Lấy sỏi thận qua da

Sỏi niệu hình thành từ thận. Một số trường hợp sỏi không có bất cứ triệu chứng gì, tuy nhiên nếu không được điều trị thì viên sỏi sẽ lớn dần lên đến mức độ nào đó sẽ gây tổn thương cho thận. Nước tiểu được bài tiết từ thận, chảy qua hai ống nhỏ được gọi là niệu quản để vào bàng quang. Bàng quang là nơi chứa đựng nước tiểu. Nước tiểu sẽ được đẩy ra ngoài (khi đi tiểu) qua một ống được gọi là niệu đạo. Khi viên sỏi gây tắc nghẽn đường tiết niệu và gây đau thì bác sĩ khuyến cáo cần phải lấy đi viên sỏi.

Lấy sỏi thận qua da là gì (LSTQD)?

Lấy sỏi thận qua da là một phương pháp phẫu thuật nội soi để lấy sỏi ra khỏi thận. Khi phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ tạo một đường hầm nhỏ từ hông lưng vào thận. Sau đó đưa máy soi vào tán nhỏ viên sỏi và lấy hết sỏi ra ngoài.

LSTQD có thể giúp bệnh nhân như thế nào?

Từ các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân, bác sĩ sẽ xác định bệnh nhân có một hay nhiều viên sỏi trong thận. Sỏi thận có thể gây đau, suy thận hoặc nhiễm trùng. Không phải tất cả các trường hợp sỏi thận đều gây ra triệu chứng, nhưng nếu không lấy chúng ra thì viên sỏi sẽ tiếp tục lớn dần lên và có thể gây tổn thương thận.

 Những lợi ích của phẫu thuật lấy sỏi qua nội soi thận?

  • Ít mất máu: trong phẫu thuật nội soi, tình trạng mất máu thường ít hơn nhiều so với phẫu thuật mở. Vì vậy, sẽ ít có nguy cơ cần phải truyền máu.
  • Ít đau sau phẫu thuật: do không có vết mổ lớn ở thành bụng nên bệnh nhân sẽ ít cần thuốc giảm đau mạnh sau phẫu thuật; đồng thời bệnh nhân có thể trở lại làm việc và các hoạt động thường ngày sớm hơn so với phẫu thuật mở.
  • Thời gian nằm viện ngắn hơn: hầu hết bệnh nhân sẽ về nhà hai hoặc ba ngày sau khi phẫu thuật (so với trung bình từ năm đến bảy ngày đối với phẫu thuật mở).
  • Vết sẹo nhỏ hơn: phẫu thuật nội soi giúp tránh để lại vết sẹo lớn như phẫu thuật mở (mặc dù vẫn có một vết sẹo nhỏ từ nơi ống soi đi qua da).
  • Tỷ lệ thành công cao: dao động trong khoảng 90-100%, tùy thuộc vào các đặc điểm của sỏi.

Những nguy cơ khi thực hiện LSTQD? 

Mặc dù phẫu thuật này đã được chứng minh là rất an toàn, nhưng cũng như bất kỳ phương pháp phẫu thuật khác thì phương pháp này vẫn có khả năng xảy ra những nguy cơ và biến chứng.

Các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra gồm:

  • Chảy máu trong thận và quanh thận: việc chảy một ít máu sau khi phẫu thuật là điều bình thường; trường hợp chảy máu nhiều đến mức cần phải truyền máu hiếm khi xảy ra (dưới 5% trường hợp phẫu thuật). Nếu máu vẫn tiếp tục chảy thì có thể cần thực hiện một thủ thuật can thiệp đặc biệt dưới X-quang gọi là thủ thuật thuyên tắc mạch chọn lọc để bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể can thiệp bít lại chỗ mạch máu đang chảy máu, ngăn chặn tình trạng xuất huyết. Trường hợp máu vẫn tiếp tục chảy thì cần phải làm phẫu thuật cắt bỏ thận. Biến chứng này rất hiếm khi xảy ra (chưa đến 1/1000 trường hợp);
  • Nhiễm khuẩn: vì một số sỏi có chứa vi khuẩn bên trong, nên bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh để ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn sau khi phẫu thuật. Tình trạng sốt sau khi thực hiện phẫu thuật này là điều bình thường (25% trường hợp), nhưng thường là sốt thoáng qua. Chỉ có 0.5% nguy cơ sốc nhiễm trùng máu;
  • Sót mảnh sỏi vụn: đôi khi không thể lấy sạch sỏi trong quá trình phẫu thuật. Trong những trường hợp này bệnh nhân cần điều trị thêm bằng các phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung lực hoặc phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản hoặc hiếm khi phải thực hiện LSTQD lần thứ hai. Thông thường cuối cuộc mổ, bệnh nhân sẽ được đặt một ống thông niệu quản (là một ống rỗng nhỏ đi từ thận xuống bàng quang của bệnh nhân) để đảm bảo nước tiểu lưu thông từ thận xuống bàng quang hiệu quả;
  • Tụ dịch (nước tiểu) sau phẫu thuật: sau phẫu thuật, hiếm khi có dịch rò rỉ từ thận gây tu dịch bên trong bụng của bệnh nhân. Nếu phát sinh tình trạng tụ dịch nhiều, có thể cần phải dẫn lưu dịch. Thủ thuật này thường được thực hiện tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh. Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần đặt ống thông niệu quản. Ống thông niệu quản sẽ được lưu tạm thời cho đến khi các vấn đề đã ổn định; và có thể được rút ra trong vòng sáu tuần;
  • Tổn thương các cơ quan lân cận.

Nguy cơ thường gặp (hơn 1/10 trường hợp):

  • Đặt tạm thời ống thông niệu đạo bàng quang (ống dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang qua niệu đạo đi ra ngoài) và ống thông niệu quản/ống thông thận. Các ống này sẽ được rút ra sau đó;
  • Nước tiểu có lẫn máu (tạm thời);
  • Sốt thoáng qua.

Nguy cơ ít gặp (khoảng 1/10 đến 1/50 trường hợp):

  • Đôi khi cần thêm một đường hầm vào thận để lấy sạch sỏi;
  • Không đảm bảo lấy sạch sỏi và cần thêm một số thủ thuật hỗ trợ khác để lấy sạch sỏi;
  • Sỏi tái phát;
  • Không tạo được đường hầm vào thận nên cần chuyển sang các phương pháp khác.

Nguy cơ hiếm gặp (ít hơn 1/50 trường hợp):

  • Chảy máu nghiêm trọng ở thận cần truyền máu, thực hiện thuyên tắc mạch hoặc phải dùng đến phương pháp cuối cùng là phẫu thuật cắt bỏ thận
  • Tổn thương phổi, ruột, lá lách, gan nên cần can thiệp phẫu thuật
  • Tổn thương hoặc nhiễm khuẩn thận cần điều trị thêm
  • Hấp thu quá nhiều dịch tưới rửa vào máu trong lúc phẫu thuật dẫn đến rối loạn chức năng tim. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu bệnh nhân không thực hiện LSTQD?

Nếu bệnh nhân quyết định không thực hiện LSTQD, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về những lựa chọn khác. Lưu ý rằng một vài phương pháp thay thế có thể không mang lại kết quả tốt như LSTQD hoặc bệnh nhân có thể không thích hợp với các phương pháp thay thế này. Việc không thực hiện lấy sỏi thận có thể gây tổn thương lâu dài cho thận.

Những phương pháp điều trị thay thế hiện có là gì?

Bác sĩ đã khuyến cáo rằng LSTQD là sự lựa chọn thích hợp nhất để loại bỏ (các) sỏi thận. Tuy nhiên vẫn có một vài phương pháp thay thế. Các phương pháp có thể thay thế bao gồm:

  • Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung lực: phương pháp này sẽ phá vỡ sỏi của bệnh nhân bằng các sóng xung. Sỏi thận sẽ vỡ thành những mảnh vụn nhỏ mà bệnh nhân có thể đi tiểu ra ngoài. Phương pháp này không cần nằm viện;
  • Nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser: là thủ thuật đưa một ống soi vào niệu đạo, đi vào bàng quang của bệnh nhân và đi lên niệu quản đến thận. Sau đó đưa dụng cụ tán sỏi vào để tán sỏi;
  • Phẫu thuật mở thận lấy sỏi: phương pháp này sẽ lấy sỏi qua một đường mổ mở ở hông lưng chứ không sử dụng ống nội soi qua da như là LSTQD.

Thủ thuật LSTQD thường lấy sạch sỏi hơn phương pháp Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung lực và có thời gian hồi phục nhanh hơn phẫu thuật mở thận lấy sỏi. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào từng trường hợp riêng biệt, ví dụ như kích thước và vị trí sỏi trong thận của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ thảo luận chi tiết hơn về các phương pháp thay thế nếu các phương pháp đó thích hợp cho bệnh nhân. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bệnh nhân cảm thấy lo ngại về bất kỳ vấn đề gì.

Yêu cầu sự chấp thuận của bệnh nhân

Bệnh viện muốn bệnh nhân tham gia vào tất cả các quyết định về việc chăm sóc và điều trị của mình. Nếu bệnh nhân quyết định điều trị, theo luật, bệnh viện phải nhận được sự chấp thuận của bệnh nhân và sẽ yêu cầu bệnh nhân ký vào phiếu chấp thuận. Điều này xác nhận bệnh nhân đồng ý thực hiện thủ thuật và hiểu rõ những gì liên quan đến thủ thuật này. Bác sĩ sẽ giải thích tất cả những nguy cơ, lợi ích cũng như các phương pháp thay thế trước khi yêu cầu bệnh nhân ký vào phiếu chấp thuận. Nếu bệnh nhân thắc mắc về bất kỳ vấn đề gì trong kế hoạch điều trị, đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ của mình. 

Bệnh nhân nên chuẩn bị gì để thực hiện LSTQD? 

Bệnh nhân sẽ thăm khám với bác sĩ gây mê một vài ngày trước khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để đảm bảo tim, phổi và thận của bệnh nhân vẫn hoạt động tốt. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra nước tiểu để đảm bảo tình trạng vô khuẩn: nếu bị nhiễm khuẩn niệu thì bệnh nhân phải được điều trị kháng sinh trước khi phẫu thuật.

 

Nếu có hút thuốc, bệnh nhân cần phải ngưng hút thuốc, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ngực hoặc Huyết Khối Tĩnh Mạch Sâu. Hút thuốc cũng có thể làm chậm tiến trình lành vết thương vì nó làm giảm lượng oxy đến các mô trong cơ thể của bệnh nhân.

Bệnh nhân không được uống aspirin hay bất kỳ loại thuốc nào có chứa aspirin trong bảy ngày trước khi phẫu thuật; tránh dùng các loại thuốc kháng viêm như Advil® hay Ibuprofen trong vòng 24 giờ trước khi phẫu thuật. Bệnh nhân phải ngưng tất cả các loại thực phẩm bổ sung, vitamin E và các loại thuốc thảo dược không cần kê đơn từ một đến hai tuần trước khi phẫu thuật (nghiên cứu hiện nay cho thấy vitamin E và một số loại thảo dược có thể làm ức chế sự đông máu).

Nếu bệnh nhân đang dùng các loại thuốc định kỳ theo chỉ định của bác sĩ (ví dụ như bệnh tiểu đường, cao huyết áp hoặc các bệnh khác), vui lòng thông báo cho bác sĩ gây mê trong lúc thăm khám trước phẫu thuật. Các loại thuốc này thường được dùng theo chỉ định nhưng chỉ với một ngụm nước nhỏ trong vòng sáu giờ trước khi thủ thuật.

Không được ăn, nhai kẹo cao su, uống sữa hay nước trái cây với bột trước sáu giờ, và không được uống nước lọc, trà, cà phê có đường hoặc không có đường trong vòng hai giờ trước khi phẫu thuật. Không được hút thuốc hoặc uống rượu bia trong vòng 24 giờ trước khi phẫu thuật.

Điều gì sẽ xảy ra trong quá trình LSTQD?

Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi qua đường rạch trên da vào thận để quan sát hình ảnh bên trong thận của bệnh nhân trên màn hình có Độ Phân Giải Cao trong phòng mổ.

Phẫu thuật này được thực hiện dưới gây mê toàn thân, có nghĩa là bệnh nhân sẽ ngủ trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.

Bác sĩ sẽ bắt đầu phẫu thuật bằng cách đưa ống soi vào bên trong bàng quang. Sau đó đưa ống thông qua niệu quản vào thận. Ống này giúp bơm chất cản quang vào thận để bác sĩ phẫu thuật có thể nhìn thấy thận trên màn hình X-quang.

Chuyển bệnh nhân sang tư thế nằm sấp (mặt úp xuống). Dưới hướng dẫn của X-quang hoặc siêu âm, bác sĩ sẽ chọc dò một kim nhỏ vào thận ở vùng hông lưng của bệnh nhân. Kim chọc dò được xác định vào thận khi có nước tiểu chảy ra. Một đường rạch da 1cm ở hông lưng, nong rộng theo đường kim đi thành đường hầm vào thận đủ để cho phép đưa dụng cụ soi vào thận. Dụng cụ soi và dụng cụ tán bằng laser hoặc siêu âm được đưa qua đường này vào thận để tán vỡ sỏi và gắp hết các mảnh sỏi. Thời gian phẫu thuật kéo dài từ hai đến bốn giờ.

 

Sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ để lại một ống nhỏ trong thận và một ống thông khác trong niệu đạo để đảm bảo dẫn lưu nước tiểu tốt. Đội ngũ y khoa sẽ kiểm tra các ống này hàng ngày và rút ống sau vài ngày tùy thuộc vào diễn tiến lâm sàng của bệnh nhân, nếu có. 

Bệnh nhân nên mong đợi gì sau khi thực hiện LSTQD?

Khi hoàn tất thủ thuật, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng hồi sức và ở lại đó cho đến khi bệnh nhân tỉnh lại sau gây mê: quy trình này mất khoảng một đến hai giờ. Sau đó bệnh nhân được đưa về lầu trại. Nếu bệnh nhân cảm thấy đau hoặc buồn nôn trong phòng hồi sức, vui lòng thông báo cho nhân viên biết để cung cấp thuốc cho bệnh nhân giúp cải thiện tình trạng này.

Trước hết, bệnh nhân cần nằm nghỉ trên giường. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân chuyển động bàn chân và mắt cá chân đồng thời ngọ nguậy các ngón chân để kích thích sự lưu thông máu ở chân. Cách làm này kết hợp với việc hít thở sâu cũng giúp giảm nguy cơ đông máu ở chân bệnh nhân. Hít thở sâu còn giúp bệnh nhân ngăn ngừa các vấn đề về phổi sau khi phẫu thuật.

Nếu bệnh nhân có ống dẫn lưu từ thận, ống này sẽ được nối với túi đựng để dẫn lưu nước tiểu của bệnh nhân. Nước tiểu sẽ có lẫn máu. Điều dưỡng sẽ xả túi thường xuyên và đo lượng nước tiểu thải ra. Thời gian bệnh nhân cần sử dụng ống này sẽ tùy thuộc vào số lượng các mảnh vỡ còn sót lại, máu đông và các mảnh vụn khác. Ống dẫn lưu thường được rút ra sau ngày phẫu thuật, nhưng bệnh nhân có thể cần chụp X-quang để xác định thời gian thích hợp để rút ống. Bệnh nhân cũng có thể có ống thông niệu đạo trong khoảng 24 giờ đầu tiên sau khi phẫu thuật. Đây là một ống thông được đưa vào bàng quang qua niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể). Ống này có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu nên vui lòng thông báo cho bác sĩ biết nếu bệnh nhân gặp phải tình trạng này.

Thời gian nằm viện trung bình cho loại phẫu thuật này là từ hai đến ba ngày sau khi phẫu thuật. 

Bệnh nhân nên làm gì khi về nhà? 

  • Bệnh nhân có thể gặp tình trạng nước tiểu lẫn ít máu kéo dài lên đến hai tuần. Hãy đảm bảo uống thật nhiều nước để giúp cải thiện tình trạng này. Cố gắng uống hai đến ba lít nước lọc, nước ép hoặc nước trái cây mỗi ngày. Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không được uống nhiều hơn hai tách trà hoặc cà phê mỗi ngày và tránh uống rượu trong thời gian đang hồi phục.
  • Bệnh nhân có thể cảm thấy đau quanh vùng phẫu thuật trong vài tuần; bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau để giúp cải thiện tình trạng này.
  • Một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng sẽ giúp tránh táo bón vì việc căng ruột sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Ăn thật nhiều trái cây và rau củ cùng với các loại thực phẩm giàu chất xơ, như bánh mì nguyên hạt, mì ống và gạo. Nếu bệnh nhân cần tư vấn thêm về chế độ ăn uống của mình, vui lòng trao đổi với bác sĩ hoặc điều dưỡng.
  • Tránh nằm trong một thời gian dài, vì việc hạn chế di chuyển sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi hoặc đông máu ở chân bệnh nhân.
  • Tránh nâng hoặc kéo vật nặng trong vòng bốn tuần.
  • Nên thay băng vết thương hằng ngày và kiểm tra quá trình lành vết thương. Không đặt băng ướt lên vết thương. Khi vết thương đã khô và lành (thường trong vòng ba-năm ngày) thì có thể tháo băng.
  • Hãy nghỉ ngơi từ hai đến bốn tuần trước khi quay lại công việc. Nếu công việc của bệnh nhân cần nâng vật nặng hoặc vận động, hãy trao đổi với bác sĩ.
  • Bệnh nhân chỉ nên bắt đầu lái xe trở lại khi có thể thắng gấp mà không cảm thấy lo lắng.
  • Bệnh nhân có thể bắt đầu hoạt động tình dục trở lại sau hai tuần phẫu thuật, miễn là bệnh nhân cảm thấy thoải mái. 

Bệnh nhân sẽ nhận kết quả bằng cách nào? 

  • Bệnh nhân sẽ tái khám với bác sĩ niệu khoa sau bốn đến sáu tuần để kiểm tra xem có bị sót sỏi thận hay không và để đảm bảo nước tiểu được dẫn lưu bình thường từ thận (bằng cách siêu âm hoặc chụp X-quang).
  • Bác sĩ niệu khoa cũng sẽ làm một số xét nghiệm để giúp xác định nguyên nhân gây sỏi thận và thảo luận với bệnh nhân về cách phòng ngừa sỏi thận trong tương lai.

Khi nào tôi cần liên hệ với bác sĩ sau khi phẫu thuật?

Vui lòng liên hệ với bác sĩ nếu bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây sau khi rời bệnh viện:

  • Chảy máu dai dẳng và rò rỉ nước tiểu từ vị trí phẫu thuật;
  • Nước tiểu lẫn máu tươi;
  • Đau dữ dội;
  • Sốt hơn 38ºC;
  • Khó tiểu;
  • Bất kỳ vấn đề nào khác làm bệnh nhân cảm thấy lo ngại.

Chi tiết liên hệ

Để biết thêm thông tin và đặt hẹn, vui lòng liên hệ Khoa Tiết niệu – Bệnh viện FV qua số: (028) 54 11 33 33 – số máy nhánh : 1032.

Zalo