Tổng quan về đường huyết

Tiểu đường là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu cao hơn mức bình thường. Việc duy trì đường huyết trong giới hạn mục tiêu có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các vấn đề về sức khỏe do tiểu đường gây ra. Hầu hết các bước cần thiết để kiểm soát tiểu đường là những việc bạn có thể tự thực hiện được:

  • Ăn uống có kế hoạch;
  • Hoạt động thể chất;
  • Sử dụng thuốc;
  • Cố gắngđạt đường huyết mục tiêu thường xuyên;
  • Theo dõi các chỉ số đường huyết dựa vào kết quả kiểm tra đường huyết hàng ngày và xét nghiệm

Các triệu chứng của tiểu đường là gì?

Các triệu chứng thường gặp của tiểu đường chưa được chẩn đoán là:

  • Uống nhiều (khát nước một cách bất thường)
  • Tiểu nhiều (lượng nước tiểu tăng quá mức)
  • Ăn nhiều (ăn quá mức bình thường)
  • Mệt mỏi
  • Giảm cân
  • Mờ mắt
  • Chậm lành vết thương
  • Ngứa vùng sinh dục
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Khô miệng
  • Đau chân.

Các triệu chứng của tiểu đường phát triển nhanh như thế nào?

Việc hiểu và nhận biết các triệu chứng của tiểu đường là rất cần thiết. Việc phát hiện tiểu đường ở giai đoạn sớm có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự hình thành các biến chứng nghiêm trọng.

Tiểu đường tuýp 1

Ở tiểu đường tuýp 1, các dấu hiệu và triệu chứng có thể hình thành rất nhanh, và có thể phát triển đáng kể trong khoảng thời gian vài tuần hoặc thậm chí vài ngày – đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Ở trẻ em và thanh thiếu niên, các dấu hiệu như tiểu nhiều, khát nhiều, mệt mỏi và giảm cân đột ngột có xu hướng trở thành các triệu chứng đáng chú ý nhất.

Tiền sử gia đình có tiểu đường tuýp 1 có thể làm tăng nguy cơ phát triển tiểu đường tuýp 1.

Tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 có xu hướng phát triển chậm hơn, thường trong khoảng thời gian vài tháng hoặc vài năm và cũng có thể hình thành từ tình trạng tiền tiểu đường.

Các triệu chứng có thể xuất hiện rất chậm, điều này làm cho việc nhận biết các dấu hiệu trở nên khó khăn hơn.

Việc bệnh nhân sống cùng bệnh tiểu đường tuýp 2 trong nhiều năm nhưng không biết về tình trạng của mình không phải là trường hợp hiếm thấy. Đôi khi, các trường hợp tiểu đường chưa chẩn đoán này chỉ có thể được phát hiện trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Các đường huyết mục tiêu cho người bị tiểu đường là gì?

Dưới đây là các chỉ số mục tiêu của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) dành cho người lớn không mang thai. Hãy trao đổi với nhân viên y tế về đường huyết mục tiêu của bạn.

Đường huyết mục tiêu của ADAKết quả thường lệMục tiêu
Trước khi ăn:

70 đến 130 mg/dL

 

______ đến______

 

______ đến______

2 giờ sau khi bắt đầu ăn:

dưới 180 mg/dL

 

 

dưới______

 

 

dưới______

Làm thế nào để theo dõi nồng độ đường huyết?

Việc kiểm tra đường huyết sẽ cho biết bạn có đạt đường huyết mục tiêu của mình hay không. Có 2 cách để kiểm tra:

  • Sử dụng máy đo đường huyết để kiểm tra đường huyết của bạn tại thời điểm đo;
  • Xét nghiệm HbA1c ít nhất hai lần một năm.
Làm thế nào để sử dụng máy đo đường huyết?

Nhiều người sử dụng máy đo đường huyết để kiểm tra đường huyết nhiều lần trong ngày. Hãy trao đổi với nhân viên y tế về thời điểm và số lần kiểm tra đường huyết của bạn. Nhân viên y tế có thể cung cấp sổ theo dõi để bạn ghi lại các chỉ số đường huyết của mình. Bạn có thể lựa chọn thức ăn, hoạt động thể chất, và các loại thuốc dựa vào chỉ số đường huyết này.

Kết quả đường huyết sẽ cho biết kế hoạch kiểm soát tiểu đường của bạn có hiệu quả hay không. Bạn có thể nhìn vào sổ theo dõi và kiểm tra xem các kết quả có lặp lại tương tự hay không, từ đó giúp bạn và nhân viên y tế có thể điều chỉnh kế hoạch kiểm soát tiểu đường để đạt chỉ số mục tiêu.

Xét nghiệm HbA1c là gì?

Xét nghiệm HbA1c, còn được gọi là xét nghiệm haemoglobin A1c hoặc glycated haemoglobin, là một xét nghiệm máu quan trọng giúp cung cấp thông tin chính xác về việc kiểm soát tiểu đường của bạn có hiệu quả hay không.

HbA1c xảy ra khi haemoglobin, là protein vận chuyển oxy trong các tế bào hồng cầu, gắn kết với glucose trong máu. Sự gắn kết với glucose được gọi là quá trình đường hóa (glycation).

Nồng độ đường huyết càng cao, thì số lượng tế bào hồng cầu bị đường hóa càng nhiều, và từ đó, nồng độ HbA1c sẽ tăng cao. Lưu ý rằng các tế bào hồng cầu sẽ tồn tại trong cơ thể khoảng 3 tháng, vì vậy chỉ số HbA1c thường phản ánh nồng độ đường huyết trong 8-12 tuần trước đó.

Chỉ số HbA1c dưới 6% là bình thường; từ 6% đến 6.4% là “tiền tiểu đường”, và từ 6.5% trở lên là tiểu đường tuýp 2.

Nên xét nghiệm Hb1Ac ít nhất 2 lần một năm, nếu chỉ số này vẫn quá cao, bạn có thể cần thay đổi kế hoạch kiểm soát tiểu đường.

Theo nghiên cứu của Thụy Điển được trình bày trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Châu Âu vào tháng 9 năm 2012, những người bị tiểu đường khi có HbA1c giảm xuống 1% thì có thể giảm 50% nguy cơ tử vong trong vòng 5 năm.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tăng đường huyết thường xuyên?

Tăng đường huyết xảy ra khi cơ thể có quá ít insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả.

Các nguyên nhân khác gây tăng đường huyết bao gồm:

  • Bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ có nhiều thức ăn hoặc nhiều tinh bột (carbs) hơn bình thường
  • Ít hoạt động thể chất
  • Không dùng đủ thuốctiểu đường
  • Tác dụng phụ của các loại thuốc khác
  • Nhiễm trùng hay mắc bệnh khác
  • Thay đổi nồng độ hormone, như trong thời kỳ kinh nguyệt
  • Căng thẳng.
Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết (thường gọi là đường huyết thấp), xảy ra khi nồng độ đường huyết giảm dưới 4 mmol/L (70mg/dL).

Trong khi nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng tiểu đường sẽ gây ra vấn đề khi nồng độ đường huyết cao, tuy nhiên ở một số người bị tiểu đường khi dùng thuốc có thể làm cho đường huyết hạ quá thấp và điều này có thể gây nguy hiểm.

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu hạ đường huyết sẽ giúp bạn điều trị tình trạng này nhanh chóng – nhằm đưa nồng độ đường huyết trở về giới hạn bình thường.

Ngoài ra, việc nhờ bạn bè và gia đình nhận biết giúp các dấu hiệu hạ đường huyết trong trường hợp bạn không thể nhận ra các triệu chứng cũng được khuyến cáo.

Các triệu chứng của hạ đường huyết là gì?

Các dấu hiệu hạ đường huyết điển hình bao gồm:

  • Mệt và yếu đột ngột
  • Khó tập trung
  • Thay đổi cảm xúc quá mức
  • Chóng mặt
  • Vã mồ hôi.

Các triệu chứng hạ đường huyết cũng có thể bao gồm:

  • Tái nhợt
  • Đói
  • Nhịp tim nhanh hơn bình thường
  • Mờ mắt
  • Lơ mơ
  • Co giật
  • Mất ý thức
  • Và trong trường hợp nghiêm trọng là hôn mê.

Hầu hết mọi người đều có vài dấu hiệu cảnh báo trước khi khởi phát tình trạng hạ đường huyết. Tuy nhiên, một số trường hợp tiểu đường có thể không có hoặc có rất ít các dấu hiệu cảnh báo trước khi khởi phát tình trạng hạ đường huyết đột ngột hoặc nghiêm trọng.

Ai là người có nguy cơ hạ đường huyết?

Dù tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra cho bất kỳ ai, nhưng hạ đường huyết nguy hiểm có thể xảy ra cho những người dùng các loại thuốc sau:

  • Insulin
  • Sulphopnylureas (như glibenclamide, gliclazide, glipizide, glimepiride, tolbutamide)
  • Prandial glucose regulators (như repaglinide, nateglinide).

Điều quan trọng là bạn phải biết thuốc tiểu đường của mình có nguy cơ gây hạ đường huyết hay không. Nếu bạn không chắc chắn về điều này, hãy đọc tờ thông tin hướng dẫn bệnh nhân đi kèm với mỗi loại thuốc hoặc trao đổi với bác sĩ của bạn.

Nguyên nhân gây hạ đường huyết là gì?

Dù thuốc là yếu tố chính liên quan đến tình trạng hạ đường huyết ở những người bị tiểu đường, nhưng các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.

Các yếu tố liên quan đến nguy cơ cao gây hạ đường huyết bao gồm:

  • Liều thuốc quá cao (insulin hoặc các loại thuốc gây hạ đường huyết)
  • Ăn muộn
  • Tập thể dục
  • Uống rượu bia.

Bạn có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ của các yếu tố gây hạ đường huyết.

Hạ đường huyết nguy hiểm như thế nào?

Các triệu chứng hạ đường huyết có thể xuất hiện từ nhẹ đến nặng.

Hạ đường huyết nhẹ thường có thể tự điều trị hoặc được xem là bình thường ở mức độ nào đó cho người đang dùng insulin. Tình trạng này không liên quan đến các vấn đề về sức khỏe lâu dài trừ khi chúng xảy ra rất thường xuyên hoặc xảy ra trong một khoảng thời gian dài.

Tuy nhiên, tình trạng hạ đường huyết nặng sẽ cần người khác điều trị và có thể phải gọi cấp cứu. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm ngay lập tức nếu không được điều trị tức thì. Hạ đường huyết nặng có khả năng gây hôn mê và tử vong tuy trường hợp này hiếm gặp.

Làm thế nào để điều trị hạ đường huyết?

Hạ đường huyết có thể nhanh chóng trở nên nguy hiểm nếu không được điều trị. Vì vậy, điều quan trọng là ngay khi bạn phát hiện hoặc xác nhận bị hạ đường huyết, hãy tiến hành điều trị ngay lập tức.

Để điều trị hạ đường huyết, bạn cần khoảng 15 đến 20 gram carbohydrate tác dụng nhanh. Carbohydrate tác dụng nhanh là thực phẩm dễ dàng chuyển hóa thành đường trong cơ thể, như kẹo, nước trái cây, nước ngọt thông thường – không phải loại dành cho người ăn kiêng, hoặc viên glucose. Thực phẩm chứa chất béo hoặc chất đạm không phải là thứ giúp điều trị tốt cho tình trạng hạ đường huyết, vì chất béo và chất đạm có thể làm chậm sự hấp thu đường trong cơ thể.

Viên glucose là một phương pháp điều trị lý tưởng vì chúng tác dụng rất nhanh và giúp đẩy lùi tình trạng hạ đường huyết nhanh chóng. Ngoài ra, chúng còn giúp đánh giá lượng đường mà bạn đang sử dụng tương đối dễ dàng.

Đôi khi, việc đánh giá lượng đường mà bạn đang sử dụng trong các loại thức uống có đường  sẽ hơi khó khăn nhưng chúng vẫn là nguồn cung cấp đường rất tốt trong trường hợp khẩn cấp.

15-20g đường có thể tìm thấy trong:

  • 160mL nước coca cola hoặc nước chanh có đường
  • 200mL (hộp giấy nhỏ) nước ép trái cây
  • 1 muỗng canh đường hoặc mật ong
  • 5 đến 7 viên kẹo cứng.

Kiểm tra lại đường huyết của bạn sau 15 phút. Nếu đường huyết vẫn còn dưới 70 mg/dL, hãy ăn một loại carbohydrate  khác. Lặp lại việc này cho đến khi đường huyết đạt ít nhất là 70 mg/dL.

Khi nồng độ đường huyết đã trở lại mức bình thường, điều quan trọng là bạn phải ăn một bữa ăn nhẹ hoặc bữa ăn chính để giúp ổn định lượng đường huyết. Điều này còn giúp cơ thể bổ sung lượng glycogen dự trữ có thể đã cạn kiệt trong quá trình hạ đường huyết.

Nếu các triệu chứng của bạn nặng hơn, làm bạn không còn khả năng bổ sung đường qua đường miệng, bạn có thể cần phải tiêm glucagon hoặc truyền glucose qua đường tĩnh mạch. Không đưa thức ăn hoặc thức uống cho người rối loạn ý thức,  vì họ có thể hít các chất này vào phổi.

Bạn nên làm gì khi hạ đường huyết thường xuyên?

Nếu tình trạng hạ đường huyết xảy ra thường xuyên, bạn cần thay đổi chế độ ăn, hoạt động thể chất, hoặc thuốc tiểu đường. Hãy theo dõi các thời điểm bạn bị hạ đường huyết. Lưu ý những nguyên nhân có khả năng xảy ra, như hoạt động thể chất ngoài ý muốn. Sau đó trao đổi lại với bác sĩ của bạn.

Nếu bạn có nguy cơ hạ đường huyết nặng, hãy trao đổi với bác sĩ để xem bạn có thích hợp dùng bộ dụng cụ glucagon tại nhà hay không. Thông thường, những người bị tiểu đường đang điều trị bằng insulin nên chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ glucagon để dùng trong trường hợp hạ đường huyết khẩn cấp. Gia đình và bạn bè cần biết nơi để bộ dụng cụ này và được hướng dẫn cách sử dụng trước khi xảy ra trường hợp khẩn cấp.

Thông tin này chỉ dành cho mục đích cung cấp thông tin và không dùng để thay thế cho việc thăm khám tư vấn với bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn có câu hỏi liên quan đến tình trạng sức khỏe, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn.

Zalo