Chụp và Nong Mạch Vành (Can Thiệp Mạch Vành Qua Da)

Bệnh động mạch vành là gì?

Động mạch vành là động mạch cung cấp máu cho tim. Có hai động mạch chính là động mạch vành trái và động mạch vành phải.

Bệnh động mạch vành là do sự tích tụ của chất béo tạo ra mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc nghẽn một hoặc nhiều động mạch. Triệu chứng đau hoặc khó chịu thường ở ngực, do lượng máu đến cơ tim không đủ, gọi là đau thắt ngực. Động mạch vành khi bị tắc nghẽn hoàn toàn sẽ gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim.

 

Chụp mạch vành và can thiệp nong mạch vành là gì?

Chụp mạch vành là thủ thuật chụp X quang có sử dụng chất cản quang bơm vào mạch vành, nhằm phát hiện các động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn.

Thủ thuật can thiệp mạch vành (PCI, còn gọi là nong mạch vành hoặc đặt stent) là thủ thuật dùng để điều trị hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch vành. Trong quá trình can thiệp, bác sĩ sẽ bơm phồng một quả bóng nhỏ trong thời gian ngắn, rồi xì hơi trong động mạch vành, để giúp nong động mạch và ép các mảng xơ vữa vào thành động mạch. Tiếp theo, bác sĩ sẽ đặt stent, là một ống lưới nhỏ bằng thép không gỉ, vào động mạch đã nong để giữ động mạch mở rộng nhằm đảm bảo việc cung cấp máu qua động mạch được duy trì. Khi cần, bác sĩ có thể đặt nhiều stent .

Thủ thuật được thực hiện như thế nào?

Thủ thuật thường được thực hiện xuyên qua mạch máu ở cổ tay hoặc vùng bẹn. Bệnh nhân sẽ được gây tê vùng da quanh khu vực thực hiện thủ thuật, hiếm khi phải dùng thuốc an thần. Sau đó, bác sĩ rạch một đường nhỏ ở cổ tay hoặc vùng bẹn. Một ống nhựa mỏng, dài (sheath) được luồn vào mạch máu. Ống này được giữ tại chỗ trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật và có chức năng dẫn đường để giúp đưa các ống thông và dây dẫn vào, rồi dẫn đến tim. Trong quá trình thao tác bệnh nhân có thể cảm thấy người nóng hơn nhưng không có gì phải lo lắng.

Bác sĩ quan sát các động mạch vành này trên màn hình X-quang.

Trong lúc thao tác, có thể dùng thêm một số thiết bị cơ học để hoàn thành thủ thuật bao gồm dây dẫn áp lực, máy khoan mảng xơ vữa và siêu âm nội mạch (IVUS).

Nếu chỗ hẹp mạch vành này không cần nong và đã hoàn thành khảo sát, ống thông được rút ra nhẹ nhàng. Nếu chỗ hẹp mạch vành này cần phải nong, một sợi dây mỏng được đưa qua ống nhựa mỏng đã được luồn vào mạch máu và trên sợi dây này, một quả bóng được đưa vào và bơm phồng lên tại chỗ hẹp để giúp ép chặt các mô mỡ (mảng xơ vữa động mạch hoặc mảng bám).

Tiếp theo, stent được đặt vào chỗ hẹp của động mạch vành. Stent nằm trên quả bóng được bơm phồng và mở rộng ra. Stent đóng vai trò như một giá đỡ để giữ cho thành mạch máu mở rộng, khôi phục tốt lưu lượng máu. Sau đó bóng được xì hơi và rút ra, nhưng stent vẫn được giữ tại chỗ.

Thời gian thực hiện thủ thuật là bao lâu?

Thủ thuật thường mất khoảng một giờ và điều này có thể thay đổi tùy theo số lượng chỗ hẹp cần nong. Vài thủ thuật xử lý tắc nghẽn có thể phức tạp hơn và mất nhiều thời gian hơn.

Thủ thuật có gây đau và khó chịu không?

Bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc gây tê tại vị trí đặt ống thông. Thủ thuật thông tim không gây đau, nhưng bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi khó chịu như đau thắt ngực. Đừng lo lắng (vì đây là cảm giác bình thường trong thủ thuật) nhưng cần thông báo cho bác sĩ biết. Nếu có nong mạch vành, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ngực giống như cơn đau thắt ngực ngắn khi bóng được bơm phồng. Cũng đừng lo lắng, hãy thông báo với bác sĩ về điều này.

Thủ thuật có hiệu quả không?

Thủ thuật này thường rất thành công. Tuy nhiên, nếu động mạch bị tắc nghẽn hoàn toàn, tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn. Để giảm nguy cơ hẹp các chỗ khác trong động mạch vành sau này, bệnh nhân sẽ được tư vấn về tầm quan trọng của việc dùng thuốc theo toa và cách phòng ngừa bệnh tim bằng cách thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Các nguy cơ của thủ thuật này?

Các yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng đến nguy cơ của thủ thuật này gồm:

  • Tuổi tác, bệnh tim tiềm ẩn, các bệnh lý khác như tiểu đường hoặc bệnh thận
  • Tuỳ tình trạng của bệnh nhân như thế nào trước thủ thuật, rủi ro sẽ cao hơn nếu thực hiện thủ thuật trong trường hợp cấp cứu, ngay sau khi nhồi máu cơ tim hoặc khi cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc có đau thắt ngực lúc nghỉ ngơi.

Các nguy cơ và biến chứng thường gặp (dưới 5%) bao gồm:

  • Hơi bầm tím tại vị trí chọc kim;
  • Sau khi can thiệp thành công, động mạch vành có thể bị hẹp và tắc nghẽn lại;
  • Mất mạch ở cánh tay sau khi làm thủ thuật động mạch quay (dưới cổ tay);
  • Bầm tím hoặc sưng nhiều tại vị trí chọc kim.

Các nguy cơ và biến chứng ít gặp (1 – 5%) bao gồm:

  • Nhịp tim bất thường liên tục trong thời gian dài. Tình trạng này có thể cần sốc điện để điều trị;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Phẫu thuật chỉnh sửa tại vị trí rạch da: bẹn/cánh tay hoặc mạch máu.

Các nguy cơ và biến chứng hiếm gặp (dưới 1%) bao gồm:

  • Stent có thể đột ngột đóng lại trong tháng đầu tiên. Điều này có thể gây đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim. Có thể điều trị bằng cách thực hiện lại can thiệp mạch vành hoặc phẫu thuật;
  • Phẫu thuật tim cấp cứu do biến chứng của thủ thuật;
  • Phản ứng dị ứng với chất cản quang. Tình trạng này thường rất nhẹ và thoáng qua, như phát ban trên da;
  • Phản ứng với các loại thuốc đã dùng để phòng ngừa đông máu;
  • Suy chức năng thận (thường có thể hồi phục) do tác dụng phụ của chất cản quang
  • Đột quỵ. Tình trạng này có thể gây tổn thương lâu dài;
  • Vỡ mạch máu, đòi hỏi phải phẫu thuật chỉnh sửa và truyền máu;
  • Hội chứng khoang (tăng áp lực trong khoang giải phẫu gây ra tình trạng tưới máu kém);

Tử vong do thủ thuật này rất hiếm gặp:

  • Đối với bệnh nhân điều trị theo chương trình: xảy ra từ 1 đến 2 bệnh nhân trên 1000 ca chụp mạch vành, từ 1 đến 3 bệnh nhân trên 100 ca nếu tiến hành nong mạch vành;
  • Đối với bệnh nhân điều trị cấp cứu: chiếm 0,1 – 0.5% hoặc từ 1 đến 5 bệnh nhân trên 1000 ca chụp mạch vành, chiếm 3-10% hoặc từ 3 đến 10 bệnh nhân 100 ca nếu tiến hành nong mạch vành hoặc thậm chí còn cao hơn trong trường hợp sốc tim.

Sau thủ thuật

  • Sau thủ thuật, bệnh nhân sẽ được lưu lại Khoa Tim mạch bệnh viện để theo dõi mạch và huyết áp.
  • Bác sĩ sẽ kiểm tra vết thương và tuần hoàn máu tại chi đã thực hiện thủ thuật.
  • Bệnh nhân được ăn uống trở lại.
  • Bệnh nhân có thể cảm thấy hơi đau khi thuốc tê hết tác dụng; nếu cần thuốc giảm đau, hãy thông báo bác sĩ.
  • Nếu can thiệp mạch vành theo chương trình, sau khi thực hiện thủ thuật, phần lớn bệnh nhân có thể về nhà vào buổi sáng ngày hôm sau, nếu thực hiện trong trường hợp cấp cứu, thời gian nằm viện phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

Điều gì sẽ xảy ra khi về nhà?

  • Hãy yêu cầu bạn bè hoặc thân nhân đến đón và đưa bệnh nhân về nhà.
  • Nếu can thiệp mạch vành theo chương trình, bệnh nhân thường có thể trở lại các hoạt động bình thường sau 48 giờ.
  • Nếu vết thương ở cổ tay hoặc chân bị đỏ, ngứa hoặc sưng, hãy thông báo với bác sĩ
  • Bệnh nhân thường có thể lái xe trở lại 48 giờ sau thủ thuật.
  • Stent được giữ lại trong cơ thể suốt đời. Sau thủ thuật, bệnh nhân sẽ dùng thuốc để giảm nguy cơ đông máu và tắc nghẽn stent, đó là thuốc chống kết tập tiểu cầu; bệnh nhân cần kết hợp hai loại thuốc này, thường là aspirin và Clopidogrel (Plavix®).
Zalo