Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA) là một tình trạng phổ biến làm ảnh hưởng đến hô hấp trong khi ngủ. Một người  bị OSA sẽ có nhiều lần xảy ra tình trạng không khí không thể lưu thông bình thường vào phổi trong khi ngủ. Tình trạng tắc nghẽn đường thở này thường do mô mềm ở họng (đường hô hấp trên) và lưỡi bị xẹp xuống trong khi ngủ.

Ngưng thở là tình trạng không hô hấp. Đối với OSA, bạn có thể ngưng thở trong một thời gian ngắn. Thậm chí khi bạn cố gắng thở nhưng chỉ có ít hoặc không có luồng không khí nào đi vào phổi. Chứng ngưng thở tắc nghẽn này thỉnh thoảng xảy ra trong khi ngủ và làm cho bạn phải tỉnh giấc khi đang ngủ ngon.  Tình trạng ngưng thở xảy ra thường xuyên có thể gây ra nhiều vấn đề. Nếu không được điều trị thì theo thời gian có thể phát triển thành các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

OSA thường gặp ở nam giới, phụ nữ sau tuổi mãn kinh và những người trên 65 tuổi. OSA cũng có thể xảy ra ở trẻ em. Một số nhóm người đặc biệt có nguy cơ bị OSA. Những người thừa cân có nhiều khả năng bị OSA. Chứng ngưng thở khi ngủ OSA có thể xảy ra ở những người có a-mi-đan hoặc VA lớn nhưng cũng có thể xảy ra ở những người có kích thước a-mi-đan hoặc VA bình thường và những người có một số vấn đề về xương hàm dưới. Những người có vấn đề về xương hàm dưới thường gặp khó khăn trong việc giữ mô mềm ở họng thông thoáng. Các tình trạng này gọi là tật xương hàm dưới nhỏ và tật tụt xương hàm dưới.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA NGƯNG THỞ TẮC NGHẼN KHI NGỦ?

Có nhiều dấu hiệu để bác sĩ nhận biết bạn bị OSA. Bạn có thể không biết mình bị OSA, nhưng vợ/chồng, thành viên khác trong gia đình, hoặc bạn thân có thể biết rõ các triệu chứng này.

Các triệu chứng thông thường mà bạn có thể gặp trong khi ngủ:

  • Thường ngáy to và làm phiền đến người ngủ cạnh. Tình trạng này có thể lặp đi lặp lại suốt đêm,
  • Có âm thanh nghẹt thở hay thở hổn hển,
  • Có người quan sát thấy việc ngưng thở của bạn trong khi ngủ,
  • Cơ thể chuyển động đột ngột hoặc co giật,
  • Trằn trọc thao thức không yên,
  • Thường xuyên tỉnh giấc khi ngủ.

Các triệu chứng thông thường mà bạn có thể gặp phải trong khi thức:

  • Có cảm giác ngủ không đủ giấc, ngay cả khi đã ngủ nhiều giờ,
  • Đau đầu vào buổi sáng,
  • Khô hoặc đau họng vào buổi sáng do thở bằng miệng trong khi ngủ,
  • Buồn ngủ cả ngày,
  • Kiệt sức hoặc mệt mỏi cả ngày,
  • Thay đổi tính cách, như tâm tính bất thường và khó hòa hợp với người khác,
  • Trí nhớ kém hoặc mất khả năng tập trung.

NHỮNG NGUY HIỂM DO CHỨNG NGƯNG THỞ TẮC NGHẼN KHI NGỦ GÂY RA?

Việc thiếu ngủ có thể làm cho bạn cảm thấy buồn ngủ khi lái xe và gây ra tai nạn. Tình trạng ngưng thở kéo dài có thể dẫn đến bệnh cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ hoặc tử vong sớm.

CÁCH NHẬN BIẾT KHI BẠN MẮC CHỨNG NGƯNG THỞ TẮC NGHẼN KHI NGỦ?

Bạn cần được đánh giá khi có các dấu hiệu của OSA được mô tả ở trên. Hãy thảo luận với nhân viên chăm sóc sức khỏe về các vấn đề của mình. Nhân viên chăm sóc sức khỏe sẽ phân loại một số vấn đề mà bạn đang gặp phải và xác định xem bạn có cần đánh giá chuyên sâu tại bệnh viện hay không.

OSA sẽ được chẩn đoán bằng phương pháp khảo sát giấc ngủ (hoặc đo đa ký giấc ngủ). Phương pháp này thường được thực hiện tại bệnh viện vì cần sắp xếp cho bạn ngủ lại qua đêm. Trong thời gian này, bạn sẽ được theo dõi tình trạng hô hấp, nhịp tim, trạng thái ngủ và nồng độ oxy.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ NGƯNG THỞ TẮC NGHẼN KHI NGỦ?

Chứng ngưng thở khi ngủ có thể được điều trị hiệu quả bằng nhiều phương pháp. Phương pháp điều trị được đề nghị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Nếu chứng OSA của bạn là do thừa cân thì việc giảm cân có thể giúp cho bệnh tự khỏi hoàn toàn. Bạn không được uống rượu/bia ít nhất 4 giờ trước khi ngủ. Nếu ngủ ở tư thế nằm ngửa thì bạn có thể dùng gối hoặc các vật dụng khác giúp đẩy sang tư thế nằm nghiêng. Trong một số trường hợp có thể may một quả bóng vào quần pijama để giúp bạn không trở về tư thế nằm ngửa.

Máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) là một thiết bị phổ biến được chỉ định để điều trị phần lớn các tình trạng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Máy CPAP sẽ thổi không khí (có hoặc không có oxy) từ máy nén vào trong mặt nạ mà bệnh nhân đang đeo vừa vặn trên mũi hoặc miệng trong khi ngủ. Luồng không khí sẽ hoạt động như một thanh nẹp để giữ cho đường thở không bị hẹp lại. Điều này giúp ngăn ngừa sự tắc nghẽn là nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng ngưng thở. Áp lực không khí được điều chỉnh để giúp kiểm soát tình trạng ngưng thở tốt nhất. Khi sử dụng máy CPAP thì bạn cũng sẽ nhận thấy tình trạng ngáy giảm đi rất nhiều.

Có thể điều trị OSA bằng một số thiết bị hoặc phẫu thuật. Loại thiết bị hoặc phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng ngưng thở. Người bệnh ngậm trong miệng dụng cụ hoặc thiết bị (gọi là thiết bị hỗ trợ miệng) trong khi ngủ để giúp đường thở thông thoáng. Phần lớn các thiết bị hỗ trợ miệng hoạt động bằng cách đưa hàm về phía trước hoặc giữ không cho lưỡi làm tắc nghẽn cổ họng. Các thiết bị hỗ trợ miệng có khả năng hỗ trợ rất nhiều cho người mắc chứng ngưng thở khi ngủ ở mức độ nhẹ và không thừa cân. Các thiết bị này thường được đặt riêng và phù hợp với từng người dưới sự giám sát của nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng, là người có chuyên môn về các vấn đề này.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị phương pháp phẫu thuật. Khi a-mi-đan hoặc VA là nguyên nhân gây tắc nghẽn ở họng thì bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt a-mi-đan, nạo VA. Phương pháp phẫu thuật cũng có thể mang lại hiệu quả cho những bệnh nhân có vấn đề về xương hàm dưới. Các phương pháp phẫu thuật khác dùng để điều trị OSA là cắt bỏ các mô mềm ở họng hoặc đưa lưỡi về phía trước. Tuy nhiên, để điều trị OSA thì các phương pháp phẫu thuật này sẽ không hiệu quả bằng máy CPAP và thường dành riêng cho những bệnh nhân sử dụng máy CPAP không thành công.

Các bước cần thực hiện:

  • Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ,
  • Hãy hỏi những người xung quanh xem họ có nghe thấy tiếng ngáy lớn hoặc nhìn thấy bạn ngưng thở trong khi ngủ hay không,
  • Hãy hỏi nhân viên chăm sóc sức khỏe xem bạn có cần thực hiện quy trình khảo sát giấc ngủ hay không
  • Tập thể dục thường xuyên và tiến hành giảm cân nếu bạn đang thừa cân,
  • Không uống rượu/bia, đặc biệt là trước khi ngủ.
Zalo