Giải thích về kế hoạch sinh con của bạn – Kế hoạch sinh con

GIẢI THÍCH VỀ KẾ HOẠCH SINH CON CỦA BẠN

Kế hoạch sinh con là một tài liệu giúp cho đội ngũ nhân viên y tế biết rõ sự lựa chọn của sản phụ về các vấn đề như cách kiểm soát đau trong khi chuyển dạ hoặc cách chăm sóc em bé sau khi sinh mà sản phụ mong muốn. Xin lưu ý rằng sản phụ không thể kiểm soát được tất cả mọi khía cạnh của cuộc chuyển dạ và cuộc sinh, nên cần ứng xử linh hoạt khi xảy ra vấn đề nào đó đòi hỏi đội ngũ nhân viên chăm sóc y tế phải thay đổi kế hoạch sinh con của sản phụ. Tuy nhiên một kế hoạch chăm sóc in ra trên giấy sẽ giúp sản phụ ghi rõ nguyện vọng của mình. Bác sĩ và nữ hộ sinh rất sẵn sàng hỗ trợ sản phụ điền tài liệu này.

Lưu ý rằng, sản phụ có thể thay đổi nguyện vọng của mình vào bất kỳ lúc nào.


SINH CON QUA NGẢ ÂM ĐẠO
CHUYỂN DẠ VÀ SINH CON

Môi trường

Chúng tôi mời sản phụ tham quan khu vực phòng sanh trước khi sinh để hiểu rõ hơn về các dịch vụ mà bệnh viện có thể cung cấp cho sản phụ.

Theo dõi

Nhịp tim thai sẽ được theo dõi trong suốt quá trình chuyển dạ. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà việc theo dõi có thể được thực hiện ngắt quãng hoặc liên tục. Lưu ý rằng trong một số trường hợp, việc theo dõi liên tục là cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho bé.

Kiểm soát đau

Có nhiều phương pháp khác nhau để giúp sản phụ đối phó với cơn đau trong chuyển dạ và sinh con, từ việc dùng cách thở đặc biệt đến sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Một khi cơn đau được kiểm soát, cuộc sinh sẽ dễ dàng hơn. Sản phụ có thể chọn lựa phương pháp sinh con tự nhiên (không dùng thuốc giảm đau), tuy nhiên khi cơn đau trở nên quá sức đối với mình, sản phụ vẫn có thể đề nghị thực hiện phương pháp giảm đau.

Chuyển dạ

Nếu cuộc chuyển dạ của sản phụ diễn tiến quá chậm, bác sĩ có thể đề nghị làm vỡ màng ối hoặc bắt đầu truyền oxytocin qua đường tĩnh mạch. Oxytocin là một loại nội tiết tố giúp các cơn gò trở nên mạnh hơn và thường xuyên hơn.

SINH CON

Thời gian rặn sinh

Sản phụ có thể chọn trong kế hoạch sinh con của mình cách rặn sinh theo hướng dẫn hoặc rặn sinh theo bản năng.

Can thiệp y khoa

Kềm hoặc giác hút không được sử dụng thường xuyên, tuy nhiên có những trường hợp đầu của bé không lọt qua kênh dẫn sinh như mong muốn. Nếu gặp trường hợp này, bác sĩ có thể cần sự hỗ trợ của kềm hoặc giác hút để sinh bé.

Cắt tầng sinh môn là một thủ thuật mà bác sĩ có thể thực hiện để cắt phần giữa âm đạo và hậu môn nhằm tránh nguy cơ rách tầng sinh môn và để mở rộng âm đạo cho bé nếu cần. Thủ thuật cắt tầng sinh không được sử dụng thường xuyên, nhưng trong một vài trường hợp bác sĩ sản khoa có thể đề nghị thực hiện thủ thuật này.

Ngay sau khi sinh

Sau khi em bé chào đời và được cắt rốn, có thể thu thập máu cuống rốn và tế bào cuống rốn của em bé từ dây rốn trong đó có chứa các tế bào đặc biệt gọi là tế bào gốc. Các tế bào này có thể được sử dụng cho nhu cầu y khoa của bé trong tương lai. Nếu sản phụ muốn thực hiện dịch vụ này, vui lòng liên hệ nhân viên tiếp tân ở tầng 1 để có thêm tất cả thông tin cần thiết.

Tại bệnh viện FV, chúng tôi đặc biệt khuyến khích việc đặt bé lên da của mẹ sau khi sinh. Phương pháp da kề da này giúp tạo sự gắn kết với em bé mới sinh và giúp sản phụ có cơ hội bắt đầu cho con bú trong giờ đầu tiên sau khi sinh.

Phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ đặc biệt được khuyến khích vì sữa mẹ là nguồn sinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh.

SINH CON QUA NGÃ ÂM ĐẠO SAU LẦN SINH MỔ

Nếu muốn thực hiện phương pháp sinh con qua ngả âm đạo sau khi đã sinh mổ lần trước, chúng tôi động viên sản phụ bằng việc cho sản phụ biết rằng khoảng 80% phụ nữ đã trải qua lần sinh mổ trước vẫn có thể sinh con qua ngả âm đạo thành công.

SINH MỔ LẤY THAI CHỦ ĐỘNG

Sinh mổ lấy thai chủ động là việc sinh mổ theo kế hoạch; đó có thể là sinh mổ theo yêu cầu của bệnh nhân hoặc sinh mổ vì lý do y khoa.

Sản phụ có thể yêu cầu chồng/bạn trai hoặc thân nhân có mặt trong phòng mổ để chụp hình hay quay phim, hoặc thảo luận về các phương pháp gây tê và thu thập máu cuống rốn. Chúng tôi khuyến khích phương pháp da kề da ngay sau khi sinh và cho con bú sữa mẹ trong giờ đầu tiên sau khi sinh.

Lưu ý rằng sự hiện diện của chồng/bạn trai hoặc thân nhân có thể bị từ chối khi chúng tôi lo ngại các biến chứng có thể xảy ra hoặc khi cuộc mổ không được thực hiện với gây tê tủy sống/gây tê ngoài màng cứng.

TẠI KHOA SẢN

Nuôi con

Bệnh viện FV nhận thấy sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh đồng thời công nhận việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng là phương pháp nuôi con lý tưởng nhất.

Đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên môn của chúng tôi sẽ giúp các bà mẹ tương lai chuẩn bị và hỗ trợ cho các bà mẹ mới sinh trong cuộc hành trình này.

Sự gắn kết

Bệnh viện FV khuyến khích mẹ và bé ở chung phòng trong suốt thời gian nằm viện. Việc ở chung phòng rất tốt cho cả mẹ và bé. Người mẹ khi ở chung phòng với bé có thể chăm sóc bé ngay khi bé có dấu hiệu đòi bú, giúp mẹ tạo ra nguồn sữa dồi dào bằng cách thúc đẩy việc xuống sữa.

KẾ HOẠCH SINH CON

Tại bệnh viện FV, chúng tôi biết rằng mỗi lần sinh con đều là một trải nghiệm duy nhất. Vì thế chúng tôi đã biên soạn tài liệu này để giúp sản phụ lập kế hoạch cho từng giai đoạn khác nhau trong quá trình trải nghiệm việc sinh con. Sản phụ vui lòng nêu rõ sự lựa chọn và chia sẻ kế hoạch sinh con của mình với bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh. Chúng tôi mong muốn được chăm sóc cho sản phụ cùng gia đình sản phụ trong khoảng thời gian đặc biệt này cũng như mong muốn mang đến cho sản phụ một trải nghiệm đáng nhớ và an toàn.

Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì trong khả năng hiện có để thực hiện mong muốn của sản phụ nhưng xin lưu ý rằng vì sự an toàn của sản phụ và em bé mà chúng tôi có thể phải thực hiện một vài thay đổi ngoài dự kiến.


Sản phụ dự định sẽ:

  • Sinh con qua ngả âm đạo,
  • Sinh con qua ngả âm đạo sau lần sinh mổ trước,
  • Sinh mổ lấy thai.
SINH CON QUA NGÃ ÂM ĐẠO
CHUYỂN DẠ & SINH CON

Môi trường:

  • Sản phụ thích có ánh sáng dịu nhẹ,
  • Sản phụ muốn nghe nhạc trong quá trình chuyển dạ,
  • Sản phụ dự định mang theo nhạc của mình,
  • Sản phụ muốn xem TV trong quá trình chuyển dạ, nên vui lòng báo trước các chương trình hiện có của bệnh viện,
  • Sản phụ muốn hạn chế khách thăm bệnh,
  • Sản phụ muốn chồng /bạn trai ở bên cạnh trong quá trình chuyển dạ và sinh con,
  • Sản phụ muốn có sự hiện diện của các con; sản phụ hiểu rằng cần phải có người lớn khác để giám sát trẻ em dưới 16 tuổi,
  • Sản phụ muốn được chụp hình hoặc quay phim quá trình chuyển dạ.

Theo dõi:

  • Sản phụ muốn được theo dõi cơn gò và tim thai ngắt quãng để:
    • Đi lại,
    • Sử dụng bóng,
  • Sản phụ muốn được theo dõi cơn gò và tim thai liên tục.


Kiểm soát đau:

  • Sản phụ thích cuộc chuyển dạ mà không dùng thuốc giảm đau hơn – Vui lòng không hỏi về việc sử dụng thuốc giảm đau; nếu cần giảm đau, sản phụ sẽ yêu cầu,
  • Khi cuộc chuyển dạ đang tiến triển, sản phụ sẽ quyết định là mình có cần sử dụng thuốc giảm đau hay không,
  • Sản phụ muốn thử các phương pháp giảm đau khác trước khi đề nghị được gây tê ngoài màng cứng,
  • Sản phụ muốn được gây tê ngoài màng cứng sớm nhất có thể.

Quá trình chuyển dạ:

  • Sản phụ muốn nữ hộ sinh có mặt bên cạnh lâu nhất có thể trong quá trình chuyển dạ,
  • Sản phụ muốn để màng ối vỡ tự nhiên,
  • Sản phụ không thích truyền oxytocin.
SINH CON

Thời gian rặn sinh:

  • Sản phụ muốn được rặn sinh theo thời điểm và theo cách rặn mà sản phụ thấy mình nên làm,
  • Sản phụ muốn rặn sinh theo hướng dẫn (khi nào và trong bao lâu),
  • Sản phụ muốn sử dụng gương để nhìn thấy bé chào đời,
  • Sản phụ muốn chạm vào đầu của bé khi lộ ra ngoài.

Can thiệp y khoa:

  • Chỉ sử dụng kềm hoặc giác hút khi có chỉ định y khoa (ví dụ: nếu bé có các dấu hiệu suy thai),
  • Tránh cắt tầng sinh môn, nếu có thể.

Ngay sau khi sinh:

  • Sản phụ thích chồng/bạn trai cắt rốn bé hơn,
  • Sản phụ dự định thu thập máu cuống rốn của bé,
  • Sản phụ muốn giữ bé da kề da ngay sau khi sinh,
  • Sản phụ muốn những đánh giá ban đầu của bé được thực hiện với sự có mặt của chồng/bạn trai,
  • Sản phụ muốn cho con bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ sau khi sinh.
SINH MỔ LẤY THAI CHỦ ĐỘNG
  • Sản phụ muốn bé chào đời bằng phương pháp sinh mổ lấy thai,
  • Sản phụ muốn gây tê tủy sống/gây tê ngoài màng cứng,
  • Sản phụ muốn chồng/bạn trai hoặc thân nhân có mặt trong phòng mổ,
  • Sản phụ muốn chồng/bạn trai /thân nhân chụp ảnh và/hoặc quay phim,
  • Sản phụ dự định thu thập máu cuống rốn của bé,
  • Sản phụ muốn giữ bé da kề da ngay sau khi sinh,
  • Sản phụ muốn những đánh giá ban đầu của bé được thực hiện với sự có mặt của chồng/bạn trai,
  • Sản phụ muốn cho bé bú sữa mẹ ở phòng hồi sức, trong vòng 1 giờ sau khi sinh.
TẠI KHOA SẢN

Cho bé bú

  • Sản phụ dự định cho bé bú sữa mẹ,
  • Sản phụ không cho bé bú bình hoặc nước đường trừ khi có chỉ định y khoa,
  • Sản phụ muốn được tư vấn về việc nuôi con bằng sữa mẹ,
  • Sản phụ không muốn bé dùng núm vú giả,
  • Nếu mẹ và bé phải ở riêng vì lý do y khoa, sản phụ muốn hút sữa và cho bé bú bằng sữa này,
  • Sản phụ dự định cho bé bú sữa công thức (sản phẩm thay thế sữa mẹ).

Sự gắn kết

  • Sản phụ muốn mẹ và bé ở cùng phòng,
  • Sản phụ muốn bé được chăm sóc trong phòng dưỡng nhi vào buổi tối.

Zalo