Phẫu thuật cắt gan

PHẪU THUẬT CẮT GAN LÀ GÌ?

Phẫu thuật cắt gan là phẫu thuật cắt bỏ một phần của gan. Phẫu thuật này thường được thực hiện để loại bỏ các loại bướu gan khác nhau, bao gồm bướu gan nguyên phát (hình thành trong gan) hoặc bướu gan thứ phát (lan từ nơi khác đến gan). Mục đích chính của phẫu thuật cắt gan là loại bỏ hoàn toàn khối bướu và không để sót bất kỳ khối bướu nào.

VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG CỦA GAN?

Gan là cơ quan nội tạng đặc lớn nhất của cơ thể và nằm ở phía trên vùng hạ sườn phải của bụng dưới lồng ngực. Đây là cơ quan thiết yếu của cơ thể mà khi thiếu nó, chúng ta không thể sống được.

Gan giữ chức năng là nguồn cung cấp protein chính cho cơ thể, xử lý phần lớn lượng thức ăn chúng ta tiêu thụ, là “bộ lọc” quan trọng để đào thải thuốc và chất độc, đồng thời giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Gan còn sản xuất ra mật, mật được dự trữ trong túi mật rồi từ đó được bơm vào đường mật chính, đi xuống ruột để giúp hấp thu chất béo.

Gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể tiếp nhận máu từ hai nguồn cung cấp. Máu mang oxy đến từ động mạch gan và máu giàu chất dinh dưỡng đến từ ruột qua tĩnh mạch cửa. Sau đó, máu từ gan đi qua 3 tĩnh mạch gan vào tĩnh mạch chủ để trở về tim.

GAN ĐƯỢC PHÂN CHIA NHƯ THẾ NÀO?

Gan được chia thành thùy phải và thùy trái. Trong mỗi thùy, gan lại được chia thành các phân thùy, dựa vào sự phân chia của các mạch máu trong gan.

Phạm vi cắt gan sẽ tùy thuộc vào kích thước, số lượng và vị trí của khối bướu. Bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ một phần của phân thùy (“cắt hình chêm”), một phân thùy, nhiều phân thùy, toàn bộ thùy gan, hoặc thậm chí lớn hơn một thùy gan.

Gan có khả năng tự sửa chữa và tái tạo (phát triển gan trở lại). Gan có thể được cắt bỏ đến 65%. Phần gan còn lại sẽ tự tái tạo sau phẫu thuật và phát triển trở lại kích thước ban đầu trong khoảng 3 tháng.

 

ĐỐI TƯỢNG BỆNH NHÂN CẦN CẮT GAN?

Hầu hết bệnh nhân cần cắt gan đều do di căn (thứ phát) từ ung thư đại trực tràng (ruột). Ít gặp hơn là cắt bỏ các ung thư thứ phát khác từ bướu thần kinh nội tiết (như carcinoid), ung thư thận hoặc ung thư tế bào hắc tố.

Ung thư gan nguyên phát cần cắt bỏ thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Đây là ung thư bắt nguồn từ tế bào gan (nguyên phát), và thường liên quan đến bệnh nền mãn tính ở gan. Ung thư nguyên phát của đường mật, gọi là ung thư đường mật, thường ít được cắt bỏ hơn.

Việc lựa chọn phẫu thuật này để điều trị tùy thuộc vào:

  • Mức độ gan bị ảnh hưởng;
  • Kích thước của (các) khối bướu;
  • Vị trí của các khối bướu trong gan;
  • Bệnh nhân có khối bướu bên ngoài gan không;
  • Bệnh nhân có bị ung thư ruột không, cho dù khối bướu trong ruột đã được điều trị hoặc có thể điều trị;
  • Bệnh nhân có bệnh lý nền ở gan như viêm gan mãn tính hoặc xơ gan và mức độ rối loạn chức năng gan;
  • Tổng trạng của bệnh nhân.

Trường hợp khác cần chỉ định cắt gan là sỏi gan. Việc cắt bỏ (các) phân thùy gan bị ảnh hưởng giúp lấy sỏi, loại bỏ sự tắc nghẽn và ứ đọng mật do hình thành sỏi, và loại bỏ nguy cơ ung thư đường mật.

PHẪU THUẬT CẮT GAN ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Quy trình phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân với thời gian khá dài, thường mất từ 3 đến 6 giờ và đôi khi lâu hơn. Hầu hết các trường hợp cắt gan là phẫu thuật mở thông qua một đường rạch (cắt) da ở bụng, được gọi là phẫu thuật mở bụng. Tuy nhiên, đôi khi việc cắt bỏ gan được thực hiện thông qua nội soi (phẫu thuật ít xâm lấn). Phẫu thuật này không dành cho tất cả bệnh nhân vì một số lý do bao gồm kích thước và/hoặc số lượng khối bướu cần cắt bỏ. Phẫu thuật nội soi cắt gan giúp bệnh nhân dễ chịu hơn với thời gian nằm viện ngắn hơn và ít đau sau phẫu thuật.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA NGAY SAU PHẪU THUẬT?

Sau khi kết thúc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng hồi tỉnh. Khi tỉnh lại, bệnh nhân sẽ được chuyển đến Khoa Săn Sóc Tích Cực (ICU) để nằm trong 1 hoặc 2 ngày, hoặc cho đến khi bệnh nhân đủ sức khỏe để trở lại phòng bệnh.

Tại ICU, bệnh nhân sẽ được gắn máy theo dõi để kiểm tra nhịp tim, huyết áp và lượng dịch. Bệnh nhân sẽ tỉnh táo nhưng nếu cảm thấy mệt hoặc buồn ngủ là điều khá bình thường.

BỆNH NHÂN CÓ ĐAU SAU PHẪU THUẬT?

Đau là điều bình thường sau loại phẫu thuật này. Bác sĩ gây mê và điều dưỡng sẽ kiểm tra để đảm bảo bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, và bệnh nhân sẽ được dùng thuốc để đau càng ít càng tốt. Điều này rất quan trọng vì bệnh nhân có thể hít thở sâu, ho và đi lại dễ dàng hơn. Từ đó giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu.

Sau phẫu thuật, thuốc giảm đau có thể được dùng qua đường ngoài màng cứng trong khoảng 3 ngày sau phẫu thuật hoặc phong bế thần kinh quanh vết thương. Bệnh nhân cũng có thể được gắn với máy bơm đặc biệt gọi là Máy bơm cho bệnh nhân tự kiểm soát đau (PCA) hoặc bệnh nhân được đặt các ống nhỏ trong bụng, gọi là ống thông vết mổ, để gây tê quanh vết sẹo. Sau 3 ngày đầu, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc giảm đau mạnh dạng viên qua đường uống.

Nếu bệnh nhân cảm thấy không thoải mái, hãy thông báo cho điều dưỡng phụ trách để hỗ trợ bệnh nhân.

CÓ NGUY CƠ KHI PHẪU THUẬT KHÔNG?

Tất cả các phẫu thuật đều có nguy cơ. Các biến chứng chiếm khoảng 20% số ca phẫu thuật nhưng hầu hết đều nhẹ và dễ giải quyết.

Các biến chứng cụ thể khi thực hiện phẫu thuật cắt gan bao gồm:

  • Nhiễm trùng phổi: do đường rạch trên bụng, bệnh nhân có thể cảm thấy khó hít thở sâu hoặc ho, từ đó dẫn đến nhiễm trùng phổi. Chuyên viên vật lý trị liệu và điều dưỡng sẽ hướng dẫn bệnh nhân tập thở để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng phổi. Bệnh nhân cũng được khuyến khích nên đứng dậy và đi lại càng sớm càng tốt sau phẫu thuật. Nguy cơ gây biến chứng hô hấp sẽ tăng ở bệnh nhân thừa cân hoặc hút thuốc;
  • Nhiễm trùng vết mổ: mặc dù đã được điều trị kháng sinh dự phòng (dùng kháng sinh ngay trước phẫu thuật vài giờ, và trong thời gian tối đa là 24 giờ) nhưng vết mổ vẫn có thể bị nhiễm trùng. Điều dưỡng sẽ kiểm tra thường xuyên các dấu hiệu nhiễm trùng đồng thời giữ vết thương sạch và khô. Nếu nhiễm trùng, bệnh nhân có thể dùng thuốc kháng sinh. Đôi khi vết thương da cần được mở ra và cần thời gian lâu hơn để lành da;
  • Cục máu đông ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu) và thuyên tắc phổi: bệnh nhân được khuyến cáo nên đi lại càng sớm càng tốt sau phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được cung cấp loại vớ phẫu thuật đặc biệt để mang khi nằm viện và tiêm thuốc làm loãng máu. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện một số bài tập chân giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông, để bệnh nhân có thể tập đứng và bắt đầu tập đi chậm;
  • Rò rỉ mật từ mặt cắt gan chiếm 5-10% số ca. Tình trạng này thường tự giới hạn và được điều trị bằng cách dẫn lưu ra ngoài. Đôi khi cần nội soi để giải áp đường mật, và hiếm khi cần phẫu thuật lại;
  • Chảy máu tại thời điểm phẫu thuật hoặc ngay sau phẫu thuật có thể cần truyền máu hoặc phẫu thuật lại. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này được giải quyết mà không cần can thiệp thêm;
  • Suy gan có thể xảy ra nếu phần gan còn lại không đủ để hỗ trợ chức năng bình thường. Điều này thường xảy ra ở bệnh nhân bị viêm gan mãn tính và xơ gan. Suy gan có thể dẫn đến phù chân, vàng da tiến triển và lơ mơ. Nếu tình trạng này xảy ra, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc để hỗ trợ gan cho đến khi gan hồi phục và các bác sĩ chuyên khoa gan sẽ tham gia vào việc điều trị cho bệnh nhân;
  • Tử vong: tỷ lệ bệnh nhân tử vong trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật là dưới 1% do các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến phẫu thuật hoặc do một số vấn đề y khoa khác. Bệnh nhân có thể thảo luận về những nguy cơ của mình với bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê trước khi phẫu thuật. Do phẫu thuật cắt gan thường được thực hiện sau chẩn đoán ung thư nên cần cân nhắc giữa nguy cơ của việc không phẫu thuật với nguy cơ của chính ca phẫu thuật.

BỆNH NHÂN SẼ NẰM BAO LÂU TRÊN GIƯỜNG BỆNH?

Việc đi lại càng sớm càng tốt sau phẫu thuật giúp tăng cường tuần hoàn và ngăn ngừa nhiễm trùng phổi, viêm phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu. Ngoài ra, nó còn giúp kích thích ruột bắt đầu hoạt động trở lại.

Trong vài ngày đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gắn máy theo dõi và truyền dịch, thời điểm này, bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt và yếu. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn cách hít thở sâu và thực hiện các bài tập chân, bệnh nhân được khuyến khích vận động trên giường bệnh. Bệnh nhân sẽ được hỗ trợ xuống giường, ngồi vào ghế và đi bộ quãng đường ngắn càng sớm càng tốt sau phẫu thuật.

BỆNH NHÂN SẼ NẰM VIỆN TRONG BAO LÂU?

Hầu hết bệnh nhân có thể xuất viện 8 ngày sau phẫu thuật. Thời gian nằm viện sẽ tùy thuộc vào tốc độ hồi phục của bệnh nhân sau phẫu thuật, tổng trạng và các biến chứng.

Sau khi có thể tự ăn uống và đi lại, và bác sĩ phẫu thuật xác nhận quá trình tiến triển và hồi phục tốt, bệnh nhân có thể xuất viện.

KHI NÀO BỆNH NHÂN CÓ THỂ TRỞ LẠI BÌNH THƯỜNG?

Bệnh nhân sẽ mất một thời gian để lấy lại năng lượng đã có trước khi phẫu thuật. Điều quan trọng cần lưu ý là quá trình này có thể mất nhiều tuần và thậm chí vài tháng trước khi bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh hoàn toàn.

Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, tăng dần mức độ hoạt động. Điều quan trọng là phải tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày sau khi về nhà nhưng không tập quá sức. Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội sẽ giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe.

Bệnh nhân có thể cần sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè để mua sắm và dọn dẹp trong vài tuần đầu ở nhà.

Bệnh nhân nên tránh nâng vật nặng và lái xe trong 6 tuần sau phẫu thuật.

BỆNH NHÂN CÓ THỂ UỐNG RƯỢU BIA SAU KHI VỀ NHÀ KHÔNG?

Bệnh nhân nên tránh uống rượu bia ít nhất 3 tháng sau phẫu thuật cắt gan. Đây là thời gian gan đang tái tạo. Sau khoảng thời gian này, bệnh nhân có thể uống rượu bia ở mức độ vừa phải.

Zalo