 

CÁCH PHÒNG NGỪA SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE? 

Cách tốt nhất để phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue là tránh bị muỗi đốt. Hiện tại, Việt Nam chưa có vắc xin phòng sốt xuất huyết Dengue. 

  • Lập kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời vào những thời điểm ít có muỗi. Tránh ở ngoài trời vào lúc bình minh, hoàng hôn và chiều tối, khi có nhiều muỗi.
  • Ở trong nhà có máy điều hòa hoặc được che chắn tốt.
  • Kiểm tra các nguồn nước đọng gần nhà và sân vườn – đây là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue sinh sản và là nơi ấu trùng sinh sống.
  • Sử dụng thuốc thoa ngoài da có hoạt chất DEET với nồng độ 10-30% để chống muỗi. KHÔNG thoa DEET trên da tay của trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi. Thay vào đó, nên che chắn xe đẩy hoặc nôi của trẻ sơ sinh bằng màn (mùng) chống muỗi khi ra ngoài. Phụ nữ mang thai nên hạn chế dùng thuốc chống muỗi có chứa DEET và nên thoa trên quần áo thay vì trên cơ thể.

BẠN HOẶC CON BẠN CÓ THỂ TRUYỀN BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE CHO NGƯỜI KHÁC KHÔNG? 

Không, vì bệnh không truyền trực tiếp từ người sang người. Sốt xuất huyết Dengue chỉ lây qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh. 

BẠN HOẶC CON BẠN CÓ THỂ NHIỄM BỆNH LẦN NỮA KHÔNG? 

Có thể. Hiện có 4 chủng vi-rút gây bệnh sốt xuất huyết Dengue. Nhiễm chủng vi-rút nào thì sẽ miễn dịch với chủng vi-rút đó. Vì vậy, bạn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu mắc các chủng vi-rút khác sau này.

Zalo