Phá Thai Tự Nguyện

QUYẾT ĐỊNH CỦA BẠN

Việc quyết định dừng hoặc tiếp tục thai kỳ là điều không hề đơn giản hay dễ dàng và bạn cần đủ thời gian để bản thân đưa ra lựa chọn tốt nhất. Hãy trao đổi với người thân, bạn bè và những người bạn tin tưởng. Bạn cũng có thể đến Bệnh viện FV và tham khảo lời khuyên từ bác sĩ và nếu muốn, bạn có thể đặt hẹn với chuyên viên tâm lý để ra quyết định cho chính mình.

LỰA CHỌN CỦA BẠN LÀ GÌ?

Có hai hình thức phá thai để bạn lựa chọn:

  • Phá thai ngoại khoa là thủ thuật cần phải gây mê và thực hiện trong phòng mổ;
  • Phá thai nội khoa là dùng thuốc thay vì phẫu thuật. Quy trình này đòi hỏi bạn cần dùng hai loại thuốc cách nhau 24 – 48 giờ để làm sảy thai. Phương pháp này chỉ phù hợp cho các thai kỳ ở giai đoạn sớm (<9 tuần);
  • Cả hai hình thức trên đều an toàn và hiệu quả để chấm dứt thai kỳ.

Tùy vào mức độ phát triển của thai kỳ, tổng trạng, tình trạng bệnh lý và mong muốn cá nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn hình thức phù hợp.

Cả hai hình thức phá thai trên đều là thủ thuật y khoa an toàn, tuy nhiên vẫn có một số ít biến chứng có thể xảy ra.

Rủi ro phá thai ở giai đoạn sớm là chấm dứt thai kỳ thất bại và cần phải thực hiện một thủ thuật khác. Trường hợp này rất hiếm gặp với tỷ lệ dưới 1/100.

BÁC SĨ CÓ THỂ TỪ CHỐI THỰC HIỆN PHÁ THAI KHÔNG?

Bác sĩ có quyền từ chối thực hiện phá thai vì lý do y đức nhưng phải giới thiệu một bác sĩ khác để hỗ trợ bạn tốt nhất.

BẠN MONG ĐỢI GÌ TRƯỚC KHI PHÁ THAI?

Bác sĩ sản khoa sẽ giải thích về thủ thuật và giải đáp tất cả thắc mắc của bạn. Đồng thời, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, thực hiện thăm khám lâm sàng và cho bạn thử thai. Siêu âm có thể được thực hiện để xác định ngày mang thai và loại trừ tình trạng thai ngoài tử cung. Thai phụ sẽ được yêu cầu ký giấy chấp thuận.

PHÁ THAI NỘI KHOA

Phá thai nội khoa sử dụng hai loại thuốc để chấm dứt thai kỳ. Loại thứ nhất (thuốc ức chế hoóc-môn gọi là mifepristone) làm suy yếu sự gắn kết của phôi thai với tử cung. Loại thứ hai (thuốc prostaglandin gọi là misoprostol) dùng qua đường uống hoặc đặt vào âm đạo một vài ngày sau đó, làm co thắt tử cung và gây chảy máu để tống phôi thai ra ngoài, thường diễn ra trong vòng từ 4 đến 6 giờ.

Khi thực hiện phá thai nội khoa, thai phụ sẽ bị co thắt mạnh hơn và chảy máu nhiều hơn so với hành kinh. Tình trạng chảy máu và máu đông thường kéo dài khoảng 9 – 16 ngày. Việc tái khám là cần thiết nhằm đảm bảo sảy thai trọn vẹn.

Biến chứng thường rất hiếm gặp. Một số ít thai phụ cần phải hút thai do chảy máu nhiều hoặc do thủ thuật phá thai nội khoa thất bại. Và việc truyền máu do chảy máu quá nhiều cũng rất hiếm gặp.

PHÁ THAI NGOẠI KHOA

Trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, phá thai ngoại khoa thường được thực hiện bằng phương pháp hút thai. Khi hút thai, cổ tử cung (đường đi vào tử cung) được mở rộng  hơn một chút. Sau đó phôi thai được hút ra ngoài qua một ống nhỏ. Thủ thuật này được thực hiện trong phòng mổ và chỉ mất chưa đến 15 phút, tuy nhiên, tính từ khi nhập viện đến khi chuẩn bị phẫu thuật và hồi tỉnh sau gây mê phải mất 4 đến 5 giờ. Sau khi thuốc mê hết tác dụng, bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc sau thủ thuật và cho bạn xuất viện.

Sau thủ thuật, bạn có thể bị co thắt mạnh và tình trạng rỉ máu hoặc chảy máu như khi hành kinh có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần. Biến chứng sau thủ thuật thường hiếm gặp, và nếu có sẽ bao gồm nhiễm trùng, chảy máu quá nhiều, rách cổ tử cung hoặc tử cung, sảy thai không trọn hoặc thai kỳ sẽ tiếp tục phát triển.

Lưu ý là không giao hợp hoặc đặt bất kỳ vật gì vào âm đạo trong một tuần sau thủ thuật vì nguy cơ nhiễm trùng có thể tăng khi cổ tử cung mở.

Bạn có thể tắm, nhưng không nên tắm bồn hoặc đi bơi trong một tuần sau thủ thuật.

Trong quá trình hồi phục, tránh các hoạt động gắng sức trong thời gian ít nhất một tuần, như chơi thể thao hoặc hoạt động thể chất nặng.

Phá thai nội khoaPhá thai ngoại khoa
Tỷ lệ thành công cao (khoảng 98%)Tỷ lệ thành công cao (khoảng 99%)
Không can thiệpCan thiệp vào tử cung
Cần đến bệnh viện ít nhất hai lầnCó thể thực hiện trong một lần nhập viện
Sảy thai diễn ra trong vòng 24 giờ sau lần dùng thuốc thứ hai ở hầu hết phụ nữ.Thủ thuật hoàn thành chưa đến 15 phút
Có thể áp dụng trong giai đoạn sớm của thai kỳCó thể áp dụng trong giai đoạn sớm của thai kỳ
Có thể dùng thuốc giảm đau đường uốngThực hiện gây mê/ an thần
Một số thủ thuật có thể thực hiện tại nhàThủ thuật được thực hiện trong phòng mổ
Thuốc gây ra tình trạng tương tự như sảy thaiBác sĩ sản khoa thực hiện thủ thuật

PHÁ THAI CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CƠ HỘI SINH CON TRONG TƯƠNG LAI?

Có thể nói, việc phá thai đúng cách ít ảnh hưởng đến khả năng mang thai trong tương lai của bạn.

Nếu không xảy ra bất kỳ vấn đề hoặc tổn thương nào khi phá thai thì việc mang thai và sinh con trong tương lai của bạn hoàn toàn có thể.

Một số trường hợp thực tế cho thấy, nếu cổ tử cung bị tổn thương, thì nguy cơ sảy thai và sinh non cũng rất thấp nếu bạn mang thai lần nữa.

NẾU THUỘC NHÓM MÁU RHD-ÂM TÍNH THÌ SAO?

Nếu thuộc nhóm máu RhD-âm tính, bạn thường sẽ được chỉ định tiêm anti-D sau khi phá thai.

TRÁNH THAI

Hãy sử dụng biện pháp tránh thai vì bạn có thể mang thai trong vòng hai tuần sau khi phá thai.

Hầu hết các biện pháp tránh thai đều rất hiệu quả và giảm đáng kể nguy cơ mang thai ngoài ý muốn.

TRÁNH THAI KHẨN CẤP

Thuốc Tránh thai Khẩn cấp (ECP), còn được gọi là “thuốc dành cho buổi sáng hôm sau” giúp tránh thai và loại thuốc này không gây sảy thai.

Nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục không bảo vệ (dù thuốc có hiệu quả lên đến 3-4 ngày).

Bạn có thể gặp bác sĩ để được chỉ định thuốc ECP, hoặc mua ở nhà thuốc.

Hiệu quả tránh thai của thuốc ECP là 85%.

Một lựa chọn khác là dùng vòng tránh thai (IUD) bằng đồng. Phương pháp này có hiệu quả tránh thai đến hơn 99%. Vòng tránh thai phải do bác sĩ được đào tạo chuyên môn đặt vào trong tử cung và hạn dùng lên đến 5-10 năm.

Zalo