Phục Hồi Chức Năng Sau Phẫu Thuật Thay Khớp Háng

Nếu bạn đang có kế hoạch phẫu thuật thay khớp háng – hoặc mới thay khớp háng – thì tài liệu này sẽ giúp bạn hiểu rằng chương trình phục hồi chức năng có thể giúp bạn chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật thế nào, cũng như hướng dẫn trong quá trình hồi phục để bạn có thể sớm trở lại với lối sống năng động và độc lập một cách nhanh chóng hơn.

Nếu vừa thay khớp háng trong vài tháng qua thì bạn có thể tìm thấy một số lời khuyên và lời nhắc nhở hữu ích về cách thực hiện các hoạt động hằng ngày và đẩy nhanh quá trình hồi phục.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẠN CÓ THỂ CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG THỂ CHẤT CỦA MÌNH TRƯỚC PHẪU THUẬT THAY KHỚP HÁNG?

Trước khi phẫu thuật thay khớp háng đã dự kiến, điều quan trọng là bạn phải cải thiện tình trạng thể chất của mình. Để cơ thể có điều kiện tốt nhất cho phẫu thuật thành công, bác sĩ phẫu thuật khuyến cáo bạn nên:

  • Ngưng hút thuốc và uống rượu;
  • Tiếp tục duy trì vận động đều để tim khỏe mạnh;
  • Tập luyện với chuyên viên vật lý trị liệu để cải thiện sức khỏe, tăng sức mạnh cơ, giảm đau và học cách đi với nạng;
  • Giảm cân theo hướng dẫn của chuyên viên dinh dưỡng và có chế độ ăn uống cân bằng.

BẠN NÊN CHUẨN BỊ MÔI TRƯỜNG TRONG NHÀ NHƯ THẾ NÀO ĐỂ TRỞ VỀ AN TOÀN SAU PHẪU THUẬT?

Trong vài tuần đầu sau khi phẫu thuật, khả năng di chuyển của bạn sẽ bị giới hạn. Vì vậy, trước khi phẫu thuật, bạn nên chuẩn bị môi trường trong nhà của mình bằng cách loại bỏ tất cả các chướng ngại vật và mối nguy hiểm tiềm ẩn để phòng ngừa té ngã và tai nạn:

  • Tháo các loại thảm trải sàn, thảm tấm và dây cáp trên sàn nhà;
  • Đảm bảo sàn nhà trong phòng tắm hoặc nhà bếp không trơn trợt;
  • Đảm bảo bệ ngồi vệ sinh đủ cao để giữ khớp háng cao hơn khớp gối của bạn;
  • Sắp xếp nhà bếp để bạn có thể đứng nấu ăn;
  • Tránh để các vật dụng cần thiết trên sàn nhà hoặc trong các tủ ở dưới thấp, đặc biệt là trong nhà bếp hoặc phòng ngủ;
  • Đảm bảo có bố trí ghế ngồi thoải mái;
  • Chuẩn bị một cái giường ở tầng trệt trong nhà để bạn không phải lên xuống cầu thang khi mới trở về sau khi phẫu thuật;
  • Mang các loại giày dép dễ mang và có đế cao su để tránh trơn trợt.

TẠI SAO BẠN CẦN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT THAY KHỚP HÁNG?

Chương trình phục hồi chức năng sẽ được bắt đầu ngay sau khi phẫu thuật để giúp bạn có thể trở lại lối sống năng động và độc lập một cách an toàn. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ giúp bạn kiểm soát đau hiệu quả, tăng sức mạnh cơ, cải thiện dáng đi, tăng cường khả năng di chuyển và khả năng tự thực hiện các công việc hàng ngày.

Trong quá trình phục hồi chức năng, bạn sẽ được học kiến thức chung về cách bảo vệ khớp háng với một chương trình tập luyện riêng biệt cho từng bệnh nhân.

KHI NÀO BẠN NÊN BẮT ĐẦU CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT?

Khi bạn được phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ trao đổi với bạn về việc bắt đầu chương trình phục hồi chức năng nội trú hàng ngày với chuyên viên vật lý trị liệu. Các bước đầu tiên của chương trình này bao gồm:

  • Đặt tư thế thoải mái và an toàn;
  • Kiểm soát đau và sưng;
  • Có thể đứng và bắt đầu đi với dụng cụ trợ giúp;
  • Học cách cử động để tránh trật khớp hang;
  • Học cách sắp xếp môi trường xung quanh để di chuyển an toàn;
  • Tăng cường vận động khớp và sức mạnh cơ;
  • Học cách đi lại với dụng cụ trợ giúp và lên xuống cầu thang để chuẩn bị trở về nhà.

Sau khi xuất viện, bác sĩ phẫu thuật có thể đề nghị bạn tiếp tục chương trình theo dõi phục hồi chức năng ngoại trú với chuyên viên vật lý trị liệu. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn thì thông thường cần phải thực hiện thêm một vài buổi trước khi bạn phục hồi hoàn toàn cơ chế dáng đi bình thường không dùng nạng.

BẠN NÊN ĐỐI PHÓ VỚI CƠN ĐAU NHƯ THẾ NÀO?

Trước và sau khi phẫu thuật, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ giúp bạn kiểm soát đau bằng hàng loạt các kỹ thuật không sử dụng thuốc như:

  • Liệu pháp chườm lạnh và chườm lạnh có áp lực;
  • Đặt tư thế chân, kéo giãn cơ chân và tập luyện;
  • Vận động khớp chủ động;
  • Kích thích thần kinh qua da (TENS).

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ ĐẨY NHANH QUÁ TRÌNH PHỤC HỒI?

Sự hồi phục của bệnh nhân sẽ tiến triển theo từng ngày và chuyên viên vật lý trị liệu sẽ là người hướng dẫn bệnh nhân trong quá trình phục hồi chức năng. Trong khi đó, bạn nên:

  • Tránh mọi hoạt động gắng sức;
  • Tránh mọi tư thế và động tác không được bác sĩ phẫu thuật và chuyên viên vật lý trị liệu cho phép;
  • Tập luyện theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu, đảm bảo không tập quá sức;
  • Kiểm soát đau và sưng bằng cách nâng cao chân và tuân thủ liệu pháp chườm lạnh;
  • Tập đi theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu;
  • Tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, thay vào đó là đi bộ thường xuyên với khoảng cách ngắn;
  • Mang vớ áp lực theo đề nghị của bác sĩ phẫu thuật.

Bạn sẽ có nguy cơ té ngã cho đến khi chức năng chân phục hồi hoàn toàn. Không nên thực hiện các hoạt động như rời khỏi giường và đi lên xuống cầu thang một mình khi chưa được đề nghị.

CÓ NGUY CƠ TRẬT KHỚP HÁNG SAU PHẪU THUẬT THAY KHỚP HÁNG KHÔNG?

Bạn sẽ có nguy cơ cao trật khớp háng trong ba tháng đầu tiên sau phẫu thuật thay khớp háng, sau đó nguy cơ này sẽ giảm dần nếu bạn tiếp tục tăng cường sức mạnh cơ quanh vùng khớp háng và tất nhiên bạn sẽ tự tránh các động tác có thể gây trật khớp háng .

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ TRÁNH TRẬT KHỚP HÁNG SAU PHẪU THUẬT?

Để tránh trật khớp háng, bạn cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa:

  • Không gập khớp háng quá 90 độ khi ngồi hoặc cúi người về phía trước;
  • Không xoay chân phẫu thuật vào trong;
  • Không bắt chéo chân phẫu thuật lên trên hoặc xuống dưới chân không phẫu thuật, ở cả hai vị trí đầu gối hoặc mắt cá chân.

1. Trong khi nằm và khi ngủ




Khi nằm ngửa:
KHÔNG bắt chéo chân.




Khi nằm nghiêng:

KHÔNG nằm nghiêng về bên không phẫu thuật với chân phẫu thuật hướng vào trong.

NÊN đặt một cái gối giữa hai đầu gối khi nằm nghiêng về bên không phẫu thuật.

Khi lên hoặc xuống giường:
NÊN:

– Rời khỏi giường bằng bên chân phẫu thuật, giữ hai đùi cách xa nhau. Di chuyển chân khỏe từ từ ra mép giường. Giữ hai chân thẳng và cách xa nhau, nâng cơ thể lên bằng cách đặt hai bàn tay ở phía sau khớp hông;

– Lên giường bằng cách trượt bên chân khỏe xuống giường, giữ hai đùi cách xa nhau. Ngồi ở cạnh giường, vừa đẩy khớp hông về phía trước và giữ hai chân thẳng vừa dùng hai bàn tay đặt cơ thể lên giường rồi nằm xuống.

KHÔNG:
– Xoay chân phẫu thuật;
– Ngồi ở cạnh giường và đặt mông thấp hơn khớp gối.







2. Khi ở tư thế ngồi

NÊN ngồi ở tư thế khớp háng cao hơn khớp gối. Đặt một cái gối cứng ở trên ghế có thể giúp bạn ở tư thế này.

KHÔNG gập khớp háng đã phẫu thuật quá 90 độ.

KHÔNG ngồi chồm hổm.

KHÔNG bắt chéo chân phẫu thuật lên trên hoặc xuống dưới chân không phẫu thuật.

3. Khi ngồi xuống hoặc đứng lên.

Để đứng lên từ tư thế ngồi, nắm tay vịn, ngồi sát mép ghế, đặt chân không phẫu thuật ra phía sau, đưa chân phẫu thuật ra phía trước và chống hai tay để đứng lên

Để ngồi xuống từ tư thế đứng, lùi về phía sau cho đến khi chạm ghế, đưa chân phẫu thuật ra phía trước, nắm tay vịn và đặt chân không phẫu thuật ra phía sau, rồi hạ cơ thể xuống ghế.

KHÔNG gập người về phía trước khi đứng lên hay ngồi xuống.

4. Khi ở tư thế đứng

NÊN:
– Xoay cơ thể và bàn chân cùng một lúc;
– Sử dụng dụng cụ trợ giúp đi theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu.

KHÔNG xoay chân phẫu thuật vào trong khi đang đặt trọng lực trên chân đó, đặc biệt là khi xoay cơ thể.

KHÔNG gập người để lấy các vật dụng trên sàn nhà.

NÊN:
– Sử dụng kẹp gắp để lấy các vật dụng dưới sàn nhà mà không phải gập người;
– Sử dụng dụng cụ đón gót giày có tay cầm dài để trượt gót chân vào trong giày;
– Sử dụng bông tắm hoặc bàn chải có tay cầm dài để làm sạch bàn chân.

5. Hoạt động thường ngày

Sử dụng nhà vệ sinh

– Sử dụng bệ ngồi vệ sinh cao để giữ khớp hông cao hơn khớp gối;
– Lắp đặt một tay vịn kế bên bồn cầu để hỗ trợ khi ngồi xuống và đứng lên.

Tắm

– Sử dụng ghế tắm trong khi tắm để tránh gập người quá mức về phía trước;
– Lắp đặt các tay vịn trong nhà tắm hoặc trên bồn tắm để hỗ trợ bạn khi đi vào hoặc đi ra;
– Sử dụng bông tắm có tay cầm dài và vòi sen để làm sạch bàn chân;
– Yêu cầu người khác giúp đỡ khi bạn cần chăm sóc móng chân.

Mặc quần áo

KHÔNG gập người về phía trước để lấy quần áo, mặc quần dài hoặc mang giày.

NÊN:
– Sử dụng dụng cụ hỗ trợ mang vớ hoặc dụng cụ đón gót giày có tay cầm dài để tránh gập khớp háng đã phẫu thuật trong khi ngồi;
– Yêu cầu giúp đỡ hoặc sử dụng các dụng cụ trợ giúp để mặc đồ lót hoặc quần dài.

Khi lái xe máy hoặc xe hơi

Để đi vào xe hơi:
– Đẩy ghế xe hơi ra phía sau càng xa càng tốt;
– Vừa ngồi xuống vừa trượt chân về phía trước;
– Vừa trượt cơ thể sang tư thế nửa nằm nửa ngồi vừa xoay chân và cơ thể cùng một lúc.

Để an toàn, hãy trao đổi với bác sĩ để biết khi nào bạn có thể lái xe máy hoặc xe hơi trở lại.

KHI NÀO BẠN NÊN LIÊN HỆ VỚI CHUYÊN VIÊN VẬT LÝ TRỊ LIỆU?

Bất kỳ lúc nào trong và sau chương trình phục hồi chức năng, bạn đừng ngần ngại liên hệ với chuyên viên vật lý trị liệu khi:

  • Khớp háng đau nhiều hơn sau khi tập luyện;
  • Chân bị sưng sau khi tập luyện;
  • Bạn không thể tập luyện theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu;
  • Bạn dự định hoặc muốn thử thách với các hoạt động thể chất mới;
  • Bạn cảm thấy khớp háng cứng hơn hoặc khó chịu hơn bình thường;
  • Bạn cần lời khuyên để thực hiện các hoạt động thường ngày.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ
Bệnh viện FV – Khoa Vật lý trị liệu & Phục hồi chức năng
Tòa nhà F, tầng 1
Số ĐT trực tiếp của Khoa: (028) 54 11 33 40
Hoặc số ĐT của Bệnh viện FV (028) 54 11 33 33 và số máy nhánh: 1085 or 1485
Email: rehabilitation@fvhospital.com

Zalo